Theo cây viết Karen Lim - sống và làm việc tại Bhutan từ tháng 4.2018, khi bạn hỏi người Bhutan rằng họ có hạnh phúc không, hầu hết sẽ trả lời là có. Karen Lim cho biết, sau thời gian sống và làm việc ở Bhutan "những gì tôi học được về hạnh phúc là nó không phải là mục tiêu cuối cùng. Đó là hành trình và chuyên chú theo đuổi hạnh phúc dẫn tới sự viên mãn trong cuộc đời mỗi người cũng như góp phần vào sự bình an trong tâm hồn". Công ty tư vấn và phân tích Gallup đã xếp hạng Bhutan thứ 97 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018.
Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo báo cáo này, lại là những quốc gia giàu nhất thế giới như Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch. Tuy nhiên, trở thành một quốc gia giàu có không phải là sự theo đuổi cuối cùng của Bhutan. Những năm 1970, vị vua thứ 4 của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck có câu nói nổi tiếng rằng: "Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội". Và vì thế, người Bhutan bắt đầu theo đuổi mục tiêu quốc gia này.
Bhutan cẩn trọng trong các bước đi cần thiết để phát triển. Các quyết định và chính sách phải tuân thủ hướng dẫn của GNH về bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, quản trị tốt và phát triển kinh tế xã hội bền vững. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiền không làm cho con người hạnh phúc. Ở Bhutan, mức thu nhập trung bình hàng tháng của một công chức dao động từ 400-600 USD. Sau khi khấu trừ các cam kết tài chính như tiền thuê nhà, phần còn lại chỉ đủ để tiết kiệm.
Dù vậy, người Bhutan nỗ lực, hài lòng và biết ơn về tất cả những gì họ có. Theo Karen Lim, đó có lẽ là nhờ tư duy Phật giáo về sống trọn vẹn từng phút giây ở hiện tại, người Bhutan sống cuộc sống hàng ngày của họ dù thiếu thốn đảm bảo về tài chính và rất biết ơn với các vị vua của đất nước, tận tâm với công việc của họ, yêu đất nước tươi đẹp và gia đình của họ. Ở Bhutan, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ được thành lập để trao quyền hoặc hỗ trợ cho những người bị thiệt thòi.
Thay vì rơi vào hai thái cực của các doanh nghiệp hoàn toàn có lợi nhuận và các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp địa phương đã tìm cách thành lập các doanh nghiệp xã hội, để đóng góp cho xã hội và môi trường. Các doanh nghiệp này, đang đóng góp trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý rác thải, phát triển nông thôn tới trao quyền cho phụ nữ. Những sáng kiến này cho thấy rằng người Bhutan không có ý định kiếm lợi nhuận, mà là để giúp đỡ đồng bào họ.
Ví dụ, sáng kiến thân thiện với môi trường Nazhoen Pelri - đơn vị tái chế giấy thải đầu tiên của Bhutan sản xuất trung bình 20.000 khay trứng mỗi tuần từ vật liệu phế thải và có nhân công là những thanh niên vừa cai nghiện ma túy thành công để giúp họ tái hòa nhập xã hội. Một sáng kiến khác là MAD Bhutan - một công ty lữ hành có trụ sở tại Singapore, với các kênh để mang lợi nhuận của công ty tới các trường học ở vùng nông thôn Bhutan.
Với khoảng 735.000 dân cư, Bhutan là cộng đồng chặt chẽ, nơi mọi người biết nhau. Một cá nhân luôn là anh em họ, người thân hoặc cộng sự của ai đó. Một cộng đồng nhỏ giúp thúc đẩy mối quan hệ họ hàng và hòa hợp, không giống như các cộng đồng sống trong các thành phố lớn, toàn cầu hóa. Thời gian ở Bhutan được dành nhiều để vun đắp những mối quan hệ đó, thường là những người anh em họ thường ở bên cạnh nhau, cùng nâng cốc bia, uống cốc trà, chơi các môn thể thao như bắn cung, phi tiêu và bóng đá.
Láng giềng quen biết nhau và dừng lại trò chuyện giữa đường, người thân luôn sẵn sàng khi bạn cần họ giúp đỡ trong các nghi lễ gia đình và nếu bạn cần giúp đỡ trong việc mua một chiếc kira lụa đẹp (trang phục truyền thống của phụ nữ Bhutan), luôn có ai đó biết một thợ dệt ở đâu đó. Với một cộng đồng gần gũi như thế, sự giúp đỡ luôn sẵn có khi bạn cần. Lòng trắc ẩn là một trong những đặc điểm không thể thiếu của người dân Bhutan và bạn có thể chứng kiến điều đó trong cách họ đối xử với động vật, đặc biệt là những chú chó đi lạc ở đây.
Những con chó đi lạc lang thang trên đường phố - dọc theo các con đường, ngủ trưa ngay trước cửa nhà và thậm chí vào các cửa hàng nhiều lần - nhưng sẽ hiếm khi thấy một người Bhutan đuổi một con chó đi hoặc đánh nó. Những con vật này đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của những người sống ở đây đến nỗi một số người dân địa phương cho chó ăn thường xuyên. Người Bhutan thích làm những buổi dã ngoại và thức ăn thừa luôn được trao cho những chú chó.
Lòng trắc ẩn cũng dễ thấy trong sự hỗ trợ tập thể cũng như những lời động viên trên mạng xã hội khi những bi kịch xảy ra hoặc khi một cá nhân nào đó cần hỗ trợ. Sự đoàn kết và lòng trắc ẩn luôn được khuyến khích và truyền cảm hứng. Karen Lim cho biết, cô đã chứng kiến những người ăn xin cao tuổi đi vào văn phòng xin bố thí và họ không bao giờ bị ngoảnh mặt quay lưng. Thay vào đó, mọi người đều lấy ví của mình để đưa tiền cho người già.
Thủ tướng Lotay Tshering của Bhutan thường khám bệnh miễn phí cho người bệnh ngoài giờ và cuối tuần. Rõ ràng gần gũi với thiên nhiên tạo ra cảm giác an yên và hạnh phúc cho nhiều người. Những khu rừng và những ngọn núi trải dài ở Bhutan với những cây thông dày đặc. Bảo tồn và bảo vệ môi trường là rất quan trọng với người Bhutan, điều bắt buộc trong Hiến pháp là bất kỳ lúc nào, ít nhất 60% lãnh thổ Bhutan phải được bao phủ bởi rừng. Nhờ vậy, Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới âm carbon (carbon-negative).
Nguồn: Thanh Hà - laodong.vn