Lời lẽ trong thư của Lê Trực cũng khéo léo, lịch sự, trong đó ông cố ý tạo cho Mouteaux cái cảm tưởng ông đang chán nản, thất vọng để không tích cực truy tìm ông nữa. Không lâu sau, khi biết được ngoài mặt tuy hòa hoãn mà bên trong Lê Trực vẫn sát cánh cùng Nguyễn Phạm Tuân trên chiến tuyến kháng Pháp, Mouteaux thông báo là y sẽ không duy trì tình thân hữu nữa mà sẽ sát hại vị đề đốc Việt Nam khi có dịp đối đầu nhau. Tháng 2.1887, khi Mouteaux đưa quân ngược sông Gianh lập một đồn mới tại Minh Cầm thì hoạt động của cả hai lực lượng nghĩa quân dưới quyền Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân bắt đầu lâm vào tình thế khó khăn.
Ngày 1 tháng 3 âm lịch, nhằm ngày 25.3.1887, Lê Trực gửi cho Mouteaux một bức thư có nội dung sau: ” …Tháng 12 năm rồi, khi ông viết thư cho tôi yêu cầu chấm dứt sự thù nghịch và giải tán lực lượng của tôi, tôi đã trả lời ông và cử đến Quảng Khê một phái viên mang theo quà biếu để chứng tỏ tấm lòng thành của tôi. Từ đó, tôi trải qua một đời sống yên bình trong vùng rừng núi Quảng Trạch và đã ra lệnh lập lại sự yên ổn giữa những người lương và giáo. Bây giờ ông lại lập đồn mới (tức đồn Minh Cầm-LN) và lùng sục khắp vùng rừng sâu núi thẳm. Khi xây dựng đồn bốt này, ông đã làm cho dân chúng bất an, không phải vì họ hận thù các ông, mà vì các ông đã gieo mối nghi ngờ vào lòng họ: khi làm như thế, các ông đã đánh mất tăm tiếng là những người thận trọng và khôn ngoan.
Chính vì thế, tôi yêu cầu ông hãy quay lại đồn cũ Quảng Khê, nơi một lần nữa tôi có thể chứng tỏ tình thân hữu với ông; tôi sẽ hết lòng vui mừng về điều này và cư dân trong vùng sẽ tìm thấy lại sự yên bình.” (L. Cadière -BAVH số 1- 1944- Sđd-Trang 88-89). Lời lẽ của bức thư cho thấy vị trí chiến lược của đồn Minh Cầm đã gây khó khăn rất nhiều cho các lực lượng nghĩa quân trong vùng. Nhận được thư Lê Trực, Mouteaux trả lời rằng y chỉ có thể khuyên vị đề đốc hãy thực hiện đúng theo những gì mà bản tuyên cáo đã yêu cầu các lãnh tụ nghĩa quân (y gọi là những “lãnh tụ phản loạn”) phải làm là đầu hàng triều đình mới (của vua Đồng Khánh).
Mọi việc diễn biến đúng với ý đồ của Mouteaux. Những cuộc thất trận nối tiếp nhau, bên cạnh đó, bệnh tật, đói rét giữa rừng sâu khiến nhiều nghĩa quân không chịu đựng nổi, họ ra hàng ngày càng nhiều, đến ngày 1.7.1887, con số này đã là 178 người. Lê Trực lâm vào tình thế vô cùng nan giải, nhưng ông vẫn giữ một lòng trung nghĩa với vua Hàm Nghi. Ông rút sâu hơn vào rừng núi, vừa tìm cách bảo vệ nhà vua, lúc bấy giờ đang trú ở thượng nguồn sông Gianh, vừa chiêu mộ thêm nghĩa quân. Đầu tháng 11.1888, một biến cố lớn xảy ra: vua Hàm Nghi, linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, rơi vào tay giặc do sự phản bội của một thủ hạ tâm phúc là Trương Quang Ngọc.
Được tin này, Lê Trực rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Lực lượng nghĩa quân dưới quyền ông từ 2.000 người buổi đầu, nay chỉ còn hơn 100 người. Để tránh cho họ sự đổ máu vô ích cùng sự trả thù tàn bạo của giặc Pháp, ngày 17.11.1888, ông dẫn họ ra hàng ở đồn Thuận Bài. Trong tác phẩm Le Laos et le protectorat français (Nước Lào và chế độ bảo hộ của Pháp), Ch. Gosselin viết rằng khi ra hàng, nghĩa quân của Lê Trực người nào cũng quần áo rách tả tơi, chứng tỏ họ đã trải qua những năm tháng cùng cực, nhưng tất cả đều giữ được tư cách xứng đáng của mình. Riêng về Lê Trực, lời lẽ trong thư ra hàng đầy vẻ khảng khái, nước mất nhà tan, vua bị cầm tù, ông chỉ muốn quay về làng cũ sống yên bình cho đến cuối đời.
Từ đó, những cây bút thực dân luôn nhắc đến Lê Trực với một lòng trân trọng hiếm thấy. Trong L’Empire d’Annam, Gosselin đã viết:” Đó là một kẻ đối nghịch thanh cao, lại thêm đức tính độ lượng, vì thế mà mọi người, dù là bạn hay thù, đều biểu lộ với ông một lòng yêu mến chân chính; không bao giờ ông thực hiện một hành vi tàn bạo, chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu thực hiện lý tưởng mà ông đang phụng sự, ông hi sinh cả đời mình cho lòng trung thành với nhà vua và tiếp tục sống cuộc sống thật kham khổ giữa những người may mắn hơn ông rất nhiều…” (Sđd-trang 288) Bọn thực dân từng đối đầu với ông còn dành cho ông những lời lẽ trang trọng như thế, trong khi đọc thấy những gì ghi lại trong sách Quốc triều chánh biên về thái độ của triều đình Huế đối với ông, người đọc sử không khỏi đau lòng.
Cận cảnh vị trí ngôi nhà của vua Hàm Nghi trên thượng nguồn sông Gianh.
Ông từ chối lời mời ra làm quan của Pháp, trở về làng quê Thanh Thủy sống đời bần hàn, chôn chặt trong lòng nỗi đau mất nước, cố quên kỷ niệm những năm tháng tung hoành trong rừng núi Quảng Bình. Dân trong vùng dành cho ông sự kính trọng chưa từng có; những viên chức lãnh đạo của Pháp tại Quảng Bình cũng thỉnh thoảng đến thăm ông, bày tỏ niềm ngưỡng phục đối với một kẻ cựu thù của họ. Sự hành xử của Pháp đối với Lê Trực và nghĩa quân của ông còn nói lên một điều: dù là thực dân, họ cũng biết giữ lời hứa, không trả thù những người ngã ngựa! Qua những sử liệu ghi nhận được, của sử quán triều Nguyễn, cũng như của nhiều cây bút Pháp viết về thời kỳ vua Hàm Nghi ẩn lánh trên thượng nguồn sông Gianh.
có thể đánh giá viên Đại úy Mouteaux là sĩ quan Pháp đã gặt hái được nhiều thành công trong việc làm suy yếu khả năng đề kháng của các lực lượng nghĩa quân chống Pháp trong phạm vi Quảng Bình, cái nôi của phong trào Cần vương. Y đã trực tiếp gây ra cái chết của thượng thư Nguyễn Phạm Tuân, người chỉ huy một trong hai đạo quân trấn giữ khu vực dọc theo sông Gianh, khiến cho lực lượng còn lại của đề đốc Lê Trực mất hẳn khả năng liên kết để tạo nên sức mạnh chung. Song bên cạnh niềm vui đó, Mouteaux vẫn còn ray rứt mãi về chuyện đã không thực hiện được mục tiêu tối hậu của chiến dịch tại Quảng Bình là bắt sống vua Hàm Nghi.
Ngày 7.10.1887, y rời đồn Minh Cầm, bàn giao công việc lại cho đại úy Troupel, lòng ray rứt mãi với hồi ức về một buổi sáng hành quân trong thời gian y còn ở Quảng Bình. Đó là buổi sáng một ngày tháng 7.1887, Mouteaux dẫn quân từ đồn Minh Cầm lên Khe Ve, bao vây cả xóm Thằng Cuộc, rồi ngược dòng sông Rào Nậy (một chi nhánh của sông Gianh), tìm Trương Quang Ngọc, một trong những thủ hạ gần gủi nhất của vua Hàm Nghi có tin đang ở xóm Chà Mạc. Trên đường đi, thuyền của Mouteaux chạy ngược dòng với thuyền do một phụ nữ đứng tuổi chèo, trên thuyển có một thiếu niên độ 15-16 tuổi ăn mặc trông nghèo nàn nhưng áo quần sạch sẽ.
Cựu hoàng Hàm Nghi trong thời gian đính hôn với cô Laloe (1904).
Viên đại úy Pháp ra lệnh dừng chiếc thuyền đó lại và lục soát. Người phụ nữ chèo thuyền và người thiếu niên lộ vẻ bối rối, song vẫn tỏ ra thân thiện với toán lính Pháp. Mouteaux từng nghe kể rằng vua Hàm Nghi luôn mang theo mình một ống điếu hút thuốc bằng gỗ có khảm hoa văn nên ra lệnh lục soát kỹ nhưng không tìm thấy gì. Sợ rằng dây dưa lâu sẽ làm trễ nãi cuộc hành quân, y cho thả thuyền đi. Nhưng khi tới Chà Mạc, Mouteaux gặp toán quân của thượng sĩ Bosché đã đến trước và biết rằng Trương Quang Ngọc vừa trốn khỏi nơi ở, bỏ lại nào giáo mác, nỏ, tên độc, bàn đèn thuốc phiện (L. Cadière – tlđd – trang 81 ; Ch. Gosselin – L’Empire d’Annam – sđd – trang 295).
Viên đại úy Pháp giật mình, linh cảm rằng y vừa để thoát vua Hàm Nghi, tức chàng thiếu niên trên chiếc thuyền mà y vừa cho lục soát. Khi rời Quảng Bình, Mouteaux mang theo nỗi ám ảnh về chàng thiếu niên 15-16 tuổi mà y đã gặp trong cuộc hành quân vào một ngày tháng 7. Không lâu sau ngày 2.11.1888, tức ngày thực dân Pháp bắt được vua Hàm Nghi tại một ngôi nhà nhỏ trên thượng nguồn sông Gianh, báo chí Pháp tại Paris in hình nhà vua được chụp lén trong thời gian bị áp giải từ Quảng Bình về cửa Thuận An, coi như đó là một thắng lợi quan trọng trong nỗ lực dập tắt các phong trào kháng chiến tại Việt Nam.
Mouteaux đã có dịp nhìn xem bức ảnh nhà vua trên báo và không rõ do mối ám ảnh cũ hay từ một linh cảm xác thực, y tin rằng chàng thiếu niên mình đã gặp trên sông dạo nào chính là vua Hàm Nghi. Năm 1893, trên đất Pháp, Mouteaux tình cờ được giới thiệu với cựu hoàng Hàm Nghi tại Câu Lạc Bộ Quân đội trên đại lộ Opéra của thành phố Paris. Ông từ Alger sang thăm thủ đô nước Pháp. Hai kẻ cựu thù từng nghe nói về nhau từ lâu, nay mới gặp mặt. Mouteaux coi đấy là dịp may nghìn năm một thuở có thể giúp y giải tỏa nỗi ám ảnh đã đeo đẳng trong hơn 5 năm trời. Cựu hoàng ngồi nghe y kể lại chi tiết vụ “chạm trán” với chàng thiếu niên trên sông vào một buổi sáng tháng 7 năm 1887 bằng một thái độ chăm chú và nụ cười nhẹ nhàng.
Đền thờ Đề đốc Lê Trực ở Quảng Bình.
Nhưng cuối cùng ông đã làm cho Mouteaux thất vọng khi tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi ông có đúng là chàng thiếu niên đó không. Thái độ xử sự ấy không chỉ với riêng Mouteaux mà theo những người Pháp đã quen biết với cựu hoàng Hàm Nghi trong thời gian ông sống lưu đày ở Alger, ông luôn ít nói, đặc biệt không bao giờ nhắc lại hay trả lời những câu hỏi liên quan đến năm tháng trị vì và quảng thời gian hơn ba năm trời bôn ba trong vùng rừng núi Quảng Bình (Ch. Gosselin – sđd, trang 295-296). Tháng 11 năm 1904, cuộc sống lưu đày của cựu hoàng Hàm Nghi lật sang một trang mới.
Ông cưới cô Marcelle Laloe, con gái một thẩm phán cao cấp ở Alger. Trong cảnh sống lưu đày, không chút hi vọng trở về quê hương, ông đã chấp nhận cuộc hôn nhân này như một định mệnh. Một trong những điều đáng quý ở ông là trong suốt cuộc sống lưu đày 55 năm nơi xứ người (1889-1944), hầu như không bao giờ ông rời bỏ chiếc khăn đội đầu và bộ y phục thuần Việt. Theo lời kể của ông Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu, con trai út của cựu hoàng Thành Thái, sinh năm 1924 tại đảo Réunion, thì vào khoảng năm 1935-1936, một hôm có người khách phương xa ghé lại đảo Réunion tìm thăm cựu hoàng Thành Thái.
Sau những giây phút bỡ ngỡ đầu tiên, người nhà mới được biết người khách lạ đó chính là cựu hoàng Hàm Nghi. Xét về vai vế trong hoàng tộc nhà Nguyễn, cựu hoàng Hàm Nghi (Ưng Lịch) ở vào hàng chú của cựu hoàng Thành Thái (Bửu Lân), hàng ông của cựu hoàng Duy Tân (Vĩnh San). Phút trùng phùng thật cảm động, vì cả ba cựu hoàng đều là những ông vua yêu nước đang sống cảnh lưu đày.
Nguồn: Lê Nguyễn