Năm 1969 khi Nguyễn Văn Thương bị bắt. Người đã hàng chục năm có mặt ở cả bốn cục tình báo, nắm hầu hết các tổ chức mạng lưới ở phòng tình báo phía Nam của ta. Chuyến tài liệu cuối cùng anh vận chuyển ra căn cứ để ngày mai ra miền Bắc đi học theo lệnh cấp trên thì bị bắt. Đó là tài liệu tuyệt đối quan trọng nên chỉ Nguyễn Văn Thương mới đủ tin tưởng được giao nhiệm vụ này. Anh bị bắt tại cánh đồng An Phú khi đang trên đường vào R, kịp cất giấu tài liệu theo quy ước ngành và bắn hạ 23 tên địch. Ông khai mình là Nguyễn Trường Hân, quê Bình Dương, cả gia đình bị chết trong một trận càn.
Nhưng thật không may khi một tên lính chiêu hồi tên Chiến Cá đã nhận ra ông và chỉ ra ông là một người lính cộng sản. Sau 1 đêm tra tấn, hành hạ ông nhưng không thể khai thác được thông tin, chúng đưa ông về 1 căn biệt thự rất sang trọng ở Sài Gòn. Đập vào mắt ông chính là ngôi biệt thự rất rộng, xung quanh tường cao, trước sân rộng với những khóm hoa hồng đỏ rực, khoe sắc dưới ánh nắng khiến cảnh vật thêm lung linh. Lúc này, 1 Đại tá Mỹ cao to, lịch sự, trông rất học thức bước ra chào đón ông. Gã nở nụ cười với Thiếu tá Thương rồi hỏi thăm sức khỏe của ông, sau đó chỉ xuống dưới bàn, nơi có 1 tấm ngân phiếu nói:
“Đây là tấm ngân phiếu trị giá 100.000 USD, ông muốn chuyển vào ngân hàng nào cũng được. Xe hơi, ngôi biệt thự này tất cả là của ông. Không chỉ vậy, nếu ông chịu hợp tác thì chúng tôi sẵn sàng trao cho ông 1 bộ quân phục 2 bông mai cấp Trung tá”. Nghe vậy, ông biết địch đang tìm đủ mọi cách mua chuộc để ông khai ra tổ chức cách mạng. Nhưng điều đó đâu có dễ dàng khi ông là 1 người lính tình báo từng trải, kiên định với lập trường, trung thành với tổ chức. Thấy ông không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn xung quanh căn phòng, tên sỹ quan Mỹ liền đưa đến 1 cô gái tên Thùy Dương rồi bỏ đi.
Thùy Dương thoạt nhìn đã là người rất đẹp, thông minh, lịch sự. Cô ta đẹp nhưng không phải kiểu cách, phô trương mà là nét đẹp tự nhiên, kín đáo, nét thanh tú toát lên vẻ dịu dàng, ánh mắt thân thiện làm người đối diện đỡ cảm giác xa lạ. Ông biết tất cả những người có mặt ở đây đều là nhân viên tâm lý chiến loại giỏi. Dù cố tỏ ra thân thiện, nhưng họ đều tìm đủ mọi cách để khiến ông phải buột miệng lộ ra điều gì đó. “Mình vì trốn lính bị bắt, mù chữ, tên Nguyễn Trường Hân, quê ở Bình Dương, cả gia đình đã chết trong 1 trận càn, ngoài ra không có gì hết”, ngày nào ông cũng tự nhắc bản thân và ghi nhớ lại lời khai lý lịch ban đầu để không sơ suất bộc lộ thân phận.
Có lẽ, vì biết ông là đối thủ đáng gờm, nên Thùy Dương cũng rất khôn khéo, không bao giờ tỏ rõ ý kêu gọi ông chiêu hồi. Cô ta chỉ nói lời êm ái, tâm sự những chuyện tâm tình như rút ra từ gan ruột, về gia cảnh, về lỗi lầm tuổi trẻ mà cô ta trải qua. Thỉnh thoảng, Thùy Dương lại có những động tác ân cần kiểu tình yêu lãng lạn, đánh vào tâm lý và bản năng con người hòng làm ông lay chuyển. “Chúng ta sẽ không ở đây nữa, chúng ta sẽ cầm theo tấm ngân phiếu này rồi đi du lịch Canada, khi nào chán chúng ta sẽ đi nước khác. Số tiền 100.000 USD này là của chúng ta, số tiền này lớn lắm đấy. Em biết anh không thích Mỹ hay mình sang Châu Âu, đi cả mấy nước xã hội chủ nghĩa để so sánh xem nước nào giàu mạnh hơn. Em thích đi du lịch với anh lắm”, Thùy Dương thủ thỉ.
Trong suy nghĩ của mình, ông nhận định Thùy Dương thật khéo léo khi không hề dụ dỗ đầu hàng hay nhắc về chữ chiêu hồi, chỉ rủ đi du lịch. “Thực tế ở đây có nhiều điều không giống những gì được dạy ở trường tình báo. Mình được dạy là bọn nữ tâm lý chiến thường dùng nhan sắc, mặc quần áo hở hang, khêu gợi xác thịt để dụ dỗ, nhưng cô gái mà mình gặp lại đoan trang, thùy mị, kín đáo. Xung quanh mình bây giờ là đều là đối phương, đều là người của địch, mình phải cảnh giác”, ông trộm nghĩ thế rồi nói lời từ chối. Thùy Dương ngày càng tấn công mãnh liệt, thậm chí ăn mặc những bộ đồ kêu gợi hơn, vào thẳng phòng ngủ của ông.
Cũng có lúc bản năng người đàn ông bừng lên khiến ông nóng rực, ông cũng có những khát khao của bản thân mình. Nhưng rồi lý trí của ông lại trỗi dậy, mãnh liệt đè nén những ham muốn của bản thân. “Mình không thể phụ lòng tin của ba mẹ, của các anh, các chú, các mẹ, các chị, không thể phản bội lại tổ chức”, ông nghĩ thế. Rồi đến ngày thứ 99, Thùy Dương không còn e dè nữa, nói với ông: “Người ta đã biết anh là Nguyễn Văn Thương, tổ trưởng giao liên tình báo miền Nam. Nếu anh không nghe em, người ta sẽ đập nát đôi chân giao liên của anh đấy. Nghe em đi anh, đêm nay anh suy nghĩ lại đi, mai anh trả lời em”.
Sáng ngày 100, ngồi ở phòng khách trong ngôi biệt thự, Thùy Dương mặt buồn rượi chờ đợi câu trả lời của ông, nhưng cái cô nhận được là sự lắc đầu cự tuyệt từ người chiến sỹ trung kiên. Thùy Dương lảo đảo bước ra ngoài, dưới vai áo lộ rõ 2 bông mai trung úy. Cùng lúc này, có 2 người Mỹ to cao bước vào bên trong, còng 2 tay ông lại đưa ra xe. Chúng đưa ông đến 1 căn phòng rộng, tại đây các sỹ quan Mỹ đã chờ đợi sẵn, trên bàn còn có 1 gói thuốc lá hiệu con Lạc Đà và 2 ly cà phê sữa. 1 tên Trung tá Mỹ nhìn ông rồi nói với giọng điệu khoan thai: “Chúng tôi đã biết rõ ông là Nguyễn Văn Thương, là tình báo đã hoạt động nhiều năm rồi”.
Lúc này, ông lên tiếng: “Không phải, tôi là Nguyễn Trường Hân, là lính đào ngũ. Tôi chỉ muốn về nhà làm ăn như trước”. Nghe ông nói, tên Trung tá đứng dậy, đanh giọng nói: “Lần cuối tôi nói với ông, chiếc lon trung tá vẫn chờ ông, chỉ cần ông nhận mình là Nguyễn Văn Thương”. Ông biết rằng, chỉ cần ông nhận mình chính là tình báo Nguyễn Văn Thương, chúng sẽ dần dần khai thác từng bước. Thế rồi, ông vẫn kiên quyết nhận mình là Hân. Cũng từ đây, những ngày tháng máu thịt chọi gang thép bắt đầu với ông khi liên tục bị địch tra tấn, hành hạ. Tên Trung tá bỏ ra ngoài cùng cái khoát tay, lúc này, 3 tên lính Mỹ và 2 tên lính Đại Hàn xấn tới ông.
Với thân hình to như con trâu mộng, chúng đè ngửa ông ra cột vào bàn sắt. 1 tên hất hàm hỏi ông: “Mày tên là gì?” “Nguyễn Trường Hân”, ông đáp. Cùng với câu trả lời, 1 tên lính Đại Hàn bẻ ngón chân ông kêu “rắc”. Tiếng kêu tuy không lớn nhưng như có cây đinh đóng vào óc của ông, đau đớn, nhức nhối. Ông khẽ rướn người, cắn răng chịu đựng để không bật ra tiếng kêu. Ngón chân út của ông bị bẻ xoay ngược 1 vòng. Sau khi 2 ngón chân út đều bị bẻ gãy, chúng lôi ông sang phòng bên cạnh giam lại. Cứ như thế, cách mấy ngày chúng lại đến thẩm vấn và lần lượt 10 ngón chân của ông bị đứt lìa.
Khi bẻ xong 10 ngón chân chúng dùng gậy đập nát 2 bàn chân của ông. Ông chịu đựng bằng nghị lực, bằng sự phi thường hiếm có, còn cơn đau thì thấu từ tim lên óc, không còn chỗ để chịu đựng nữa. Cái đau của ông lúc này không chỉ là thể xác, còn là nỗi đau tinh thần vì sự tàn bạo, hung ác của kẻ thù. Một ngày, Thùy Dương lại đến đưa ông về biệt thự để chữa trị. Cô ta tiếp tục tỉ tê, nói những lời dụ dỗ ông bỏ trốn, đi du lịch cùng cô ta nếu không sẽ bị cưa chân. Ông khảng khái trả lời: “Tôi chấp nhận bị cưa chân”. Ông tiếp tục bị quân Mỹ cưa chân. Mỗi lần, bọn chúng cưa 1 đoạn, chúng cưa bằng gang tay, khi thì chỉ vài cm, khi thì 1 đoạn.
Tất cả 6 lần, mỗi lần chuẩn bị cưa chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Lần cuối cùng bị chúng cưa chân, cũng là lần chúng đưa ông ra để làm vật thí nghiệm cho những bác sĩ Mỹ, những người sẽ được đào tạo thành nhân viên CIA. Sau lần đó, ông hôn mê đến 3 ngày, khi tỉnh dậy, ông thấy đoạn đùi trái đã bị cưa cụt đến tận hông. Dù thân thể đã hao mòn vì những vết lở, nhiễm trùng do bị nhiều bàn tay thực tập đụng vào nhưng ông vẫn còn sống, đây quả là điều kỳ diệu. Thế rồi, cho đến lần thứ 6 thì ông đã vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình.
Ông chỉ còn nằm được trên cáng, tong teo, nhỏ xíu như bộ xương không còn chân. Lòng can đảm và sự kiên trung của Thiếu tá Nguyễn Văn Thương đã khiến cho những tên sỹ quan Mỹ cũng phải kính nể. Trung tá Mỹ trực tiếp ra lệnh tra tấn ông cũng ở đó, nhìn ông 1 lúc không nói gì rồi quay vào bàn ngồi viết. Viết được 1 lúc hắn đứng lên đi qua đi lại, rồi đến gần ông, nhìn khá lâu vào cơ thể chỉ còn 1 nửa, nói khẽ: “Ông đúng là 1 sinh vật bằng thép, thử sức nhau suốt 7 tháng nay, chúng tôi đã thua ông rồi." Khi vết thương lành, ông bị đưa về giam giữ tại trại giam Hố Nai. Trong tù, ông tiếp tục đấu tranh, viết truyền đơn nên bị chúng nhốt vào thùng sắt 3 tháng, nơi mà người tù bình thường khó chịu đựng nổi qua 15 ngày.
Chúng chuyển anh về trại giam chấp nhận cái tên Nguyễn Trường Hân dù biết rõ anh là Nguyễn Văn Thương mà không khai thác được gì. 20 tháng giam cầm ở Hố Nai thì 18 tháng bị biệt giam, 3 tháng giam trong thùng sắt giữa trời nắng rồi bị đầy ra nhà lao Phú Quốc cho đến sau khi Hiệp định Pari ký kết thì được trao trả. Sau đó anh vẫn tiếp tục con đường cách mạng chiến đấu vì Đảng, vì dân cho đến ngày giải phóng hoàn toàn và là người con tiên phong của Đảng cho đến ngày nay.
Nguồn: tuoitrebinhduong.vn