Chút hồi ức vụn vặt về 2 tạp chí Kiến thức ngày nay và Thế giới mới (P2)

Tất nhiên, điều kiện chủ yếu của cuộc đua song mã này là sự hấp dẫn của đề tài được chọn lọc và chất lượng bài viết. Hai trong những cây bút biên dịch mà tôi “nể” nhất là Trịnh Quân và Lê Lộc. Các anh viết thường xuyên trên các tạp chí trên

Tất nhiên, điều kiện chủ yếu của cuộc đua song mã này là sự hấp dẫn của đề tài được chọn lọc và chất lượng bài viết. Hai trong những cây bút biên dịch mà tôi “nể” nhất là Trịnh Quân và Lê Lộc. Các anh viết thường xuyên trên các tạp chí trên, xử lý bài viết một cách rất chuyên nghiệp, văn phong có sức thu hút người đọc và không gượng ép như nhiều anh em trẻ mới vào nghề. Trịnh Quân là con trai nhà văn Lan Đình, bút pháp của anh khá sắc bén và lôi cuốn. Có lúc anh được cử nhiệm làm thư ký tòa soạn Thế Giới Mới. Chuyện bài vở qua lại thường xuyên, chúng tôi thân nhau lúc nào không biết, thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa để tâm sự đủ điều.

Song trời không chiều người, Trịnh Quân qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim, khi tuổi còn rất trẻ, làng biên dịch sớm mất đi một cây bút có tài. Lê Lộc có lối viết duyên dáng, cuốn hút cũng như Trịnh Quân. Anh lại là giáo viên dạy tiếng Pháp tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), tiền thân là Trung tâm văn hóa Pháp (Centre culturel français). Tôi và Lộc thường gặp nhau tại thư viện IDECAF, vì ai cũng có nhu cầu đến thư viện của cơ quan này để tìm các sách báo mới nhập về. Lần nọ, khi chúng tôi đang mải mê câu chuyện trước thềm IDECAF thì đột nhiên thấy một cô gái thật đẹp xăm xăm đi về phía chúng tôi.

Lê Lộc không bất ngờ, anh giới thiệu chúng tôi với nhau và cô gái chính là một nữ diễn viên rất nổi tiếng đang thụ giáo Lộc một số câu thoại bằng tiếng Pháp trong một bộ phim đặc sệt chất miền Tây. Nhắc lại dài dòng hai cây bút tiêu biểu của làng biên dịch báo chí Sài Gòn vào thập niên 1990 với một chút bùi ngùi, vì Trịnh Quân đã là người thiên cổ từ lâu, còn Lê Lộc cũng xuất cảnh sang Mỹ, viết cho một tờ báo Việt ngữ ở California, không có nhiều đất dụng võ như những ngày còn ở quê hương. Ít lâu sau Trịnh Quân là sự ra đi của cụ Phan Nghị, một ký giả chuyên nghiệp tại miền Nam trước 1975, cộng tác với Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới cho đến năm hơn 70 tuổi, tính tình vui vẻ, lúc nào cũng hệch hạc, dễ mến.

Đó còn là sự ra đi của Thái Nguyễn Bạch Liên, được đào tạo trong môi trường XHCN, có bằng Phó tiến sĩ, cộng tác với hai tờ trên khi đang là Phó Giám đốc một xí nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận. Tôi với anh không thân nhau, song cũng có chút kỷ niệm. Ngày nọ, tình cờ gặp nhau tại tòa soạn tạp chí Mỹ thuật thời nay, vừa thấy mặt tôi, anh đã bông đùa: “anh đăng trên Kiến thức Ngày nay 3-4 bài liền, còn chỗ nào cho anh em đăng, hử?”. Thật vậy, trong số báo Kiến thức Ngày nay kỳ đó, tôi có đến 3-4 bài đăng. Chẳng ngờ, chỉ một vài tháng sau câu nói bông đùa đó, tôi được tin Thái Nguyễn Bạch Liên đã ra người thiên cổ…

Nhắc chút kỷ niệm này thay một nén hương thắp cho những người bạn viết một thời từng chia sẻ vui buồn với nhau. Trong hai tờ báo tồn tại lâu dài trên thị trường báo chí, Thế Giới Mới ra đời sau (1990), khi Kiến thức Ngày nay (1988) đã có một lượng độc giả khá hùng hậu, nên tất nhiên số phát hành không nhiều bằng, và như một hậu quả tất yếu, tiền nhuận bút trả cho cộng tác viên cũng thấp hơn. Những năm 1992-1993, khi nhuận bút của Kiến thức Ngày nay đã ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/trang thì nhuận bút của Thế Giới Mới còn ở mức 40-50 ngàn đồng/trang. Số trang in của Thế Giới Mới cũng thấp hơn, 96 trang thay vì 112 trang như Kiến thức Ngày nay.

Còn nhớ một trong ba bài đầu tiên của tôi trên số báo TGM 28 (1992) dài gần 3 trang, tòa soạn trả nhuận bút 120 ngàn đồng. Khoản tiền đó lúc này cũng không phải là nhỏ. Trong suốt nửa đầu thập niên 1990, tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ” của ban biên tập Thế Giới Mới được nâng cao, số người cộng tác nhiều hơn, bài viết ngày càng có chất lượng cao hơn, báo phát hành với số lượng lớn hơn trước, nhất là tại miền Bắc. Theo đà phát triển, báo tăng dần lên 3 kỳ rồi 4 kỳ phát hành mỗi tháng và tirage có lúc lên đến 60 – 70 ngàn số một kỳ. Đó cũng là thời điểm mà nhuận bút của Thế Giới Mới được nâng lên, 60 ngàn đồng, rồi từ 80 đến 100 ngàn đồng mỗi trang.

Một trong những điểm son của cả hai tờ Kiến thức Ngày nay và Thế Giới Mới là ngay trong ngày báo phát hành, tòa soạn đã chi trả nhuận bút cho anh em cộng tác viên. Chẳng bù với nhiều năm gần đây, và hiện nay, hầu như tờ báo nào cũng “đăng trước trả sau”, việc chậm trả nhuận bút từ một đến vài ba tháng là chuyện thường. Vào nửa đầu thập niên 1990, trong khi tạp chí Kiến thức Ngày nay cứ “tuần tự nhi tiến” thì ban biên tập Thế Giới Mới có những cải tiến liên tục, cả về mặt nhân sự lẫn nội dung bài vở. Người đầu tàu lúc ban đầu là anh Lê Khắc Hoan, Phó Tổng biên tập (Tổng biên tập do TBT báo chủ quản Giáo dục và thời đại kiêm nhiệm).

Các thư ký tòa soạn thay nhau, từ người đầu tiên là anh Đỗ Quốc Anh (sau là Tổng biên tập) đến các anh Trịnh Quân, Phạm Bá Thủy, Vũ Trọng Thanh (Trọng Thanh Vũ - sau là Tổng (hay phó Tổng?) biên tập), cô Đinh Thu Hiền (Đinh Thu Hiền) … Cũng không thể không nhắc đến một trong những thân hữu của trang Facebook này từng có một thời gian giữ nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Mới: anh Phúc Tiến (Phuc Tien Tran Huu). Với các cộng tác viên, tòa soạn tạo ra sự gắn bó bằng cách này hay cách khác, riêng người viết bài này được giao phụ trách thường xuyên hai chuyên mục “Ngày này năm ấy” và “Xa lộ thông tin”.

Mục trước ngắn, phân nửa là phần trả lời câu hỏi lịch sử, cả câu hỏi lẫn câu trả lời đều ngắn gọn. Riêng mục Xa lộ Thông tin dài 3 trang, chứa đựng những vấn đề văn hóa - khoa học mới nhất đăng trên sách báo nước ngoài. Nguồn tư liệu khai thác chính là hai tờ tạp chí khoa học nổi tiếng của Pháp: Science et Vie (Khoa học và Đời sống) và Sciences et Avenir (Khoa học và Tương lai) và địa chỉ được tìm đến là thư viện IDECAF. Người phụ trách thư viện IDECAF, anh Nguyễn Văn Viết, từng làm việc tại Trung tâm Văn hóa Pháp trước 1975, là một viên chức rất tử tế với anh em cộng tác viên báo chí.

Trên nguyên tắc, sách báo chỉ được mượn đọc tại thư viện, song ít nhất hai người là Đinh Công Thành và tôi được anh Viết “linh động” cho mang tờ tạp chí ra đường Nguyễn Huệ để photocopy, làm tư liệu cho bài viết. Thời đó chưa có internet, hình ảnh trên báo nước ngoài phải photocopy bằng máy laser thì chất lượng mới có thể tạm sử dụng để in lên báo, vì thế chúng tôi phải mang báo mượn của thư viện IDECAF ra đường Nguyễn Huệ là nơi có nhiều máy photocopy laser. Trong những ngày tháng này, tôi thường xuyên gặp hai nhân vật khá nổi tiếng hầu như ngày nào cũng có mặt tại thư viện IDECAF, một là bác sĩ Trần Bồng Sơn, người chuyên phụ trách các mục thắc mắc về tình dục trên các báo, đài, hai là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả của nhạc phẩm để đời Nụ Cười Sơn Cước, người về sau nổi tiếng trên mạng xã hội với loạt bài “Nhật ký của một thằng hèn”. Còn tiếp...

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay