Hồi ức của một tri thức cũ trong một xã hội mới sau năm 1975 (P7)

Thế là một buổi sáng tháng 7.1982, tôi đến nhận việc tại công ty Ficonimex. Bộ phận của tôi chỉ có hai người: ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng

Thế là một buổi sáng tháng 7.1982, tôi đến nhận việc tại công ty Ficonimex. Bộ phận của tôi chỉ có hai người: ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng, và tôi, anh cạo giấy bất đắc dĩ, vì sự an toàn của bản thân, vì miếng cơm manh áo cho gia đình. Trong vụ án “gián điệp” tại miền Nam vào những năm cuối thập niên 1960, tầm quan trọng của ông Hòe chỉ xếp sau hai nhân vật đầu sỏ Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ. Ông nhận bản án tù chung thân ngang với ông Nhạ. Chắc là quyển “Ông cố vấn” do ông Hữu Mai chấp bút, viết lại những chuyện kể của ông Nhạ, có nhắc nhiều đến ông Hòe.

Vào lúc ấy, chuyện cũ cũng chỉ mới cách đó 10 năm. Tôi vẫn nhớ như in những ngày của năm 1971-1972 ấy, hầu như chủ nhật nào, anh tù chính trị Nguyễn Xuân Hòe cũng tới chơi nhà của “Phó đảo” Cẩn (lúc ấy hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn ở trại Chí Hòa). Và bao giờ cũng vậy, bằng sự khiêm tốn cố hữu, khi đến giữa khoảng sân rộng trước nhà tôi, ông Hòe cũng đứng chụm hai chân lại, hơi nghiêng người xuống, cúi đầu chào. Tôi bước ra sân, dẫn ông vào nhà, như một người quen cũ. Ông Hòe là người hiểu biết rộng, vẫn được người nhà gửi từ đất liền ra những tạp chí ngoại quốc như Time, Newsweek để đọc….

Và khi đọc xong, ông thường mang những tờ báo đó tặng tôi. Ông có những nhận định thời sự khá sắc bén, bàn luận với tôi hăng say như hai người bạn vong niên. Trong hầu hết những buổi gặp gỡ, mạn đàm đó, gia đình tôi đều mời ông Hòe một tô hủ tiếu tự biên tự diễn. Chi tiết này tôi chỉ nhớ thấp thoáng, về sau chính miệng ông Hòe nhắc lại với một vài người thứ ba, khi tôi đã là nhân viên dưới quyền ông. Tất nhiên, từ thời điểm ấy, hơn ai hết, tôi nhận thức rõ ý nghĩa của hai chữ “đổi đời”, khi người cựu tù chính trị Côn Đảo trở thành ông sếp và ông Phó đảo Côn Sơn ngày nào trở thành kẻ thuộc quyền!

Điều may mắn cho tôi là ông Hòe hành xử như một người có hiểu biết, vẫn còn nhớ đến quá khứ của tôi, đến sự cư xử của tôi đối với ông cách đó 10 năm. Song dù cho ông có tế nhị đến đâu, trong lòng của kẻ thất thế cũng có những lúc đau thầm, khi nghĩ đến những thăng trầm mình đang trải qua. Như tôi đã tự nhủ với mình ngay từ những năm tù cải tạo, phải biết nhẫn nhục, chịu đựng và giữ vững lòng tự trọng để không phải có những lúc xấu hổ với chính mình. Song sự nhục nhằn không chịu dừng ở đó. Nó còn đậm đà hơn, dai dẳng hơn, khi tôi trở thành đề tài chính trong mối bất đồng âm ỉ từ lâu giữa ông Hòe và ông Đỗ NC, Phó giám đốc Tổ chức của công ty.

Trong thế giằng co giữa hai bên, sự hiện diện của tôi là cơ hội tốt cho ông C. phản đòn đối thủ. Qua câu chuyện với những người khác, ông ám chỉ việc ông Hòe đưa vào công ty một “viên chức ngụy quyền” đi cải tạo về, không có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, là một điều không đúng nguyên tắc. Đã đành là theo nội quy hoạt động của công ty, ông Giám đốc Đinh Xáng có toàn quyền tuyển dụng nhân viên, song với tư cách Phó Giám đốc Tổ chức, người “cầm cân nảy mực” bảo vệ “sinh mạng chính trị” của cơ quan, ông C. tự thấy mình có quyền nêu lên vấn đề một cách chính đáng. Điều kiện tối thiểu mà ông C. đặt ra là ông Hòe phải chính thức làm giấy bảo lãnh tôi.

Điều kiện đó mới nghe qua có vẻ nhẹ nhàng, song với một đảng viên như ông Hòe, nó không hề nhẹ, không nhẹ như cách cư xử của tôi đối với ông Hòe 10 năm về trước. Và tôi không có chút ngạc nhiên nào khi biết ông Hòe không đồng ý làm giấy bảo lãnh cho tôi. Tôi hiểu cái khó của ông Hòe lúc đó, nhất là khi nhớ về câu chuyện nhỏ vào một buổi sáng, sau khi tôi vào làm việc tại công ty Ficonimex chưa đầy một tuần lễ. Hôm ấy, ông Hòe chưa đến văn phòng thì ông K., một viên chức già thuộc Phòng Tổ chức của công ty đến mời tôi qua phòng ông “nói chuyện chơi”. Sau mấy câu xã giao, ông K. hỏi tôi rằng hồi ở tù Côn Đảo, ông Hòe làm việc gì.

Tôi nói rõ là hồi đó ông Hòe làm công nhân văn phòng, một dạng nhân viên hành chánh không lương, ở Ty Ngân khố. Chuyện chỉ có thế, tôi không thấy có gì quan trọng. Khi ông Hòe vào văn phòng, tôi kể lại chuyện ông K. gặp tôi và đã hỏi tôi về ông. Mặt ông Hòe đanh lại và chỉ thốt mấy tiếng “họ tò mò”. Về sau, tôi mới biết rằng, trong nhận định và đánh giá của những cơ quan có thẩm quyền về chính trị của bên thắng cuộc lúc ấy, có sự phân biệt rõ rệt giữa những người tù chính trị Côn Đảo chống đối lại mọi quy định của Trung tâm cải huấn chế độ cũ với những người tù chính trị chấp hành đúng nội quy, đi lao động bên ngoài hay làm việc ở những cơ sở hành chánh như ông Hòe.

Với thực tế đã diễn ra và những suy nghĩ như vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì trước việc Hòe không chịu làm giấy bảo lãnh cho tôi. Song trong bạn bè của tôi, có người tỏ ra bất bình về chuyện này. Anh ta không chịu kìm nén cảm xúc khi phát biểu: - Ngày xưa ông là Phó đảo, ông không sợ gì khi đối xử tốt với những người tù CS như họ, sao bây giờ chỉ có việc ký tờ bảo lãnh mà họ cũng không dám làm cho ông? Tôi biết, sự xúc động làm cho anh ta cạn nghĩ, bởi vì mối quan hệ giữa ông Phó đảo và người tù chính trị CS ngày xưa rất khác với mối quan hệ giữa một đảng viên với người cựu tù cải tạo bây giờ.

Chỉ một hành vi nào đó của tôi như gia nhập một tổ chức chính trị bất hợp pháp hay phổ biến hơn như xuống tàu vượt biên thì tiền đồ chính trị của người đảng viên đó bị vấp váp ngay. Vì thế, cho dù chán nản với tình thế của mình đến mấy, tôi cũng không trách ông Hòe. Đó là khoảng thời gian mà tôi bị giằng xé nặng nề giữa một bên là lòng tự trọng của người có cảm giác mình đang “cố đấm ăn xôi”, với một bên là miếng cơm manh áo của một gia đình đã rách nát từ lúc tôi còn là một anh tù cải tạo. Để thỏa mãn lòng tự ái của mình, chỉ cần một đơn thư xin nghỉ việc là xong ngay. Song kéo theo đó sẽ là sự thiếu thốn vật chất trong cuộc sống chung, là nỗi buồn lo, thất vọng của những người đã gian khổ rất nhiều trong gần 7 năm thiếu vắng bóng người đàn ông trong gia đình.

Trong công việc hàng ngày, tôi cố che giấu nỗi dằn vặt, ngay cả với ông Hòe. Vậy mà vẻ mặt, nỗi buồn của tôi không qua mắt được một cô gái trẻ có cái tên Lê C. H.. Cô để ý đến tôi và những biểu hiện của tôi lúc nào chẳng biết. Tôi chỉ khám phá ra điều này vào một buổi chiều mưa gió ngập trời ….. Chiều hôm đó, mưa giông, sấm sét đến nổi tất cả nhân viên công ty Ficonimex dù có áo mưa cũng không dám ra về. Mọi người tập hợp trong sảnh lớn ở tầng trệt, nói cười rôm rả. Tình cờ cô H. đứng gần tôi, sau một vài câu trao đổi, đột nhiên, cô nhìn tôi bằng một cái nhìn rất khác, rồi cất tiếng:

Bấy lâu nay theo dõi anh, em hiểu tâm trạng của anh lắm. Song anh nên nhớ một điều, là bây giờ anh sống không phải cho anh, mà là sống cho gia đình anh. H. trẻ hơn tôi nhiều lắm, song câu nói của cô xoáy buốt trong tâm can tôi. Tôi lờ mờ đoán rằng nhiều người trong công ty Ficonimex biết chuyện tôi là đề tài chính trong sự bất đồng giữa ông Hòe và ông Phó Giám đốc tổ chức và H. kín đáo theo dõi, nhìn thấy vẻ buồn trên gương mặt tôi và đoán trúng phóc tâm trạng của tôi. H. là con dâu anh Đinh Tấn D., một nhà nghiên cứu văn học có bút danh Khổng Đức, vừa qua đời cách đây mấy tháng.

Anh Dung trước là đồng nghiệp với tôi tại công ty Ficonimex, sau trở thành bạn vong niên với nhau. Dù sao, câu nói chí tình của H. cũng có đủ trọng lượng khiến cho cán cân tình cảm đang chông chênh trong lòng tôi nghiêng về phía gia đình, và tôi hiểu ra rằng để thỏa mãn lòng tự ái của riêng mình, tôi sẽ trở thành kẻ vô ơn đối với bao nhiêu người thân đã từng chịu đựng gian khổ vì mình.

Nguồn: Lê Nguyễn

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay