Jean Baptiste Chaigneau - Người làm quan dưới 2 triều Gia Long và Minh Mạng (P2)

Ngày 13.11, tàu Henri nhổ neo đưa họ về Pháp. Cùng đi với ông chuyến này, có 5 người con của ông với bà Hồ Thị Huề, người vợ sau là Hélène Barisy và hai con chung của họ. Sau một hành trình dài, tàu Henri cập cảng Bordeaux ngày 11.4.1820.

Ngày 13.11, tàu Henri nhổ neo đưa họ về Pháp. Cùng đi với ông chuyến này, có 5 người con của ông với bà Hồ Thị Huề, người vợ sau là Hélène Barisy và hai con chung của họ. Sau một hành trình dài, tàu Henri cập cảng Bordeaux ngày 11.4.1820. Vì chuyến trở về Pháp của Chaigneau chỉ là một chuyến nghỉ phép với tư cách một quan lại Việt Nam nên triều đình Pháp không muốn bỏ qua cơ hội này để mở rộng mối quan hệ với nước ta. Ngày 12.10.1820, vua Louis XVIII ký sắc lệnh đề cử Chaigneau làm lãnh sự và đặc ủy của nhà vua bên cạnh triều đình Việt Nam, kèm theo một lá thư gửi cho vua Gia Long.

Triều đình Pháp có lý khi tranh thủ con người này, vì họ đã biết ít nhiều về sự thân tình, gần gủi giữa Chaigneau và vua Gia Long, hi vọng sự gắn bó giữa hai người sẽ giúp nước Pháp tiến xa hơn trong mối quan hệ Pháp-Việt. Có điều là với sắc lệnh trên, từ ấy, Chaigneau sẽ ở vào một hoàn cảnh khá tế nhị là đại diện cho quyền lợi của cả hai quốc gia đang tìm hiểu, thăm dò nhau. Đầu tháng 8.1820, Chaigneau đi Albi, ở một thời gian với người chị, rồi đưa gia đình đi Bretagne, lưu trú ở đó hơn sáu tuần lễ. Ngày 15.10.1820, ông cùng vợ con lên tàu LaRose đi Bordeaux rồi từ đó khởi hành trở lại Việt Nam ngày 1.12.1820.

Tàu chạy ngang Mũi Hảo Vọng (Cap de Bonne Espérance) ngày 2.2.1821, đến Batavia ngày 5.4.1821 và cuối cùng thả neo ở cửa Thuận An ngày 17.5.1821. Vừa đặt chân lên vùng đất quen thuộc, Chaigneau tiếp nhận một tin buồn: vua Gia Long đã qua đời từ hơn một năm rồi! (đầu năm 1820). Điều này đã khiến ông hết sức xúc động. Trong bức thư đề ngày 19.8.1821 gửi từ Huế cho người anh ở Pháp, Chaigneau đã viết như sau: “Anh thân mến, Tụi em đã về đến đây, sức khỏe tốt. Nhưng em không còn nhìn thấy Đàng Trong như lúc em đã rời nó. Khi vừa đến đây, em được biết cái chết của vị vua lớn tuổi đã gây ra nhiều biến đổi.

Em thực sự tiếc rẻ về điều này và sẽ còn tiếc rẻ lâu dài, vì đó là một con người dũng cảm. Ông mất như một người đã sống với tất cả sự bình tâm và lẽ phải. Ông đã dùng những ngày cuối đời để khuyên răn người con trai (tức vua Minh Mạng sau này-LN) trước mặt các vị đại thần mà ông đã tập trung trong căn phòng của mình…..Vị võ quan thứ nhất mà người ta gọi là tả quân (nguyên văn: tả quừn, tức tả quân Lê Văn Duyệt-LN) là một hoạn quan, người mà em từng nói với anh là đang đứng đầu triều đình (đó là một người có năng lực thực sự), nhà vua sau khi gửi gắm con trai mình cho ông và triều đình, đã căn dặn con là không bao giờ được làm sai những lời khuyên bảo của những vị này, vì họ là những người phụng sự lâu năm và quen thuộc với công việc triều chính.

Sau đó, ông lệnh cho ông tả quân là nếu con trai ông ra lệnh điều gì chống lại quyền lợi của vương quốc thì hãy cưỡng lại và không được thi hành. Ông cũng dành cho người con những lời khuyên phải cư xử như thế nào để cai trị có hiệu quả, và tất cả những lời khuyên của ông cần được ghi nhớ. Ông nói với con trai rằng từ khi khôi phục lại ngai vàng, ông luôn bắt người dân phải làm việc cực nhọc để chất đầy kho chứa, với ý định mang đến cho con một triều đại tốt đẹp, điều này khiến cho người dân rất mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Do đó con ông cần bắt đầu thời kỳ trị vì của mình bằng cách miễn tất cả các loại thuế và tha cho họ việc lao dịch công ích…..” (LN tạm dịch từ BAVH –số 1 năm 1923-trang 171-172).

Đoạn thư trên của Chaigneau là một sử liệu khá thú vị, cho thấy phần nào cá tính của vua Gia Long, sự tôn trọng các công thần đã theo ông suốt những năm tháng gian khó, hiểm nguy nhất (như Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng…) và giúp ta hiểu được phần nào mối quan hệ rất tế nhị giữa vua Minh Mạng và Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt sau này. Những ngày đầu mới trở qua Việt Nam, Chaigneau được vua Minh Mạng tiếp khá niềm nở. Nhà vua đã khóc khi nhắc đến cái chết của tiên đế, trân trọng tiếp nhận quốc thư và quà tặng của hoàng đế Pháp trong một lễ chính thức diễn ra vào ngày 16.7.1821.

Không lâu sau, Chaigneau mua một ngôi nhà ở chợ Được để cư trú. Tuy nhiên, qua một số sự kiện xảy ra trong việc đại diện cho triều đình Huế tiếp một số thương nhân nước ngoài, Chaigneau cay đắng nhận ra rằng mình không được đối xử đúng mực, vừa với tư cách một quan lại Việt Nam, vừa với cương vị một lãnh sự bên cạnh triều đình Huế. Sự thất vọng của viên quan người Pháp càng tăng cao sau khi giám mục Véren, chỗ dựa tinh thần của cả Chaigneau lẫn Vannier, đã mệnh chung vào ngày 6.8.1823. Chưa hết, trong mối quan hệ với một giáo sĩ Việt Nam là cha Thật, người đã đỡ đầu cho bốn đứa con của ông, Chaigneau cảm thấy mình bị “phản bội”, vì bao nhiêu tâm tư giãi bày với ông giáo sĩ này đều bị ông ta báo cáo hết với triều đình Huế.

Trong lá thư đề ngày 1.11.1823 gửi cho giáo sĩ Bissachère, Chaigneau đã viết: ” Tôi rất mong sẽ không sống thêm hơn một năm nữa ở cái xứ sở chết tiệt này. Không còn gì để ở lại nữa. Tôi tin là tôi sẽ điên mất” (BAVH số 1/1923-trang 91). Tháng 10.1824, cả Chaigneau lẫn Vannier đều xin vua Minh Mạng cho về hưu. Ý nguyện này được chấp thuận. Ngày 25.10, Chaigneau bán nhà và 20 ngày sau, 15.11.1824, hai gia đình Chaigneau và Vannier cùng rời Huế. Sự ra đi thật gấp gáp như vậy khiến nhiều người suy nghĩ, mãi về sau, người vợ trẻ của ông tiết lộ là vào lúc ấy, vua Minh Mạng có gửi cho Chaigneau một cái khay trên đặt một chiếc tàu thu nhỏ và một vuông lụa.

Ông ta suy diễn là nhà vua đặt mình trước hai con đường: hoặc rời khỏi Việt Nam (chiếc tàu), hoặc bị treo cổ chết (vuông lụa). Tuy nhiên, đó là lời kể lại của người vợ, chứ bản thân Chaigneau không thấy viết gì về những ngày cuối cùng ở Huế. Khi rời Huế, Chaigneau và Vannier đi theo thuyền buồm của người Việt vào Sài Gòn, viếng mộ giám mục Bá Đa Lộc, người đã dìu dắt họ trong những ngày đầu đến Việt Nam. Tại đây, ông suýt chết trong một cơn đau nặng, nhưng vẫn không tránh khỏi mất mát: hai con trai của ông với bà Benoite Hồ Thị Huề là Louis và Joseph lâm bệnh rồi lần lượt qua đời tại Sài Gòn.

Về đến Pháp rồi, năm 1826, Chaigneau được hưởng khoản trợ cấp nghỉ hưu 1.800 franc/năm (có thể là tiền hưu trong thời gian ông phục vụ cho triều đình Pháp, trước khi gặp chúa Nguyễn). Ông quay về quê nhà ở Lorient, sống âm thầm như đã từng ao ước từ bấy lâu. Tháng 10.1827, một điều bất ngờ xảy ra: ông nhận được thư thăm hỏi đề ngày 26.11 âm lịch (24.12.1826) của vua Minh Mạng kèm theo một số tặng phẩm gồm các độc bình tráng men lam, các tấm lụa, khiến các bà, các cô ở Lorient vô cùng thích thú. Năm 1830, triều đình Pháp cắt lương hưu của ông. Những bất như ý từng xảy ra ở Huế, nay lại tái diễn ở Paris.

Ngày 31.1.1832, sau 45 năm hoạt động tích cực, Chaigneau tạ thế ở Lorient. Chaigneau có để lại cho đời tập Le Mémoire sur la Cochinchine (Ký ức về Việt Nam) do ông soạn vội vả trên chuyến tàu Henri trở về Pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của triều đình vua Louis XVIII muốn biết ít nhiều về Việt Nam. Tập sách này hiện được lưu trữ tại Văn khố của Bộ Ngoại giao Pháp, nhưng chỉ là một bản sao, không chữ ký, không có chi tiết nào xác định tác giả. Tuy nhiên, xem qua nội dung tập ký ức, các nhà phân tích xác định tác giả là Jean Baptiste Chaigneau. Trong tác phẩm này, Chaigneau đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến tình hình Việt Nam đầu thế kỷ 19 như:

Phân chia lãnh thổ hành chánh, dân số, tổ chức chính quyền trung ương và địa phương, tình hình quân sự, thuế khóa, tư pháp, phong tục, tôn giáo, nông nghiệp, thương mại, công nghiệp … Đây có lẽ là một trong những tập ký ức đầu tiên của người nước ngoài đề cập tương đối chi tiết về tình hình ngoại thương của Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Song ngoài giá trị về mặt tư liệu mà trong đó không ít những chi tiết cần được thẩm định lại (như ước lượng dân số VN thời đó từ 15 đến 20 triệu người !!), tác phẩm của Chaigneau không mấy đặc sắc, có lẽ do ông biên soạn vội vã trong một chuyến hải hành.

Cuốn hồi ký Souvenirs de Hue (Hồi ức về Huế) của con trai ông là Michel Đức Chaigneau xuất bản gần 50 năm sau (1867), xem ra có nhiều chi tiết thú vị hơn rất nhiều, nhất là ở những đoạn viết về vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh).

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay