Lược sử tư tưởng hồi giáo phần 5

Dù phất lên nhờ sự ủng hộ của các Shia (do nhà Abbasid là hậu duệ của chú Nhà tiên tri Muhammad) nhưng nhà Abbasid sớm liên minh với các Sunni vốn chiếm đa số, vị caliph thứ 2 Abu Jafar al-Mansur (754-775) lùng diệt hết các lãnh đạo Shia nào ông cho là có thể gây nguy hại đến vị trí của ông.

Nhà Abbasid, từ rực rỡ huy hoàng đến da ngựa bọc thây (750-1258)

Dù được nổi lên nhờ sự ủng hộ của các Shia (do nhà Abbasid là hậu duệ của chú Nhà tiên tri Muhammad) nhưng nhà Abbasid sớm liên minh với các Sunni vốn chiếm đa số, vị caliph thứ 2 Abu Jafar al-Mansur (754-775) lùng diệt hết các lãnh đạo Shia nào ông cho là có thể gây nguy hại đến vị trí của ông. Al-Mansur cũng xây cũng 1 thủ đô mới ở Baghdad (Iraq), trung tâm quyền lực chuyển tới 1 vị trí mới, vị trí mà theo ông là đã được Chúa dành riêng cho ngày ông lên ngôi.

Dưới thời của caliph Harun al-Rashid (786-809) và con trai ông al-Mamum (813-833), nhà nước Abbasid đạt đến đỉnh cao như một đế chế toàn cầu. Harun al-Rashid chính là người đã được bất tử hóa trong những câu chuyện của Nghìn Lẻ Một Đêm nổi tiếng. Ông cai trị như một vị vua tuyệt đối chứ không còn kiểu nửa mùa như các caliph trước. Trong thời gian này các học giả Hồi giáo đã thực hiện nhiều khám phá khoa học hơn cả toàn bộ lịch sử được ghi lại trước đó. Công nghiệp và thương mại cũng phát triển mạnh mẽ, và giới thượng lưu sống trong sự tinh tế và sang trọng nhưng dường như chẳng có một chút gì Hồi giáo trong đó, trái ngược hẳn với sự khổ hạnh của Nhà tiên tri và các rashidun. Văn hóa cao cấp của triều đình Abbasid tương phản rõ rệt với văn hóa thô sơ của triều đình châu Âu dưới thời Hoàng đế La Mã Thần thánh Charlemagne (768–814) cùng thời.

Harun al-Rashid là một người ủng hộ nghệ thuật và học thuật, đồng thời truyền cảm hứng cho một thời kỳ phục hưng văn hóa vĩ đại. Phê bình văn học, triết học, thơ ca, y học, toán học và thiên văn học phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Baghdad mà còn ở Kufah, Basrah, Jundayvebar và Harran.

Al-Mamun, là một người theo trường phái duy lý, thích thú với khoa học và triết học Hy Lạp, đã cho xây dựng Ngôi Nhà Trí Tuệ, một cơ sở giáo dục cao cấp chính thức đầu tiên, tập hợp một số lượng các học giả dịch các tác phẩm của Plato, Aristotle, và các nhà bình luận của họ sang tiếng Ả Rập. Những bản dịch này đã trở thành nguồn chính cho triết học, thần học và khoa học Hồi giáo.

Al-Mamun thích tranh luận thần học. Ông chào đón tất cả những tôn giáo khác vào “nhà” để đàm đạo như Cơ Đốc, Do Thái, Hỏa giáo, Phật giáo… Điều này giúp cho vương quốc Hồi giáo phát triển mạnh về trí tuệ. Nhưng lạ là al-Mamun lại không có thái độ cởi mở như vậy với những người theo phái truyền thống, dẫn đến việc bắt bớ tra hỏi. Hành động độc đoán này không những tạo thành vết nhơ cho al-Mamun là còn phản tác dụng theo thời gian vì biến những người theo truyền thống trở thành những anh hùng.

Khi al-Mutawakkil, cháu của al-Mamun lên ngôi năm 847, tình huống quay ngoắt 180 độ khi ông tuyên bố “Thảo luận về những vấn đề mà Nhà tiên tri không thảo luận là sai lầm.” Những người của truyền thống đã có được sự trả đũa ngoạn mục. Các Mutazilite bị sa thải khỏi các chức vụ chính thức. Thời gian sau đó, ở một số nơi, các Mutazilite và “những kẻ dị giáo” khác thậm chí còn bị giết, đóng đinh, bỏ tù, trục xuất.

Thời kỳ này quyền lực trung tâm của nhà Abbasid đã bước qua thời kỳ đỉnh cao và bắt đầu suy yếu. Các tổ chức chính trị khác nổi lên dần dần chiếm đóng chỗ nọ chỗ kia khiến vương quốc Hồi giáo lại bị chia tách. Cùng với sự suy yếu của caliph Abbasid thì các Shia lại được dịp vươn lên. Lo lắng, caliph al-Mutawakkil triệu tập lãnh đạo thứ 10 của Shia từ Medina và giam ông, các Shia chỉ có thể liên lạc với ông qua những “người đại diện”. Khi lãnh đạo thứ 11 chết năm 874, người ta cho rằng ông để lại 1 người con trai hiện đã ẩn thân để bảo toàn tính mạng. Đến năm 934, “người đại diện” đem đến cho các Shia một tin đặc biệt, rằng lãnh đạo thứ 12 đã đi vào trạng thái ẩn, được Chúa che giấu một cách kỳ diệu và sẽ không liên lạc nữa. Ông sẽ trở lại để mở ra một kỷ nguyên mới của công bằng, nhưng còn rất lâu mới đến ngày ấy. Những Shia tin vào sự trở lại của vị lãnh đạo thứ 12 này gọi là Twelver Shia và không tham gia vào việc chính trị nữa.

Trước các Twelver này đã có các Sevener, lý do là trong khi các Twelver chấp nhận sự hợp pháp của vị lãnh đạo thứ 7 thì các Sevener cho rằng dòng dõi của Ali đã kết thúc ở vị lãnh đạo thứ 6 - Ismail (do đó các Sevener còn được gọi là các Ismaili). Sau này khi người Thổ Seljuk nắm quyền, các Sevener nối dậy đột kích nhà Seljuk. Đối thủ gọi họ là hashishin vì họ hay hút cần (hashish) để tăng lòng cam đảm trước khi tham gia vào những cuộc tấn công mà kết quả thường là cái chết của chính họ. Từ đó mà tiếng Anh có từ assassin (thích khách).

Trước đây khi mở rộng lãnh thổ người Hồi giáo đã phải dừng chân tại Byzantine, nhưng đến năm 1071, người Seljuk đã đánh bại người Byzantine trong trận Manzikurt. Bất lực trong việc ngăn chặn bước tiến của của người Thổ tại Anatolia, hoàng đế Byzantine Alexius Comnennus I cầu viện sự giúp đỡ của Giáo Hoàng Urban II và thế là chúng ta có cuộc Thập Tự Trinh đầu tiên, mở màn cho một loạt những cuộc chiến đẫm máu. Còn mải đánh lẫn nhau nên các Seljuk không thể nào đoàn kết mà chống kẻ thù chung, dẫn đến việc tuột mất vùng đất thánh sau cuộc tàn sát tại Jerusalem. Phải đến gần 1 thế kỷ sau mới xuất hiện một cao thủ mang danh Saladin chiếm lại Jerusalem vào năm 1187.

Caliph al-Nasir (1180-1225) trước tình thế rệu rã của nhà Abbasid đã cố gắng dùi mài kinh sử, học hành nghiên cứu để trở thành một học giả, khôi phục chế độ caliph tại Baghdad. Ông muốn trở thành một Sư Trưởng của tất cả các bang phái, phường hội ở Baghdad. Nhưng dường như đã quá muộn.

Trong khi nội bộ vẫn còn lục đục đủ kiểu thì đội quân Mông Cổ tiến vào lãnh thổ Hồi giáo để lại sau tiếng vó ngựa toàn là chết chóc và hủy diệt chưa từng có từ trước đến nay. Năm 1258, tướng Húc Liệt Ngột cướp phá Baghdad, thành phố mỹ lệ nhất của vương quốc Hồi giáo, nếu không muốn nói là của cả thế giới thời bấy giờ, gần như toàn bộ dân chúng bị tàn sát. Do mê tín nên các anh Mông Cổ đã gói vị caliph vào thảm cho gọn rồi cho ngựa dẫm chết để khỏi dây máu, cả gia đình ông cũng bị xử tử. Họ phá hủy Ngôi Nhà Trí Tuệ cùng với những công trình trí tuệ trong đó, nước sông Tigris chuyển màu đen vì mực từ những cuốn sách mà người Mông Cổ đã ném xuống. Cũng như những kẻ chinh phạt thế giới Hồi giáo khác, người Mông Cổ cuối cùng cũng trở thành các tín đồ Hồi giáo và để lại dấu ấn của riêng mình.

Mai Dạ Phúc Ca

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay