Nữ tình báo Nguyễn Thị Mỹ Nhung, tức Tám Thảo, được biết đến như một cánh tay nối dài của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn. Ngày ấy, bà không chỉ là nữ tình báo giỏi mà còn là một tiểu thư có vẻ đẹp sắc sảo, con gái của một nhà tư sản giàu có ở nội ô Sài Gòn. Cùng với Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) hoạt động trong lòng địch, Tám Thảo đã sử dụng sắc đẹp trời ban và trí thông minh của mình thi triển "mỹ nhân kế" trước mặt những tên mật thám CIA sừng sỏ, làm nên chiến công huyền thoại của lưới tình báo H63 vang dội một thời. Nữ anh hùng Tám Thảo đã ở tuổi 89.
Đến thăm và trò chuyện với bà, tôi để ý trên tường của phòng khách treo bức ảnh hai thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống, tóc uốn lọn ôm khuôn mặt xinh tươi tuổi mười tám đôi mươi. Bà Tám Thảo chỉ vào bức ảnh giới thiệu: "Tôi đó, và người đứng bên cạnh là em gái tôi: Mỹ Linh. Mỹ Linh cũng tham gia hoạt động tình báo những năm 60 của thế kỷ trước". Tôi chăm chú nhìn bức ảnh. Dẫu đã từng xem một số bức ảnh về nữ tình báo Tám Thảo thời son trẻ trên một số sách báo, nhưng bức ảnh này rất khác biệt. Vẻ đài các, sắc đẹp trời ban của hai người phụ nữ trong bức ảnh đặt trong điều kiện và thời cuộc, họ có thể chọn cho mình cuộc sống sung sướng, hưởng thụ và bình yên.
Nhưng không, hai người phụ nữ ấy đã chọn cho mình con đường riêng, con đường song hành với vận mệnh của dân tộc, của sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, đi qua những hoàn cảnh khốc liệt, sinh tử nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bà Tám Thảo mở đầu câu chuyện: Vẻ đẹp như bông hoa rồi có ngày cũng héo tàn. Nhưng điều tôi tự hào nhất là quãng đời thanh xuân, vẻ đẹp ấy đã được chị em tôi tận dụng triệt để khi hoạt động trong lòng địch, làm được nhiều việc ý nghĩa đặc biệt cho ngành tình báo, cho cách mạng. Làm tình báo thì điều quan trọng nhất là phải tạo được vỏ bọc thật kín đáo.
Trong những hoàn cảnh cụ thể, mình phải biết tận dụng lợi thế, cơ hội để thu thập, khai thác tin tình báo, chuyển những tài liệu về tuyến sau an toàn. Những năm tháng hoạt động trong nội thành Sài Gòn cùng với Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Tám Thảo đã luôn tận dụng lợi thế nhan sắc trời cho để che giấu thân phận, khai thác và vận chuyển tài liệu mật. Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ giúp Phạm Xuân Ẩn, cùng hoạt động trong mạng lưới thuộc Cụm tình báo H63. Lúc đó, Ẩn đã là một nhà báo của Reuters khá nổi tiếng với chính quyền ngụy ở Sài Gòn và các cơ quan đầu não của Mỹ tại Việt Nam.
Những thông tin Phạm Xuân Ẩn thu thập, khai thác được đều là những thông tin tình báo tuyệt mật, mang tính chiến lược. Tôi là người được giao nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển những tài liệu của Phạm Xuân Ẩn vào chiến khu. Để làm điều đó, bằng nhiều cách, tôi đã hoàn thiện cho mình vỏ bọc một tiểu thư con nhà giàu, làm việc cho cơ quan thuộc bộ máy quân sự của Mỹ ở Sài Gòn để dễ bề vận chuyển, thu thập tài liệu tình báo, bà Tám Thảo hồi tưởng. Với khả năng tiếng Anh giỏi, phong cách hoạt bát, nhanh nhẹn, thân thiện, Tám Thảo đã vượt qua nhiều vòng thi tuyển của Mỹ để được chọn vào làm thông dịch viên cho các cơ quan của Mỹ tại Sài Gòn.
Sau khi trúng tuyển, Tám Thảo chọn làm việc tại bộ phận Phòng Nhì, là cơ quan cố vấn tình báo của bộ tư lệnh hải quân Mỹ vì ở đây sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những sĩ quan hàng đầu của Mỹ để moi các thông tin mật có lợi cho cách mạng. Nhận việc ở Phòng Nhì của Mỹ, Tám Thảo nhanh chóng làm quen, kết thân với các sĩ quan tình báo ở đây. Hằng ngày đi làm, Tám Thảo đều khoác trên mình áo dài truyền thống đắt tiền, trang điểm đẹp, luôn tỏ thái độ vui vẻ, thân thiện với mọi người nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của các sĩ quan Mỹ. Những tháng đầu tiên, Tám Thảo luôn thể hiện là một nhân viên làm việc cần mẫn, có trách nhiệm để tạo một vỏ bọc hoàn hảo trước mắt địch.
"Một lần, vào giáp Tết Nguyên đán 1964, tên trưởng phòng Phòng Nhì vốn rất có cảm tình với tôi đã mời tôi dự một bữa tiệc mừng xuân có chủ đề “Việt-Mỹ liên kết”. Tôi không vồn vã nhận lời ngay. Đợi đến trước hai ngày sự kiện diễn ra tôi mới nhận lời. Hắn đi ô tô đến nhà đón tôi đi dự tiệc và ngỡ ngàng khi thấy tôi bước ra với trang phục áo dài kiểu hoàng hậu, có đính kim tuyến lấp lánh, mặc quần đen, tóc búi cao, đi giày cao gót. Hôm đó, khi tôi đến, dường như tất cả những người dự tiệc đều bị thu hút, sững sờ trước vẻ đẹp và lối trang phục khác biệt của tôi. Bộ trang phục áo dài Việt Nam tôi mặc nổi bật giữa các phụ nữ tham dự tiệc đều mặc váy hoặc đầm dài.
Nhiều sĩ quan Mỹ tiếp cận mời tôi nhảy và tỏ vẻ ngưỡng mộ nên tôi dễ dàng bắt thân và tạo mối quan hệ với những người này. Sau bữa tiệc đó, tôi giành được sự quan tâm, ưu ái đặc biệt của trưởng phòng Phòng Nhì, hắn thường xuyên mời tôi tham dự các buổi tiệc. Nhiều sĩ quan Mỹ đã theo đuổi tôi, nhưng để tạo vỏ bọc và tránh sự nghi ngờ, tôi luôn tỏ thái độ nhã nhặn, vừa tươi cười, vừa khéo léo từ chối không để mất lòng ai. Trong các tình huống tiếp cận, tôi đều khéo léo khai thác các thông tin của địch và chuyển vào cứ. Thật khó có thể tránh sự nghi vấn dồn vào tôi khi một loạt thông tin ở Phòng Nhì và một số cơ quan thuộc hải quân Mỹ bị lộ.
Nhưng với sự bình tĩnh, tự tin và được sự quan tâm của các sĩ quan quản lý ở Phòng Nhì, tôi đã vượt qua được những thử thách, tra khảo, kiểm tra của địch”, bà Tám Thảo kể lại những ngày tháng làm việc trong lòng địch. Câu chuyện với bà Tám Thảo đưa chúng tôi đến một kỷ niệm của bà về một tình huống đặc biệt và nhờ sự thông minh, nhạy bén khi sử dụng chiêu "mỹ nhân kế", bà đã qua mặt được đám quân cảnh kiểm soát trên đường để đưa tài liệu vào căn cứ bí mật ở Củ Chi. Bà hồi tưởng với giọng kể rành mạch như mới vừa hôm qua: Lần đó, tôi được lệnh chuyển 24 cuộn phim Kodax chụp tư liệu từ tay của Phạm Xuân Ẩn để giao vào chiến khu.
Tài liệu này đặc biệt quan trọng do Phạm Xuân Ẩn dày công lăn lộn trong hàng ngũ cao cấp ngụy quyền Sài Gòn mới có được. Nhiều đêm tôi thức để suy nghĩ cách đưa tài liệu vào căn cứ an toàn nhất. Cuối cùng tôi quyết định dùng cách qua mặt địch khi chọn đi vào nơi tưởng chừng nguy hiểm nhất nhưng cũng là an toàn nhất có thể. Sáng hôm đó, tôi trang điểm nhẹ nhàng, búi tóc cao, mặc áo dài, đi giày cao gót. Tôi giấu những cuộn phim vào hai giỏ xách rồi bắt xe đò về Hóc Môn. Tôi chọn ghế ngồi đầu tiên để dễ quan sát diễn biến phía trước. Khi xe đến Hóc Môn thì bất ngờ có 3 tên quân cảnh yêu cầu dừng xe kiểm tra hành lý.
Tôi chột dạ nhưng vẫn tỏ vẻ mặt bình tĩnh. Một tên quân cảnh vai đeo súng leo lên xe. Hắn ra hiệu yêu cầu tất cả mọi người xuống xe để lục soát, kiểm tra. Tôi bước xuống xe với vẻ mặt tươi cười và đến cạnh tên chỉ huy của đám quân cảnh, đặt giỏ xách xuống đất và bắt chuyện, liếc mắt nhìn tên chỉ huy với vẻ tình tứ. Đúng như dự đoán của tôi, chiêu tiếp cận này khiến tên chỉ huy mất cảnh giác. Hắn trò chuyện với tôi rôm rả, quên kiểm tra hai giỏ xách cho đến khi toán lính lục soát xong hành lý của mọi người. Đợi cho mọi người lên xe hết, xe chuẩn bị lăn bánh thì tôi mới vội cầm hai cái giỏ xách rồi thản nhiên chào và đi nhanh về phía xe.
Tên chỉ huy quân cảnh như chột dạ nói với theo: "Ê, cô kia, chưa xét đồ đó!". Tôi dừng lại vừa cười vừa nhìn thẳng vào mắt hắn vẻ nũng nịu: Dạ! Tại anh đó! Cứ mải nói chuyện làm em trễ xe thì chết. Lúc về em sẽ ghé thăm tụi anh nha! Vừa nói, tôi vừa bước lên xe khiến tên quân cảnh chỉ huy ngẩn người ra một lúc rồi khoát tay ra hiệu hai tên lính đi cùng tiếp tục tuần tra. Nhiều câu chuyện về một thời xuân trẻ của nữ tình báo Tám Thảo trong những tháng ngày hoạt động trong lòng địch cứ chảy tràn. Bà Tám Thảo hoạt động cùng Phạm Xuân Ẩn cho đến năm 1969 thì được cấp trên điều vào chiến khu.
Nếu như Phạm Xuân Ẩn là "điệp viên hoàn hảo" vì giữ vững vỏ bọc cho đến ngày toàn thắng thì Tám Thảo cũng đã có hơn chục năm "mỹ nhân kế" hoàn hảo mà kẻ địch không thể phát hiện. Lúc đó, người con gái xinh đẹp Tám Thảo đã đi qua tuổi thanh xuân của mình mà chưa có một ngày nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Bà Tám Thảo chia sẻ: Hạnh phúc của riêng mình được đặt trong hạnh phúc độc lập, thống nhất, toàn vẹn của cả dân tộc. Hạnh phúc của tôi là được dâng hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi vào chiến khu, thấy tôi lúc nào cũng chăm chú với công việc, không màng chuyện lập gia đình, nhiều đồng chí chỉ huy và đồng đội gợi ý, mai mối.
Nhờ sự giới thiệu, tôi gặp được người chồng sau này của mình. 8 tháng sau đó, chúng tôi nên duyên vợ chồng bằng một đám cưới nhỏ trong chiến khu. Ông cũng là một sĩ quan thông tin, quê Củ Chi. Cuộc sống gia đình của nữ tình báo Tám Thảo luôn hạnh phúc và êm đềm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Nhưng vết thương trong chiến tranh của người chồng và hạnh phúc dường như không trọn vẹn khi ước mơ làm mẹ của nữ tình báo Tám Thảo không thực hiện được. Người bạn đời gắn bó với bà đột ngột ra đi sau một căn bệnh hiểm nghèo từ năm 1998. Căn nhà của bà Tám Thảo ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh dù vắng người chồng yêu thương, nhưng vẫn luôn đầy ắp niềm tin về cuộc sống, rạng ngời niềm tự hào về quá khứ hào hùng và những năm tháng thầm lặng dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguồn: Group Maybe You Missed This F*cking News