Cá mái chèo khổng lồ (Regalecus glesne) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm bắt gặp vì chúng sống ở sâu dưới lòng đại dương. Cá mái chèo khổng lồ được coi là sống ở độ sâu khoảng 1.000m so với mặt nước biển. Theo các nhà khoa học, cá mái chèo là loài sinh vật sống có xương dài nhất thế giới với chiều dài có thể đạt được là 17m và có thể nặng tới 270kg.
Cá mái chèo có thân màu bạc, đôi khi còn được gọi là "vua của cá trích" vì có những đặc điểm bề ngoài tương tự với loài cá nhỏ này. Tuy nhiên, chúng được đặt tên là cá mái chèo vì có phần vây ngực dài như những chiếc mái chèo. Ở Palau, nơi cá mái chèo từng được mô tả trên một con tem vào năm 2000, loài cá còn được gọi là cá gà trống nhờ phần vây mảnh và có màu đỏ.
Một số người còn gọi chúng là cá hố (ribbon-fish). Không có nhiều thông tin về tình trạng bảo tồn loài cá mái chèo khổng lồ vì chúng rất hiếm khi được quan sát thấy mà còn sống, dù nhiều ngư dân thỉnh thoảng vẫn kéo chúng lên bờ từ lưới đánh cá. Theo thông tin trên website của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), có người từng ăn thịt cá mái chèo và cho biết thịt của chúng rất nhão và dính.
Mặc dù cá mái chèo có thể là nguồn gốc của nhiều câu chuyện lịch sử liên quan đến rắn biển và quái vật biển, chúng được coi là loài cá không gây nguy hiểm cho con người. Cá mái chèo chỉ ăn sinh vật phù du có kích thước nhỏ và có một lỗ nhỏ để thực hiện chức năng của hệ thống tiêu hóa. Loài cá này thậm chí không có răng thật, mà chúng chỉ có các dạng cấu trúc mảnh hơn được gọi là mang lược để bắt những con mồi nhỏ.
Cá mái chèo đôi thi được phát hiện trên bề mặt biển, nhưng các nhà khoa học cho rằng sự xuất hiện này là do chúng chịu tác động bởi sức đẩy của những cơn bão hoặc dòng chảy mạnh cuốn vào bờ hay cũng có thể do gặp tai nạn và chết. Cá mái chèo có thể trông giống một con quái vật biển đáng sợ, nhưng chưa bao giờ chúng được coi là nguyên nhân gây nguy hiểm cho con người.
Không giống những loài cá có xương khác, cá mái chèo là loài cá không có vảy. Thay vào đó, chúng có rất nhiều mấu nhỏ và một lớp áo khoác màu bạc được hình thành từ chất guanin. Dù cố gắng để thích nghi và tồn tại trong môi trường áp lực cao, bề mặt da của chúng khá mềm và rất dễ bị tổn thương.
Tại Nhật Bản, cá mái chèo từ lâu được sử dụng làm hình ảnh minh họa trong văn hóa dân gian. Loài cá mái chèo mảnh hơn (Regalecus russelii) so với cá mái chèo khổng lồ được coi là một thông điệp được gửi đến từ cung điện từ thần biển. Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.
Một bản tin vào năm 2010 đã ghi nhận sự lo lắng của một số người Nhật sau khi họ được biết có xác cá mái chèo dạt vào bãi cát. Một thời gian sau đó có động đất tại Haiti và Chile. Cá mái chèo cũng từng trôi vào bờ vài tháng trước khi xảy ra trận động đất lớn và sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011, theo National Geographic.
Theo Japan Times, có thể có một số cơ sở khoa học để tin vào điều này, thậm chí ngay cả khi các nhà khoa học không sử dụng hành vi của cá để dự đoán những cơn chấn động nhẹ. Kiyoshi Wadatsumi, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động đất tại tổ chức phi chính phủ e-PISCO, cho biết loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy so với những loài cá sống ở gần bề mặt biển.
Có rất nhiều quan niệm và các luồng ý kiến về hiện tượng cá mái chèo. Tuy nhiền, mọi ý kiến đưa ra chỉ là tương đối và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác để có thể lý giải được cá mái chèo dạt vào bờ có báo hiệu về động đất hay không.
Nguồn: khoahoc.tv