Những mảnh ký ức qua nét vẽ của hoạ sĩ Phan Kế An

Phan Kế An sinh năm 1923. Ông là con của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là một chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh cùng các họa sĩ khác như Mai Văn Nam

Phan Kế An sinh năm 1923. Ông là con của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là một chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh cùng các họa sĩ khác như Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Mai Văn Hiến, Kim Đồng… Ông thuộc thế hệ hoạ sĩ có phong cách ảnh hưởng từ mỹ thuật Tây phương, và thành công nhất ở thể loại tranh sơn mài và sơn dầu. Có một tác phẩm sơn dầu rất nổi tiếng của ông là Nhớ một chiều Tây Bắc (1950), đây cũng là cảm hứng cho nhà thơ Đoàn Việt Bắc và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ thơ, sáng tác nhạc cho ca khúc cùng tên.

Ngoài ra, Phan Kế An cũng là người đầu tiên được kí hoạ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phan Kế An từng có một thời gian học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin, phần lớn các tác phẩm trưng bày trong triển lãm được ra đời trong thời kỳ này. Trước khi tới Kho tàng ẩn giấu, mình đã đọc được một bài viết khá chi tiết về thân thế và sự nghiệp của hoạ sĩ Phan Kế An và trông thấy bức Nhớ một chiều Tây Bắc qua màn hình máy tính, do vậy mình rất mong chờ vào triển lãm này.

Phác thảo Thiếu nữ bên hoa sen và Thiếu nữ bên hoa sen.

Đặc biệt, khi biết Kho tàng ẩn giấu sẽ trưng bày những tác phẩm chưa từng được công bố của cố hoạ sĩ, mình lại càng háo hức hơn. Nhưng có lẽ vì kì vọng quá nhiều như thế nên khi vừa bước chân vào không gian của Kho tàng ẩn giấu, mình hơi thất vọng vì… Triển lãm nhỏ hơn mình nghĩ. Tuy nhiên, sau khi bước chậm lại và bắt đầu ngắm nhìn, sự thất vọng nho nhỏ ban đầu nhẹ nhàng trôi khỏi tâm trí mình, nhường chỗ cho những cảm xúc tươi mới và bình lặng hơn.

Bên cạnh sơn dầu và sơn mài, Phan Kế An cũng kí hoạ rất nhiều. Những tác phẩm được trưng bày là những chân dung trên khoảnh giấy nhỏ nhắn, được chính ông đặt tên là “Ký hoạ vui”. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc qua các ký họa này của Phan Kế An như Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Thế Lữ… “Tập tranh “kí hoạ vui” cho thấy một góc nhìn gần gũi về đời tư và những mối quan hệ bè bạn của hoạ sĩ Phan Kế An.

Chân dung thiếu nữ.

Đôi khi đó chỉ là bức vẽ trên một tờ đánh máy hay công văn, hay trên giấy bồi tự làm. Hình ảnh các văn nghệ sĩ, đồng chí, đồng đội được thể hiện một cách vừa chân thực vừa dí dỏm, như cách mà ông đã đặt tên cho tập tranh - “Kí hoạ vui”. Trên một vài tấm kí hoạ có vết bút xóa, bởi sau hàng chục năm cất giữ, hoạ sĩ mới chỉnh sửa và photocopy để tặng bạn bè. Được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm này chính là phiên bản gốc được vẽ từ những năm 1947-1948.”

Đọc những dòng giới thiệu này và ngắm tranh, mình chợt thấy những đường nét xưa cũ, những mảnh giấy bé nhỏ kia sao tràn đầy hơi thở của kí ức và sự sống. Việc mà cố hoạ sĩ chỉnh sửa lại tranh, photocopy và tặng bạn bè cũng khiến mình cảm thấy ấm áp và thật đáng trân quý. Thời nay, chúng ta có thể dễ dàng lưu giữ hình ảnh của một người thông qua một chiếc camera, nhưng việc được chính tay bạn bè hay người thân yêu kí hoạ để lưu giữ dáng hình của bản thân thì mình nghĩ điều này có ý nghĩa vô cùng lắm.

Hoa phượng

Ngoài kí hoạ, Kho tàng ẩn giấu còn trưng bày cả phác thảo và tranh sơn dầu trên toan của hoạ sĩ Phan Kế An. Có tác phẩm đã hoàn thiện, nhưng có tác phẩm vẫn còn đang dở dang (như Trận chiến đình Mông Phụ), hoặc được tìm thấy trong tình trạng không lành lặn và người ta đã nỗ lực phục chế chúng (như tác phẩm Hoa phượng). Có hai bức tranh mình thấy tương đối hoàn thiện và mình thích nhất, là bức Người phụ nữ Nga và Thiếu nữ bên hoa sen.

Thêm một thông tin khá thú vị là từ phác thảo Thiếu nữ bên Hoa Sen, Phan Kế An có thể đã xây dựng thêm nhiều tác phẩm khác (và ngay chính trong Kho tàng ẩn giấu cũng có một tác phẩm như thế đang chờ bạn khám phá). Không gian triển lãm không lớn, nhưng rất yên tĩnh. Mình chỉ hơi tiếc là ít tranh quá, nhưng sau rốt vẫn cảm thấy bản thân nên biết đủ, bởi là kho tàng mà, ít thì càng quý.

Trận chiến đình Mông Phụ. Tác phẩm còn dang dở, chưa hoàn thiện của cố hoạ sĩ.

Nguồn: Quan Nam

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay