Các chuyên gia cảnh báo một cuộc khủng hoảng đang diễn ra với nguồn nước bị ô nhiễm ở Ấn Độ khiến người dân bị ung thư và ảnh hưởng đến phát triển trí não của trẻ. Bác sĩ Arun Kumar – một nhà khoa học của Viện Ung thư Mahavir và Trung tâm Nghiên cứu ở Patna, Ấn Độ – cùng nhóm nghiên cứu đã đến ngôi làng có các bệnh nhân ung thư, tổn thương da và các bệnh dạ dày chưa rõ nguyên nhân để thu thập mẫu vật.
Họ phân tích mẫu nước ngầm và mẫu tóc là nơi thạch tín có thể tích tụ nếu tiếp xúc lâu dài. Vào tháng 4, họ công bố những phát hiện của mình. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hàm lượng thạch tín cao trong nước ngầm (244 ug/l).Giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 ug/l. Gần 90% mẫu tóc có hàm lượng trên mức cho phép là 0,2mg/kg.
Mức thạch tín cao nhất trong mẫu tóc là 35,5mg/kg. Họ cũng phát hiện ra 6 người tham gia vào nghiên cứu của họ đã chết vì bệnh ung thư. Theo The Guardian, asen hay thạch tín được WHO liệt kê là một trong 10 chất hóa học nguy hiểm đối với sức khỏe. Khoảng 300 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín, chủ yếu là những người sống ở Ấn Độ và Bangladesh.
Ô nhiễm thạch tín trong các cộng đồng trên khắp Ấn Độ đã tăng 145% trong 5 năm qua. Thạch tín xuất hiện tự nhiên và có thể được giải phóng từ đất đá do quá trình phong hóa vào các tầng chứa nước xung quanh. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa thạch tín và bệnh ung thư.
Nồng độ thạch tín cao trong nước ngầm cũng liên quan đến bệnh thần kinh, tim mạch và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác về sức khỏe. Tuy nhiên, người dân không biết rằng, mình đang dùng nước nhiễm thạch tín và bị bệnh. Ashok Kumar Ghosh – Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Bang Bihar – cho biết, hơn 1 triệu người đã chết ở Bihar do nước ngầm nhiễm thạch tín.
Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với thạch tín có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não, làm suy giảm trí nhớ và trí thông minh ở trẻ em. Vào năm 2019, Ủy ban Nhân quyền của Ấn Độ đã chỉ đạo các bang Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh giải quyết vấn đề này. Chính quyền bang Bihar cho hay, họ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để ngăn chặn, phát hiện và quản lý tình trạng nhiễm độc thạch tín.
Họ cũng khởi động dự án “har ghar nal ka jal” (nước máy cho mọi nhà) nhằm cung cấp nước máy sạch và an toàn. Tại Tây Bengal, dữ liệu chất lượng nước sử dụng hệ thống thông tin địa chất để khảo sát các địa điểm bị ô nhiễm thạch tín đang phát triển và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức. Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã giới thiệu Sứ mệnh Jal Jeevan, nhằm cung cấp nước uống an toàn thông qua vòi cho các hộ gia đình ở các vùng nông thôn vào năm 2024.
Nguồn: Lao Động