Tìm hiểu về Châu Ấn thuyền (P2)

Trước đó nữa vào năm 1577, các thương thuyền Nhật đầu tiên đã cập vào đất Thuận Quảng dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Trước đó nữa vào năm 1577, các thương thuyền Nhật đầu tiên đã cập vào đất Thuận Quảng dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nạn cướp biển Nụy Khấu vốn làm mưa làm gió 1 thời nay bỗng lắng xuống 1 cách kỳ diệu, ngay sau quyết định của triều đình nhà Minh thả tự do cho thương nhân Phúc Kiến. Việc Trung Hoa hợp thức hóa hải thương khiến hành động buôn lậu giờ đây ko còn ý nghĩa, dẫn đến việc các nhóm hải tặc có gốc gác thương nhân hết đất diễn, chỉ còn lại đám cướp biển - Nụy Khấu thực sự, những kẻ rồi cũng sớm lụi tàn! Tuy nhiên, nếu Nhật muốn chen vào hải thương Đông Nam Á 1 cách trọn vẹn thì cần giải quyết 1 vật cản: Vương quốc Lưu Cầu.

Lưu Cầu (Ryukyu) là 1 cường quốc hải thương ở Đông Á thế kỷ 15-16. Họ chỉ là đảo quốc nhỏ bé, dân số và tài nguyên ít ỏi nhưng bù lại, nước này có ưu thế nằm trên vùng hải lộ nhộn nhịp Đông Á-Đông Nam Á. Nhờ việc chiếm vị trí đẹp trong giao thương, Lưu Cầu tự biến mình thành quốc gia có ưu thế về thương mại hàng hải, nơi tàu buôn 3 nước Đông Á và 1 số nước Đông Nam Á khác ghé đến và giao dịch thường xuyên. Chiều ngược lại, người Lưu Cầu cũng chủ động tìm về Đông Á hay Đông Nam Á để trao đổi buôn bán. Vị thế Lưu Cầu có nét tương tự với Nhật ngày trước: Đều là những quốc đảo phía đông và là “mâm dưới” trong hệ thống chư hầu TQ (Lưu Cầu thậm chí 10 năm được cống 1 lần).

Sau mỗi lần cống, Lưu Cầu sẽ được triều đình Trung Hoa tặng nhiều vật phẩm giá trị, gồm cả những tàu đi biển cỡ lớn mà TQ ko dùng do lệnh cấm hải. Với 1 nước nhỏ như Lưu Cầu, lợi ích họ nhận được từ việc tiến cống nhà Minh gần như là vô giá. Nên dù địa thế xa xôi cách trở hay mang phận chư hầu chiếu dưới, Lưu Cầu vẫn trung thành với Trung Hoa. Qua thời gian và đi cùng sự cạnh tranh quyết liệt từ các tàu phương tây, hoạt động thương nghiệp vốn rất thịnh vượng của Lưu Cầu ngày trước nay đã phải chùng xuống. Vậy nhưng trong mắt Ieyasu, quốc đảo này vẫn là chướng ngại cần xử lý nếu muốn xâm nhập Đông Nam Á 1 cách vẹn toàn.

Năm 1609, Tokugawa Ieyasu cho phép phiên Satsuma của gia tộc Shimazu tiến hành viễn chinh Lưu Cầu, với lý do họ đã trợ giúp quá ít cho cuộc xâm lược Triều Tiên khi được Nhật Bản đề nghị. Sở dĩ phiên Satsuma được trao quyền thực hiện chiến dịch là bởi gia tộc Shimazu đã có liên kết lâu đời về ngoại giao/kinh tế với quần đảo Ryukyu qua hàng thế kỷ, nên chỉ họ mới sở hữu hạm đội đủ lớn và đủ gần cho cuộc viễn chinh, đồng thời nắm rõ những yếu điểm của quân đội Lưu Cầu. Tháng 3/1609, quân viễn chinh Satsuma nhổ neo với khoảng 100 tàu cùng 3000 quân - lực lượng ko nhiều, nhưng chừng đó là đủ để đánh gục tiểu quốc Lưu Cầu vốn cũng chỉ có trên 3000 quân bảo vệ đô thành Shuri.

Đây là 1 thảm họa cho Lưu Cầu: Quân Satsuma đã bắt quốc vương Sho Nei cùng hơn 100 triều thần, án ti đem về Nhật Bản. Lưu Cầu bị buộc trở thành chư hầu của nhà Shimazu, trong khi vẫn được phép giữ quan hệ triều cống với TQ. Điều khoản cũng quy định người Lưu Cầu nay chỉ được phép buôn bán với ngoại quốc chừng nào được phiên Satsuma chấp thuận. Phải đến năm 1879 sau cuộc Minh Trị Duy tân Lưu Cầu mới bị sáp nhập (tỉnh Okinawa), họ vẫn độc lập về danh nghĩa, cấu trúc chính quyền và dòng dõi tông thất ko có gì xáo trộn. Nhưng giờ đây mọi bước đi của Lưu Cầu đều ko còn theo ý họ nữa, quốc đảo này đã vĩnh viễn chia tay với quá khứ hoàng kim của thương mại hàng hải.

Lưu Cầu gần như đã bị loại khỏi dòng chảy thương nghiệp, khiến chặng đường đưa tàu buôn Nhật vào Đông Nam Á chưa bao giờ dễ dàng đến thế - vì quần đảo Ryukyu là 1 trạm trung chuyển giá trị cho những hải trình hàng nghìn km băng đại dương. Người Nhật cũng tham khảo những trải nghiệm của Lưu Cầu trong thương mại Đông Nam Á, vì tổng cộng đã có 150 tàu Lưu Cầu được ghi nhận giao dịch với Đông Nam Á trong thế kỷ 15-16 (61 tàu đến Đại Việt, 10 đến Malacca, 8 đến Java…). Trên thực tế, tàu buôn Nhật vẫn có thể giao dịch nhiều nơi ở Đông Nam Á mà ko phụ thuộc vào kết quả cuộc viễn chinh Lưu Cầu, song việc loại bỏ 1 đối trọng có kinh nghiệm và án ngưỡng cửa vào Đông Nam Á như Lưu Cầu đã giúp thương gia Nhật đi xa hơn ở phía nam.

Sớm nhất là từ năm 1592 dưới thời Hideyoshi, những đội tàu buôn Nhật có vũ trang (Châu ấn thuyền) đã xuất hiện, tuy nhiên thứ làm nên thương hiệu của nó - những giấy phép có dấu triện đỏ (Ngự chu ấn trạng) thì phải đến 1604 mới ra đời. Tokugawa Ieyasu đã ban hành những giấy phép đầu tiên, với dấu triện do chính tay vị Shogun đóng cho các thân phiên, gia đình thương nhân có uy tín hay các nhà buôn cá nhân đáng tin cậy. Giấy phép này vừa giúp quản lý hoạt động xuất nhập cảng (phải có nó mới được ra nước ngoài buôn bán cũng như trở về, tàu buôn ngoại quốc cũng phải có để giao dịch ở Nhật Bản), vừa giúp các thương nhân bảo vệ mình tốt hơn trước cướp biển hay cả những quốc gia thù địch, vì các Shogun đã bảo hộ tàu buôn Nhật Bản bằng quyền lực và uy tín của bản thân.

Trong thời gian đầu, các đối tác phương tây cũng như phần lớn quốc gia bản địa Đông Nam Á cơ bản đều tán thành và bảo vệ Châu ấn thuyền, vì dù ít hay nhiều tất cả các nhà cai trị này đều có quan hệ tốt với Mạc phủ Tokugawa, và đều hưởng lợi từ hoạt động thương nghiệp của Nhật Bản. Bên cạnh các thương gia Nhật, 11 người TQ và 12 người phương tây khác cũng sở hữu Ngự chu ấn trạng. Nổi bật là 2 cựu thành viên tàu Liefde: William Adams và Jan Joosten, cá biệt, Jan Joosten còn sở hữu tới 10 tàu để buôn bán. Trong khi William Adams đã giao dịch ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài và Ayutthaya với dấu triện từ Mạc phủ Tokugawa.

Một Châu ấn thuyền thông thường có tải trọng khoảng 500-750 tấn, nhỏ hơn các tàu buôn tiêu chuẩn châu Âu ở Đông Á, mớn nước thấp giúp nó dễ dàng hơn khi buôn bán ở khu vực cửa sông hay vùng nước ven bờ, trong khi vẫn đủ rộng để mang nhiều hàng hóa hay vật tư dự trữ. Những con tàu này được đóng ở nhiều nơi khác nhau trên khắp các lãnh địa Daimyo Nhật Bản, kể cả ở trạm giao dịch của người Nhật ở Ayutthaya (vì chất lượng gỗ Xiêm và vì người Thái đặt hàng). Nhưng phần lớn chúng xuất xưởng ở 1 nơi có tính quốc tế cao là Nagasaki, kết hợp các thiết kế thân tàu, cánh buồm và cả vũ khí giữa phương tây, Nhật Bản và Trung Hoa.

1 phần bức họa "Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển" diễn tả cảnh Chúa Nguyễn tiếp thương gia Nhật Bản. Trong tranh có sự hiện diện của ít nhất 3 nhân vật lịch sử: Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (mặc áo lục, ngồi chính điện), thương gia Araki Sotaro (mặc áo lam, quỳ giữa điện) và Công nữ Ngọc Hoa (khoác áo vàng, ngoài cùng bên phải).

Yếu tố châu Âu trong từng chiếc tàu buôn thực sự đã khơi dậy các chuyến hải trình mạo hiểm của Châu ấn thuyền. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng thủy thủ đoàn Châu ấn thuyền chỉ có các thương gia Nhật, trên thực tế thành phần nhân sự Châu ấn thuyền có tính quốc tế khá cao. Mọi vị trí từ hoa tiêu, lái tàu, thông dịch cho đến phu khuân vác đều có sự hiện diện đại trà của người Trung Hoa, Lưu Cầu, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Khi tàu buôn Nhật bắt đầu mon men xâm nhập Đông Nam Á, mọi Châu ấn thuyền đều phải có hoa tiêu và lái tàu người Bồ Đào Nha - vì họ thông thuộc vùng biển này hơn người Nhật. Còn tiếp...

Nguồn: Phạm Duy - Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay