Cột tháp điều áp (có nơi gọi là tháp cắt áp), được xây dựng năm 1966, cùng thời điểm khánh thành nhà máy nước Thủ Đức, và là nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, nhà máy nước này vẫn đang là nơi cung cấp nước chính cho Sài Gòn. Cột tháp trên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) là một trong 2 tháp điều áp của nhà máy nước Thủ Đức.
Tháp còn lại nằm ở gần ngã tư Thủ Đức, ở ngay nhà máy nước như hình ở bên dưới. Công dụng của tháp điều áp này là điều tiết, ổn định áp lực nước từ nhà máy nước Thủ Đức. Tháp điều áp này cao hơn 30m, có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Dọc thân tháp có một đường ống nối thông với đường ống cấp nước lớn bên dưới.
Khi nước từ nhà máy bơm vào đường ống lớn chạy về đến tháp, áp lực nước sẽ được điều tiết, giảm xuống, trước khi nguồn nước này hòa vào mạng lưới đường ống nhỏ hơn. Thí dụ nếu nước từ nhà máy bơm ra với áp lực lớn tương đương với cột nước cao hơn 30m thì khi đến tháp điều áp này, nước sẽ được đẩy lên đỉnh tháp.
Theo đó, áp lực nước được giảm xuống. Nếu không có tháp điều áp này thì nước từ đường ống lớn đổ vào sẽ có áp lực lớn, khi hòa vào mạng lưới đường ống cấp nước nhỏ hơn sẽ gây ra tình trạng xì, bể đường ống.
Nguồn: Sài Gòn của tôi