60 mùa thu trước, một thời văn nghệ học sinh

Thế hệ học sinh tại miền Nam những năm 1950 “hiền” lắm! Hai thú vui lành mạnh nhất của họ sau những giờ học mệt nhọc là đi bát phố và chui vào rạp xi nê permanent (thường trực) giá 5 đồng một vé

Thế hệ học sinh tại miền Nam những năm 1950 “hiền” lắm! Hai thú vui lành mạnh nhất của họ sau những giờ học mệt nhọc là đi bát phố và chui vào rạp xi nê permanent (thường trực) giá 5 đồng một vé, muốn vào lúc nào, muốn ra lúc nào cũng được. Ở thế hệ này, cũng không phải không có những thành phần bị dư luận đàm tiếu, tuy không nhiều. Đó là những cậu “tuổi teen” (mượn từ ngữ bây giờ), con nhà tương đối khá giả, ăn diện, mặc quần ống túm, áo sơ mi ca-rô, giày “béch-ca-na” (giày mũi nhọn, hơi hếch lên như mỏ (bec) con vịt (canard). Họ bị liệt vào hạng “cao bồi” (cowboy) cho dù chẳng ai đi chăn bò hết.

Thật ra, họ cũng chẳng làm hại gì cho xã hội, chỉ cái tội túm tụm, ăn chơi nhiều hơn học hành. Với đám học sinh “con nhà lành”, ngoài chuyện bát phố, xem xi-nê, một số bạn có máu mê văn nghệ tham gia vào phong trào “văn nghệ học sinh”, rầm rộ từ nửa sau thập niên 1950. Thôi thì các “thi văn đoàn” (chữ thời ấy) mọc lên như nấm. Ở trường học, họ viết “bích báo” (giờ gọi là báo tường), ai có khả năng hơn thì làm thơ gửi đăng trên các báo, nhiều nhất là các nhật báo đương thời: Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Sài Gòn Mới, Ngôn Luận, Tiếng Dân, Dân Nguyện …. Báo nào cũng dành một hai cột mỗi ngày đăng thơ của bạn đọc gửi về, phần lớn là của các bạn học sinh.

Riêng tờ Ngôn Luận của ông Hồ Anh dành hẳn một trang ruột ngày chủ nhật đăng thơ và văn của các bạn trẻ. Trang này khá sôi động, người phụ trách có một cái tên rất ư lãng mạn là “chị Kiều Diễm Hồng”, mãi về sau mới biết đó là nhà văn phái nam Phạm Cao Củng, trước 1954 chuyên viết truyện trinh thám. Thời đó, hai trong những nhà thơ học sinh được nhiều người biết đến nhất là Vương Đức Lệ, bút danh đọc lái từ tên Lê Đức Vượng, và Thanh Việt Thanh (ở Biên Hòa). Khoảng năm 1957-1958, nhà thơ Nguyễn Vỹ sáng lập và điều hành tờ tạp chí Phổ Thông với sự góp mặt của nhiều cây bút tên tuổi, riêng ông cũng đăng nhiều bài viết, ngoài tên thật, còn có ít nhất hai bút danh là Tân Phong và cô Diệu Huyền (mục “Mình ơi”).

Khoảng năm 1959, ông Nguyễn Vỹ mở ra trên tạp chí Phổ Thông một cuộc thi thơ thú vị, với chủ đề là một câu thơ “Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng”, thơ dự thi làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Hàng trăm bài thơ được chọn đăng, trong đó có thơ của một số cây bút tên tuổi. Trong số những độc giả đầu tiên của tạp chí Phổ Thông lúc ấy, có một cậu học sinh 13-14 tuổi đang học lớp Đệ Ngũ (lớp 8 ngày nay), mê văn nghệ và tập tễnh làm thơ. Còn nhớ trong 3 số đầu tiên của tạp chí Phổ Thông, có mục giới thiệu lần lượt ba nhà thơ, hai người trẻ và một người không trẻ lắm. Người không trẻ lắm đâu khoảng 31 tuổi, được giới thiệu trong số báo đầu tiên, có bút danh Hà Liên Tử (Nguyễn Ngọc Biện), người thứ nhì là Thanh Nhung, khoảng 18 tuổi, nữ sinh trường trung học Võ Tánh, Nha Trang.

Cô gái này có mái tóc đen dài, phủ xuống gương mặt trái soan, trông rất dễ thương, thơ rất chững chạc. Nhà thơ trẻ thứ ba là Như Lan, khoảng hơn 20 tuổi, là người mà cậu học sinh 14 tuổi có một món nợ không trả được. Bài giới thiệu nhà thơ trẻ Như Lan có trích một vài đoạn thơ tiêu biểu, trong đó có hai câu: Ngoài hiên vắng con bướm vàng lịm chết Tôi ngỡ ngàng trời đã tắt mùa Thu (Đã hơn 60 năm, có thể nhớ sai 1-2 chữ) Hai câu thơ bỗng trở thành cái phao cho cậu thiếu niên đang lênh đênh trên biển văn nghệ, chưa biết tìm cho mình bút danh gì. Hai chữ “bướm vàng” đã giúp chàng tìm ra lối thoát, đặt cho mình cái bút danh Hoàng Điệp.

Và cái bút danh ấy bắt đầu xuất hiện trong một bài thơ ngắn đăng trên báo Ngôn Luận năm tác giả ở tuổi 15 (1959) và kết thúc sự tồn tại của nó vào giữa năm 1963, với hai bài thơ được thi sĩ Vũ Hoàng Chương chọn đăng trong mục “Thơ và Thi nhân” trong hai số báo Tự Do ngày chủ nhật của ông Phạm Việt Tuyền. Những năm 1959-1960 ấy, chàng “thi nhân” trẻ tuổi rải thơ trên hầu hết các tờ báo, và một trong những kỷ niệm đáng nhớ là với tờ Tiếng Dân, mục thơ do ba văn nghệ sĩ đã thành danh chọn lựa và có lời bình là Thanh Nam, Văn Quang và Nhất Tuấn (tác giả bài thơ “Chủ nhật này Trẫm nhớ Ái khanh không?”).

Mục thơ của báo có tên là “Thơ Tâm Tình”, nhiều bài đăng về sau được báo chọn in trong quyển “Tuyển tập thơ tâm tình”. Sau 1975, tôi làm lạc mất tuyển tập thơ này, quên hết 99% số bài trong đó, kể cả bài của tôi. Song lạ thay, bài duy nhất còn đọng lại trong ký ức của tôi mãi đến ngày nay lại là bài của một người con gái có cái tên khá lạ. Đó là một bài tình buồn, đằm thắm và đầy cảm xúc:

Ngày mai anh đã đi rồi!

Buồn lên đôi mắt nửa vời thương đau.

Thôi đừng tính chuyện ngày sau,

Sầu tâm tư đã lên màu khói sương.

Đâu anh lối cũ thiên đường,

Hồn ngây ngất đợi chán chường đấy ư?

Cúi đầu vọng bước tương tư,

Hồn cuồng phong, phút tạ từ mong manh.

Đây môi thơm đợi chờ anh,

Xin hôn đi, để em thành cố nhân!

Lệ rơi đã lạnh bàn chân,

Từ đây buồn cả mùa Xuân cuộc đời,

Tiếng ru sầu rụng bên trời,

Còn bâng khuâng tưởng bóng người ngày xưa!

TRẦN LƯU HỒNG LIÊN

Hai câu: “Đây môi thơm đợi chờ anh / Xin hôn đi, để em thành cố nhân! “ thật tinh tế và tuyệt vời, chúng vượt xa tầm của một bài thơ văn nghệ học sinh, xứng đáng được đứng chung với những câu thơ để đời trong làng nghệ thuật. Chúng toát ra nỗi buồn đằm thắm, chịu đựng và đầy nét bao dung của người con gái bị tình phụ! Có lẽ ấn tượng mạnh về chúng đã khiến tôi nhiều lần đọc cả bài thơ và nhớ xuyên suốt đến bây giờ. Bài thơ được trình làng khi tôi mới 16-17 tuổi, người con gái làm bài thơ ấy chắc phải hơn tuổi tôi ít nhiều. Ngày nay, nếu còn sống, chị đã là một bà lão trên dưới 80, không chắc chị còn nhớ trọn vẹn bài thơ ấy, và khi biết rằng có một cậu học trò năm xưa nhớ mãi bài thơ của mình trong suốt 60 năm trời, chắc là chị ngạc nhiên lắm!

Trở lại chuyện văn nghệ học sinh, chuyển biến đáng kể nhất trong thời tuổi trẻ của tôi là với tờ Bán nguyệt san Gió Mới thuộc Tổng Liên đoàn Học sinh , khi tôi đang ở tuổi 16, bắt đầu học lớp Đệ Nhị trường công lập Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định (1960). Tờ báo của bộ ba Trần Văn Sơn (chủ nhiệm), Đinh Từ Thức (chủ bút) và Nguyễn Triết Lý (Tổng Thư ký tòa soạn). Tổ chức TLĐHS hoàn toàn độc lập với Bộ Quốc gia Giáo dục, từng có nhiều bài đả kích chính sách giáo dục của ông Bộ trưởng Trần Hữu Thế, về sau thì ủng hộ chương trình hành động của ông Bộ trưởng Nguyễn Quang Trình, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn.

Gió Mới là một tờ báo rất đứng đắn, thường có bài của những cây bút khả kính như Nguyễn Thiệu Lâu (lịch sử), linh mục Trần Văn Kiệm (khoa học), Lê Giang Huân … Báo in tại nhà in Nguyễn Đình Vượng là cơ sở ấn loát nổi tiếng in đẹp lúc bấy giờ, chữ in gãy gọn, không lem luốc (vì chữ chì bị mòn) như nhiều báo khác. Đặc biệt, tờ Gió Mới dành cho thơ một sự trang trọng rất đáng quý, bài thơ nào cũng được in chữ to, nét nghiêng và đóng khung nghiêm chỉnh. Đặc biệt hơn nữa, trong khi các báo khác chỉ trả lời qua loa số bài đã nhận được của độc giả gửi đến, với câu quen thuộc “bài không đăng không trả lại bản thảo” thì Gió Mới là tờ báo duy nhất trả lời từng người một về số phận bài họ gửi đăng, bài nào “sẽ đăng trong một số tới”, bài nào “rất tiếc không đăng được” đều được trả lời rành mạch, rõ ràng.

Thời đó, ngoài các ký giả cơ hữu của tòa soạn báo làm việc có lương hướng, hầu hết bài viết (thơ, văn) của người ngoài gửi về được tòa soạn xem là “lai cảo”, được chọn đăng là một vinh dự, không có nhuận bút bao giờ, nhiều lắm là một tờ báo biếu. Tất nhiên, với những thi tài vang danh bốn bể như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, thì vấn đề có thể khác. Họ thường được các tòa soạn “xin bài”, có nhuận bút hay không, chỉ hai bên biết. Vào những năm 1960-1961, tờ BNS Gió Mới là nơi “thường trú” của một số cây bút văn nghệ học sinh đã tương đối già giặn, gồm hầu hết ở miền Trung (Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng …)

Đó là những Lam Hồ (nhóm Cùng Đi Một Đường), Luân Hoán, Mặc Phương Đình, Mặc Trúc Sơn Phạm Đình Hiệu, Thạch Nhân, IP Lê Lương Nguyên …, riêng đại diện Sài Gòn chỉ thấy có cậu học sinh …Hoàng Điệp. Anh chàng kể sau cùng này có 4 bài thơ đăng trong tờ Gió Mới khổ lớn (cũ) và 3 bài trong tờ khổ nhỏ (mới) xuất hiện khoảng năm 1962, lúc ấy mục thơ do nhà thơ Nguyên Sa phụ trách. Tờ Gió Mới khổ nhỏ ra hàng tháng đến mười mấy số thì đình bản. Trong số những tên tuổi “văn nghệ học sinh” kể trên, có người nay còn sống ở Việt Nam, có người đang sống ở nước ngoài, có người không còn nữa.

Mùa Thu năm 1960, tờ Gió Mới số 75 dành hơn nửa trang lớn (trang 3) đăng thông điệp của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân kỷ niệm Thánh đản đức Khổng Tử. Thời đó, học thuyết của Khổng Tử vẫn còn đắc dụng trong học giới, không bị lạm dụng bát nháo vào những mục tiêu chính trị như bây giờ, nên hàng năm, đích thân Tổng thống VNCH gửi thông điệp cho dân để nhắc nhở về một nền tảng đạo lý của cha ông. Có lẽ do bức thông điệp chỉ chiếm hơn nửa trang báo lớn nên bài thơ Thu Về của chàng trai 16 tuổi có vinh dự được trám vào khoảng trống, chung một trang với văn kiện quan trọng này. Đó là chút kỷ niệm về một mủa Thu cũ, vẫn còn đậm nét sau đúng 60 năm!

Nguồn: Lê Nguyễn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay