70% bề mặt trái đất là nước vậy sao vẫn thiếu nước

Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu". Thống kê ghi nhận: Với 70% bề mặt trái đất là nước, vậy làm sao mà có thể thiếu nước được?

Nguồn nước ngọt thế giới đang cạn dần?

Với 70% bề mặt trái đất là nước, và khối lượng đó là không đổi (1,386.000.000 km3), vậy làm sao mà có thể thiếu nước được? Vâng, 97,5% là nước biển không phù hợp cho tiêu dùng của con người. Và cả dân số và nhiệt độ đều đang tăng chưa từng thấy, có nghĩa là nước ngọt mà chúng ta có đang phải chịu áp lực nặng nề. Nhu cầu nước trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 55% trong giai đoạn 2000 đến 2050. Phần lớn nhu cầu là cho nông nghiệp chiếm (70% lượng nước ngọt toàn cầu), cho sản xuất lương thực sẽ cần tăng 69% vào năm 2035 để nuôi sống dân số đang tăng.

Nước dùng cho năng lượng, làm nguội các trạm phát điện, cũng sẽ tăng hơn 20%. Nói cách khác, tương lai gần cho thấy ta cần nhiều nước ngọt, liên tiếp cho nhiều việc. Số liệu thống kê cho thấy, thế giới hiện có khoảng 663 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, đảm bảo về sức khỏe và vệ sinh môi trường. Hiện có khoảng 2,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để dùng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ là 3,9 tỷ người - nghĩa là hơn 1/3 loài người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Còn gì nữa? Ngay lúc này, theo một nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiều nguồn nước ngọt của thế giới đang được bị sử dụng nhanh hơn tốc độ bổ sung. Các băng hà và chỏm băng của trái đất giữ hơn 68% lượng nước ngọt, nhưng các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính của việc tan chảy mới đây của chúng Ở hầu hết các nơi trên thế giới, các kỹ thuật tưới tiêu nông nghiệp không hiệu quả lắm.

Các kỹ thuật tưới tiêu rất hiệu quả đang tồn tại. Nguồn nhiệt điện (nguyên tử, than, khí ga) cần rất nhiều nước để làm nguội. Năng lượng điện tái tạo phần lớn (như mặt trời và gió) không cần nước làm nguội. Tất cả đều liên quan đến các chính sách để khuyến khích, động viên và đầu tư. Nếu chúng ta muốn trở thành các xã hội có hiệu suất sử dụng nước cao, có nhiều cách để chúng ta có thể thực hiện. Hoặc bằng cách tăng hiệu quả sử dụng từng giọt nước, hoặc đơn giản là bỏ hoàn toàn việc sử dụng cần đến nhiều nước.

Phải tiết kiệm từng giọt nước.

Hình ảnh những cánh đồng khô hạn nứt nẻ, những người dân phải chắt chiu từng giọt nước, những chuyến tàu Hải quân chở nước ngọt cho đồng bào vùng hạn mặn ở Bến Tre… đã làm lay động lòng người. Cũng bởi vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" càng có ý nghĩa. Nhân Ngày Nước thế giới 2020 Ủy ban Nước Liên Hợp quốc (UN-Water) đã đưa ra thông điệp: “Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau”.

Một thông điệp khác của Ngày Nước thế giới năm nay là tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề nước và biến đổi khí hậu. Ngay cả từ các hộ gia đình cũng cần phải có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn. Thông điệp này làm nhớ tới việc đã có lúc chúng ta coi nguy cơ thiếu nước ngọt như một câu chuyện rất xa, ở tận châu Phi hay Nam Mỹ. Là đất nước ở vùng nhiệt đới, nắng lắm mưa nhiều, mối lo về thiên tai mà chúng ta quan tâm thường là lũ lụt, ngập úng… tức là nghiêng về khả năng thừa nước.

Cũng vì thế mà có câu “nghiêng đồng đổ nước ra sông!”. Chỉ đến khi hạn mặn xảy ra cùng những hệ lụy của biến đổi khí hậu, nguy cơ thiếu nước sạch mới hiện hữu. Cũng cần phải nhắc thêm rằng, những năm gần đây, câu chuyện về thiếu nước không chỉ diễn ra ở Miền Trung, Tây Nguyên hay Miền Tây Nam bộ. Ngay ở Hà Nội, người dân Thủ đô cũng đã không ít lần thấm thía nỗi khổ thiếu nước mà gần đây nhất và gay gắt nhất là vụ nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân thành phố của Công ty CP Nước sạch sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải dạo tháng 10/2019.

Sự cố nghiêm trọng này khiến cho hàng chục vạn người dân lâm vào cảnh “khát” nước. Người Hà Nội đã phải mua từng bình nước sạch cho nhu cầu ăn, uống, dùng nước rửa rau để lau nhà… Trong khi đó, rất nhiều người hầu như chưa biết trân trọng nguồn tài nguyên quý giá này, quá nhiều người đang sử dụng một cách phung phí nguồn nước sạch. Nhiều người vẫn vô tư nhìn những dòng nước, giọt nước sạch chảy từ những vòi nước hư hỏng hoặc quên khóa chặt.

Chỉ những người sống trong cảnh chắt chiu từng giọt nước, phải đi mua từng can nước mới có ý thức và biết cách tiết kiệm nước. Chúng ta biết rằng, dù Việt Nam nằm trong tốp 15 quốc gia có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới, song vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch theo đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế. Lượng nước sạch bình quân đầu người của Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của thế giới và đến 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa. Nước không phải nguồn tài nguyên vô tận. Dù là đã muộn, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải biết trân trọng, tiết kiệm nguồn tài nguyên đó, với những việc làm nhỏ nhất!

Nguồn: Nawapi

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay