Bá Vương Biệt Cơ - Cánh cò vàng duy nhất của Trung Hoa (P2)

Thứ khiến thế giới phải kinh ngạc trước tác phẩm đỉnh cao nhất của Trần Khải Ca chính là sự hoà hợp giữa cái "riêng" và cái "chung". Xuyên suốt tác phẩm, ống kính của "Bá vương biệt Cơ" lần lượt "thu hẹp" vào câu chuyện riêng cuộc đời của nhân vật Trình Điệp Y cùng các nhân vật khác như Cúc Tiên

III. ỐNG KÍNH CỦA TRẦN KHẢI CA QUAY ĐƯỢC CÂU CHUYỆN CỦA NHÂN VẬT LẪN CÂU CHUYỆN CỦA THỜI ĐẠI

Thứ khiến thế giới phải kinh ngạc trước tác phẩm đỉnh cao nhất của Trần Khải Ca chính là sự hoà hợp giữa cái "riêng" và cái "chung". Xuyên suốt tác phẩm, ống kính của "Bá vương biệt Cơ" lần lượt "thu hẹp" vào câu chuyện riêng cuộc đời của nhân vật Trình Điệp Y cùng các nhân vật khác như Cúc Tiên, Tiểu Lâu, Viên Sĩ Quần trong lòng xã hội Trung Hoa rồi lại "phóng to" vào câu chuyện của toàn bối cảnh xã hội Trung Hoa trong 50 năm từ thời Dân quốc đến sau Đại cách mạng văn hoá. Lần lượt như thế câu chuyện của cá nhân và câu chuyện của thời đại lồng vào nhau, cái "riêng" và cái "chung" hoà vào nhau.

Trần Khải Ca đã đạt đến đỉnh cao làm mờ đi ranh giới giữa chung và riêng và kể câu chuyện của cá nhân lẫn câu chuyện của thời đại một cách mượt mà và tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vừa vị nghệ thuật lại vừa vị nhân sinh. Nếu nhân vật Trình Điệp Y từng đứng trước sự giằng co rằng giữ hay bỏ bản ngã để hoà mình vào kinh kịch thì xã hội lúc bấy giờ cũng đang tự đấu tranh. Trong đại cách mạng văn hoá, xã hội ấy đứng trước những giá trị văn hoá do chính mình tạo ra mà đặt câu hỏi rằng: "Giữ hay Bỏ?". Và nếu quyết định bỏ đi những giá trị văn hoá ấy thì tức tự bỏ đi một phần "xương máu" của mình, tất yếu sẽ có cuộc chiến tàn khốc nổ ra trong lòng xã hội.

Những cuộc đấu tố bắt đầu, những nghệ sĩ sống với loại hình nghệ thuật lâu đời như Trình Điệp Y với kinh kịch lần lượt bị giày xéo. Và cũng có những sự thay đổi về lối sống, về con người nếu trước kia, hai nghệ sĩ thành danh như Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu có thể sẵn sàng quỳ chịu phạt trước sư phụ thì thế hệ sau là Tiểu Sĩ lại không đủ "tôn sư trọng đạo" mà một bước phản bội lại thầy và môn nghệ thuật mà mình gắn bó.

IV. CÚC TIÊN (CỦNG LỢI)- NÀNG NGU CƠ CỦA ĐỜI THƯỜNG, TIỂU LÂU (TRƯƠNG PHONG NGHỊ)- VỊ ĐẾ VƯƠNG GIẢ

Nhân vật Cúc Tiên chính là dành cho Củng Lợi: Một cô gái sắc sảo, lanh lợi có phần cao thượng nhưng sống một cuộc đời đầy bi thương. Khác với Trình Điệp Y là Ngu Cơ của kịch, cô là Ngu Cơ của đời thường. Nàng rất cao thượng những lần Điệp Y bị ruồng bỏ đều là Cúc Tiên đến an ủi nhưng nàng cũng có lòng nhỏ nhen của người đang yêu khi đi nước cờ lừa Điệp Y rằng nếu anh cứu Tiểu Lâu thì mình sẽ trở về chốn thanh lâu. Cuộc đời mang bi kịch ập đến với Điệp Y thì cũng không bỏ qua Cúc Tiên, nàng vì tin tưởng vào sự nghĩa hiệp của Đoàn Tiểu Lâu mà mang hết tiền chuộc mình khỏi lầu xanh rồi lại ôm mộng về một gia đình nhỏ với người đàn ông mà mình yêu, ôm hy vọng về đứa con chưa chào đời.

Nhưng kết quả thì sao? Cúc Tiên sảy thai rồi lại chứng kiến cảnh người chồng nghĩa hiệp, sắt son công khai phản bội nàng. Sau đó, tựa như Ngu Cơ rút kiếm tự vẫn theo Hạng Vũ, Cúc Tiên mặc bộ váy cưới đỏ treo cổ tự vẫn theo đại trương phu vốn đã chết của lòng nàng. Về Trương Phong Nghị, bạn có thể gặp anh ấy vào vai Thuỷ Hoàng đế trong "Đại đế Tần Thuỷ Hoàng", là bậc minh quân Đường Thái Tông trong "Võ Mỵ Nương truyền kỳ", Tào Tháo trong "Đại chiến Xích Bích" hay gần đây là Ung Chính đế trong "Hậu cung Như Ý truyện"... Có thể nói sở trường của Trương Phong Nghị chính là diễn tả cái nét uy lực của bậc đế vương uy danh tứ phương, ánh mắt tham vọng của những kẻ ôm mộng bá chủ thiên hạ.

Nhưng ở "Bá vương biệt Cơ" người ta thấy một hình ảnh tưởng lạ mà quen, quen mà lạ của Trương Phong Nghị. Vẫn là một bậc đế vương, là Hạng Vũ lẫy lừng trong lịch sử nhưng lần này là đế vương... "giả". Đoàn Tiểu Lâu là một mắt xích vô cùng quan trọng trong một tác phẩm đồ sộ như "Bá vương biệt Cơ", anh là người thực tế nhất trong các nhân vật và anh cũng là "sự thật" đối lập với cái mộng tưởng của hai nàng Ngu Cơ Điệp Y- Cúc Tiên. Với Điệp Y anh là Bá Vương "giả" "không thể bước đủ bảy bước", với Cúc Tiên anh là một đại trượng phu "giả" không thể bảo vệ cô, không thể một lòng son sắt với cô. Thay vào đó anh tỏ rõ sự hèn nhát, tham sống sợ chết, quay lưng, phản bội và bán đứng hai người yêu mình trên đài đấu tố.

Nhưng sự thật là thế, người ta không trách được rằng do Tiểu Lâu quá tầm thường hay do ảo mộng của Cúc Tiên và Điệp Y quá cao xa. Vì những gì Tiểu Lâu làm chính là thực tế, không ai hoàn hảo, uy quyền như bậc đế vương chỉ có trong kịch cũng không ai đứng trước cái chết mà vẫn son sắt, nghĩa hiệp.

V. NHỮNG PHÂN CẢNH ĐẶC BIỆT

Hai phân cảnh đốt áo của Trình Điệp Y: Cậu bé Đậu Tử dứt khoác đốt chiếc áo mẹ để lại và Trình Điệp Y hờ hững đốt trang phục biểu diễn kinh kịch -> Cậu bé Đậu Tử muốn xoá đi quá khứ với người mẹ đã bỏ rơi cậu, Trình Điệp Y muốn rời bỏ kinh kịch khi bước đầu nhận ra sự thoả hiệp với thực tại của Bá vương (Đoàn Tiểu Lâu chấp nhận diễn với Tiểu Sĩ- kẻ cướp vai Ngu Cơ của Điệp Y) Phân cảnh Cúc Tiên ôm Điệp Y vào lòng, đắp thêm trang phục biểu diễn cho anh khi anh mê man nhớ về ký ức bị mẹ mình c hặt đứt ngón tay "Tay con lạnh quá. Mẹ! Tay con lạnh như băng vậy". Sau đó, Cúc Tiên đã khóc và ôm anh vào lòng: "Không sao. Mọi việc sẽ ổn thôi".

Một đứa con mất mẹ và một người mẹ mất con gặp nhau, hai nàng Ngu Cơ ôm lấy nhau. Trớ trêu thay! Cuộc đời đầy bi kịch của họ như một vòng lặp, ngày xưa chính mẹ Điệp Y là một kỹ nữ và bà đã gieo rắc đau khổ vào anh ngay thời nhỏ và nay cũng vẫn là một người kỹ nữ đã mang đau khổ đến đời anh trong vai mẹ và anh lại là con. Phân cảnh Điệp Y kề kiếm vào cổ rồi buông thõng kiếm xuống cùng hàng lệ tuôn rơi -> Không cần gì nhiều chỉ cần ánh mắt long lanh, mơ hồ cùng hàng lệ tuôn rơi Trương Quốc Vinh đã cho chúng ta thấy như thế nào là "Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối cả đất trời". Phân cảnh Viên Sĩ Quần khinh bỉ Đoàn Tiểu Lâu: "Khi nhà Vua trở về gặp Ngu Cơ, đúng theo vở kịch, Ngài phải bước 7 bước nhưng anh lại bước có 5".

Viên Sĩ Quần là người đầu tiên nhận ra Đoàn Tiểu Lâu chỉ là đế vương "giả", là Bá vương "không thể bước đủ 7 bước" Phân cảnh Điệp Y tố cáo Cúc Tiên là gái điếm -> Dường như một nửa để trút giận, một nửa mong muốn Tiểu Lâu sẽ bảo vệ Cúc Tiên để niềm tin về Bá vương của Điệp Y bấy lâu nay không bị dập tắt Phân cảnh Tiểu Lâu, Điệp Y ngồi cạnh tên thái giám năm nào giờ đang bán thuốc lá dạo -> Báo hiệu về sự thay đổi của xã hội, cơ hồ rằng chính hai nghệ sĩ từng vang danh như họ cũng bị thời thế đẩy xuống vực sâu giống vậy. Phân cảnh sau khi chứng kiến Điệp Y tự sát, Tiểu Lâu đã hét vang "Đắc Di" rồi lại nói bằng giọng nhẹ tênh "Đậu Tử".

Mộng tưởng kết thúc, tất cả còn lại là thực tế Những phân cảnh thể hiện tình yêu sâu sắc, thuỷ chung của Điệp Y dành cho Kinh kịch: Không thể nói sai về những người Nhật đã nghe anh hát, coi mực đỏ điểm chỉ ở Toà án chỉ như son để hoá trang, trang điểm tỉ mỉ ngay cả trước khi lên đài đấu tố, sẵn sàng hát cho bất kì ai biết thưởng thức kinh kịch, không thoả hiệp mà sẵn sàng bảo vệ quan điểm nghệ thuật khi lên tiếng nói về những cải cách tuồng cổ: "Nếu ăn mặc thế này và đứng trước phông màn thế này thì không có hiệu quả. Tôi e rằng đây là lúc cáo chung của tuồng cổ"....

Nguồn: Mai Diễm Phương

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay