Mì gói là món ăn quen thuộc của hàng triệu sinh viên trên thế giới bởi sự tiện lợi và nhanh gọn của chúng. Chỉ mất 3 phút chúng ta đã có món ăn cứu đói nhưng liệu có ai để ý rằng có quá nhiều bao bì nhựa trong một gói mì 3 phút? Tính luôn cả bao bì bên ngoài và các gói gia vị thì ít nhất một gói mì đã có 3 bao bì nhựa.
Chỉ mất 3 phút cho một món ăn nhưng cần đến 8 thập kỉ để lượng rác thải này biến mất. Đây là một sự khó chịu trong thực tế, khiến cho Holly Grounds, một sinh viên năm thứ hai tại Đại học Ravensbourne, London tạo ra bao bì ramen có thể biến thành nước sốt này. Các bao bì bao gồm một màng sinh học khô cứng, được làm từ tinh bột khoai tây, glycerin và nước.
Ngoài ra để giảm thiểu các gói gia vị nhựa nhỏ, Holly Grounds đã trộn gia vị, các loại thảo mộc vào chính bao bì và đổ vào khuôn ủ trong vòng 24h. Tất cả các quá trình tạo ra sản phẩm này đều được thực hiện ở căn bếp của chính mình vì đây là một quy trình đơn giản – Sinh viên này cho biết. Sau đó, lớp màng thu được sẽ được bao bọc xung quanh các khối mì khô, tạo thành hình bánh rán để chúng chín đều hơn và vừa vặn hơn trong tô.
Màng này khi bảo quản mì sẽ khô cứng không khác gì một bao bì nhựa nhưng khi cho nước sôi vào thì nó lập tức hòa tan thành nước sốt có thể ăn kèm cùng mì. Để đảm bảo vệ sinh thì mỗi phần mì sẽ được bọc bằng lớp giấy phủ sáp – có thể tái chế và phân hủy sinh học. Rõ rành chính sự sáng tạo này đem lại sự tiện lợi hơn hẳn so với bao bì truyền thống, không quá một phút để có tất cả mọi thức trong tô của mình và chỉ cần chế nước sôi vào là có ngay một món ăn hoàn chỉnh. Không những vậy chính sự sáng tạo này còn đem lại sự thân thiện cho môi trường và một tương lai phát triển bền vững.
Nguồn: Minh Thư Nguyễn