Beholder - Game khiến bạn phải tự vấn lương tâm

Beholder cũng là một khi những lựa chọn tưởng chừng đơn giản ban đầu, càng về sau sẽ khiến bạn đúng nghĩa phải vắt óc và tự vấn lương tâm thật nhiều để giải quyết hậu quả của nó.

Với sự phát triển ngày một đa dạng, game ngày nay không còn đơn điệu một màu, thu hẹp hạn chế trong việc chiến đấu, phá đảo và chiến thắng. Nhất là với các dòng game indie, định nghĩa của việc “hoàn thành game” hoàn toàn khác xa với ý nghĩa chiến thắng. Cái kết chờ đợi người chơi sau khi game khép lại, có thể hoàn toàn khiến bạn phải hoang mang suy nghĩ thật lâu sau đó. Beholder cũng là một game như thế, khi những lựa chọn tưởng chừng đơn giản ban đầu, càng về sau sẽ khiến bạn đúng nghĩa phải vắt óc và tự vấn lương tâm thật nhiều để giải quyết hậu quả của nó. Bạn có sẵn sàng để đặt lương tri lên bàn cân chưa?

Beholder vốn dĩ là một dự án trên Kickstarter của đội ngũ gồm 11 nhà làm game độc lập đến từ Warm Lamp Games được thành lập từ năm 2015 tại Siberia. Với bối cảnh đặt trong tương lai giả định đầy mục ruỗng, nơi tồn tại một thể chế chính trị vô cùng hà khắc, chính phủ điều khiển và kiểm soát mọt ngóc ngách cuộc sống xã hội lẫn cá nhân của người dân. Người chơi sẽ vào vai Carl, một người vừa được chính phủ giao cho quyền quản lí khu chung cư 6 căn hộ, nhưng đó chỉ là vỏ bọc còn nhiệm vụ chính của gã ta chính là làm tai mắt theo dõi cho nhà nước. Để có thể chu cấp gia đình gồm vợ và hai đứa con mình một cuộc sống đầy đủ.

Carl chấp nhận làm công việc dơ bẩn là theo dõi rình rập những người sinh sống tại khu chung cư của mình, báo cáo cho chính phủ nếu bất kì ai có hành vi mờ ám hay dấu hiệu chống đối nhà nước. Nghe rất quen thuộc phải không? Nếu các bạn đã từng chơi qua Paper, Please thì sẽ thấy ngay sự tương đồng trong ý tưởng nội dung, và kì thực hai game đều sẽ để người chơi lựa chọn giữa mệnh lệnh và lòng trắc ẩn. Về mặt đồ họa, game được xây dựng trong phong cách vẽ comic, với các nhân vật đều ở dạng bóng đen, chỉ tô đậm một vài đặc trưng nổi bật của từng nhân vật. Kiểu đồ họa tuy không phải tươi sáng rực rỡ nhưng vẫn vô cùng cuốn hút và khiến người chơi cảm thấy mãn nhãn, hơi có một chút gợi tưởng đến Limbo lừng lẫy của Playdead.

Nhưng bản thân Beholder vẫn có đặc trưng riêng với tạo hình nhiều đường cong tròn trịa đậm nét hoạt hình phương Tây, cộng thêm âm nhạc được viết cho game hòa quyện rất hoàn hảo với không gian mà cũng bắt tai người chơi. Lẽ ra Beholder sẽ trở nên hấp dẫn, độc đáo hơn nếu được ra đời sớm một chút. Theo những lời được giới thiệu, game sẽ đem đến những trải nghiệm và cốt truyện giàu tính nhân văn triết lí, đáng tiếc thay trước đó chúng ta đã chơi qua Paper, Please và chân thật mà nói, tựa game đó đã làm tốt hơn rất nhiều trong việc lột tả nỗi tuyệt vọng của cuộc sống dưới thể chế độc tài toàn trị so với tân binh này.

Đơn giản bởi vì trong Paper, Please bạn phải tiếp xúc với nhiều người, bị đặt vào nhiều tình huống ngặt nghèo nên hay không nên thực thi trách vụ, với nguy cơ và rủi ro cao hơn, cũng như góc nhìn đa diện hơn về từng tình huống. Còn với Beholder, bạn chỉ đi loanh quanh khu chung cư, bắt chuyện với những kẻ ở đó, nói chuyện với đứa con trai, đứa con gái, người vợ của mình, nghe về những câu chuyện những muộn phiền của họ, nhưng dù thế nào cách bạn tiếp thu câu chuyện vẫn rất phiến diện. Thế thì mấu chốt cho sự cuốn hút của game là từ đâu? Điều đó đến từ cách dẫn dắt của game đối với người chơi.

Như đã nói ở phía trên, từng chi tiết nhỏ bé nhất trong quyết định của bạn ảnh hưởng khủng khiếp đến cái kết chờ đợi ở cuối con đường. Chơi đi chơi lại nhiều lần và bạn sẽ nhận ra, để “thắng” trong game này thực sự khó tới mức nào. Những cái kết dành cho Carl Shtein đều không hề tốt đẹp, từ bị bắt giữ vì tham ô, vì thất trách, bị ám sát bằng súng, dao, hay bị cảnh sát đánh đập nhừ tử… tất cả đều khiến bạn cảm thấy đóng vai kẻ rình mò cho chính phủ giống như chơi dao từ đằng lưỡi. Có thể chăng vẫn có một kết thúc tốt đẹp nào đó trong trò chơi rủi ro này, nhưng những nguy hiểm cám dỗ mà game đưa ra cho nhân vật luôn quá cạm bẫy.

Ngay ở đoạn intro đầu tiên của game, người chơi đã thấy được điềm báo của mình khi khung cảnh Carl bước đến nhận vai trò quản lí khu chung cư đó, gã bắt gặp ngay những tay cớm đang đánh đập và gông cổ kẻ quản lí tiền nhiệm, kẻ từng ngồi ở vị trí mà bạn sắp đặt mông xuống. Quả thực đó là một cảm giác chả mấy dễ chịu chút nào. Gameplay ngược lại vô cùng đơn giản, mang đậm phòng cách game tìm đồ vật, quản lí công việc kiểu những minigame mà ngày trước chúng ta vẫn chơi để giết thời gian khi rảnh rỗi. Bạn sẽ nhận chỉ thị từ “cấp trên” để theo dõi từng đối tượng, kiếm tiền để mua thiết bị theo dõi cần thiết, lục lọi tìm bằng chứng phạm tội mà không để bị phát hiện, và báo cáo lại cho cấp trên để nhận thưởng.

Yếu tố quản lí tài nguyên (ở đây cụ thể chính là tiền bạc) được đẩy cao trong game, khi mà tiền bạn kiếm được vô cùng hạn chế. Bạn sẽ phải đắn đo trong việc tiêu xài thế nào cho thật hợp lí, cho thật hiệu quả với những gì mình có, thậm chí khiến nó sinh lời. Bạn có thể khiến người vợ khổ sở của mình vui vẻ bằng cách mua cho cô ta một chiếc đài phát thanh, nhưng cũng với số tiền đó, bạn có thể mua rượu thết đãi một trong những người thuê trọ trong tòa nhà để mồi chài hắn phun ra thứ gì đó vô cùng có ích cho nhiệm vụ của mình. Có rất nhiều cách để bạn đạt được mục tiêu của mình, và không phải lúc nào bạn cũng có thể hoàn thành tất cả những việc được giao, vì thiếu tiền hay thiếu thời gian, vì đừng quên hầu hết nhiệm vụ đều có thời hạn hoàn thành.

Hơn cả việc giải quyết các “bài toán” được đưa đến trong từng nhiệm vụ, nhìn ở một góc độ to lớn hơn game buộc người chơi phải biết cân bằng và ưu tiên điều gì, quyết định xem phải giải quyết điều gì trước và để cái còn lại “tự sinh tự diệt”. Lắm lúc không thể hoàn thành nhiệm vụ cũng không phải là tệ. Chẳng hạn trong một màn chơi, bạn sẽ phải thuyết phục một người thuê nhà giàu có đầu tư vào một công ty cụ thể, nhưng bạn lại không đủ uy tín để khiến người đó đồng ý. Thay vào đó, bạn có thể bảo ông ta đầu tư vào một công ty tài chính nước ngoài, điều mà với thể chế hiện tại được chính phủ xem là bất hợp pháp.

Không ngạc nhiên vì chúng ta sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng sau đó bạn có thể lẻn vào phòng người kia tìm bằng chứng giao dịch ngoại tệ, rồi tố giác với chính quyền. Vậy là bạn vẫn được khen thưởng và nhận tiền, tuy không hề hoàn thành trách vụ. Beholder khuyến khích người chơi “ăn mảnh” bằng những trò ngoài thông lệ như thế. Về yếu tố tư tưởng triết lý của game cũng không có gì khác ngoài lên án sự bất cập và quân phiệt của thể chế liên bang Xô Viết. Quan niệm này cũng được nhìn thấy trong rất nhiều phim ảnh, games, tiểu thuyết với chủ đề tương tự. Beholder cũng được đặt bối cảnh thời gian vào 1984, như để khẳng định thêm cho yếu tố tư tưởng trên.

Hơn thế, qua những gì rút ra được sau vài lần chơi và kinh nghiệm của những người khác, không thực sự có lựa chọn nào để bạn hoàn toàn không nhúng tay vào những chuyện phi pháp. Sẽ có những trường hợp đặc biệt để bạn phải lựa chọn giúp hoặc không giúp những kẻ phản chính phủ, hay ít nhất là là tránh không làm gì ảnh hưởng đến yêu cầu của cấp trên; hầu hết khi gặp phải trường hợp này bạn đều phải khéo léo lựa chọn, không thể không nhúng chàm nhưng cũng không thể quá lộ liễu để chuốc họa vào thân. Bên cạnh đó, lắm lúc những quyết định cảm tính lại không có ảnh hưởng to lớn đến nội dung game.

Chẳng hạn bạn có thể chọn mặc đứa con gái của mình chết đơn giản vì tiền làm đáng tang chỉ tốn 1.000$ trong khi tiền chữa trị lại tốn đến 30.000$. Một lựa chọn tàn nhẫn như thế nhưng lại không gây ảnh hưởng quan trọng gì đến game. Có thể xem đây như một thiếu sót hơi đáng tiếc cho game, khi yếu tố nhân văn bị đặt nhẹ hơn. Còn lại nếu chơi nhiều lần, người chơi sẽ vô cùng ngạc nhiên vì sự khác biệt mà một lựa chọn nhỏ có thể tạo ra cho game. Ngay cả khi bạn vẫn theo dõi đúng một đối tượng đó với những hoạt động thường nhật, Beholder vẫn đầy tính ngẫu nhiên để bạn có thể chơi đi chơi lại mãi, và có khi bạn phải ghi chú lại từng lựa chọn của mình để khám phá hết giới hạn của game.

Thậm chí đôi khi phải lựa chọn những việc sai trái, vẫn rất đáng trông chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, không phải sao? Chưa hẳn là một game hoàn hảo, cốt truyện không đột phá lắm và còn vướng phải nhiều lỗi kĩ thuật từ load game chậm và kha khá lỗi chính tả, song bù lại Beholder mang đến đồ họa bắt mắt, không khí lôi cuốn đen tối cùng lối chơi chiến thuật quản lí vô cùng sáng tạo, trên hết, chính là sự phong phú trong lựa chọn và tính linh hoạt của việc dẫn dắt nội dung game.

Nguồn: Ốp La - motgame.vn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay