Các loại bánh được gói bằng lá tại Việt Nam (P1)

Những chiếc lá gói bánh, những chiếc bánh được gói bằng lá, có lẽ, từ lâu đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của từng lớp thế hệ người dân Việt Nam.

Bánh chưng

Bánh chưng là một loại bánh quen thuộc của người dân Việt Nam, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông với đất trời. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết của dân tộc Việt, cũng như ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).

Bánh tét

Bánh tét truyền thống được bọc nhiều lá bên ngoài tượng trưng cho mẹ bọc lấy con, mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết. Không chỉ vậy, bánh tét xanh nhân đậu màu vàng gợi cho người nông màu xanh của đồng quê, gợi cho ta niềm mơ ước "an cư lạc nghiệp" của một mùa xuân an bình cho mọi nhà.

Bánh tổ

Bánh tổ là món không thể thiếu của xứ Quảng ngày Tết. Mỗi nhà ngày nay có thể không còn làm được nữa, nhưng mua thì vẫn nhớ thường xuyên, mua về thắp hương cho ông bà như một truyền thống không thể nào quên.

Bánh tẻ

Bánh tẻ, còn được gọi là bánh răng bừa (đặc sản ở Thanh Hóa), là loại bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hoặc lá chuối và được luộc chín.

Bánh gai

Bánh gai hay bánh ít là một món bánh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bánh gai có hình vuông, kích thước vừa bằng bàn tay. Bánh gai được làm từ bột nếp và bột đậu xanh với phương pháp hấp cách thủy, nhân bánh được xào chín trước khi gói cẩn thận bằng lá gai hoặc lá chuối tơ.

Bánh lá dừa

Không biết từ khi nào, cùng với bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh lá dừa của người miền Tây đã trở nên quen thuộc trong từng bữa ăn. Không quá cầu kỳ, song bánh lá dừa lại làm vừa lòng người ăn bởi sự hòa quyện tuyệt vời của nhiều nguyên liệu.

Bánh ú

Bánh ú, còn được gọi là bánh bá trạng, là một loại bánh người Việt dùng để cúng tổ tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ. Bánh ú được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, bánh ú là một món dân dã với những nguyên liệu như nếp, đậu phộng, nấm đông cô, đậu xanh, lạp xưởng, trứng vịt muối, thịt mỡ, tôm khô. Hao hao giống bánh ít, bánh ú cũng là một món bánh nằm trong lá không thể thiếu của người Việt Nam.

Bánh bột lọc

Lột chiếc lá gói, sẽ phơi ra trước mắt cái phiến bánh dài dài, dai dai, màu nõn nà pha chút xanh của bột được ủ chín trong lá. Trên phiến bánh ấy lại có những điểm xanh của hành lá, màu hồng đỏ của tôm, màu mỡ màng của thịt heo, li ti đen của tiêu trông ngon mắt vô cùng. Cầm cái phiến bánh ấy chấm nước mắm ớt ấy thưởng thức, sẽ thấy ngập đầy không gian cái vị mềm dẻo nồng hậu tha thiết của bột, vị ngọt béo đậm đà của tôm thịt, mùi thơm ấm áp của tiêu hành, vị cay cay của ớt… mới hiểu vì sao bánh bột lọc ngon đến vậy.

Bánh tò te

Đây là loại bánh có nguồn gốc từ một số tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Bánh tò te ngay từ cái tên nghe vui tai, lạ miệng cũng gợi cho người ta tò mò về bánh. Thực ra, bánh được gói từ lá chuối, mà lá chuối trong trò chơi dân gian trẻ con thường dùng để cuộn lại, thổi kèn phát ra âm thanh tò te…tò te, có lẽ cái tên bánh cũng xuất phát từ cách lý giải thân thương đó.

Bánh phu thê

Bánh phu thê không chỉ góp mặt trong các dịp cưới hỏi mà luôn hiện diện trong các dịp lễ, tết quan trọng. Món bánh này mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng thuỷ chung son sắt của các cặp vợ chồng. Phần bột mỏng ôm trọn nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự ôm ấp, chở che ấm áp của tình nghĩa vợ chồng.

Nguồn: Hà Phan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay