Các trường phái hội họa tiêu biểu trong lịch sử của Châu Âu (P1)

Hội họa đã xuất hiện từ rất lâu, trước cả khi chữ viết ra đời. Từ nền lịch sử mỹ thuật ta có thể đưa ra kết luận: Hội họa là một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng bằng các tác phẩm sử dụng kỹ thuật (nghệ) và phương pháp (thuật) của họa sĩ.

1. Trường phái Tân cổ điển – NeoClassicism (cuối TK XVIII – đầu TK XIX)

Phong cách nghệ thuật được gọi là "Chủ nghĩa Tân cổ điển" là phong trào chiếm ưu thế trong nghệ thuật và kiến trúc châu Âu trong cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Nó phản ánh mong muốn khơi dậy tinh thần và các hình thức nghệ thuật cổ điển từ Hy Lạp và La Mã cổ đại, những nguyên tắc trật tự và lý trí hoàn toàn phù hợp với Thời kỳ Khai sáng của Châu Âu (Europe Age of Enlightenment). Nghệ thuật Tân cổ điển nảy sinh sự đối lập với phong cách trang trí quá mức và lòe loẹt của Rococo và Baroque – văn hóa nghệ thuật phù phiếm dựa trên quan niệm cá nhân đang gây xôn xao xã hội lúc bấy giờ.

Nó mang lại một sự hồi sinh chung trong tư tưởng cổ điển phản chiếu những gì đang diễn ra trong các đấu trường chính trị và xã hội thời đó, dẫn đường đến Cách mạng Pháp. Niềm tin của các nhà Tân cổ điển chính là nghệ thuật nên thể hiện những đức tính lý tưởng trong cuộc sống và có thể cải thiện người xem bằng cách truyền đạt một thông điệp đạo đức. Nó có sức mạnh làm văn minh, cải cách và thay đổi xã hội, khi chính xã hội đang bị biến đổi bởi những cách tiếp cận mới đối với chính phủ và xuất hiện sự trỗi dậy của các lực lượng thuộc Cách mạng Công nghiệp, được điều khiển bởi những khám phá và phát minh khoa học. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Tân cổ điển có thể kể đến là Pompeo Girolamo Batoni (1708 - 1747), Anton Raphael Mengs (1728 - 1779), Jacques-Louis David (1748-1825), Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780 - 1867), v.v.

2. Trường phái lãng mạn – Romanticism (1780s - 1830s)

Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, trường phái Lãng mạn nhanh chóng lan truyền khắp Châu Âu và nước Mỹ và thử thách những tư tưởng chính thống đã ăn sâu trong thời kỳ Khai sáng. Những nghệ sĩ nhấn mạnh rằng giác quan và cảm xúc – không chỉ đơn giản là nguyên nhân và thứ tự – là những phương tiện quan trọng không kém phần những hiểu biết và trải nghiệm về thế giới. Trường phái Lãng mạn tôn vinh trí tưởng tượng và trực giác cá nhân trong hành trình bền bỉ tìm kiếm quyền và tự do cá nhân. Những ý tưởng của nó về sức mạnh chủ quan và sáng tạo của người nghệ sĩ đã thúc đẩy những phong trào tiên phong vào thế kỷ 20.

Những người theo trường phái Lãng mạn đã tìm thấy tiếng nói của họ trong tất cả các thể loại, bao gồm: Văn học, Âm nhạc, Nghệ thuật, và Kiến trúc. Đáp trả phong cách tân cổ của trường phái Tân cổ điển được ưa chuộng tại học viện ở hầu hết các quốc gia, phong trào đã vươn xa trên toàn thế giới bằng sự độc đáo, nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng trong đó, điều này thúc đẩy phát triển nhiều phong cách khác nhau trong phong trào. Ngoài ra, trong một nỗ lực để ngăn chặn sự xâm lấn của công nghiệp ngày càng tăng cao, nhiều người theo chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh sự kết nối cá nhân tới thiên nhiên và một quá khứ vàng son.

3. Trường phái Hiện thực – Realism (1840s – 1880s)

Mặc dù chưa từng là một khối thống nhất, chủ nghĩa Hiện thực được công nhận là phong trào hiện đại đầu tiên trong nghệ thuật, từ chối các hình thức nghệ thuật và cách tổ chức xã hội truyền thống đã lỗi thời sau thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Công nghiệp. Bắt đầu ở Pháp vào những năm 1840, chủ nghĩa Hiện thực đã cách mạng hóa hội họa, mở rộng ra quan niệm về những gì tạo nên nghệ thuật. Hoạt động trong một thời đại hỗn loạn được đánh dấu bởi những cuộc cách mạng nổ ra liên tiếp và sự thay đổi xã hội rộng rãi, các họa sĩ thuộc trường phái Hiện thực đã thay thế những hình ảnh lý tưởng và quan niệm văn học của nghệ thuật truyền thống bằng các sự kiện đời thực, đưa xã hội vào những bức tranh và những câu chuyện lịch sử vĩ đại.

Các họa sĩ theo chủ nghĩa Hiện thực đã bác bỏ những chuẩn mực của chủ nghĩa Lãng mạn - trường phái Hội họa đề cao mộng tưởng, tình cảm và sự tự do. Những họa sĩ Lãng mạn thường tô hồng, bôi đen hiện thực và đề cao, hay mộng tưởng hóa những nhân vật thần thoại hoặc những khung cảnh thần tiên. Đây chính là điều mà nhóm họa sĩ Hiện thực kịch liệt phản đối. Chưa bao giờ nghệ thuật Hiện thực mất đi giá trị, mà chỉ kém đi khi người ta tự hạn chế mình trong một khuôn mẫu gọi là hiện thực. Phẩm chất hiện thực vốn dĩ có trong mọi nghệ thuật và là thủ pháp, ngôn ngữ, mục đích biểu hiện của nghệ thuật hiện thực. Khả năng của nó cũng mênh mông như đời sống, chọn lọc nhưng không từ chối tất cả những gì thuộc về con người. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Hiện thực có thể kể đến là Gustave Courbet (1819 - 1877), Henri Biva (1848 - 1829), Jean-François Millet (1814 - 1875), Édouard Manet (1832 - 1883), Edward Hopper (1882 - 1967), v.v.

4. Trường phái Ấn tượng – Impressionism (1872 - 1892)

Trường phái Ấn tượng có thể được coi là phong trào hiện đại rõ rệt đầu tiên trong hội họa. Khoảng năm 1862, có những họa sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật đã xơ cứng do các quy tắc quá cứng nhắc được giảng dạy ở trường Mỹ thuật, họ tập hợp lại với nhau ở Paris cùng với Claude Monet. Trên con đường được Eugène Boudin và Johan Barthold Jongkind vạch ra trong những năm 1850 -1860, họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, và tìm cách thu tóm những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển. Bằng cách tránh xưởng vẽ và những giá trị giả tạo của nó, họ thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, vẽ ánh sáng và những tác động của nó.

Trường phái Ấn tượng đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa. Cái tên "Ấn tượng" (Impressionism) do các nhà phê bình gọi theo một tác phẩm nổi tiếng của Claude Monet: Impression, soleil levant (Tạm dịch: Ấn tượng mặt trời mọc). Những người theo trường phái Ấn tượng đã nới lỏng cọ vẽ của mình và trải sáng bảng màu bằng những màu sắc tinh khiết và mãnh liệt. Họ đã từ bỏ quan niệm tuyến tính truyền thống và tránh sự phân chia bố cục rõ ràng của hình thức trước đây dùng để phân biệt các yếu tố quan trọng hơn của bức tranh với các yếu tố phụ xung quanh. Vì lý do này, nhiều nhà phê bình dè bỉu các bức tranh trường phái Ấn tượng vì bề ngoài trông có vẻ dở dang và chất lượng có vẻ nghiệp dư của chúng.

Lấy ý tưởng từ Gustave Courbet (họa sĩ đi đầu trong trường phái Lãng mạn), những người theo trường phái Ấn tượng nhắm đến việc trở thành họa sĩ của thực tế - nhằm mục đích mở rộng nhiều chủ đề hơn có thể cho tranh, thoát khỏi sự mô tả của các hình thức lý tưởng hóa và đối xứng hoàn hảo để tập trung vào thế giới mà họ thấy, dù nó không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Ấn tượng có thể kể đến là Claude Monet (1840 - 1926), Mary Cassatt (1844 - 1926), Edgar Degas (1834 - 1917), Camille Pissarro (1830 - 1903), Alfred Sisley (1839 -1999), v.v.

5. Trường phái Hậu ấn tượng – Post Impressionism (1886 - 1914)

Chủ nghĩa Hậu ấn tượng bao gồm một loạt các phong cách nghệ thuật riêng biệt, tất cả đều có chung động lực đáp ứng với tính quang học của phong trào Ấn tượng. Các biến thể phong cách được bao gọn dưới biểu ngữ chung của chủ nghĩa Hậu ấn tượng bao gồm từ chủ nghĩa Tân Ấn tượng (Neo-Impressionism) theo định hướng khoa học của Georges Seurat đến chủ nghĩa Biểu hiện (Symbolism) của Paul Gauguin, nhưng tất cả đều tập trung vào tầm nhìn chủ quan của người nghệ sĩ. Phong trào mở ra một kỷ nguyên mới mà trong đó hội họa vượt qua vai trò truyền thống của nó như một cửa sổ nhìn vào thế giới và thay vào đó, trở thành một cửa sổ nhìn vào tâm trí và tâm hồn của người nghệ sĩ.

Ý nghĩa biểu tượng và mang tính cá nhân cao đặc biệt quan trọng đối với những người theo trường phái Ấn tượng như Paul Gauguin và Vincent van Gogh. Thay vì mô tả thế giới bên ngoài mà ta quan sát, họ nhìn vào ký ức và cảm xúc của chính bản thân mình để kết nối với người xem ở mức độ sâu hơn. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Hậu ấn tượng có thể kể đến là Vincent van Gogh (1853–1890), Georges Seurat (1859–1891), Paul Cézanne (1839–1906), Pierre Bonnard (1867–1947), v.v.

6. Trường phái Dã thú – Fauvism (1899 - 1908)

Trường phái Dã thú (Fauvism hay Les Fauves) là một trường phái hội họa tồn tại trong thời gian ngắn của một nhóm họa sĩ hiện đại. Trong khi phong cách nghệ thuật Dã thú bắt đầu từ năm 1900 và kéo dài qua năm 1910, thì trường phái này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, từ năm 1905 đến năm 1907, và chỉ có 3 cuộc triển lãm*. Một trong những đóng góp chính của trường phái Dã thú cho nghệ thuật hiện đại là mục tiêu triệt để của nó – tách màu sắc ra khỏi mục đích mô tả và cho phép nó tồn tại trên bức tranh như một yếu tố độc lập. Màu sắc có thể thể hiện tâm trạng và thiết lập một bố cục trong tác phẩm nghệ thuật mà không cần phải đúng với thế giới tự nhiên.

Một mối quan tâm chính khác của trường phái Dã thú là sự cân bằng tổng thể của tác phẩm. Các hình thức đơn giản và màu sắc bão hòa của trường phái này đã thu hút sự chú ý đến độ phẳng vốn có của vải hoặc giấy; trong không gian hình ảnh đó, mỗi yếu tố đều đóng một vai trò cụ thể. Ấn tượng thị giác ngay lập tức của tác phẩm là sự mạnh mẽ và thống nhất. Trường phái Dã thú là một tiền thân quan trọng của trường phái Lập thể và trường phái Biểu hiện, cũng như là một nền tảng cho các phương thức trừu tượng trong tương lai. Các tác phẩm Dã thú xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong triển lãm “Salon mùa thu” lại Paris năm 1905.

Những tác phẩm này được sáng tác bởi nhóm họa sĩ trẻ, có cá tính mạnh với quan điểm nghệ thuật táo bạo, mới mẻ chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Một số nhà phê bình cho rằng, triển lãm của Van Gogh tại Paris năm 1903 chính là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ này. Cách biểu hiện dữ dội và có phần thô ráp cùng những tông màu mạnh trong tranh của Vincent van Gogh đã hé lộ con đường sáng tạo cho họ. Chủ nghĩa Dã thú xuất hiện như một ngôi sao băng trong bầu trời nghệ thuật, hiện lên rực rỡ rồi nhanh chóng lụi tàn trong một khoảng thời gian ngắn.

Chủ nghĩa Dã thú ra đời năm 1905, thu hút dư luận để đạt đến đỉnh cao năm 1907, 1908 rồi dần thoái trào và gần như không còn tồn tại từ sau năm 1920. Khi mới xuất hiện và phát triển bước đầu, hội họa Dã thú không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới sưu tập, bị các nhà phê bình và công chúng xa lánh. Nhưng giới họa sĩ lại nhìn thấy ở đó nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới. Hội họa Dã thú chính là một trong những trường phái đầu tiên đưa đến sự tiếp cận hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Bằng việc từ bỏ các nguyên tắc cổ điển một cách thành công, chủ nghĩa Dã thú đã góp phần mở ra một con đường mới cho nghệ thuật thế kỷ XX.

Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Dã thú có thể kể đến là Henri Matisse (1869 - 1954), André Derain (1880 -1954), Maurice Vlaminck (1876-1958), George Rouault (1871-1958), Albert Marquet (1875-1947), v.v. Các bạn có thể chiêm ngưỡng một vài tác phẩm thuộc trường phái này ở phần cmt. *"Phong cách nghệ thuật" bao gồm phong cách chung trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Hội họa, Kiến trúc, Âm nhạc, v.v trong khi "trường phái hội họa" thì chỉ riêng về lĩnh vực Hội họa.

7. Trường phái Biểu hiện – Expressionism (1905 - 1933)

Tới cuối thế kỉ XIX, tinh thần của người theo trường phái này tái xuất hiện trong các bức tranh của hai nhân tố tách biệt và vụng về – một là họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh, người còn lại là họa sĩ Na Uy Edvard Munch. Trong khi những người theo trường phái Ấn Tượng ngưỡng mộ vẻ đẹp và sự hài hòa sắc màu của phong cảnh tự nhiên, Vincent van Gogh và Edvard Munch lại có quan điểm khác biệt. Họ chọn cái nhìn đi sâu vào nội tâm để khám phá hình thức “tự thể hiện” (self-expression); thứ đem đến tiếng nói cá nhân mạnh mẽ trong thế giới mà họ luôn cho rằng nó đầy bấp bênh và chống đối.

Bởi vì sự tìm kiếm mang tính chủ quan cho sự thật chứa đầy tình cảm cá nhân như thế, nó thúc đẩy họ và mở đường cho các hình thức nghệ thuật Biểu hiện của thế kỉ XX đi sâu vào việc khám phá cảnh quan bên trong tâm hồn. Sự xuất hiện của chủ nghĩa Biểu hiện đã công bố các tiêu chuẩn mới trong việc sáng tạo và phán đoán nghệ thuật. Nghệ thuật bây giờ có nghĩa là xuất phát từ bên trong nghệ sĩ, thay vì mô tả thế giới thị giác bên ngoài, và tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật đã trở thành đặc trưng của cảm xúc của nghệ sĩ thay vì phân tích tác phẩm. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Biểu hiện có thể kể đến là Edvard Munch (1863 - 1944), Wassily Kandinsky (1866 - 1944), Oskar Kokoschka (1886 - 1980), v.v.

8. Trường phái Lập thể – Cubism (1909 - 1922)

Chủ nghĩa Lập thể là một trường phái nghệ thuật thị giác có sức ảnh hưởng rất lớn của thế kỷ XX, được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920. Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ thuộc trường phái Lập thể không bị ràng buộc vào việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian mà thay vào đó, họ giới thiệu đến người xem một dạng thức mới của hiện thực qua các tác phẩm miêu tả đối tượng bị phân chia thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.

Chủ nghĩa Lập thể là một trào lưu hội họa có tính cách mạng, phát triển ở Paris đầu thế kỷ XX. Sự ra đời chính thức của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, được đánh dấu bằng sự ra đời của tác phẩm “Les Demoiselles d'Avignon” (1907). Có thể nói, phái Lập thể là một trường phái hội họa nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Cũng như trường phái Dã thú trước đó, chủ nghĩa Lập thể không có một quá trình phát triển lâu dài. Dần dà khởi đầu từ 1906 - 1907, trường phái hội họa này đạt đến cao trào những năm 1909-1912 và gần như kết thúc cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chủ nghĩa Lập thể có phần nào đó liên quan đến chủ nghĩa Dã thú, là trường phái đề cao sự thuần khiết của nghệ thuật và quan tâm đến tạo hình trong nghệ thuật châu Phi. Một số họa sĩ tiêu biểu thuộc trường phái Lập thể có thể kể đến là Pablo Picasso (1881-1973), Georges Braque (1882-1963), Juan Gris (1887-1927), Fernand Leger (1881-1955), v.v.

Nguồn: Mê Tranh

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay