Vào những năm 2008 - 2010 giữa những ngưởi sống ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã có những suy nghĩ mang tính ganh đua nhau về kinh tế và văn hoá. Nếu bạn đề nghị Xu Peifen, một bà chủ quán phúng phính mặc tạp dề đứng trong bếp, mô tả về người Bắc Kinh, bà sẽ ưỡn ngực, chống tay lên hông, mặt dương dương tự đắc trông thật buồn cười. “Họ đứng giống như thế này này”, người chủ hiệu ăn 56 tuổi ở Thượng Hải nói. “Họ đang gây quá phiền nhiễu. Chỉ bởi vì họ đến từ thủ đô. Họ hành xử cứ như thể họ mới là chủ”. Sự ác cảm luôn có hai chiều. “Người Thượng Hải ích kỷ”, Ge Ding, một thầy giáo 28 tuổi, sinh ở Bắc Kinh đã đến Thượng Hải làm việc năm 2001 bắt bẻ lại.
“Những người cùng độ tuổi với tôi thì toàn nói về vật chất, về quần áo họ mặc, về tiền bạc, chứng khoán. Mối quan tâm của họ không gì khác ngoài bản thân và tiền bạc". Những cuộc nói chuyện tếu táo giữa những người bản địa ở Bắc Kinh và Thượng Hải diễn ra nhiều thập kỷ, trong khi những người tỉnh thành khác thường né tránh sự xung đột này. Tại Trung Quốc, cũng như ở bất kỳ quốc gia nào khác, có sự ganh đua rõ ràng giữa những thành phố lớn nhất. Cuộc đua giữa Bắc Kinh, thủ đô chính trị và văn hóa, với Thượng Hải, trung tâm tài chính quốc gia, đã diễn ra nhiều năm. Hình ảnh của Bắc Kinh rực rỡ và lớn mạnh hẳn lên sau khi thành phố này đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2008 với chi tiêu tốn khoảng 45 tỷ USD.
Nhưng tinh thần thời đại của năm 2010 lại dồn về Thượng Hải, với việc trang hoàng và trang trí lại cho Hội chợ triển lãm thế giới, kéo dài sáu tháng đến cuối tháng này. Không chịu thua kém, Thượng Hải đã bỏ ra gần 60 tỷ USD và cải thiện cơ sở hạ tầng. Các số liệu thống kê thật ấn tượng: Thượng Hải xây dựng 8 đường tàu điện ngầm mới, nâng tổng số đường tàu ở thành phố này lên con số 11 với khoảng 400 km đường ray. Bắc Kinh có 8 tuyến xe điện ngầm với 190 km đường ray. Bắc Kinh đưa 3.000 nhà vệ sinh di động phục vụ Olympic trong khi Thượng Hải đưa vào sử dụng 8.000 chiếc cho Hội chợ.
Cả Thượng Hải và Bắc Kinh đều xây dựng mới các ga đón khách ở sân bay. Thượng Hải gây ấn tượng tốt hơn với việc tiến hành hiện đại hoá mà không phá huỷ quá nhiều các di sản của thành phố. Trong việc cải tạo bến Thượng Hải - chuyển các xe chạy ngầm dưới lòng đất và loại bỏ cây cầu vượt xấu xí - các nhà quy hoạch Thượng Hải đã được đánh giá cao qua việc khôi phục giống thời kì hoàng kim của nó những năm 1930. Ở Bắc Kinh, người ra dùng xe ủi san phẳng những con ngõ nhỏ duyên dáng và cổ kính. Trong cuộc chạy đua bám sát nhau để trở thành điểm đến du lịch, Thượng Hải đã vượt lên trước trong năm nay với hơn 70 triệu người dự kiến sẽ đến tham dự Hội chợ Expo.
Khách du lịch chủ yếu là người Trung Quốc và nhiều người đã có ấn tượng tốt về Thượng Hải. Chà. Thượng Hải quá đẹp, thật phát triển và mang tính quốc tế, đủ đạt đến tiêu chuẩn phương Tây”, Liu Yue, một sinh viên 23 tuổi, tham dự Hội chợ với các bạn học, thốt lên. Khi hỏi về người dân, cô cho biết “Ồ, những người trẻ tuổi thân thiện hơn những người lớn tuổi”. Người Thượng Hải có tiếng xấu là đua đòi, và người Trung Quốc thường phàn nàn rằng họ cảm thấy lạc lõng khi ở Thượng Hải, bởi lẽ tiếng địa phương gần như khó hiểu đối với những người nói tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông của Trung Quốc).
Tuy nhiên, thành phố lại được cho là thân thiện với người nước ngoài nhiều hơn, dẫn chứng nổi tiếng nhất trong lịch sử là việc chấp nhận 30.000 người tị nạn Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Mặc dù chế độ thực dân đã qua lâu, các khu phố là tô giới cũ của Pháp, Nga, Mỹ và Anh vẫn còn chứa đựng nghệ thuật trang trí và phong cách tân cổ điển khiến thành phố có một vẻ biến ảo không ngờ. Rất ít người phủ nhận rằng Thượng Hải là thành phố hợp thời trang hơn. "Những người đàn ông Thượng Hải ăn mặc đẹp hơn phụ nữ Bắc Kinh", ông Liu Heungshing, một nhiếp ảnh gia sống ở Bắc Kinh nói.
Mặt khác, "ở Bắc Kinh nếu ta đi ra khỏi cửa, ta sẽ dễ có cơ hội gặp được người để nói những câu chuyện có chất trí tuệ". "Bắc Kinh là đàn ông, Thượng Hải là đàn bà," là cách mà Zhu Xueqin, giáo sư của trường Đại học Thượng Hải - một trong những nhà trí thức nổi tiếng nhất của thành phố, ví von. Người Bắc Kinh và người Thượng Hải thích chọc lẫn nhau và các câu chuyện cười thường có tính châm chọc hơn là giải trí. Đàn ông Thượng Hải bị coi là không hợp với kinh doanh – do đó thuật ngữ shanghaied – để chỉ những người nhút nhát và ru rú ở nhà. "Ở nhà, họ dọn cơm, đổ rác và mát xa cổ cho vợ hay người tình sau khi các nàng đi mua sắm vất vả", một blogger đã viết như vậy trên một trang web có tên là Diễn đàn Trung Quốc.
Ngược lại, đối với người Thượng Hải, người Bắc Kinh và tất cả người miền bắc, đều bị coi là nông dân. "Bọn họ có mùi như tỏi”, chủ nhà hàng họ Xu nói. "Chúng tôi, những người Thượng Hải, giữ cho bản thân và gia đình mình rất sạch sẽ. Chúng tôi tinh tế hơn nhiều. Chúng tôi uống cà phê. Bọn họ chỉ uống trà". Tuy Thượng Hải với hơn 19 triệu người, vẫn là thành phố lớn nhất của Trung Quốc về dân số, nhưng doanh nhân họ Lu không thấy nó có thể giành lại được lợi thế của mình so với Bắc Kinh. “Thượng Hải đã trở thành một thành phố thực sự xinh đẹp lần nữa với Hội chợ, nhưng trung tâm quyền lực vẫn là Bắc Kinh”, Lu nói.
Nguồn: Vnexpress