Cách Mạng Pháp thường được cho là một trong những sự kiện nổi bật nhất không chỉ trong lịch sử nước Pháp và Châu Âu, mà còn trong lịch sử thế giới. Cuộc cách mạng còn được biết đến với tên gọi Cách Mạng 1789, là năm mà sự kiện được đẩy đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, toàn bộ cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu từ năm 1787 và kéo dài cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ. Nguyên nhân dẫn đến Cách Mạng Pháp thì có rất nhiều và phân thành nhiều nhánh tỏa ra đến tận biên giới nước Pháp.
Pháp nằm dưới quyền cai trị của chế độ phong kiến từ sớm vào thế kỷ 5 Công Nguyên, khi Vương quốc của người Frank được thành lập dưới triều đại của Gia tộc Merovingian. Gia tộc Bourbon tiến đến nắm quyền nước Pháp trong suốt thế kỷ 16, khi Henry IV đăng vị làm Vua nước Pháp vào năm 1589.
Triều đại này tiếp tục cai trị nước Pháp vào thế kỷ tiếp theo. Vào thời kỳ tiền Cách Mạng Pháp, người cai trị nước Pháp là Louis XVI của Gia tộc Bourbon, người thừa kế ngai vàng vào năm 1774, sau cái chết của ông nội và là người tiền nhiệm, Louis XV.
Cùng lúc với Louis XVI đăng vị, thượng tầng phong kiến thời Trung Cổ của Châu Âu đã bắt đầu trở nên suy yếu. Mặc dù Pháp vẫn còn là nước phong kiến, nhưng quyền lực của nhà vua bị đe dọa bởi các tầng lớp khác trong xã hội Pháp. Ví dụ như, vào thế kỷ 18, giai cấp tư sản Pháp đang khao khát có được quyền lợi chánh trị.
Vua Louis XVI - ảnh: internet
Đây là một tầng lớp tinh hoa giàu có, những người mà bị loại trừ ra khỏi giới chánh trị do địa vị thường dân của họ. Thêm nữa, tầng lớp nông dân, những người luôn muốn hưởng thụ tiêu chuẩn cải tiến trong cuộc sống và giáo dục, rất háo hức được là nhân chứng cuối cùng của thời đại phong kiến, được hưởng quyền lợi cấp đất, và có được tự do để phát triển cơ ngơi của họ.
Các vấn đề của nhà vua càng thêm trầm trọng do nền kinh tế Pháp không được tốt. Ví dụ như, Pháp tham gia vào nhiều cuộc chiến trong suốt thế kỷ 18 trong nỗ lực khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Điều này phát sinh ra số quân phí khổng lồ, đồng thời càng tồi tệ hơn khi quân đội liên tiếp thất bại.
Để kiểm soát số nợ quốc gia, một hệ thống thuế khắc nghiệt hơn đè lên đầu người dân Pháp. Và tình hình càng tệ hơn khi đất nước chịu đựng nạn đói, là kết quả trong bao nhiêu năm mùa màng thất thu, cùng với sự gia tăng dân số (do kéo dài tuổi thọ từ mức sống cao những năm 1730).
Bản thân Louis XVI là một nhà cai trị tồi. Ông không có đủ lực lượng cố vấn cũng như khả năng để làm một vị vua tốt. Bên cạnh đó, ông không có khả năng quản lý hiệu quả các phe phái trong triều, mặc dù thực tế là ông có vài vị bộ trưởng, những người có kế hoạch tái thiết nền kinh tế quốc gia.
Có 2 nhà cải cách quan trọng nhất dưới triều đại của Louis XVI là Jacques Necker và Anne Robert Jacques Turgot, Nam tước xứ Laune.
Thay vì phải cần thiết hỗ trợ 2 người này, để cứu lấy nền kinh tế Pháp, nhà vua lại sa thải họ. Việc này gây ra sự giận dữ trên toàn nước Pháp. Đó là do sự nổi tiếng của họ trong cộng đồng, vì Necker và Turgot là đại diện và lên tiếng thay cho dân chúng.
Vào ngày 22 tháng 2 năm 1787, Hội Đồng Nhân Sĩ (Assembly of Notables) đầu tiên, trong vòng 100 năm trở lại đây, được triệu tập bởi Bộ trưởng Tài chánh của nhà vua, Loménie de Brienne. Hội Đồng này là một nhóm có chọn lọc bao gồm giới quý tộc, tăng lữ, tư sản, quan chức và đặc biệt kêu gọi đưa ra phương án để giải quyết khủng hoảng tài chánh quốc gia. Charles Alexandre de Calonne, thuộc Văn phòng Tổng Kiểm soát Tài chánh, đề xuất thu thêm một loại thuế đất không được miễn trừ cho giới quý tộc và tăng lữ vào năm tài khóa trước. Mặc dù đưa ra thêm loại thuế đất mới, tuy nhiên, Hội Đồng Nhân Sĩ đã loại trừ nó.
Hơn nữa, Hội đồng yêu cầu Louis XVI mở Họp Quốc Hội (Estates-General). Cũng giống như Hội Đồng Nhân Sĩ, Họp Quốc Hội cũng chưa từng được triệu tập trong vòng 1 thế kỷ nay.
Họp Quốc Hội, được tổ chức vào năm 1789, là cuộc họp đại hội đồng nhân dân đại diện cho 3 tầng lớp trong xã hội Pháp - tăng lữ (Dinh Một, First Estate), quý tộc (Dinh Hai, Second Estate), và thường dân (Dinh Ba, Third Estate). Không giống Nghị viện ở Anh, Quốc Hội Pháp không có bất kỳ quyền lập pháp nào, thay vào đó là chức năng cố vấn cho nhà vua.
Dinh Một và Dinh Hai có tiếng nói lớn hơn trong Quốc Hội, Dinh Ba yêu cầu đại diện bình đẳng và bãi bỏ quyền phủ quyết của quý tộc. Vào tháng 6 năm 1789aa, các đại diện của Dinh Ba (cùng với những thành viên với tư tưởng tự do hơn thuộc 2 Dinh còn lại) gặp riêng với nhau, và thành lập một hội đồng cách mạng gọi là Hội Đồng Quốc Gia (National Assembly).
3 ngày sau, họ tổ chức hội họp ngay lối vào sân quần vợt của nhà vua (vì họ đã bị cấm vào các hội trường khác), và lập nên cái gọi là "Hội thề Sân quần vợt" (Tennis Court Oath), thề rằng sẽ không tách rời nhau cho đến khi Hiến pháp mới của Pháp được thành lập. Ban đầu, Louis XVI không công nhận Hội Đồng Quốc Gia, nhưng sớm nhượng bộ, và yêu cầu giới tăng lữ và quý tộc tham gia. Vào ngày 9 tháng 7, Hội Đồng Quốc Gia được đổi thành Hội Đồng Lập Hiến Quốc Gia.
Cùng lúc đó, nhà vua cho lính tập hợp xung quanh Paris. Điều này, cộng thêm việc sa thải Necker vào ngày 11 tháng 7, được người dân Paris coi là âm mưu của nhà vua và giới quý tộc nhằm xóa bỏ Dinh Ba, nhấn chìm họ vào hỗn loạn, kích động một cuộc nổi dậy ở thủ đô.
Vào ngày 14 tháng 7, một nhóm dân Paris đột kích nhà ngục Bastille trong nỗ lực để bảo đảm súng và thuốc súng cho Cách Mạng. Hơn nữa, nhà ngục Bastille được coi như là tượng trưng cho chế độ phong kiến chuyên chế, nên sự sụp đổ của nó có ý nghĩa quan trọng. Cuộc đột kích nhà ngục Bastille thường được coi là điểm khởi đầu cho Cách Mạng Pháp.
Một lần nữa, Louis XVI lại mủi lòng mà quay lại Paris vào ngày 27 tháng 7, nơi mà ông chấp nhận "Vòng Tam Sắc" (Tricolore Cockade), một biểu tượng của cách mạng. Vào ngày 4 tháng 8, Hội Đồng Quốc Gia quyết định xóa bỏ chế độ phong kiến và thuế thập phân (tithe). Nói cách khác, những đặc quyền được hưởng từ lâu bởi giới tăng lữ và quý tộc đều bị xóa bỏ. Ngày 26 tháng 8, một trong những nghị quyết nền tảng của Cách Mạng Pháp, Tuyên bố về Quyền con người và Quyền công dân, được Hội Đồng cho xuất bản.
Mặc dù tài liệu chỉ là một tuyên bố dựa trên các nguyên tắc, không phải là hiến pháp được viết thành văn, nhưng đó là nhưng bước đi đầu tiên. Các quyết định và bản Tuyên Bố cấp tiến đến nỗi Louis XVI từ chối chấp nhận, nhưng ông bất lực đến nỗi không biết làm gì. Vào ngày 6 tháng 10, hoàng tộc được mang về lại Paris, như là kết quả của cuộc Tuần hành phụ nữ ở Versailles, là cuộc biểu tình chống lại điều kiện kinh tế khắc nghiệt , đặc biệt là nạn đói thiếu bánh mì mà họ đang đối mặt.
Trong 2 năm tiếp theo, hội đồng đã làm ra vô số cải cách với nước Pháp. Nhà thờ Công giáo La Mã ở Pháp, đã hưởng nhiều quyền lợi và ảnh hưởng dưới chế độ phong kiến cũ, đặc biệt là mục tiêu tiếp theo.
Tháng 11 năm 1789, tài sản của nhà thờ được sung công, sang năm tiếp theo chứng kiến sự ra đời của bản hiến pháp dân sự cho giới tăng lữ, và việc áp đặt một lời tuyên thệ dân sự cho họ, đàn áp các dòng tu và phá bỏ lời thề của họ. Bên cạnh các cải cách được thực hiện trong thời gian đó còn tái cơ cấu lại chánh quyền địa phương, cấm kỳ thị người Do Thái, bãi bỏ giới quý tộc và các chức tước, bãi bỏ các hội nhóm và công ty độc quyền.
Vào ngày 20 tháng 6 năm 1791, Louis XVI và hoàng tộc đào thoát sang biên giới phía đông nơi họ nhận được chỗ trú ẩn tại trại của tướng Bouillé ở Montmédy. Chuyến đi thất bại, nhà vua và hoàng tộc bị bắt ở Varennes và bị mang về lại Paris. Vì hành động này mà nhà vua mất hết uy tín của một vị quân chủ phong kiến.
Sau đó, nhà vua háo hức trông chờ một cuộc chiến với các cường quốc ở Châu Âu khác. Nếu nước Pháp chiến thắng, danh tiếng của ông sẽ tăng cao, trong khi nếu nước Pháp thất bại thì có thể mang ông về lại ngai vàng. Hơn nữa, được thúc đẩy bởi hoàng hậu, Marie Antoinette, ông tự mình bước vào con đường không lối thoát bằng sự thoái thác và dối trá.
Tháng 4 năm 1792, Cuộc chiến với Liên minh Thứ nhất (War of the First Coalition) nổ ra, bắng việc Pháp gây chiến với Áo. Chỉ huy Áo, Công tước xứ Brunswick, tuyên bố rằng, ông sẽ mang Louis XVI về lại ngai vàng nước Pháp, và sẽ hủy diệt Paris nếu hoàng tộc nước Pháp bị đe dọa.
Điều này chọc tức người Pháp và vào ngày 10 tháng 8 năm 1792, người dân Paris cùng với các dân quân tỉnh, chiếm lĩnh Cung điện Tuileries, nơi hoàng tộc đang ở. Cùng với việc bắt giam hoàng tộc, tổ chức Đại Hội Toàn Quốc, chánh quyền đầu tiên của nước Pháp dưới nền Cộng Hòa được thành lập.
Phiên tòa xét xử Louis XVI bắt đầu vào ngày 11 tháng 12 và ông bị phán tử hình vào ngày 18 tháng 1 năm 1793. 3 ngày sau ông bị đem ra hành quyết. Hoàng hậu cũng bị xử tử cùng năm vào ngày 16 tháng 10.
Vào ngày 6 tháng 4 năm 1973, Ủy ban An toàn Công cộng được thành lập. Ủy ban này chiu trách nhiệm bảo vệ nền Cộng Hòa khỏi ngoại xâm và nội địch và được trao quyền lực tuyệt đối. Thành viên nổi bật của Ủy ban này là Maximilien Robespierre, người tham gia vào Ủy ban ngày 27 tháng 7 năm 1793.
Giai đoạn giữa năm 1793 và năm 1794 được coi là Triều đại Khủng bố, trong suốt cuộc cách mạng nhiệt thành này, tư tưởng chống giới tăng lữ, và các cáo buộc dẫn đến các vụ thảm sát và hành quyết trên khắp nước Pháp. Theo tài liệu chánh thức, hơn 17.000 người bị bắt và xử tử, mặc dù số lượng người chết trong tù hoặc không qua xét xử là không thể đếm được. Bản thân Robespierre bị xử tử vào ngày 28 tháng 7 năm 1794.
Vào năm 1795, Ủy Ban Điều Hành được thành lập, thay thế cho Ủy Ban An toàn Công cộng. Đây là ủy ban gồm 5 thành viên nắm quyền hành pháp của nhà nước. Vào những ngày đầu thành lập, Ủy Ban Điều Hành đã chấm dứt các hành vi thái quá xảy ra trong Triều đại Khủng bố. Ủy Ban Điều Hành nắm quyền lực cho đến năm 1799.
Trong khi Ủy Ban Điều Hành chấm dứt các cuộc xử tử hàng loạt bởi các người tiền nhiệm, nhưng nó vẫn chưa hoàn thiện. Trong suốt 4 năm cầm quyền, Ủy Ban phải đối phó với khủng hoảng kinh tế, bất bình trong dân chúng, hoạt động kém hiệu quả, và tham nhũng chánh trị.
Để bảo toàn thẩm quyền của họ, Ủy Ban ngày càng phụ thuộc vào quân đội. Hậu quả là, phần lớn quyền lực nằm trong tay các tướng lãnh, và một trong những người đó là Napoleon Bonaparte trẻ tuổi và xuất chúng.
NAPOLEON BONAPARTE - vị tướng tài ba của thế giới
Dưới quyền Ủy Ban Điều Hành, Napoleon được bổ nhiệm làm chỉ huy Quân đội Nội vụ, có nghĩa là ông sẽ lưu ý tới mọi hoạt động chánh trị trên khắp nước Pháp. Hơn nữa, ông còn là cố vấn đáng tin cậy về quân sự cho Ủy Ban Điều Hành.
Vào tháng 2 1796, Napoleon được giao dẫn dắt quân đội Pháp ở Ý và đã tiến hành thành công một chiến dịch ở đó. Năm tiếp theo, Tyrol bị xâm lược, và người Áo đầu hàng, chấm dứt Cuộc chiến với Liên minh thứ nhất.
Quay về Pháp, Ủy ban Điều Hành đối mặt với phản đối từ những người ủng hộ chế độ phong kiến và Robespierre. Bạo động và các hoạt động "chống phá cách mạng" nổ ra khắp đất nước và quân đội được điều động để đàn áp họ.
Điều này cho phép Napoleon củng cố thêm quyền lực, và vào ngày 9 tháng 11 năm 1799, ông tổ chức đảo chánh, thay thế 5 người điều hành bằng 3 lãnh sự, một trong những người đo là Napoleon. Sự giải thể của Ủy Ban Điều Hành và sự thành lập Lãnh Sự Pháp đã đặt dấu chấm hết cho Cách Mạng Pháp.
Cách Mạng Pháp để lại nhiều hậu quả lâu dài, không chỉ cho Pháp mà còn cho Châu Âu và phần còn lại của thế giới. Một trong số đó được coi là có lợi, chẳng hạn như thiết lập tiền lệ cho các đại diện, hệ thống chánh quyền dân sự, tách rời nhà thờ và nhà nước, thiết lập nhân quyền cơ bản, như bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, tự do tôn giáo.
Ngoài ra, Cách Mạng Pháp còn mang nhiều yếu tố tiêu cực, nổi bật trong số đó là việc xử tử hàng loạt trong suốt Triều đại Khủng bố. Hỗn loạn ở Pháp còn lan ra khắp Châu Âu, là tác nhân cho Chiến tranh Cách Mạng Pháp và Các cuộc chinh chiến của Napoleon.
Nguồn: Jason Ho - NNLS