Nạn diệt chủng Rwanda còn được biết dưới tên gọi Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1.000.000 người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, bị sát hại trong 100 ngày diễn ra nạn diệt chủng, từ 7 tháng 4 đến giữa tháng 7 năm 1994. Bên cạnh đó, 30% người Pygmy bị giết.
Tranh vẽ các tộc người ở Rwanda
''Người Tutsi cao 1m9, thanh mảnh. Họ có mũi thẳng, chán cao, môi mỏng. Họ có vẻ giữ khoảng cách, dè dặt, lịch sự và tinh tế.
Còn lại toàn bộ dân số là Hutu...sở hữu toàn bộ đặc điểm của dân da đen: mũi tẹt, môi dày, chán ngắn, hộp sọ bé.
Bọn chúng giống trẻ con, nhát gan, lười biếng và thường bẩn thỉu''; Bác sĩ Bỉ miêu tả người Tutsi và Hutu
Tháng 4 năm 1994 ghi dấu một trong những sự kiện bi thảm nhất lịch sử: nạn diệt chủng Rwanda. Chỉ trong hơn 3 tháng, 1 triệu dân thường của đất nước chỉ có 8 triệu dân đã bị chính đồng bào mình sát hại.
Đa phần những gì chúng ta đã biết hiện nay là: cuộc diệt chủng là hậu quả của cuộc xung đột giữa hai dân tộc Hutu và Tutsi, và năm 1994 người Hutu đã tàn sát người Tutsi.
Tuy nhiên, cuộc diệt chủng này không phải một sự kiện tự bộc phát, không phải gói gọn trong sự xung đột Hutu-Tutsi, và không chỉ nằm trong biên giới Rwanda. Nó liên quan đến rất nhiều sự kiện khác, vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhiều sự kiện lịch sử, chính trị lớn của cả vùng Hồ Lớn châu Phi, trong đó tiêu biểu là mối quan hệ tương hỗ với các sự kiện ở nước láng giềng anh em Burundi. Giả sử, nếu không biết đến cuộc nội chiến Uganda, nội chiến Rwanda, Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF),... người ta sẽ khó để hiểu tại sao cuộc diệt chủng lại diễn ra và tại sao nó kết thúc. Ngược lại, nếu không đặt cạnh diệt chủng Rwanda, sẽ chẳng ai hiểu 2 cuộc chiến tranh đẫm máu ở Congo đã bùng phát thế nào.
Bài viết này cung cấp cái nhìn toàn diện về các sự kiện lịch sử dù ít hay nhiều đều liên quan đến thảm kịch ở Rwanda năm 1994, để mọi người hiểu được một cách hệ thống các sự kiện lịch sử quan trọng của khu vực Hồ Lớn châu Phi - chính là khu vực đẫm máu và nước mắt nhất của thế giới nửa sau thế kỉ 20.
Trước tiên, cần phải biết một số nhân vật chủ chốt sau đây (được sắp xếp theo quốc gia):
- Paul Kagame: lãnh đạo người Tutsi của Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF), một nhóm vũ trang của người Tutsi chống người Hutu. Chiến thắng quân sự của RUF vào tháng 7 năm 1994 là nguyên nhân trực tiếp chấm dứt cuộc tàn sát, và vì vậy Kagame được coi là người hùng của Rwanda.
Hiện nay ông là tổng thống của Rwanda sau khi đắc cử 3 lần liên tiếp từ năm 2000. Được coi là một lãnh đạo tài giỏi cả về quân sự và kinh tế, từng làm Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU).
- Grégore Kayibanda: lãnh đạo người Hutu của Rwanda lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập từ Bỉ, đồng thời là tổng thống đầu tiên của Rwanda độc lập. Ông là một nhân vật thiên vị người Hutu, chủ trương xóa bỏ quyền lực của người Tutsi bằng bạo lực. Chính sách của ông gây nên làn sóng bạo lực và diệt chủng đầu tiên ở Rwanda, khiến hàng trăm nghìn người Tutsi chạy khỏi đất nước, là nguồn cơn của các nhóm vũ trang Tutsi ở nước ngoài.
- Juvénal Habyarimana: tổng thống thứ 2 của Rwanda, nắm quyền từ năm 1973. Ông coi là độc tài và thiên vị người Hutu, gây nên sự chia rẽ trong đất nước đồng thời nền kinh tế suy yếu. Thời kì của ông là lúc các nhóm vũ trang Tutsi ở nước ngoài tấn công Rwanda. Habyarimana là kẻ thù của Paul Kagame và là đồng minh thân cận của nhà độc tài Congo Mobutu Sese Seko.
Ngày 6/4/1994, máy bay chở Habyarimana bị bắn rơi và ông thiệt mạng. Cái chết của ông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nạn diệt chủng Rwanda.
- Michel Micombero: nhà độc tài quân sự người Tutsi của Burundi, láng giềng phía Nam của Rwanda rất tương đồng về lịch sử và xã hội. Lên nắm quyền năm 1966, Micombero cai trị đất nước một cách độc đoán, tàn bạo, thù ghét người Hutu. Chế độ của ông đã gây nên một cuộc diệt chủng không kém phần tàn khốc giết chết 300.000 người Hutu vào năm 1972 nhưng ít người biết tới.
- Meldior Ndadaye: tổng thống người Hutu của Burundi. Năm 1993, ông bị quân đội của người Tutsi ám sát chỉ 3 tháng sau khi lên nắm quyền. Cái chết của ông dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ của Burundi, đồng thời châm ngòi cho cuộc diệt chủng nhằm vào người Tutsi năm 1993, làm 100.000 người thiệt mạng diễn ra chỉ 1 năm trước thảm họa năm 1994 Rwanda.
- Cyprien Ntaryamira: tổng thống Burundi tiếp sau Meldior Ndadaye, cũng là người Hutu. Giống như người tiền nhiệm, ông chết chỉ sau 2 tháng cầm quyền. Ngày 6/4/1994, ông ngồi chung trên chiếc phi cơ bị bắn hạ cùng tổng thống Rwanda Juvénal Habyarimana, cả 2 người thiệt mạng, làm bùng nổ cuộc diệt chủng kinh hoàng ở Rwanda.
- Idi Amin Dada: nhà độc tài tàn bạo, tổng thống Uganda từ năm 1971 sau khi lật đổ tổng thống Milton Obote. Dưới chế độ của mình, Idi Amin sát hại nửa triệu người, gây nên sự phẫn nộ trong cả quân đội lẫn người dân Uganda. Năm 1979, Idi Amin phát động cuộc xâm lược vào Tanzania bất thành, ông bị quân đội Tanzania cùng quân kháng chiến Uganda lật đổ.
- Milton Obote: tổng thống đầu tiên của Uganda sau khi giành độc lập từ Anh. Năm 1971, Obote bị Idi Amin lật đổ nhưng đến năm 1979 đã lật đổ lại Idi Amin. Tuy nhiên, chế độ mới của ông không kém phần tồi tệ, khiến ông phải đối mặt với cuộc nổi dậy của nhiều nhóm vũ trang trong cả nước. Năm 1985, ông lại bị quân đội của mình lật đổ.
- Tito Okello: chỉ huy quân đội Uganda, lật đổ tổng thống Obote năm 1985 để lên làm tổng thống. Tuy nhiên chính quyền của ông chỉ kéo dài 1 năm trước khi bị quân nổi dậy của Yoweri Museveni đ*Người Congo:
- Mobutu Sese Seko: nhà độc tài Congo (thời của ông có tên là Zaire) cai trị đất nước suốt 32 năm từ năm 1965 đến 1997. Ông là một nhà độc tài không tàn bạo, nhưng nổi tiếng tham nhũng, khiến đất nước kiệt quệ. Mobutu là đồng minh của chính quyền người Hutu ở Rwanda và là kẻ thù của Paul Kagame. Năm 1997, ông bị quân đội của Laurent Kabila, một người Cộng sản cũ lật đổ.
- Laurent-Désiré Kabila: nhà cựu Cộng sản (nhấn mạnh là cựu), nhà cách mạng Marxist người Congo, người lật đổ Mobutu Sese Seko để lên nắm quyền năm 1997. Kabila từng là đồng minh lớn của Paul Kagame trong cuộc chiến lật đổ Mobutu Sese Seko. Tuy nhiên, sau này vì nhiều lý do ông đã trở thành địch thủ của Rwanda cũng như Uganda. Năm 2001, ông bị phiến quân thân Uganda ám sát.
- Joseph Kabila: con trai của Laurent-Désiré Kabila, trở thành tổng thống sau khi cha bị ám sát. Trái với cha, Joseph đã hàn gắn và trở nên thân thiết với Paul Kagame, giúp kết thúc cuộc chiến đẫm máu ở Congo. Joseph thường nói ''vẫn luôn coi Kagame là đồng chí của cha tôi''.
1/ Lịch sử thời đầu và quá trình phân quyền Hutu-Tutsi.
Chủ nhân đầu của vùng đất Rwanda không phải người Hutu hay Tutsi, mà là người Twa.
Người Twa là một trong những tộc người lâu đời nhất hành tinh. Các bằng chứng cho thấy người Twa đã sống ở Rwanda ít nhất 35.000 năm trước. Họ có đặc điểm là rất thấp lùn, nên được xếp vào chủng tộc Pygmy (người lùn), dễ dàng phân biệt với các nhóm người còn lại. Dân tộc này ít canh tác, sống bằng săn bắt và làm trò mua vui để đổi lấy lương thực. Dù dân số ít, chỉ chiếm 1% nhưng vì nguồn gốc lâu đời, người Twa vẫn được tôn trọng và được coi là một trong ba nhóm sắc tộc chính ở Rwanda và Burundi. Mặc dù vậy, người Twa hiện nay ngày càng lạc hậu, thậm chí vẫn sống bằng săn bắt hái lượm như thời nguyên thủy, luôn có nguy cơ bị gạt khỏi xã hội. Thậm chí nhiều người còn lo ngại nguy cơ tuyệt chủng người Twa do sự phá rừng ở Rwanda. Hiện nay 40% người Twa ở Rwanda sinh sống bằng nghề ăn xin.
Đo mũi và so mắt thời thực dân Bỉ.
Người Hutu, một dân tộc có nguồn gốc Congo, di cư đến Rwanda từ miền Đông Congo. Dân tộc này sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng không quá phát triển. Họ không có hoặc rất ít gia súc, vì vậy phải vay mượn gia súc của người Tutsi hoặc làm công cho người Tutsi. Dù vậy, họ có dân số rất lớn, hiện này chiếm lần lượt 84% và 85% dân số ở Rwanda và Burundi. Nhưng vì kinh tế, không mạnh nên họ không chiếm nhiều quyền lực xã hội, phải chấp nhận sự cai trị của người Tutsi giàu có hơn. Đây là nguyên nhân gây xung đột xã hội dai dẳng nhiều thế kỷ.
Người Tutsi di cư đến muộn hơn, đến từ Ethiopia. Người Tutsi có rất nhiều đặc điểm khác với các sắc tộc còn lại. Họ có vóc dáng cao lớn, kiểu mắt gần giống châu Âu, và đặc biệt là mũi hẹp và cao rất hiếm có ở châu Phi - những đặc điểm được người châu Âu tự cho là riêng có của cái gọi là ''giống người da trắng thượng đẳng'' (nhưng thực chất là của người Ethiopia).
Về kinh tế - xã hội, người Tutsi đã sớm vượt trội hơn người Hutu. Người Tutsi bên cạnh làm nông nghiệp, họ đã biết làm sợi may quần áo, biết chế tác đá, làm gốm, nuôi ong, nuôi gia súc...Dần dần, họ dùng tiền thâu tóm đất đai và gia súc của người Hutu, trở thành nhóm dân có quyền lực kinh tế tuyệt đối, nắm vai trò lãnh đạo dù dân số chỉ chiếm 15%. Họ cai trị bằng cách đặt ra một mwami (nhà vua) đứng cao nhất trong xã hội.
Bên cạnh nắm vai trò lãnh đạo về kinh tế, hệ quả tất yếu là người Tutsi nắm được quyền lực chính trị, mà quan trọng nhất là nắm giữ quân đội. Giới tinh hoa quân đội của Rwanda, là những thanh niên Tutsi ưu tú, được đào tạo chuyên nghiệp gọi là Intore. Tuy nhiên, sau này chế độ độc quyền quân sự cho người Tutsi bị bãi bỏ, các Intore bị ''thất nghiệp'' và chuyển sang làm vũ công, với khả năng nhảy cao đến 2,4 mét, ngày nay nổi tiếng trên toàn thế giới và là nét văn hóa đặc sắc của Rwanda
Hiện nay, phân chia sắc tộc ở Rwanda và Burundi gần như tương tự nhau (không tính nhập cư):
- Ở Rwanda: 84% Hutu, 15% Tutsi, 1% Twa
- Ở Burundi: 85% Hutu, 15% Tutsi, khoảng 0,7% Twa
Có một điều kỳ lạ, mặc dù Rwanda có tới 3 nhóm sắc tộc khác nhau, nhưng họ lại nói chung một ngôn ngữ là tiếng Kinyarwanda. Không ai giải thích được tại sao, chỉ suy đoán là nhờ việc chung sống lâu dài suốt 10 thế kỉ đã khiến các dân tộc thống nhất về ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhược điểm của tiếng Kinyarwanda là nó lại không phát triển chữ viết. Vì vậy, gần như không có văn bản nào lưu trữ được về lịch sử Rwanda trước thế kỉ thứ 10.
Nằm sâu trong lục địa, được người châu Âu khám phá muộn, và đặc biệt là không có chữ viết, lịch sử thời đầu của Rwanda gần như không còn văn bản chính thức nào lưu lại. Nhưng dựa vào các truyền thuyết địa phương, được các nhà truyền giáo châu Âu ghi chép lại, người ta biết Vương quốc Rwanda hình thành từ thế kỷ 11. Đứng đầu bởi vị vua gọi là Mwami, phần lớn lịch sử các Mwami là người Tutsi, những người có quyền lực xã hội lớn.
Vương quốc Rwanda sớm có trình độ tổ chức cao, sự thống nhất xã hội lớn. Đặc điểm tiêu biểu là dù có 3 nhóm sắc tộc hoàn toàn khác nhau, tất cả họ đều nói chung một ngôn ngữ là Kinyarwanda, có chung một tín ngưỡng truyền thống. Điều này đã giúp tạo nên một đất nước thống nhất, với quân đội kỷ luật cao. Đến thế kỷ 16, vương quốc Rwanda bắt đầu thời kỳ bành trướng, kéo dài sự thịnh vượng đến thế kỷ 19.
2/ Thời kỳ thuộc địa và quá trình chia rẽ Hutu-Tutsi
Mwami (vua) của Rwanda qua đời năm 1895. Quân đội Đức và các nhà truyền giáo Đức đã tranh thủ xâm nhập Rwanda từ Tanganyika (nay là Tanzania) từ năm 1897. Hội nghị châu Âu tại Brussels năm 1910 đã trao cho Đức quyền bảo hộ với vùng gọi là Ruanda-Urundi, nay gồm Rwanda và Burundi. Chính quyền lúc này ở Rwanda vẫn là của người thiểu số Tutsi. Người Đức cai trị Rwanda thông qua giới lãnh đạo Tutsi này.
Bác sĩ Bỉ miêu tả người Tutsi và Hutu
Trong thế chiến thứ nhất, dù thất bại ở ngay ở quê nhà và bị Đức chiếm đóng suốt 4 năm thế chiến, nhưng ở châu Phi quân Bỉ vẫn đủ sức tấn công các thuộc địa Đức. Năm 1916, lực lượng Bỉ từ Congo đã chiếm được Rwanda-Urundi từ tay Đức. Sau khi Đức thua trận, Hội quốc liên ủy quyền cho Bỉ kiểm soát vùng đất này.
Khi cai quản Rwanda, những kẻ thực dân không xóa bỏ phân quyền sắc tộc trước đó, mà còn làm nó ngặt nghèo hơn. Thực dân châu Âu duy trì ưu thế thống trị của Tutsi trong bộ máy hành chính thuộc địa. Nhưng điều quan trọng, là cách họ phân chia người Hutu và Tutsi lại không dựa trên nguồn gốc chính thống, mà lại dựa vào cách thủ công có một không hai trong lịch sử. Cụ thể, họ đo chiều cao, cỡ mũi, đưa ra 16 kiểu mắt (8 của Hutu và 8 của Tutsi). Những ai có chiều cao lớn, mũi cao, mắt của Tutsi thì được coi là Tutsi. Điều này dẫn đến sự một nghiệt ngã, là trong gia đình có cha mẹ là sự kết hợp giữa Hutu và Tutsi, có thể anh là người Tutsi trong khi em bị coi là người Hutu. Dưới sự cai trị của Đức, cơ cấu xã hội Rwanda bắt đầu bị xáo trộn.
Oan nghiệt hơn, lâu hơn sau này, những kẻ cai trị bày ra thêm trò mới, phân biệt sắc tộc nhưng lại dựa trên tài sản. Cụ thể, lấy lý do phân biệt thủ công không chính xác, người Bỉ đổi cách phân biệt bằng cách dựa vào số gia súc. Theo đó, người Tutsi không có tài sản có thể trở thành người Tutsi. Ngược lại, người Hutu có nhiều gia súc có thể được đưa lên làm người Tutsi. Hậu quả của chính sách kì quái này, là người Tutsi tăng cường thu thuế người Hutu, cốt để thu thêm tài sản, và không cho người Hutu ngóc đầu lên. Còn người Hutu, ra sức làm đủ mọi cách, dù cả cướp bóc, chỉ để có đủ số gia súc nhằm mục đích ''trở thành người Tutsi''. Từ năm 1935 trở về sau, tên "Tutsi", "Hutu" và "Twa" được ghi rõ trên chứng minh thư.
Giới quý tộc Tutsi ngày càng độc đoán, ngày càng ra sức thâu tóm quyền lực, không muốn người Hutu chen vào. Họ còn đặt ra chế độ giáo dục riêng cho 2 dân tộc. Người Tutsi hưởng nhiều ưu đãi, trong khi người Hutu gần như không thể học đại học. Quý tộc người Hutu cũng bị chèn ép, không thể giành lấy quyền lực chính trị. Mầm mống xung đột bắt đầu xuất hiện.
Chính sách kỳ quái của thực dân Bỉ đã để lại hậu quả tai hại là sự chia rẽ sắc tộc ngày một lớn giữa 2 dân tộc trước nay vốn sống hòa thuận. Di sản của nó, chính là các cuộc xung đột đẫm máu sau này, mà đỉnh cao là cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994.
3/ Thời kỳ độc lập và diệt chủng lần thứ nhất ở Rwanda
Trong thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, một làn sóng cách mạng chống thực dân lan tràn khắp Trung Phi, với các nhà lãnh đạo như Julius Nyerere tại Tanzania và Patrice Lumumba tại Congo. Tình cảm chống thực dân nổi lên khắp nơi, với một nền tảng Chủ nghĩa xã hội cho châu Phi cũng như sự bình đẳng cho tất cả người dân Châu Phi được xúc tiến.
Tổng thống Nyerere của Tanzania, như đã nói là một nhà tư tưởng ảnh hưởng lớn đến châu Phi. Năm 1958 ông đưa ra luận cương về giáo dục của mình trong quá trình viết cuốn ''Education for self-reliance'' (giáo dục cho sự tự cường), trong đó phê phán hệ thống giáo dục chỉ giành cho tầng lớp ưu tú mà thực dân phương tây đã thiết lập, nhấn mạnh sự bình đẳng của các dân tộc xuất phát từ sự bình đẳng về giáo dục. Luận cương của Nyerere được nhiều người so sánh với V.Lenin trong ở Liên Xô.
Luận cương của Nyerere được nhiều nơi đón nhận. Trong đó ở Rwanda, nhiều nhà cách mạng người Hutu đã tiếp xúc với luận cương và đưa về nước. Người Hutu ngay lập tức coi đó là một bản cáo trạng về hệ thống giáo dục cho các tầng lớp ưu tú người Tutsi trong chính đất nước của họ. Từ đó, người Hutu bắt đầu nhận thấy phải có một sự thay đổi, thông qua một cuộc cách mạng loại bỏ sự thống trị của người Tutsi.
Nhưng cả người Hutu và Tutsi đều biết rằng trước tiên việc cần làm là giành độc lập từ Bỉ. Và công cuộc giành độc lập khi đó phân hóa thành 2 đường lối.
Đường lối thứ nhất, chủ trương xây dựng nền cộng hòa, là chủ trương của người Hutu. Dẫn đầu bởi nhà cách mạng Gregoire Kayibanda, người Hutu thành lập đảng phái của mình, tên là PARMEHUTU.
Ngược lại, người Tutsi chủ trương duy trì chế độ phong kiến như cũ, tức là duy trì quyền lực của Tutsi. Để đối đầu với người Hutu, họ thành lập đảng của mình tên là UNAR.
Vào lúc đó, người ta biết rằng việc độc lập chỉ là việc sớm hay muộn, bởi thực dân Bỉ gần như đã chết, chỉ còn chờ ngày trao trả độc lập. Vậy nên xung đột trong cuộc đấu tranh giành độc lập ở Rwanda-Burundi thực chất là xung đột giữa hai đảng phái, hai chủ trương khác nhau của hai dân tộc.
Vào tháng 11 năm 1959, sau sự kiện nhà cách mạng người Hutu, Dominique Mbonyumutwa bị chính quyền Tutsi bắt giữ, một tin đồn thất thiệt về cái chết của ông lan ra. Người Hutu tức giận, đổ ra đường giết hại người Tutsi. Hơn 1000 người chết, vua Tutsi phải bỏ chạy sang Uganda. Lực lượng Bỉ sau đó phải đưa quân đến vãn hồi và cải chính Mbonyumutwa chưa chết.
Sự kiện tháng 11 năm 1959 là lời cảnh báo cuối cùng cho thực dân Bỉ, rằng họ không thể kiểm soát tình hình nữa. Vì thế chỉ vài tháng sau, Bỉ được Liên Hợp Quốc đồng ý cho tiến hành trưng cầu dân ý ở Rwanda-Burundi. Nhưng trong cuộc trưng cầu này, Rwanda và Burundi tách thành 2 quốc gia riêng biệt.
Và kết quả: ở Rwanda người dân bỏ phiếu thành lập chế độ Cộng hòa, xóa bỏ chế độ phong kiến Tutsi. Trong khi ở Burundi, người ta duy trì chế độ quân chủ chuyên chế của Tutsi như trước kia.
Từ đây, hai đất nước đi theo hai con đường khác nhau.
Sau khi chính phủ cộng hòa được thành lập ở Rwanda với nội các đa phần là người Hutu, người Tutsi ở Rwanda đã ngay lập tức lo sợ và bỏ chạy khỏi đất nước. 336.000 người Tutsi đã rời khỏi Rwanda mang theo tài sản đến các nước láng giềng Uganda, Congo, Tanzania và Burundi. Dân số lúc đó của Rwanda chỉ có 3 triệu người, trong đó có 450.000 người Tutsi. Điều đó có nghĩa là, năm 1961 hơn 2/3 dân số Tutsi của Rwanda đã chạy khỏi đất nước.
Nhưng sau khi sang nước ngoài, một số nhóm vũ trang của người Tutsi đã được thành lập. Ít lâu sau họ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Rwanda, nhưng chủ yếu là từ nước láng giềng phía Nam Burundi, nơi chính quyền là của người Tutsi. Người tị nạn ở Uganda, Tanzania, Congo ít thực hiện các hoạt động quân sự. Ở Congo, người Tutsi chủ yếu đến tỉnh Nam Kivu, nơi họ tự thành lập cộng đồng gọi là Bunyamalengi. Trong khi đó người Tutsi lưu vong ở Tanzania đã được chính quyền địa phương đối xử tốt và nhiều người định cư vĩnh viễn, từ bỏ khát vọng trở về Rwanda.
Năm 1963, trong một cuộc tấn công bất ngờ, quân Tutsi từ Burundi đột ngột tấn công Rwanda, tiến sát thủ đô Kigali. Chính phủ Hutu đã chống trả thành công, đẩy được quân Tutsi về lại Burundi. Tuy nhiên, sau cuộc phản công đó là một chiến dịch trả thù nhằm vào người Tutsi vẫn ở lại Rwanda. Chỉ riêng tại thủ đô Kigali, 14.000 người Tutsi bị sát hại. Trên cả nước , ước tính khoảng 25.000 người Tutsi bị giết, con số khá lớn so với chỉ khoảng 100.000 người Tutsi còn ở lại Rwanda. Tài sản của người Tutsi bị cướp bóc. Đồng thời, Rwanda cắt đứt quan hệ với Burundi vì hỗ trợ phiến quân.
Các sự kiện từ năm 1959 đến 1963 giết chết khoảng 50.000 người Tutsi, làm hàng trăm nghìn người bỏ chạy, làm giảm 70% dân số Tutsi của Rwanda. Hiện nay nó được coi là cuộc diệt chủng đầu tiên trong các cuộc xung đột Hutu-Tutsi.
4/ Cuộc diệt chủng lần thứ nhất của Burundi năm 1972
Như đã nói ở trên, sau khi độc lập Burundi vẫn duy trì nền quân chủ chuyên chế như trước kia. Đứng đầu bởi vua Ganwa Mwambutsa IV, chính quyền đã nỗ lực cân bằng xã hội bằng cách bổ nhiệm các vị trí trong chính phủ phân bổ đều cho cả người Hutu lẫn Tutsi. Thủ tướng Burundi thời đó là Pierre Ngendandumwe, một người Hutu.
Tuy nhiên, chính phủ không kiểm soát được quân đội. Quân đội Burundi vẫn bị sắc tộc Tutsi kiểm soát như trước. Họ ra sức ngăn chặn, thậm chí ám sát các chính trị gia Hutu, những người bị nghi ngờ định chiếm quyền lực. Cùng với đó, quân đội cũng ủng hộ những người Tutsi tị nạn từ Rwanda.
Ngày 15/1/1965, thủ tướng Pierre Ngendandumwe người Hutu bị một người Tutsi tị nạn từ Rwanda ám sát. Người Hutu vô cùng tức giận, đã nổi lên chiến đấu từ đây. Bạo lực bắt đầu nổ ra lẻ tẻ trong đất nước, khiến nhiều người chết. Sau khi nhà vua bổ nhiệm thủ tướng mới là Léopold Biha một người Tutsi, một số sĩ quan người Hutu đã có kế hoạch sát hại ông. Trong một cuộc diễu binh tháng 10 năm 1965, một nhóm sĩ quan Hutu đã nổ súng, bắn bị thương thủ tướng Biha.
Trong lúc này, nổi lên nhân vật Michel Micombero, một chỉ huy quân đội người Tutsi. Michel Micombero đã chỉ huy một chiến dịch trả thù tàn bạo. 34 sĩ quan, binh lính người Hutu cùng gia đình, tổng cộng hơn 200 người bị giết hại dã man bằng xử bắn và chôn sống, kể cả những sĩ quan chưa hề tham gia đảo chính. Cuộc trả thù man rợ này càng làm sự kháng cự của người Hutu thêm dữ dội.
Nhà vua Mwambutsa IV tỏ ra bất lực. Nhận thấy điều đó, Michel Micombero buộc vua phải lưu vong ra nước ngoài, đồng thời tự đưa mình lên làm thủ tướng, nhằm tự tay đàn áp người Hutu. Trong lúc ở nước ngoài, nhà vua đã ủy nhiệm cho con trai lên làm vua, trở thành vua Ntare V của Burundi. Nhưng Ntare V cũng ôn hòa giống như cha. Vì vậy vào năm 1966, Michel Micombero đã phế truất vua Ntare V, lên làm Tổng thống, chấm dứt nền quân chủ lập hiến, thiết lập chế độ độc tài quân sự.
Vào ngày 27 tháng 4 năm 1972, một cuộc nổi dậy lớn của người Hutu nổ ra. Những người nổi dậy đã sát hại người Tutsi, thậm chí còn thành lập một nhà nước ly khai.
Phản ứng với cuộc nổi loạn, Michel Micombero tuyên bố Thiết quân luật, đàn áp thành công cuộc nổi dậy của người Hutu. Sau khi cuộc nổi dậy kết thúc, một chiến dịch đẫm máu và rất quy củ nhằm vào người Hutu đã diễn ra.
Mở đầu bằng việc thanh trừng trong lực lượng vũ trang. Hơn 700 binh sĩ quân đội và 300 cảnh sát người Hutu bị những đồng đội người Tutsi bắn chết hoặc chôn sống ngay tại đơn vị. Tiếp theo, quân đội Tutsi nhắm đến các trường học. Xe tải của quân đội đến các trường trung học và đại học, dồn giáo viên và học sinh người Hutu lên xe và đến đổ vào hố tử thần chôn sống. Các báo cáo sau đó nói toàn bộ giáo viên người Hutu của đất nước đã bị giết. Chỉ riêng ở thủ đô Bujumbura, 4.000 sinh viên đã bị chất lên xe tải và đưa đến hố tử thần. Chỉ có các trường tiểu học may mắn thoát khỏi tàn sát.
Sau đó, tiếp tục đến công chức và linh mục người Hutu bị giết. Toàn bộ những tầng lớp tinh hoa của người Hutu đã bị tiêu diệt, chỉ để lại các tầng lớp thấp kém như nông dân, nô lệ và trẻ nhỏ. Kể cả những người Tutsi phản đối cũng bị giết.
Những người Hutu chống đối cho biết trong cuộc diệt chủng năm 1972, 300.000 người Hutu, trong đó 50.000 trẻ em đã bị quân đội Tutsi giết hại. Còn trong Báo cáo của Ủy ban điều tra quốc tế về Burundi (2002), từ 80.000 đến 210.000 người đã bị sát hại. Hàng trăm nghìn người Hutu phải chạy sang các nước láng giềng.
Cuộc diệt chủng năm 1972 đã làm thế giới ghê sợ. Vì nó diễn ra quá nhanh, gần như các nước không kịp phản ứng. Những gì quốc tế làm sau đó là trừng phạt chính quyền của Michel Micombero và hỗ trợ người tị nạn. Bên cạnh đó, nhiều sĩ quan quân đội người Tutsi cũng ghê sợ hành động của Michel Micombero. Năm 1976, một sĩ quan quân đội là Jean-Baptiste Bagaza đã lật đổ Micombero, chấm dứt chế độ độc tài quân sự.
Jean-Baptiste Bagaza tiến hành một vài cải cách dân chủ, nhượng bộ người Hutu, phát triển kinh tế. Đất nước Burundi tạm thời yên bình đến những năm 90.
Phạm Đăng