Với thuật cũ, Biền định trấn yểm núi Tản, rút kinh nghiệm từ lần trấn yểm trước, y đã khâu mắt của thây lại và vẽ bùa dán lên trán thây để che mắt, che tai của thánh thần, y cũng tìm một trinh nữ của vùng khác, sau đó lấy một nắm đất của chân núi Tản, yểm vào cùng bùa chú, tránh việc làm náo động cả một vùng như lần trước. Lần này y chọn đúng giờ linh là chính Ngọ, nhưng yểm mãi cũng chẳng thấy gì, y quyết yểm lại thì thây động, quá vừa ý. Y tuốt kiếm chém, nhưng gươm chạm đến thây thì bị đẩy bật ra, hệt như người ta chém vào đá vậy, niệm chú thì bùa cháy hết, thây đứng xuống ngựa, chắp tay cung kính như đang chờ 1 ai đó vậy.
Biền cả sợ, quay ngoắt lại, phía sau thì thấy có 1 thiếu niên dung mạo đẹp đẽ, người toả ánh hào quang, cưỡi trên 1 con ngựa trắng đang tiến lại gần. Thiếu niên đi tới chỗ Biền thì chậm lại, hỏi:” Quan thái thú lặn lội đến sứ này có việc gì thế, nếu muốn yết kiến Tản Viên Thánh thì ta khuyên đại nhân nên bỏ thứ thất đức kia đi, chay tịnh sám hối thì có thể, còn nếu muốn trấn yểm thì nhìn cái thây mà liệu.” Nói rồi phất nhẹ tay áo, thây trinh nữ lập tức cháy ra tro, bùa, kim bài hoá bụi tức thì. Biền thất kinh, liền phủ phục xuống, chỉ nghe tiếng ngựa hí vang, ngẩng lên thì đã không thấy ai. Biền lúc đó mới biết người vừa gặp là Tản Viên Thánh, liền toát mồ hôi lạnh, biết điểm dữ, liền chạy về thành Long Biên.
Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, y biết quan thái thú những đời trước có lập miếu Long Đỗ ( ở núi Nùng – vườn bách thảo Hà Nội ngày nay ) và ở phía đó lại có một dòng nghịch thuỷ ( sông Tô Lịch ), y biết trấn yểm bằng phép là vô hiệu nên y quyết dựng âm binh, phá long mạch và cho đúc kim bài, dự định sẽ đánh với hai vị thần của vùng Đại La này một trận. Trước khi trấn yểm Đại La, Biền đã lên kế hoạch đi khắp tứ trấn xung quanh (mà sau này người ta gọi là Thăng Long tứ trấn), vốn là người tinh thông địa lý, y biết, đất Đại La (Thăng Long) sau này sẽ là một kinh đô bề thế, tuy không thể to như kinh đô của Đại Đường nhưng là nơi huyết thực, long mạch từ bốn phía hội tụ, là ngai vàng của đất Việt.
Nếu không sớm ra tay thì vùng đất này từ nay về sau sẽ luôn luôn là thế lực có thể song phẳng tay đôi với thiên triều, thậm chí cái vùng đất nhỏ này còn có thể làm những việc chấn động về sau. Xung quanh kinh thành xưa có tứ trấn, trấn kinh Bắc, trấn Sơn Nam, trấn Hải Dương ( phía Đông ) và trấn Sơn Tây. Dĩ nhiên không có gì là phân cấp bừa bãi cả. Bốn trấn này, về mặt quân sự sẽ đảm nhận chức năng cứu giá cho kinh đô, khi kinh đô có nạn sẽ lập tức ứng cứu. Còn về mặt phong thuỷ, bốn trấn đều có những vai trò riêng. Trấn kinh Bắc, dựa theo những tích nghe được thì sản sinh ra rất nhiều những nhà địa lý, thiền sư cũng như những người có khả năng huyền thuật, đảm nhận nhiệm vụ trấn giữ cho kinh thành, giữ kinh thành xa khỏi các mối đe doạ từ những vị khách phương Bắc lén sang.
Trấn Sơn Tây là nơi gần dãy Tản Viên, nên có vai trò quan trọng về mặt tâm linh, mặt khác lại rất gần kinh đô. Trấn Sơn Nam giúp chống lại những ác linh từ các cửa sông, cửa biển. Duy chỉ có trấn Hải Dương là ít gặp trong các tích truyền miệng. 4 trấn tạo thành một thế chân vạc, tương trợ, bảo hộ cũng như làm long mạch, phong thuỷ của đất kinh đô vững chắc. Sau này, ở xứ kinh Bắc thời Lý, ngôi chùa Hàm Long được xây dựng, nổi tiếng về khả năng bắt duyên, trấn yểm. Biền khi trấn yểm Tản Viên, đã bị đánh đuổi, y quyết định yểm trấn Sơn Nam trước, để phá thế phòng bị, để các oán linh cửa sông cửa bể làm hao hụt đi nhuệ khí của kinh thành.
Biền có khả năng kỳ dị là làm một con diều người. gọi là diều người vì trên con diều đó, y làm một hình nhân có kích cỡ người thật, mang gươm, đeo kim bài, tóc tai mặt mũi sống động y người thật. Con diều đó đi đến đâu thì y cũng nhìn được đến đó (cho tiện thì nó như món UAV hoặc flycam ấy), nhưng kì dị ở chỗ là hình nhân đó có thể vung kiếm, chém các long mạch hoặc tụ khí. Nói sơ qua về tụ khí; một địa điểm nào đó, được cho là hung hay cát đều được xác định dựa trên long mạch hoặc tụ khí. Long mạch nằm ẩm dưới đất, tạo nên sự phú quý, giàu sang, bình an cho người ngự, còn tụ khí ý nói nơi đó có hấp thu được tinh khi đất trời tốt không, nôm na lại thì trong mắt thầy địa lý hoặc những bậc phong thuỷ lão luyện nói chung thì tụ khí như 1 cái phễu, hứng tinh khí của vùng đó, thu vào 1 điểm hoặc 1 vùng nhỏ nào đó.
Nếu huyệt mộ hoặc nhà cửa xây trên khu đó mà hợp khí thì ít cũng sinh ra kỳ tài như trạng nguyên hoặc quan lớn, cao hơn thì có thể là phò mã, đế vương. Kiếm của Biền hoàn toàn có thể chém, cắt đứt sự liên kết giữa tụ khí và vùng đất đó, tinh khí sẽ bị phân tán thật nhỏ để không còn nơi nào sinh được nhân tài nữa. Một mặt, rút kinh nghiệm từ mấy vụ lần trước, dùng hình nhân thì khó chết hơn, dĩ nhiên nếu gặp phải ca khó thì vẫn hẹo như thường nhưng có thể cứu được khi có anh em trên bến dưới thuyền cạnh đấy, đỡ hơn là đi 1 mình. Trấn Sơn Nam ngày đó có 1 số địa điểm khá quan trọng như non Côi, Vị thuỷ, dãy núi Tam Điệp,…
Những địa điểm trên đều có ý nghĩa tâm linh lớn, quan trọng, chi bằng cứ yểm sạch. Với mục đích đo Biền cho con diều bay khắp vùng để triệt các tụ khí. Nhưng đây không phải nhà vô chủ, núi vô thần, sông vô thánh, trong một lần bay đến vùng Ninh Bình, cụ thể là gần thành phố Ninh Bình hiện tại, trời bỗng nhiên nổi bão, con diều khó điều khiển. Một dự cảm chẳng lành xảy đến, mặc dù không đích thân ở trên cánh diều mà y còn thấy lo sợ. Bằng khả năng của mình, y tìm thấy một động nhỏ phía Nam chân núi Ngọc Mỹ nhân có một luồng tụ khí rất mạnh, biết rằng đây là nơi trọng yếu, y lệnh cho hình nhân vung kiếm chém.
Nhưng kiếm chưa kịp chém xuống thì đã có một mũi tên găm vào trán con hình nhân, làm rơi lá bùa. Hình nhân thõng tay, lúc này vì rơi lá bùa nên nó không thể cử động nhưng nếu để kim bài kia rơi xuống thì cũng coi như trấn yểm được. Y thi triển một lá bùa, nhằm mượn sức gió quật rơi chiếc kim bài kia, bỗng nhiên từ đâu một con chim lạ bay đến, quắp mất chiếc kim bài rồi biến mất vào nền trời đen kịt của cơn bão, một mũi tên lửa bay đến, cánh diều bốc cháy và rơi xuống đỉnh núi, trời lại quang trở lại. Kế hoạch của Biền chính thức sụp đổ, người ta bảo, mũi tên ấy là của thần Thiên Tôn của đất Ninh Bình bắn lên nhằm đánh đuổi phép phù thuỷ, con chim ấy là chim Lạc, biểu tượng của dân tộc Việt được thánh thần phái xuống.
Từ khi ấy núi còn có tên là núi Cánh Diều. Biết không thể dùng cách nhẹ nhàng, như một con thú bị dồn đến chân tường, lần này y quyết định dùng cả tính mạng của mình để quyết đến cùng: Âm binh. Âm binh có nhiều loại, có thể là những xác bị hiến, không may trở thành con rối của thầy bùa, của những phù thuỷ hung ác, hoặc cũng có thể là những linh hồn chưa dứt nợ trần mà chẳng may lạc vào trận thu âm binh của những phù thuỷ cao tay. Âm binh từ vong hồn được chia làm vài loại: loại thấp là linh hồn người thường, chẳng may chết oan mà vương vấn, loại này khá vô dụng, chỉ làm được vài việc như hóng hớt hay là rủa xả, không khuyến nghị nuôi. Còn tiếp...
Nguồn: Truyện Thần Thoại