Theo dự định, y sẽ đào ở lòng sông một điểm để có thể bắt đầu trận yểm này, thậm chí y đã đi tìm sẵn cọc lim, trinh nữ và đủ lục súc để yểm. Xác trinh nữ cắm trên cọc lim cùng máu của 6 loài súc vật sẽ tương trợ cho trận yểm, là đại kị với linh khí. Một hôm, y bơi thuyền độc mộc xuôi theo dòng Tô Lịch, cốt tìm nơi để yểm. Y thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, được búi cao, gọn ghẽ đang đứng giữa lòng sông tắm, kì lạ ở chỗ khúc sông này rất sâu, nhưng cụ già luôn nổi đến nửa người trên sông, xung quanh lại có mây mù bao phủ. Cụ ông trông có vẻ khá thong dong, từ từ quay lại. Biền không thể nhìn rõ dung mạo cụ, như có một lớp mây mù bao phủ vậy, còn các đường nét thì lúc ẩn lúc hiện, lúc là cụ già râu tóc bạc phơ, lúc thì là một vị quan áo mão màu tía, hông đeo kim bài vàng, tay cầm ấn, tay cầm kiếm.
Chột dạ, Biền với lấy kiếm thì từ lúc nào kiếm đã nằm trên tay cụ ông.” Kiếm sắc đó, ta nghĩ người rèn ra kiếm này là một người lão luyện, có thể nói là phi phàm, khó có người nào có tay nghề như thế, có phải không quan thái thú?”. Biền cả kinh khi gươm báu vừa ở hông mà thoắt cái đã ở tay cụ ông kia. Cụ ông tiếp “Tiếc thật, gươm báu nếu đúng người có thể dựng giang sơn, an dân, bình thiên hạ, tiếc thay lại đi làm việc tổn hại âm đức này. Quan thái thú nên suy nghĩ lại, nếu không thì cũng khó gặp nhau trong cảnh ôn hoà thế này.” Biền biết đây là tinh của Tô Lịch Giang, nghĩ vậy, tay với kim bài, là bùa đã được sẵn sàng.
Thần không nói gì, vung kiếm, nước dâng cao, sóng động, thuyền suýt lật, phải trầy trật lắm mới không bị ngã xuống nước. Sương tan, cụ ông đã biến đi từ lúc nào, gươm báu lại trở lại ở trên thuyền, tuy không sứt mẻ, nhưng cũng không còn toả ra ánh sáng của một thanh gươm quý nữa. Biền cả sợ, biết ở lâu là không nên, liền quay đầu vào bờ và tiếp tục bước sau của kế hoạch. Trấn sông không được thì quay sang trấn đất, núi Nùng là nơi nhận được khí của trời, lại thu long mạch của đất, lâu dần kết tinh lại thành thần Long Đỗ, xếp vào hàng địa linh của đất Đại La, muốn trấn được phải đắp đất xây thành theo đúng thế, có vậy mới nên chuyện.
Biền cho đắp thành đại la, làm sao để cho rốn rồng rơi vào nơi phạm của thành, rồi theo thời gian sẽ yếu dần và mất sức mạnh. Hắn cũng tìm cách để trấn Tô Lịch giang thần… Âm binh từ vong, khi luyện cần phải có xác trú ngụ, thứ gì dễ mang, dễ gọi, lại dễ ẩn trong lòng đất – hạt đỗ đen. Cũng không rõ là do hạt đỗ màu đen mà dễ nuôi hay lý do khác, tạm gác lại vấn đề về hạt đỗ, quay lại chủ đề nuôi quân. Muốn nuôi quân thì phải chôn xuống đất, ngày nào cũng yểm bùa bằng máu người nuôi, để quân nhận ra chủ, nhận ra người chỉ huy, tất nhiên là không phải mỗi hạt một giọt, vì nếu vậy nuôi tầm 1000 quân thì cũng hơi khó.
Biền cho chôn dọc hai bên bờ sông, lại dặn một cụ bà hàng nước rằng, trong vòng trăm ngày tới nếu có ai đào bới gì, thì báo ngay với hắn, nếu không sẽ phạm tội với quan thái thú. Tuy nhiên… điều đáng nói ở đây là mọi việc khó mà trôi chảy như ý Biền được. Có nơi kể lại thì bà cụ hàng nước chính là Tô Lịch giang thần hoá thành, nhưng như vậy có vẻ hơi nhạt quá, tích thú vị hơn là Tô Lịch giang thần hoá thành một chàng thư sinh điển trai, mới đi thi về, qua nhà bà bán nước dừng chân. Chàng bảo rằng: “Đêm qua ta có nghe rằng, quan thái thú có chôn một nghìn chĩnh vàng, cứ cách 1 thước là một chĩnh, nhưng mà ai đào được nhiều cũng chỉ 3 chĩnh vì có thần giữ của, lão bà ở đây đơn côi thế này, chẳng giấu gì ta cũng có biết qua về nhân tướng, ta nghĩ lão bà có thể là người hơp với thần giữ của đấy.”
Nói đoạn bèn trả tiền nước rồi đi. Bà lão mặc dù sợ quan thái thú nhưng lại nghe lời công tử, thêm vào đó là đang có người cháu nhỏ đi học trường huyện, bố mẹ nó mất sớm, nhà lại quá nghèo, nếu không có tiền thì không thể cho cháu đi học, rồi biết bao giờ với vinh hiển… Nghĩ vậy thôi, chứ phải tội quan thái thú cũng khó sống. Nhưng bà nghĩ ra một cách, phải rồi, sao không loan tin cho nhiều người nhỉ… Âm binh đã được nuôi sẵn, chờ ngày hiệu triệu để đánh một trận ra trò với Tô Lịch giang, Long Đỗ đại vương. Bà hàng nước sau khi nghe được lời mách nước của chàng thư sinh nọ đã nảy ra những toan tính khác.
Bà không dám làm một mình, nhưng nếu có thể gọi mọi người cùng làm thì quan thái thú sẽ khó mà truy ra, vả lại đây chỉ là một làng nhỏ ven sông, lại cách quá xa thành Long Biên, chắc quan lớn sẽ ít để ý… Nghĩ vậy, trong những ngày tiếp theo, bà hay nói với mọi người trong làng về một kho báu chôn giấu hai bên bờ sông, hễ ai có vía hợp thì sẽ được thần giữ của thương tình mà cho chút của mọn. Một hôm, bà quyết định thử vận, đêm ấy, bà đi ra ngay sau quán nước và bắt đầu đào, kì lạ ở chỗ càng đào bà càng có sức, tuy nhiên đào mãi đào mãi mà chẳng thấy gì. Thất vọng, bà đành trở vào.
Đáng ra sẽ đào được hạt đỗ của Cao Biền, nhưng tại sao lại không thấy gì ? Vì Cao Biền không phải dạng tay mơ, hắn biết các thánh thừa khả năng để đoán trước nước đi, thế nên hắn che những hạt đỗ bằng thứ bùa của mình. Thứ bùa đó không là gì so với bậc thánh thần nhưng với người phàm mắt thịt thì lại cực kì hiệu quả. Nó cũng tương đương như hiện tượng ma giấu vậy, ngay trước mặt nhưng không thể nhìn thấy nếu không có căn hoặc có những đồ vật mang pháp khí nhất định. Thường thì hiện tượng ma giấu xảy ra trong một thời gian ngắn, độ 1 ngày, tuỳ vào vía của người bị giấu hoặc khả năng của vong hồn.
Nhưng Biền đã dựa vào đó mà cải tiến, nếu là người thường thì sẽ chẳng thấy, chỉ những bậc thầy địa lý, cảm nhận mọi vật nhờ dòng chảy của long mạch mới cảm nhận được, hoặc chí ít là những người có dòng máu đồng cốt (ít có vía dương, là người dễ làm xác cho các linh hồn nhập vào) thì có thể cảm nhận được. Tất nhiên, Tô Lịch giang thần biết điều đó, nhưng làm cách nào để có thể nhanh chóng phá trận này, nếu để đủ số ngày thì lượng âm binh của Biền hoàn toàn có khả năng triệt đi thần khí của ngài… Quay lại phía Cao Biền, lúc này y đã cho đắp thành Đại La, thành đang trong công đoạn thi công, nhưng kỳ lại ở chỗ phía Tây, có một đoạn cứ đắp lên thì thành lại sụt, lại lở, y biết chắc chắn là các địa linh ở đây đang kháng cự.
Y liền bắt tay vào chuẩn bị một đàn yểm để có thể hoàn thành công việc. Phép yểm trận địa linh, cần 3 thứ: một là máu trinh nữ, đơn giản là máu trinh nữ tượng trưng cho sự tinh khiết, và con gái cũng có khả năng cảm nhận âm khí dễ hơn nam giới, hai là cọc lim, cọc lim tượng trưng cho bộ mộc, có khả năng giam giữ, kìm hãm các oan hồn, đấy là lý do tại sao ngày xưa nếu xây nhà gỗ mà không cẩn thận hoàn toàn có thể rước ma về nhà, gây bóng đè, mộng mị, nặng thì chết cả nhà. Cuối cùng là xương cốt của 6 loại súc vật, theo niềm tin của các phù thuỷ thì máu và cốt của các loài này có thể tăng sức cho âm binh, oan hồn. Còn tiếp...
Nguồn: Truyện Thần Thoại