Chuyện chưa kể về cuộc đời nhà văn Nguyên Hồng

Tác giả Bỉ vỏ trải qua nhiều gian khó và thăng trầm trong cuộc sống. Tuy nhiên nhà văn vẫn say mê với sự nghiệp sáng tác đến những giây phút cuối đời.

Nguyên Hồng (1918-1982) sinh ra trong một gia đình công giáo ở Phố Hàng Cau, TP Nam Định, mồ côi cha từ năm lên 12 tuổi, gia đình sớm sa sút. Mẹ buộc phải đi làm ăn xa, nhà văn lớn lên trong sự hắt hủi và thiếu thốn tình thương của mẹ. 16 tuổi, Nguyên Hồng cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống ở các xóm chợ nghèo… gắn bó với những con người nghèo khổ nhất của thành phố này. Có lẽ chính vì vậy mà tác phẩm của Nguyên Hồng thường viết về những người ở đáy cùng xã hội.

Ông thương những người nghèo khổ và có hoàn cảnh éo le. ‘Tính cách bố tôi cũng vậy. Ông thương người nghèo khó, bản thân ông sống không bao giờ đố kị, ghen ghét ai. Ngày trước, ở xóm tôi có người phụ nữ khoảng 80 tuổi không chồng con, không đi lại được, sống rất nghèo khổ. Cứ đến bữa ăn, bố tôi xới bát cơm, lấy ít thức ăn rồi bảo chúng tôi mang sang cho bà. Ông đi công tác về có quà, cũng bảo các con đưa sang biếu người ta miếng bánh.

Lúc cuối đời, không còn tỉnh táo, bà ấy vẫn gọi tên bố tôi’, chị Nhã Nam kể. Năm 24 tuổi, nhà văn thành hôn với bà Vũ Thị Mùi (SN 1919 - 1988). ‘Họ nên duyên từ một lần, bố thuê người ta đan cho một chiếc áo len. Tuy nhiên, người này bận nên giới thiệu cho mẹ tôi đan. Mẹ tôi từ trước đã rất ngưỡng mộ tác giả của tiểu thuyết Bỉ vỏ nên nhận lời ngay’. Trong hồi ký của mình ông từng viết: ‘Tiền tác giả của cuốn ‘Ngoài kia’ được hơn trăm đồng.

Cộng với tiền tác giả của cuốn ‘Cuộc sống’ khoảng hơn trăm đồng nữa, tôi đã cưới nhà tôi’. Khác với các văn nghệ sĩ dành phần nhiều thời gian sáng tác, việc cơm áo gạo tiền để vợ lo toan thì Nguyên Hồng lại đỡ đần vợ rất nhiều trong cuộc sống. ‘Mẹ tôi sức khỏe yếu và bận chăm nom 7 người con, công việc nhà như đi chợ, giặt quần áo, cơm nước… bố tôi thường không nề hà mà hay đỡ đần mẹ. Tôi nhớ có những ngày mẹ mệt, bố tôi rời trang bản thảo, liền bê ngay chậu quần áo lớn xuống suối giặt.

Biết mẹ thích uống chè, nhà được ai biếu lạng nào, ông đều để phần và nhường cho bà dùng’, anh Nguyễn Vũ Sơn (giáo viên toán về hưu), con trai của nhà văn Nguyên Hồng, nhớ lại. Bà Mùi là người yêu văn thơ, biết tiếng Pháp. Cho tới khi tuổi đã cao, hai ông bà vẫn hay đọc thơ cho nhau nghe. Nghiêm khắc, kiệm lời nhưng tràn đầy tình yêu là cách nhà văn dùng để dạy 7 người con (3 con trai và 4 con gái). ‘Một trong những đam mê từ nhỏ của bố tôi là đọc sách nên ông muốn các con của mình cũng như vậy.

Gia đình luôn túng thiếu nhưng trong nhà vẫn có 2 tủ sách, sách kinh điển được dịch bằng tiếng Việt dành cho các con, sách tiếng Pháp cho ông. Mỗi lần xuống Hà Nội giao bản thảo hay lấy tiền nhuận sách, ông đều mua sách về cho các con đọc’, chị Nhã Nam nói. Các con ông vẫn nhớ như in hình ảnh người cha khắc khổ đạp xe từ Cầu Đen (Bắc Giang) xuống Hà Nội, phía sau là chiếc cặp to đựng bản thảo và ít đồ ăn (cơm, lạc rang) nhưng khi về trong hành lý của ông ngoài các tài liệu và các nhu yếu phẩm của gia đình bao giờ cũng có vài cuốn sách cho các con.

Ông yêu cầu các con cầm quyển sách để đọc không được gập lại bởi theo ông ‘làm thế như bẻ quặt cánh của con chim bồ câu’. Đọc xong ông buộc con xếp ngay ngắn, đúng chiều trên giá sách để lúc cần có thể tìm thấy ngay. Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái nhà văn Nguyên Hồng, cũng từng kể: ‘Thường thì ông dịu dàng. Nhưng nếu như đúng lúc ông cần một cuốn sách nào đó mà chúng tôi đã đánh mất hoặc đang cho ai mượn thì ông gầm lên như một con hổ. Có một lần như vậy, tôi lỉnh ra sau bếp đứng một mình và thầm nghĩ: ‘Thế mà hôm nọ viết thư về bảo nhớ và thương các con lắm!’.

Ông bảo ban các con làm việc nhà, giao tiền cho con đi chợ, ông luôn dặn ‘con nhớ mặc cả nhé’ để các con không bị mua đắt! ‘Tôi còn nhớ hồi nhỏ có chiếc áo mới, thích quá nên đi học về tôi vẫn mặc, không chịu thay ra. Ông thấy vậy liền nhắc con. Ông nói ở nhà nên mặc quần áo cũ, quần áo mới nên để dành. Những lời dạy đó ảnh hưởng lớn đến tính cách chúng tôi sau này, các con đều giản dị, tiết kiệm’, chị Nhã Nam nhớ lại. Ông nghiêm khắc trong giáo dục nhưng luôn khen ngợi, động viên khi các con học tốt.

‘Mỗi lần nhận nhuận bút, bố liền cho chúng tôi ra thị trấn ăn phở. Hồi đó, được ăn phở là điều vô cùng vui sướng. Một lần, ông đưa hai anh đến một hàng rất ngon nhưng ông chỉ gọi 2 bát phở cho hai con, còn ông thì ngồi nhìn các con ăn’, anh Nguyễn Vũ Sơn, con trai nhà văn kể. Cũng theo các con ông, bố Nguyên Hồng rất thích đi họp phụ huynh để biết tình hình học tập của các con. Các bạn đến nhà, ông đều khoe: ‘Các con tôi đứa nào cũng đứng nhất lớp!’…

‘Thực ra đâu có phải như thế. Chúng tôi chỉ trong tốp các bạn học khá nhất. Ông thường cường điệu lên một chút, khiến chúng tôi phát ngượng’, chị Nhã Nam cười nói. Nguyên Hồng là người rất coi trọng bạn bè. Khi ông cùng gia đình chuyển từ Hà Nội về Bắc Giang sinh sống năm 1959, các bạn văn nghệ sĩ hay lên chơi. ‘Các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng… thường viết thư, đánh điện hẹn nhau. Gần ngày hẹn, bố tôi giục mẹ đi chợ, chuẩn bị đồ ăn để ông và các bạn ngồi đàm đạo, nói chuyện văn thơ. Ngày ông Nguyễn Huy Tưởng bị bạo bệnh, ông đạp xe từ Bắc Giang xuống Hà Nội thăm bạn nằm viện.

Khi ông mất bố tôi xót thương vô hạn, ông làm bài thơ “Đường xanh” đề: ‘Kính tặng hương hồn Nguyễn Huy Tưởng’. Trong hồi ký của mình, Nguyên Hồng cũng nhắc đến nhiều kỷ niệm với nhà văn Kim Lân, người chia ngọt sẻ bùi với ông. Lần đó, hai người đạp xe từ Hưng Yên lên Hà Nội mang theo cơm nắm và bản thảo đến gõ cửa các nhà in để xuất bản tác phẩm ‘Đôi chim thành’ của Kim Lân. Sách không được in, Nguyên Hồng vào một tiệm vàng.

Khi thấy Kim Lân hỏi, Nguyên Hồng nói: ‘Tôi còn cái mặt nhẫn. Cái nhẫn cưới của chúng tôi vàng thì nạy bán từ ngày bỏ vốn làm ban kịch Hà Nội cùng anh và Như Phong. Còn cái mặt, vợ tôi định đem bán từ ngày thằng Hà được ba tháng…’. Cái mặt nhẫn chỉ bán được 7 đồng (trong khi gạo ngày đó 6 đồng/đấu)… Với nhà văn Nguyễn Tuân, dù tính cách rất trái ngược như Nguyễn Tuân đã nói với Nguyên Hồng từ khi hai người mới quen nhau thời trẻ: ‘Tôi là một người thích phá đình, phá chùa, mà anh thì đúng là một người ưa chuyện tô tượng đúc chuông…’ nhưng họ lại rất yêu quí và nể trọng nhau.

Nguyên Hồng về Hà Nội bao giờ cũng phải gặp Nguyễn Tuân, đôi khi chỉ là để uống với nhau cốc bia, nói vài câu chuyện, tin tức… Ngày Nguyên Hồng mất, nhà văn Nguyễn Tuân rất đau lòng. Nguyễn Tuân lên Bắc Giang khi đám tang đã xong được một ngày. Trước nấm mồ người bạn, ông đã đau xót tưới lên đó những chén rượu quê… Tác phẩm đầu tay và là tác phẩm gây tiếng vang của ông là ‘Bỉ vỏ’ được viết khi tác giả mới 16 tuổi (Tác phẩm được giải thưởng danh giá thời đó là Giải thưởng Tự lực văn đoàn).

Chị Nhã Nam kể: ‘Đọc hồi ký ‘Bước đường viết văn’ của bố mới biết, thời kỳ đó ông vừa đi tù về, sau bao tháng ngày lao động khổ sai, đói rét, ra tù lại không có công việc làm. Mẹ con đưa nhau ra Hải Phòng tha hương cầu thực vẫn càng đói rét, thiếu thốn. Ông bị suy nhược cơ thể. Có lúc ông đã liên tưởng đến cái chết. Trong bài ‘Tôi viết Bỉ vỏ’ ông đã nói: ‘Tôi chết đi, mới 16 tuổi, sẽ làm cho mẹ tôi đau đớn biết chừng nào! Những lúc lo sợ bối rối đau đớn quá, trong tâm trí người ta hay nẩy ra những ước muốn khác thường'.

'Tôi, tôi muốn sẽ có một cái gì để an ủi mãi mãi mẹ tôi và để tỏ lòng tôi mến tiếc và thương nhớ những người và vật đã làm tôi vui thích đến say mê…’. Bỉ vỏ đã ra đời như thế. ‘Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ chập tối là vang lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo âm thầm mà mọi vật như đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía.

Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng 'Bỉ vỏ' cho mẹ với cả tấm lòng kính mến trong sạch của con và xin tặng nó cho các bạn với tất cả cảm tình đằm thắm, tươi sáng của tôi’, Nguyên Hồng từng viết. Theo Nguyễn Vũ Sơn, con trai ông thì Nguyên Hồng, suốt một đời vất vả, gian nan, nhiều thời kỳ phải nói là cực khổ nhưng lúc nào ông cũng đau đáu về tác phẩm. Ông đã lao động nghệ thuật say mê, hết mình và bền bỉ như một người thợ cho đến giây phút cuối của cuộc đời.

Nguyễn Vũ Sơn kể: ‘Trước khi ngồi vào bàn viết văn, ông chuẩn bị rất cẩn thận: trải chiếu ra nền nhà, cái bàn viết bằng gỗ nhỏ được sắp xếp gọn với giấy viết, bút, nghiên mực… Tất cả chúng tôi đều hiểu, khi ông đã ngồi vào bàn viết là không được gây tiếng động, không được làm bất cứ việc gì phiền đến ông. Nếu có khách, mẹ tôi thường ra mở cổng. Đôi khi bà phải nói dối là cha tôi không có nhà để ông có thể tập trung vào công việc. Mùa hè nóng chảy mồ hôi, mùa đông rét buốt ông vẫn miệt mài viết.

Ông viết cho đến lúc mất…’, con trai nhà văn Nguyên Hồng. Năm 1982, sau chuyến công tác tại Quảng Ninh, Nguyên Hồng trở về nhà ở Bắc Giang. Mấy hôm trời mưa, tường bếp bị mưa xói lở nên ông xuống suối lấy đất trộn với rơm để trát lại bếp. Đi công tác về mệt và làm việc quá độ khiến ông trở bệnh. Được vợ dìu vào nhà, ông nằm mê man và không tỉnh lại. ‘Lúc bố mất các con không ai ở cạnh, ông đi rất nhanh. Mẹ tôi chỉ nghe ông mấp máy môi mấy từ bằng hơi thở rất yếu: ‘Tiếc quá’, ‘Hội nhà văn’, ‘Bác sĩ’. Bố muốn mẹ gọi cho bác sĩ, gọi cho Hội nhà văn báo tin và điều ông nuối tiếc là gì?

Có lẽ là tác phẩm mà ông chưa hoàn thành? Ông đang viết về người anh hùng Hoàng Hoa Thám, bộ tiểu thuyết được ông dành rất nhiều tâm huyết và chuẩn bị tư liệu rất kỹ càng trong suốt mấy chục năm. Tập 1 đã xuất bản năm 1981, tập 2 đang còn dang dở… ‘, chị Nhã Nam cho biết. Đó là một ngày đầu hè năm 1982, sự nghiệp của nhà văn ấy mãi mãi dừng lại ở trang 183 tập 2, trong bộ tiểu thuyết ‘Núi rừng Yên Thế’… Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 1996.

Nguồn: Ngọc Trang và Nguyễn Thảo - vietnamnet.vn

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay