Thời đại khám phá là tên gọi của giai đoạn mà người châu Âu vượt Đại Tây dương, Ấn Độ dương và Thái Bình dương để tìm đường đến châu Á, mở đầu bằng việc Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ năm 1492, và sau đó là hàng loạt chuyến đi về phương Đông vòng qua mũi Hảo Vọng mà Vasco da Gama là người đầu tiên thực hiện thành công năm 1498. Sau khi đã đặt chân đến Calicut, người Bồ Đào Nha tìm cách đi tiếp về phương Đông, đích đến là Trung Hoa và Nhật Bản mà những mô tả của Marco Polo đã mê hoặc được nhiều người, trong đó có nhiều vua chúa Bồ Đào Nha. Chính vì thế, sau khi chiếm được Socotra (1506) và Ormuz (1507), vua Bồ Đào Nha Dom Manoel rất nôn nóng muốn có được thông tin về Trung Hoa càng nhiều càng tốt.
Như trong huấn thị ngày 13 tháng 2 năm 1508 do Diogo Lopes de Sequeira mang đi Malacca: “Các ông sẽ tìm hiểu về người Trung Hoa, họ từ đâu đến, quãng đường bao xa, và họ đến Malacca hoặc những nơi họ buôn bán khác vào những lúc nào, họ mang đến những loại hàng hóa nào, mỗi năm bao nhiêu tàu thuyền, và kiểu mẫu tàu thuyền của họ ra sao? Họ có đến và đi ngay trong cùng năm hay không, họ có nhân viên mậu dịch hay thương điếm ở Malacca hay một nước nào đó không? Họ có phải là những thương buôn giàu có không? Họ là những con người yếu đuối hay là những chiến binh, họ có vũ khí hay pháo binh không?
Họ ăn mặc như thế nào, dáng vóc họ có to lớn không, và tất cả những thông tin khác liên quan đến họ. Họ theo đạo Thiên Chúa hay ngoại đạo? Nước họ có to lớn không, họ có nhiều vua không, và họ có sống chung với người Moors hay những người không theo luật lệ hay đức tin của họ không? Và nếu họ không phải là người Thiên Chúa thì họ tin vào cái gì, hoặc họ thờ phụng cái gì, họ theo phong tục gì, và nước của họ trải dài tới tận đâu, kề cận với nước nào?” (Ferguson D., 1900, tr. 421) Chính vì thế khi chiếm được Malacca vào giữa tháng 8 năm 1511, họ bắt tay ngay vào việc tìm hiểu khu vực, trước khi đi đến Trung Hoa.
Một mặt, họ phân công người tìm hiểu tuyến hải hành đi đến Trung Hoa, mặt khác họ cử người đi theo các thuyền buôn người Trung Hoa để thâm nhập thực tế, cũng như cho các đội thuyền nhỏ đi vào các quần đảo lân cận và Vịnh Thái Lan. Thuận lợi ban đầu là các thương buôn Trung Hoa ở Malacca đã hợp tác với người Bồ Đào Nha và tình nguyện làm cầu nối với các vương quốc lân cận, như chở đại diện Bồ Đào Nha đi Xiêm và Pegu để chào hỏi và trấn an. Mối quan hệ tốt đẹp này đã được Alfonso d’Albuquerque báo cáo về nhà vua Bồ Đào Nha với câu kết luận dứt khoát trong thư đề ngày 30 tháng 11 năm 1513:
“Người Trung Hoa là những người phục vụ Bệ hạ và các bạn bè của chúng thần” (Albuquerque A. de, 1884, tr. 138). Khi nào thì họ đến Đại Việt? Tài liệu nói về thời điểm người Bồ Đào Nha đặt chân đến lãnh thổ nước ta không giống nhau; riêng về tài liệu bằng tiếng Việt thì rất sơ sài. Trước khi khảo sát tài liệu nước ngoài, chúng tôi sẽ điểm lại một số sách lịch sử bằng tiếng Việt đã được lưu hành rộng rãi ở nước ta ngày nay, và khảo sát một số lập luận về thời điểm người Bồ Đào Nha xuất hiện trên lãnh thổ Đại Việt. Đa số tài liệu lịch sử Việt Nam không đề cập đến giai đoạn đầu tiên của người phương Tây đến nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XVI.
Thật vậy, sự kiện xưa nhất liên quan đến người Tây dương mà bộ Đại Việt sử ký toàn thư (được biên soạn xong năm 1697), nhắc đến là vào năm 1663 nhà Lê cấm đạo do người nước Hoa Lang truyền bá ở nước ta: “Mùa đông, tháng 10 [1663], cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà [4b] sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi.” (Đại Việt sử ký toàn thư, 1998, tr. 265).
Tài liệu này không cho biết Hoa Lang là nước nào, và họ đến nước ta vào năm nào. Khoảng mười năm sau đó, bộ Lê Triều chiếu lịnh Thiện Chính (1705-1709) ghi lại những quy định ban hành vào mùa hè tháng năm, năm Canh Dần, Khánh Đức năm thứ hai [1650] (Quyển 3 Bộ Lễ, quyển thượng) dành cho người nước ngoài, trong đó có nhắc tên một số nước có tàu thuyền tới lui nước ta: “Khi có những tàu người các nước Hoa lang, Ô lan và Nhật bản đến cửa bể nước ta thì trong kinh phải sai viên Thể sát trước đi do thám rõ tình hình, rồi cho bọn họ được ở những địa phận các làng Thanh Trì và Khuyến Lương, rồi chọn người làm Thủ bả (viên chức coi xét) để răn bảo họ phải giữ phép.” (Lê Triều chiếu lịnh Thiện Chính, 1961, tr.177).
Trong nguyên văn chữ Hán của đoạn trên (tr. 176), Hoa Lang được viết là 花郎 còn Ô Lan là 烏闌, tức là cách ghi âm chữ Holland (Minh sử ghi là 和蘭 Hòa Lan), nghĩa là các tác giả biên soạn tài liệu đã biết Hoa Lang và Ô Lan/Hòa Lan là hai nước khác nhau. Nhiều tài liệu ra đời sau đó, như Đại Nam Thực lục tiền biên (1844) tuy bắt đầu ghi chép các sự kiện từ năm sinh của Nguyễn Hoàng 1525, nhưng chỉ nói đến việc liên quan đến người Tây dương xảy ra năm 1699 ở xứ Đàng Trong, với chú thích: “Đạo Hoa Lang: Đạo Thiên chúa, vì người đem đạo ấy đầu tiên vào nước ta là người Hà Lan hay Hoa Lang.”
“Sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang. Phàm người Tây phương đến ở lẫn đều đuổi về nước.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002 tr.112) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1881) cũng nhắc lại thông tin về việc nhà Lê cấm đạo Hoa Lang năm 1663, đồng thời còn thêm lời chua liên quan đến việc truyền đạo của người Tây dương vào giữa thế kỷ XVI: “ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr. 301).
Nhưng lại cho biết rằng thông tin này được trích từ dã lục, nghĩa là những ghi chép của các cá nhân, chứ không phải là nguồn tin chính thống được các sử quan biên soạn. Điểm đáng lưu ý là trong lời chua liên quan đến thông tin này có cách giải thích tên gọi “Hoa Lang”: “Hoa Lang: Theo ‘Truyện ngoại quốc’ trong Minh sử, thì Hoa Lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007 tr.300). Nếu thông tin về nhà truyền giáo I-nê-xu đến huyện Nam Chân và huyện Giao Thủy năm 1533 cần phải được kiểm chứng kỹ càng, thì lời chua “Hoa Lang tức là Hòa Lan” có thể bị bác bỏ ngay lập tức. Còn tiếp...