Hẳn mọi người vẫn biết đã nhắc đến Marie thì không thể quên được Pierre và ngược lại. Cũng đúng thôi, hai người ấy là cặp bài trùng bất diệt trong giới vật lý nói riêng và khoa học nói chung và đến nay tên của họ vẫn được đặt cạnh nhau trong tên của đại học Sorbonne, Pháp. Năm 1891, Maria Sklodowska, khi ấy là một cô sinh viên 24 tuổi, một mình từ Ba Lan đến Paris nhập học ở Đại học Sorbonne và là học viên nữ duy nhất trong toàn bộ khoá học.
Trước đó, cô vừa trải qua mối tình đầu vỡ tan nát với anh sinh viên ngành Toán học Kazimierz Zorawski chỉ vì nhà chàng chê nhà nàng nghèo rớt mồng tơi, xua đuổi nàng như đuổi tà. Zorawski sau này trở thành một nhà toán học xuất sắc, và trong thời gian giảng dạy tại Đại học Bách khoa Warsaw, lúc nào rảnh là ổng ra ngồi tâm sự với... bức tượng Marie Curie dựng trong khuôn viên trường. Trong những năm học sau đó, tài năng kiệt xuất của Maria (sang Pháp đổi thành Marie) cùng với nỗ lực học quên ăn quên ngủ (theo nghĩa đen) của cô đem lại hai bằng đại học, cùng với lời giới thiệu đến phòng lab của một vị giảng viên tên là... Pierre Curie.
Mặc dù xuất phát điểm là hai thầy trò và cách nhau những 8 tuổi, thì Marie yêu Pierre từ cái nhìn đầu tiên. Bả viết trong hồi ký như này: "Mùa xuân năm 1894... Khi tôi bước vào căn phòng, Pierre Curie đang đứng bên cánh cửa sổ kiểu Pháp, cạnh ban công. Dù đã ba mươi lăm tuổi, trông anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Tôi lập tức choáng ngợp trước gương mặt khôi ngô và thái độ có chút lãnh cảm của anh..." Hai người bắt sóng nhau vô cùng nhanh gọn lẹ và tổ chức đám cưới chỉ một năm sau đó.
Ngay cả lễ thành hôn của họ cũng vô cùng đặc biệt - địa điểm tổ chức là khoa phòng thí nghiệm, còn chiếc váy cô dâu của Marie cũng chính là bộ váy màu xanh cô thường mặc trong phòng lab. Từ những ngày tháng ấy, sự nghiệp của cả hai cũng dần có những bước chuyển biến đáng kinh ngạc. Hai ông bà tìm ra một loạt nguyên tố phóng xạ - radium, polonium; chứng minh được ảnh hưởng của chúng lên cơ thể sống. Năm 1903, Marie hoàn tất luận án tiến sĩ và trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên tại Pháp, với bài luận được đánh giá là "cống hiến cho khoa học nhiều nhất trong lịch sử".
Cũng trong năm ấy, hai người cùng được trao giải Nobel Vật lý, cùng với Henri Becquerel. Phải đề cập là, ban đầu Hội đồng chỉ định trao giải cho hai quý ông Curie và Becquerel thôi, nhưng Pierre yêu vợ cực kỳ, ổng bảo, "vợ tôi mạnh mẽ vô cùng, bả vừa làm nghiên cứu chính, vừa lo chuyện gia đình nữa, nếu các ông không trao giải cho bà ấy thì tôi cũng xin từ chối". Bởi vậy, chúng ta có nữ chủ nhân đầu tiên cho giải thưởng Nobel cao quý và tiền đề cho một gia đình có đến ba người đạt giải Nobel (cùng với con gái đầu Irène Curie).
Danh tiếng và những khoản thu nhập kếch xù sau giải Nobel không khiến hai vợ chồng Curie chùn bước trong nghiên cứu khoa học. Mặc dù sức khỏe gặp nhiều khó khăn (do phơi nhiễm phóng xạ và stress, Marie trong thời gian nghiên cứu về hạt nhân đã sút hơn 9kg và sau này qua đời do ung thư hạch), họ vẫn ngày ngày lên phòng thí nghiệm, lên giảng đường và về lại tiếp tục với những chồng báo cáo. Sáng sớm ngày 19/04/1906, Pierre sau một ngày làm việc xuyên đêm đã qua đời trong một vụ tai nạn khi đang trên đường về nhà.
Đối với Marie, đó là một tiếng sét khủng khiếp - vụ tai nạn ấy đã cướp mất người chồng, người thầy, người cộng sự và người bạn tốt nhất bà có được. Sau một tháng, bà phụ trách giảng tại Đại học Sorbonne thay cho vị trí của Pierre, lập nên một học viện để tưởng nhớ chồng mình và tiếp tục những thành tựu khoa học vĩ đại khác. Năm 1910, bà cộng tác cùng Paul Langevin, một nhà vật lý kém bả 5 tuổi và là nghiên cứu sinh cũ của Pierre. Cuối cùng hai người lại ngã vào lòng nhau và dọn đến một căn hộ nhỏ bé giữa lòng Paris lãng mạn.
Nhưng Paul đã có một vợ và... bốn con. Emma, vợ của Paul tuy phát hiện ra sự gian díu của chồng mình nhưng bả là người có văn hoá nên không thể làm lớn chuyện lên được. Thay vào đó, bả thuê thợ phá khoá lẻn vào ngôi nhà riêng của hai người, ăn cắp toàn bộ chỗ thư tình ướt át và bán nó cho các thể loại tạp chí nổi tiếng nhất thời ấy. Người dân nước Pháp dậy sóng, đặc biệt là khi các báo lá cải ra sức phác hoạ Marie như một ả hồ ly ngoại quốc, đánh vào tâm lý bài ngoại thời bấy giờ.
Paul Langevin ngay lập tức xách đầu một thằng cha tổng biên tập ra thách thức... đấu súng. Nhưng rất may là, khi hai người đàn ông chưa nhả viên đạn nào thì Albert Einstein đã xuất hiện để bào chữa cho bà bạn Curie yêu quý của ổng. Einstein thủng thẳng: "Marie là một cô gái cực kỳ thông minh và tốt tính nhưng với gương mặt như vậy cô ấy đâu có đủ đẹp để phá hoại hạnh phúc gia đình người khác chứ?" Einstein quả là người đồng đội tuyệt vời.
Sau phát ngôn kinh điển ấy, sự phẫn nộ của công chúng dành cho Marie cũng nguội dần, nhất là khi họ cũng thấy Marie chỉ cặm cụi đèn sách. Năm 1911, bà nhận được giải Nobel thứ hai trong sự nghiệp. Đương nhiên lúc ấy bà và Langevin chia tay rồi. Langevin cũng nhanh chóng li dị bà vợ cả để cưới một cô nữ sinh xinh đẹp khác, đồng thời nhận luôn Irène Curie làm học trò. Trớ trêu hơn nữa là sau này, cháu trai của Langevin và cháu gái của Curie lại cưới nhau.
Nguồn: Khanh-Linh Can/ Group Maybe You Missed This F*cking News