Vua Trần Anh Tông (1276 – 1320) tên thật là Trần Thuyên, con trưởng của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Khâm từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu. Vào thời điểm mới lên nối ngôi, Hoàng đế Trần Anh Tông hay uống rượu và đêm thường lén ra ngoài đi chơi, có lần bị ném vỡ đầu… Sử sách chép, tuy nhường ngôi cho Anh Tông nhưng Thượng hoàng Trần Nhân Tông không phải phó mặc tất cả cho Vua. Ông vẫn để tâm xem xét mọi triều chính. Lúc bấy giờ, vào tháng 4 năm 1299, Thượng hoàng bất ngờ ở Thiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả, nhưng vua vẫn nằm ngủ.
Thượng hoàng không nói gì, vẫn thong thả đi xem xét khắp các cung điện từ giờ Thìn đến giờ Tị (khoảng 9 đến 11 giờ sáng); đồng thời không cho ai làm kinh động vua. Theo sách Hồn sử Việt, đến lúc dùng bữa, người trong cung dâng cơm, lúc này vẫn không thấy Vua Anh Tông đâu, Thượng hoàng mới ngạc nhiên hỏi: “Quan gia đâu?”. Cung nhân không dám giấu, phải thưa thực tình, rồi vào trong cung đánh thức vua dậy. Nhưng nhà vua quá say, không thể nào tỉnh dạy được.
Thượng hoàng rất giận, lập tức trở về Thiên Trường, sau khi xuống chiếu cho các quan ngày mai phải đến họ ở phủ Thiên Trường, ai trái thì xử tội. Tới giờ Mùi (2 giờ chiều), Vua Trần Anh Tông mới tỉnh giấc. Cung nhân đem chuyện tâu lên, khiến nhà vua hoảng sợ… Trong lúc chưa biết ứng đối thế nào với Thượng hoàng, Vua Anh Tông rảo bước đến chùa Từ Phúc. Tại đây, nhà vua gặp người học trò Đoàn Nhữ Hải. Thấy vậy, Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”.
Nhữ Hải rạp người tâu: “Thần vì mãi học lỡ ra đến đây”… Lúc đó, nhà vua nghe tới từ “học tập” thì “ngộ” ra ngôi vị đế vương của mình, không thể vì ham vui của cá nhân mà bỏ bê triều chính. Anh Tông đã sai người học trò này soạn một bài biểu dâng lên Thượng hoàng để tạ tội. Trước hành động thành khẩn, rập đầu hối lỗi của Anh Tông, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã tha tội cho nhà vua, nhưng vẫn mắng: “Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống hồ sau này thì sao?”.
Cũng như Vua cha, Trần Anh Tông là một vị Vua anh minh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần, được đánh giá là “khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên đất nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật, chế độ dần thịnh lên, cũng là bậc vua tốt của triều Trần”. Cũng theo sử liệu, trong triều đình, Vua Trần Anh Tông có nhiều người hết lòng giúp việc nước, như: Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão. Việc học hành mở mang rộng rãi, nên chọn được nhiều người tài giup việc, như:
Đoàn Nhữ Hải (sau khi giúp nhà vua, được phong làm Ngự sử trung tán), Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn. Về đối ngoại, sau khi dẹp được quân Nguyên Mông, phía Bắc được yên nhưng phía Tây Nam, quân Ai Lao thường sang quấy nhiễu mạn Thanh Hóa, Nghệ An. Vua Trần Anh Tông sai tướng quân Phạm Ngũ Lão đi đánh ba bốn lần cho bên phía vùng đất này mới được yên. Đối với Chiêm Thành, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng.
Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay). Sau đó, nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành. Năm 1306, Vua Trần Anh Tông đồng ý gả em gái – công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Chế Mân dâng châu Ô và châu Lư làm của hồi môn. Như vậy, trong thời gian trị vì, Vua Trần Anh Tông rất được lòng các quan trong triều và thần dân của mình. Ông ở ngôi được 21 năm, thọ 45 tuổi.
Nguồn: baodatviet.vn