Con đường khoa cử của sĩ phu thời Nguyễn

Khác với sĩ phu các triều trước, sĩ phu thời Nguyễn phải qua 2 kỳ thi mới được vào thi Hương.

1. Khảo khóa:

Kỳ thi này được mở ở từng tỉnh, mỗi năm 1 lần dưới sự chủ trì của Tổng đốc & Đốc học. Các môn thi gồm: 1 bài bình về đoạn văn nào đó trong Kinh thư và 1 bài văn sách. Quan Đốc học, Giáo thụ & Huấn đạo sẽ phân loại các quyển thi. Người trúng cử được miễn lao dịch trong 1 năm.

2. Tỉnh hạch:

Kỳ thi này nhằm để lựa chọn thí sinh tham gia thi Hương, vì thế nó diễn ra trước Hương thí vài tháng, định kỳ 3 năm/ lần. Thể lệ thi giống kỳ Khảo khóa, quan Đốc học sẽ lập danh sách người trúng cử và gửi lên bộ Lễ.

3. Thi Hương:

Từ năm Minh Mệnh thứ sáu, định lệ cứ năm Tị, Ngọ, Mẹo, Dậu thì mở khoa thi hương. Thừa Thiên, Gia định, Nghệ An thi về tháng bảy, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Thành (Hà Nội) thi về tháng chín. Năm Đồng Khánh nguyên niên thì tràng Hà Nội, tràng Nam Định họp lại làm một mà gọi là tràng Hà Nam. Đại để phép thi của ta, cứ năm nào đến khoá thi thì quan Đốc học các tỉnh phải sát hạch học trò, ai đỗ hạch mới được đi thi. Gần đến tháng thi học trò đỗ hạch và những tú, ấm phải nộp quyển trước cho quan Đốc học biên bản hạt mỗi người nộp ba quyển, mỗi quyển độ một, hai chục tờ, đóng bằng giấy thi, mặt quyển đề họ, tên, niên canh, quán chỉ và phải khai họ tên, nghề nghiệp tổ phụ tam đại nhà mình.

Quan Đốc sai lễ sinh thâu quyển rồi đóng hòm tử tế, làm danh sách đợi đến ngày thi thì đem nộp cho quan trường. Quan trường thì do tự bộ cử ra một ông Chánh chủ khảo, một ông phó chủ khảo, còn mấy ông giám khảo, đề điệu, phân khảo, phúc khảo, sơ khảo thì tùy tràng to nhỏ mà cử nhiều hoặc ít. Chánh, phó chủ khảo giữ quyển ra đầu bài, chấm quyển lần sau cùng và lấy người đỗ. Phân khảo có quyền xét lại những quyển hỏng. Giám, Sơ, Phúc thì chỉ được phép chấm quyển ba lần trước mà thôi. Đề điệu, giám sát thì coi về việc giữ quyển và kiểm xét sự gian phi của quan trường và của học trò.

Lại phải vài chục người lại phòng để coi nhận quyển, làm sổ sách viết bản v.v... Trứớc hôm thi vài ngày, các quan trường vào tràng thi gọi là ngày tiến trường. Tiến trường rồi thì bốn mặt trường có lính canh giữ nghiêm cẩn, cấm không ai được tự nhiên ra vào nữa. Hôm học trò vào trường thì chia làm bốn vị hoặc tám vị, mỗi vị có một cửa, ai vào cửa nào, quan trường phải yết bảng trước cho học trò biết. Học trò mỗi người vác một bộ lều chiếu, cổ đeo ống quyến, bầu nước, vai đeo một cái tráp chứa đồ ăn thức dùng, phải chực sẵn ở ngoài cửa trường từ đêm. Tan ba hồi trống thì quan trường chia nhau, mỗi ông võng lọng ra một cửa: quan chánh ra cửa giáp, quan phó ra cửa ất, quan phân, quan giám ra hai cửa tả hữu, mỗi cửa đốt hai cây đình liệu sáng rực trời, quan trường áo mũ đai mãng ngồi trên ghế chéo, sai lại phòng xưống danh giao quyển cho học trò vào trường.

Học trò vào đông đủ đóng lều đâu đầy, sáng rõ thì có đầu bài. Học trò phải tĩnh túc mà làm văn. Đến trưa phải đem quyển vào nhà thập đạo lấy dấu nhật trung. Tối làm văn xong thì nộp quyển. Bấy giờ quan trường hội ở nhà thập đạo, học trò nộp quyển rồi thì cứ do cửa tiền mà ra. Kỳ đệ nhất thi bảy bài kinh nghĩa, ai muốn làm mấy bài cũng được, nhưng ít nhất cũng phải làm một bài kinh và một bài truyện. Kỳ đệ nhị một bài thơ thất ngôn và một bài phú độ sáu, bảy vần. Kỳ đệ tam một bài văn sách, hỏi độ năm, sáu câu cổ và một câu kim. Ai đậu kỳ thứ nhất mới được vào kỳ thứ nhì, đậu kỳ thứ nhì mới được vào kỳ thứ ba.

Trong ba kỳ đều thông cả, ai có ưu, bình thì mới được dự vào kỳ phúc hạch. Mỗi kỳ vào đều có bảng yết ngoài cửa trường. Người được vào phúc hạch, phải nộp thêm một quyển để hôm sau vào trường. Kỳ phúc hạch phải làm bài kinh nghĩa, bài phú độ hai, ba vần và một, hai câu văn sách, gọi là lược bị. Quan trường soát cả trong bốn kỳ, rồi phân thứ bậc mà lấy người đỗ, văn tốt lấy lên hạng cử nhân, văn làm thường lấy vào hạng tú tài. Đến hôm treo bảng, xướng hồi danh thì các quan trường áo mũ cân đai ngồi sắp hàng trên ghế chéo ở trước cửa Tiền, cho lính truyền loa mà xướng từng tên ngươi đỗ cử nhân vào ngồi sắp dãy trước nhà thập đạo, rồi ban thưởng cho mỗi ông tân khoa một bộ áo mũ, một cái lọng xanh.

Các tân khoa lãnh áo mũ rồi theo cả các quan trường đến đền kính thiên bái mạng, nghĩa là lạy tạ ơn vua. Đoạn rồi theo các quan về dinh quan tỉnh ăn yến. Hôm sau các tân khoa lại rủ nhau đi tham yết các quan tỉnh. Quan tỉnh hoặc thưởng riêng cho các tân khoa thức gì, hoặc quan trên diễn thuyết một bài khuyên các tân khoa. Các việc đó tùy ý quan trên, không có lệ nào. Trong khi ăn yến. các tân khoa trao lẫn cho nhau mỗi người một cánh danh thiếp, nghĩa là trong hội đồng canh, thông tính danh cho được biết nhau. Ông đỗ thủ khoa phải tặng chung cả bạn đồng canh một bài thơ, trong thơ thì đại để bài nào cũng kể lể sự vinh hạnh rồi kết ý khuyên nhau phải giữ trung nghĩa để báo đáp ơn cao sâu của vua.

4. Thi Hội:

Năm Minh Mệnh thứ sáu, định lệ cứ năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mở khoa thi hội, và thi về tháng ba. Thi hội, có một chánh chủ khảo, một phó chủ khảo, hai tri công cử, hai Đề điệu, sáu đồng khảo để coi việc ra đầu bài, chấm quyển, vài bốn tuần sát để coi việc giữ gian; và bốn mươi thơ lại để coi việc sổ sách, viết quyển, viết bảng v.v... ' Các cử nhân giám sinh, giáo thụ, huân đạo, và tú tài ấm sinh tình nguyện ứng thi, đều được phép đi thi hội. Thi hội chia làm bốn kỳ: kỳ đệ nhất ít ra phải làm bài kinh nghĩa; kỳ đệ nhị chiếu, biếu, luận; kỳ đệ tam một bài thơ ngũ ngôn mười sáu câu, một bài phú độ tám vần; kỳ đệ tứ một bài văn sách.

Trong hai kỳ phải một kỳ bất cập phân thi hỏng; trong bốn kỳ được tám phân trở lên mới là trúng cách. Hội thi trúng cách rồi mới được vào đình thí. Đình thí chỉ đối sách một bài rất dài. Quan trường hội đồng xét văn rồi đứng lên Ngự lãm, quyển nào nhiều phân số lấy vào hạng tiến sĩ, còn ít phân số thì cho vào hạng phó bảng. Ngày xướng danh gọi là ngày truyền lô. Hôm đó, bầy nghi vệ đại triều ở đền Thái Hòa, các quan mặc đồ triều phục chia ban đứng chầu, phụng Hoàng thượng ra ngự điện, rồi quan Khâm mạng tâu lại việc thi, quan Giám thị thì triệu các tân khoa tiến sĩ vào nhà công văn, phụng mệnh vua, mà ban thưởng mỗi người một bộ áo mũ.

Các tiến sĩ quỳ lãnh rồi, quan Lễ bộ dẫn vào quỳ sắp hàng trước sân rồng, rồi vài bốn tuần sát để coi việc giữ gian; và bốn mươi thơ lại để coi việc sổ sách, viết quyển, viết bảng v.v... ' Các cử nhân giám sinh, giáo thụ, huân đạo, và tú tài ấm sinh tình nguyện ứng thi, đều được phép đi thi hội. Thi hội chia làm bốn kỳ: kỳ đệ nhất ít ra phải làm bài kinh nghĩa; kỳ đệ nhị chiếu, biếu, luận; kỳ đệ tam một bài thơ ngũ ngôn mười sáu câu, một bài phú độ tám vần; kỳ đệ tứ một bài văn sách. Trong hai kỳ phải một kỳ bất cập phân thi hỏng; trong bốn kỳ được tám phân trở lên mới là trúng cách.

5. Thi Đình:

Hội thi trúng cách rồi mới được vào đình thí. Đình thí chỉ đối sách một bài rất dài. Quan trường hội đồng xét văn rồi đứng lên Ngự lãm, quyển nào nhiều phân số lấy vào hạng tiến sĩ, còn ít phân số thì cho vào hạng phó bảng. Ngày xướng danh gọi là ngày truyền lô. Hôm đó, bầy nghi vệ đại triều ở đền Thái Hòa, các quan mặc đồ triều phục chia ban đứng chầu, phụng Hoàng thượng ra ngự điện, rồi quan Khâm mạng tâu lại việc thi, quan Giám thị thì triệu các tân khoa tiến sĩ vào nhà công văn, phụng mệnh vua, mà ban thưởng mỗi người một bộ áo mũ. Các tiến sĩ quỳ lãnh rồi, quan Lễ bộ dẫn vào quỳ sắp hàng trước sân rồng, rồi quan truyền lô cầm sổ theo thứ tự mà xướng danh.

Đâu đấy mới treo bảng ở trước lầu phú văn ba ngày. Sau khi ra bảng, ban ăn yến tại dinh Lễ bộ và ban cho mỗi người một cành kim trâm. Sáng hôm ấy, các quan trường và các tân khoa tiến sĩ mặc đồ triều phục, lễ vọng tạ ơn ban yến. Ăn yến đoạn mỗi ông tân khoa phải dâng một bài biểu tạ ơn. Quan lễ bộ lại dẫn các quan giám thị và các ông tân khoa vào vườn Ngự uyển xem hoa, mỗi người đều mặc đồ triều phục, cưỡi ngựa che lọng, xem hoa xong thì ra từ cửa thành đông mà đi xem các phố xá. Còn dựng bia thì cũng theo như cách nhà Lê.

6. Những lỗi bị đánh trượt

Trường quy được đặt ra với hai mục đích: tránh gian lận, tỏ lòng tôn kính đối với vua và quan trường Phạm tội nhẹ thì chỉ bị đánh hỏng, tội nặng tên phải nêu ra bảng con, tức là một cái bảng xấu xí bằng phên tre, trét vôi trắng, dài độ 3 thước, ngang độ ba gang, trên ghi tên những người can tội nặng như phạm huý, bất túc v.v... Nhiều người có tài chỉ vì phạm trường quy không bao giờ đem được tài ra ứng dụng với đời thật là đáng tiếc. Vậy trường quy đích thực là những luật lệ gì ? Xin chỉ nêu ra đây những luật lệ thường được nhắc tới: - Phạm huý: Trước ngày thi có bảng yết ở cửa các vi những chữ huý mà ai cũng phải tránh, kể cả khảo quan.

"Tuyệt bút" là cấm ngặt không được dùng, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải sửa đổi hay dùng những chữ cận âm, cận nghĩa thay thế. Những chữ huý lại chia làm hai loại: Trọng và khinh. Trọng huý là tên các vua nhà Nguyễn như: Miên, Hồng, Đảm, Thì, Ưng v.v... Nếu, gặp chữ "Nhậm " thay bằng chữ "Dụng" (cận nghĩa), gặp chữ "Thì" thay bằng chữ "Thìn" (cận âm). Vd: Ngô Thì Nhậm có thể biến thành Ngô Thìn Dụng v.v... Khinh huý là khi viết bài gặp tên mẹ, tên bà của vua thì phải bớt đi một nét (tĩnh hoạch) hoặc thêm một nét, hoặc bỏ trống một bên. Nếu phạm tội thi Hương bị đánh 80 trượng, thi Hội bị đánh 90 trượng, thi Đình bị đánh 100 trượng.

Người nào không có phẩm trật chỉ bị hỏng tuột, người đã làm quan bị giáng bốn cấp, đổi đi nơi khác. Khoa 1847, Đặng Huy Trước đỗ trúng cách, chỉ vì bài văn sách có câu " gia miêu chi hại" (làm hại luá tốt) mà bị hỏng tuột Cử nhân. Nguyên do "Gia Miêu" là tên làng, quê của vua nhà Nguyễn (huyện Tống Sơn, Thanh Hoá), họ Đặng phạm tội thiếu kính cẩn. Vì phạm huý làm hỏng oan nhiều người nên ngay từ thời Hậu Lê, Lê Quý Đôn đã chủ trương bỏ lệ này và được chúa Trịnh ưng chuẩn. Khoa thi Hội 1772, Lê Quý Đôn làm khảo sát đã chọn đầu bài thi mà không kiêng tên vua Lê, chúa Trịnh:

Kỳ 3 : Dĩ quân đức nhật tân (lấy đức vua ngày một mới), kỳ 4 : Đồ giang dư lương (cầu nhỏ cho người đi bộ, cầu to cho xe đi). Tiếc rằng chủ trương cải cách của Lê Quý Đôn không được nhà Nguyễn noi theo. - Khiếm trang là bên chữ "vua" không được viết thêm những chữ "hôn", "sát", "hung" để có thể hiểu lầm vua u mê, hung dữ, hay bị giết v.v... - Khiếm tỵ là không được viết tên các cung vua, cung hoàng hậu v.v... Trong Lều Chõng, Đốc Cung bị nêu tên lên bảng con vì đã viết "tam bách niên xã tắc chi trường, ninh phi lại ư thử tai " (xã tắc nhà Đường lâu dài đến 300 năm há chẳng nhờ điều đó hay sao?).

Tuy chữ "trường" ở cuối câu đầu, "ninh" ở đầu câu sau những vẫn bị coi là phạm tội vì đứng sát cạnh nhau và "Truờng Ninh" là tên một cung trong nội. - Khiếm đài: Để tỏ lòng cung kính, viết bài gặp chữ "Trời" phải đài lên cao ba tầng, tức là trên hàng viết ba chữ, đó là đài lên cao tột bậc. Gặp chữ trỏ vào bản thân vua phải đài lên cao hai tầng, gặp chữ trỏ vào đức tính hay công việc của vua phải đài lên cao một hàng. Vd: "Thiên địa giao miêu", chữ "Thiên" phải đài lên tột bậc (hàng du cách). "Hoàng thân", "long nhan", phải đài lên cao trên hàng viết hai chữ (đệ nhị cách). - Khiếm cung: Trong bài làm, khi xưng với vua hay quan phải viết nhỏ lại và lệch sang một bên.

Ví dụ: "Đối thần văn ", xưng với vua, chữ "thần" phải viết nhỏ đi một nửa và lệch sang bên hữu. "Đối sĩ văn", xưng với quan trường, cũng viết chữ "sĩ" nhỏ và lệch đi. Trong chiếc ảnh của Salles chụp cảnh lễ xướng danh khoa Đinh Dậu (1897) ta thấy phía trái, ông Phó Chủ Khảo ngồi bên cái biển "Phụng chỉ". Chữ "phụng " được viết lệch sang bên phải vì trỏ vào quan Phó Chủ Khảo, còn chữ "chỉ" được viết to ngay ngắn chính giữa vì trỏ vào vua. - Cấm tì ố: Quyển thi phải giữ sạch sẽ không được có vết mực hay hoen ố, nếu không sẽ bị đánh hỏng. Công dụng của cái ổng quyển mà các Thí sinh trân trọng đeo trước ngực là để che chở cho quyển văn khỏi bị mồ hôi hay nước mưa làm hoen ố.

"Bất túc", "bất cập" là viết không đủ quyển, không thành bài. - "Duệ bạch" là chỉ viết được vài dòng. Tội này nặng vì chứng tỏ thí sinh không đủ sức đi thi mà khảo quan duyệt hạnh không kỹ hoặc cố tình nâng đỡ. Trường hợp này cả khảo quan lẫn thầy học cùng bị phạt. Khoa 1856, Nguyễn Hữu Kiêu, ấm sinh ở Quốc Tử Giám, trước thi Hương viết không đủ quyển, quan ở bộ Lại cho là quan Giám sát hạch không tinh, xin theo lệ Đốc học các tỉnh, mỗi tên học sinh có vết xấu, phạt bổng 9 tháng lương. Vua y. Năm 1835, vua Minh Mạng hỏi Phan Huy Thực: "Nghe nói đời Hậu Lê, đầu bài thi Đình rất nhiều, có người làm không xuể, nhúng ướt quyển là tại sao ?"

Đáp: "Phép thi thời cựu Lê cốt lấy nhớ nhiều, làm không đủ bài e nhơ đến danh tiến sĩ nên nhúng ướt quyển thi" (để chỉ mắc tội tì ố). - Thiệp tích: Chung quanh hai dấu "Giáp phùng" và "Nhật trung" không được "đồ, di, câu, cải" (tẩy, xoá, móc, sửa) quá mười chữ. Cũng không được xoá mù tịt, sẽ phạm tội "đồ bất thành tự ". Muốn xoá phải để ba chấm vào mặt chữ cho quan trường nhận rõ nguyên hình. - "Giáp phùng" là con dấu đóng giữa trang 2 và 3, trước khi phát quyển cho học trò, để tránh chuyện mang bài làm sẵn vào đánh tráobài làm sẵn vào đánh tráo. Khi làm bài đến chỗ có dấu "giáp phùng" phải viết đè lên trên.

"Nhật trung" là con dấu lấy ở trường thi, sau khi đã bắt đầu viết được độ hai dòng rưỡi thì lên nhà Thập đạo xin dấu chứng thực bài viết trong trường. Chung quanh dấu phải để trống, không được viết. - Cánh quyển: Nếu lỡ viết lầm nhiều quá hoặc quyển bị tì ố, được phép thay quyển mới, nhưng phải lên nhà Thập đạo xin lại hai dấu "giáp phùng" và "nhật trung". - Ngoại hàm: Khoảng 5, 6 giờ chiều thì đánh trống thu quyển. Theo Ngô Tất Tố, phép đánh trống cũng phải theo lệ luật: Bày 17 đồng tiền Gia Long lên mặt bàn, nhặt lên từng đồng xong thì đánh một tiếng trống. Lại bày tiền xuống, nhưng mỗi lần sau bớt đi một đồng.

Đánh đủ ba hồi chín tiếng thì khoá hòm đựng quyển. Những quyển nộp sau khi hòm đã khoá gọi là "ngoại hàm", không được chấm nhưng vẫn được đọc kỹ xem có phạm trường quy hay không. "Ngoại hàm" là tội nặng, cũng bị nêu tên lên bảng con. Khi viết xong bài, phải đếm những chữ xoá, móc v.v... và ghi vào cuối quyển với mấy chữ " cộng quyển nội " rồi mới đem nộp quyển ở nhà Thập đao.

Nguồn: Mai Huynh

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay