Trưởng Tôn Vô Kỵ là đại công thần khai quốc nhà Đường, đã cùng với Lý Thế Dân mưu nghiệp lớn từ những ngày gia tộc họ Lý còn ở Thái Nguyên- Sơn Tây. Ông cũng là anh trai của Trưởng Tôn Hoàng Hậu và là người bày ra cái kế sự biến Huyền Vũ Môn cho Lý Thế Dân. Gia tộc Trưởng Tôn xuất phát điểm là một sĩ tộc Tiên Ty thời Bắc Ngụy, nhưng đã sa sút vào cuối thời Tùy, có nghĩa là anh em Trưởng Tôn Vô Kỵ- Trưởng Tôn Hoàng Hậu là quý tộc hết thời.
Ấy thế nhưng, Trưởng Tôn Vô Kỵ lại may mắn có ông cậu là Cao Sĩ Liêm, hậu duệ của Cao thị Bắc Tề. Cao Sĩ Liêm kết giao keo sơn với Lý Uyên, và rất ngưỡng mộ trí tuệ của Đậu Hoàng Hậu ( mẹ của 3 anh em Kiến Thành, Thế Dân, Nguyên Cát), cho rằng chắc chắn sẽ sinh ra bậc anh hùng cái thế. Từ đó, hai nhà Trưởng Tôn và Lý kết thông gia trở thành thế tộc đồng giao dưới sự mai mối của Cao Sĩ Liêm Trưởng Tôn Vô Kỵ là người khuyến khích Lý Thế Dân động thủ sau vụ bị Kiến Thành đầu độc và Nguyên Cát xàm tấu lên vua cha.
Sau nhiều lần bị chơi bẩn và mưu sát, Lý Thế Dân quyết định hạ thủ và lên ngôi vua không bao lâu sau đó. Nghiễm nhiên thì Trưởng Tôn Vô Kỵ đã trở thành đệ nhất khai quốc công thần- hàm tể tướng. Những cũng vào thời điểm tột đỉnh vinh quang như thế thì Trưởng Tôn Vô Kỵ đã tự đánh mất liêm khiết và bản ngã của mình. Ông ta lo lắng cho địa vị của gia tộc mình, nên ra sức nói xấu và bài xích các vương tử không phải do Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ra.
Nổi bật là Ngô vương Lý Khác, mẹ ông này là Nguyệt Dung công chúa, con gái của Tùy Dạng Đế, và là cái cớ cho Trưởng Tôn Vô Kỵ xàm tấu rằng họ Dương sẽ tiếm quyền, mặc dù đây là võ đoán không có cơ sở và Lý Khác vẫn là người con tài năng đức hạnh nhất của Thái Tông. Đường Thái Tông tin theo và quyết định lập Tấn vương Lý Trị làm thái tử tức vua Đường Cao Tông sau này. Đây là một bước đi sai lầm của cả Thái Tông lẫn Trưởng Tôn Vô Kỵ đẩy triều Đường vào loạn lạc sau thời kỳ thịnh thế, bởi vì Lý Trị quá nhu nhược và thiếu năng lực trị quốc.
Dù Lý Trị đã được lập làm thái tử, nhưng Trưởng Tôn Vô Kỵ vẫn thấy không yên tâm lắm. Và thế là ông ta quyết tâm diệt trừ Ngô vương Lý Khác và hậu duệ các khai quốc công thần khác không cùng cánh với mình. Lợi dụng sự việc Cao Dương công chúa do được Thái Tông nuông chiều mà trở nên hoang dâm vô độ, Cao Dương công chúa là vợ của Phòng Di Ái- con thứ của Phòng Huyền Linh. Sau khi Phòng Huyền Linh chết, anh em Phòng Di Trực- Phòng Di Ái tranh tập tước của cha mà choảng nhau lời qua tiếng lại.
Cao Dương công chúa vu khống Phòng Di Trực vô lễ với mình. Trưởng Tôn Vô Kỵ tiếp nhận điều tra, và thế là ông ta mông má dựng nên cả một vụ án kinh thiên động địa trừ khử những kẻ cản trở. Phòng Di Ái từng là tâm phúc của Ngụy Vương Lý Thái. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy Phòng Huyền Linh nhập hội với Ngụy Vương, song sau khi Trưởng Tôn Vô Kỵ có công đưa Lý Trị lên ngôi, do Phòng Huyền Linh không đứng về phía ông ta, nên hai bên nảy sinh quan hệ thù địch, nhưng do địa vị và uy tín của Phòng Huyền Linh quá lớn, nên khi Thái Tông còn sống thì Trưởng Tôn Vô Kỵ không dám động đến ông ta.
3 năm đầu sau khi Lý Trị kế vị, Trưởng Tôn không lúc nào ngừng để mắt tới Phòng gia. Bất cứ ai chỉ cần đến gần Phòng Di Ái cũng trở thành kẻ thù của nhất phẩm Thái úy và đều bị liệt vào “danh sách đen”, trong đó có cả các danh tướng khai quốc khác Từ khi tiếp cận vụ án, Trưởng Tôn Vô Kỵ không từ các thủ đoạn để thực hiện âm mưu chính trị của mình. Một trong số đó là “khai quật” các vấn đề chính trị có liên quan đến công chúa Cao Dương và các đại thần, lập ra “án mưu phản”.
Sau khi ra lệnh bắt Phòng Di Ái với tội danh mưu phản, Trưởng Tôn dùng nhục hình, ép khai ra tất cả những người trong “danh sách đen” theo ý của mình. Ba tháng sau, vụ án “Phòng Di Ái mưu phản” được định đoạt. Đối diện với kết quả thẩm lý, vua Đường Cao Tông hết sức bàng hoàng. Ông không thể ngờ, từ một lời tố cáo bị quấy rối của Công chúa Cao Dương, lại liên đới đến nhiều hoàng thân, quốc thích và các công thần đến vậy. Dưới sự cưỡng ép của Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Di Ái bị xử tử.
Công chúa Cao Dương cũng được ban tội chết trong khi không ít người trong “danh sách đen” bị lưu đày. Phòng Di Trực vì có cha là khai quốc công thần, nên đã được miễn tội, giáng xuống làm thường dân. Ngay cả Ngô vương Lý Khác cũng bị vu khống và lôi vào cuộc Chỉ từ một vụ án nhỏ, Trưởng Tôn Vô Kỵ đã không cần tốn nhiều công sức để trừ khử tất cả những ai bị coi là đối thủ. Cũng từ đây, quyền lực của Trưởng Tôn không ngừng được củng cố trong suốt vài năm sau đó.
Nhưng cũng từ đó, Cao Tông bắt đầu mất thiện cảm với ông. Kết cục thì Cao Tông bị Võ Tắc Thiên dắt mũi và tiếm quyền. Việc đầu tiên, Võ Tắc Thiên làm đó là trừ khử Trưởng Tôn Vô Kỵ, bản thân ông lúc này đã bị thất sủng mất tín nhiệm từ Cao Tông nên không có ai bảo vệ ông. Trưởng Tôn Vô Kỵ bị cáo buộc mưu phản. Ông bị lưu đày và trên đường đi bị bức thắt cổ tự tử. Nhà Đường kiến lập công đầu của Trưởng Tôn Vô Kỵ, nhưng mầm mống của đại loạn cũng từ Trưởng Tôn Vô Kỵ mà ra.
Nguồn: Lại Nhật Quang - Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử