Phần 2 của Áo Cưới Giấy là hành trình giải quyết cơn ác mộng của cô gái Đào Mộng Yên và câu chuyện tình bi thương trong quá khứ của Chúc Tiểu Hồng. Có thể nói, Đào Mộng Yên và Chúc Tiểu Hồng là một vì Chúc Tiểu Hồng chính là tiền kiếp của Đào Mộng Yên. Trong quá khứ, chính xác là năm 1926 thời Dân Quốc, thôn Trang Linh lưu hành hủ tục hiến tế tân nương giấy, người được chọn làm tân nương giấy sẽ bị thiêu sống để hiến tế cho Lục Táng bồ tát và Chúc Tiểu Hồng là cô gái xấu số ấy.
Từ nhỏ, cô đã được người trong làng tẩy não, tự nhủ lớn lên mình sẽ trở thành vợ của bồ tát, thế nhưng khi trưởng thành, Chúc Tiểu Hồng lại gặp một chàng trai từ nơi khác đến tên Lương Thiếu Bình và đem lòng yêu anh. Ta có thể thấy được, khi nhận ra tình cảm của mình, Chúc Tiểu Hồng đã bị kẹt giữa việc chấp nhận và chối bỏ nó, bằng chứng là những lá thư cô viết cho Thiếu Bình rất tàn nhẫn, nhưng vẫn không giấu được cảm xúc của một kẻ si tình.
Vậy tại sao Tiểu Hồng lại không đồng ý bỏ trốn cùng Thiếu Bình ngay từ đầu mà phải do dự mãi về sau để rồi nhận kết thúc bi kịch? Ngôn từ có khả năng thao túng tâm trí con người vô cùng mãnh liệt, nhất là trong một xã hội khép kín như thôn Trang Linh, cách Đại Vu Hiền tẩy não Tiểu Hồng cũng giống như cách mà mụ phù thủy Gothel đã làm với Rapunzel trong bộ phim “Công chúa tóc mây” của Disney, ông ta vẽ ra cho Tiểu Hồng một viễn cảnh về lễ hiến tế và nói rằng nếu đi ngược lại điều đó sẽ mang tai họa về cho thôn Trang Linh, nếu Thiếu Bình không xuất hiện, Tiểu Hồng chắc chắn vẫn sẽ tin vào điều đó đến tận khi cô lìa đời.
Sự xuất hiện của Thiếu Bình đã làm thay đổi suy nghĩ của Tiểu Hồng, thậm chí còn khiến cô nghi ngờ về tín ngưỡng mà mình hằn thờ phụng, tuy nhiên, Tiểu Hồng khi đó vẫn không có can đảm bỏ trốn cùng Thiếu Bình vì cô vẫn chưa dám tin tưởng vào việc những gì cô được dạy từ trước đến giờ đều là giả, mà phần lớn là vì cô sợ liên lụy Thiếu Bình. Chính sự nhút nhát và e sợ của Tiểu Hồng đã gián tiếp dẫn đến cái chết của Thiếu Bình, để rồi khi cô nhận ra thì đã quá muộn màng, tâm lý của Tiểu Hồng chuyển từ e sợ, lệ thuộc sang cứng rắn và quyết đoán, cô gieo mình xuống vực, tự tay đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình.
Mọt tôi thấy sự chuyển biến tâm lý của Tiểu Hồng như này vô cùng hợp lí, vì đặt bối cảnh vào thời bấy giờ, khi những gông xiềng về lề lối phong kiến vẫn còn đè nặng trên vai người phụ nữ, một cô gái khó mà dũng cảm đứng lên tự định đoạt số phận của mình. Nhưng đến phút cuối, hành động gieo mình xuống vực của Tiểu Hồng như biểu tượng cho việc cô đã dũng cảm thay đổi bản thân, đứng lên phá bỏ gông xiềng, tự định đoạt số phận cuộc đời của mình.
Sự ra đi của một Chúc Tiểu Hồng xinh đẹp, dịu dàng cũng là sự khởi đầu cho một Đào Mộng Yên dám nghĩ dám làm, can đảm không lùi bước. Vì một cơn ác mộng, Mộng Yên đã bắt chuyến tàu về thôn Trang Linh để điều tra, Mọt tôi không biết nên khen cô gái này dũng cảm hay liều lĩnh nữa. Nhưng mà khác với Chúc Tiểu Hồng, Mộng Yên không cần sự trợ giúp của bất kì ai, kể cả Sát Kim Cang. Có thể thấy, từ đầu đến cuối phần 2, cả hành trình chỉ có một mình Mộng Yên, thế nhưng cô gái này vẫn luôn mang một tinh thần lạc quan và mạnh mẽ khi đối diện với những cạm bẫy mà Đại Vu Hiền đặt ra.
Ban đầu, ta sẽ thấy Mộng Yên cũng như những cô gái bình thường khác, cô sẽ sợ khi bị giam giữ ở nơi xa lạ hoặc khi chứng kiến những hiện tượng kỳ quái, nhưng cô cũng thích ứng với hoàn cảnh mới rất nhanh. Khi biết những hủ tục mê tín của thôn Trang Linh, trạng thái cảm xúc của Mộng Yên đã chuyển từ sợ hãi sang giận dữ, đồng thời cô cũng không bị những ảo ảnh mà Đại Vu Hiền tạo ra mê hoặc, có thể thấy Mộng Yên là một cô gái có lập trường, quyết đoán và luôn đứng về lẽ phải, bằng chứng là trước khi thoát khỏi mật thất, cô đã đốt thánh thư của thôn Trang Linh và báo cảnh sát, thành công đặt dấu chấm hết cho thôn trang đầy tội lỗi.
Để mà nhận xét thì Mọt tôi thấy giữa Chúc Tiểu Hồng và Đào Mộng Yên tuy khác nhau, nhưng lại có vài sự tương đồng vô cùng thú vị. Hình mẫu của Đào Mộng Yên chính là đại diện cho hình mẫu của Chúc Tiểu Hồng khi gieo mình xuống vực, mạnh mẽ, quyết đoán. Nếu ở kiếp trước, Lương Thiếu Bình vì cứu Chúc Tiểu Hồng nên mới bỏ mạng thì ở kiếp này, Đào Mộng Yên đã quay lại giải thoát linh hồn đầy thù hận của anh. Theo cá nhân của Mọt thì hai hình tượng Chúc Tiểu Hồng và Đào Mộng Yên biểu trưng cho sự thay đổi tư tưởng của phái nữ theo thời gian, đồng thời nó cũng mang hàm ý phụ nữ có thể tự làm chủ chính mình.
Dù là một Chúc Tiểu Hồng hiền lành, yếu ớt hay một Đào Mộng Yên dũng cảm, gan trường thì họ vẫn có khả năng và có quyền làm chủ cuộc sống chính mình. Ngoài ra, ở ngoại truyện của Áo Cưới Giấy 3, khi nghe thấy giọng hát của Thiếu Bình ở kiếp này cất lên, Đào Mộng Yên đã rơi nước mắt, điều này cũng nói lên rằng, một cô gái dù mạnh mẽ đến đâu thì khi đứng trước người mình yêu cũng sẽ trở nên yếu đuối.
Nguồn: Doãn đại hiệp - motgame.vn