Ngày 5.7.1885, Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn khỏi kinh thành Huế thì chỉ sau hơn một tuần lễ, nhà vua đã ban hịch Cần vương, kêu gọi những người yêu nước tham gia cuộc kháng Pháp. Không lâu sau, Tôn Thất Thuyết tìm đường sang Tàu cầu viện, để lại hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp ở cạnh vua Hàm Nghi. Ông Đạm được nhà vua phong làm Khâm sai, đi khắp vùng rừng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh để chiêu mộ nghĩa binh; ông Thiệp còn trẻ, ở sát cạnh vua Hàm Nghi để bảo vệ ông. Đóng dọc theo sông Gianh lúc bấy giờ có hai lực lượng quân sự, một của Tán lý Nguyễn Phạm Tuân, được vua Hàm Nghi phong chức Thượng thư, một của Đề đốc Lê Trực.
Cả hai giữ nhiệm vụ vừa kháng Pháp, vừa bảo vệ nhà vua đang ẩn lánh ở thượng nguồn sông Gianh. Trong khi Lê Trực đóng quân ở làng Thanh Thủy (huyện Tuyên Chánh), quê ông, thì Nguyễn Phạm Tuân đóng quân ở huyện Tuyên Hóa. Pháp nhiều lần cử quân truy lùng hai đạo quân kháng chiến trên, với sự giúp sức của một giáo sĩ Pháp tên Tortuyaux, song vẫn chưa đạt được mục tiêu “bình định” của họ. Cuối năm 1886, một Đại úy Pháp là Mouteaux lãnh nhiệm vụ đến Quảng Khê tổ chức lại hệ thống đồn bốt, tung ra những cuộc hành quân chống lại quân kháng chiến. Đầu năm 1887, viên sĩ quan giàu kinh nghiệm này thiết lập một đồn chiến lược tại Minh Cầm nằm phía trên làng Thanh Thủy, khiến cho lực lượng nghĩa quân của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân phải di chuyển ra xa để tránh tổn thất.
Để tiện cho việc tập trung quân đánh vào từng cứ điểm riêng lẻ, Mouteaux một mặt chiêu hàng Lê Trực, mặt khác mở các cuộc tấn công lớn vào lực lượng của Nguyễn Phạm Tuân tại làng Yên Hương với khoảng 100 đến 200 nghĩa quân trấn giữ. Ngày 8.4.1887, cuộc tấn công bắt đầu, ông Tuân ở trong tình thế bất ngờ, không kịp bố trí quân để chống chọi. Khi quân Pháp đến quá gần vị trí đóng quân, ông quơ vội thanh gươm lệnh và tráp đựng ấn tín của vua Hàm Nghi cùng giấy tờ của Viện Cơ Mật, định chạy thoát nhưng không kịp. Ông bị đích thân Mouteaux bắn một viên đạn trúng vào mạng sườn.
Viên đạn chỉ còn cách quả tim vài cm và làm đọng máu trong cơ thể. Theo lời kể lại của các sĩ quan Pháp tham dự cuộc hành quân thì tuy bị thương nặng, Nguyễn Phạm Tuân vẫn thản nhiên, đòi được bắn cho chết hẳn để không phải kéo dài nỗi đau đớn, mặt khác, ông hết lời thóa mạ Mouteaux, đến nỗi viên thông ngôn Arthur không dám dịch lại hết những gì ông đã nói ra. Mouteaux đích thân xem xét vết thương của Nguyễn Phạm Tuân, dùng dao mổ lấy viên đạn ra và băng bó tạm cho ông. Cũng theo lời các sĩ quan Pháp, ông Tuân tỏ vẻ ngạc nhiên trước hành động của Mouteaux, im lặng, không thóa mạ y nữa.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu cho biết nơi ở của vua Hàm Nghi, ông không hé môi tiết lộ nửa lời. 5 giờ chiều ngày hôm sau, Nguyễn Phạm Tuân thở hơi cuối cùng tại Trạm xá của đồn Minh Cầm vì vết thương quá nặng. Trong cuộc hành quân của Pháp vào thời điểm này, trong số những người sa vào tay họ, có một cậu bé độ 7-8 tuổi mà nhiều người cho là con trai nhỏ nhất của Tôn Thất Thuyết được giao cho nghĩa quân nuôi nấng. Giáo sĩ L. Cadière trong bài viết nhan đề Quelques papiers du capitaine Mouteaux (Mấy trang tài liệu của Đại úy Mouteaux) đăng trong Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) số 1 năm 1944 (trang 64) có kể rằng trong lúc Nguyễn Phạm Tuân bị thương, người ta dẫn một đứa bé ăn mặc rất tươm tất đến và Mouteaux đã nói với ông Tuân :”Con ông đây! Nó sẽ được đối xử tử tế”.
Ông Tuân đã trả lời:”Không, nó không phải là con tôi”. Một nhân công tên Lam Lang (chữ Pháp không bỏ dấu) buột miệng nói:” Này, nó là con trai ông Tôn Thất Thuyết”. Ngay sau đó có những dấu hiệu trao đổi giữa ông Tuân và đứa bé và cuối cùng ông này nhận nó là con ông. Tuy nhiên, những người chứng kiến lúc đó thấy thái độ đứa bé rất đặc biệt. Nó có vẻ như sai khiến cả “bố” nó. Khoảng ba ngày sau, do sự xác nhận của các thân hào tại địa phương, các sĩ quan Pháp tin chắc đứa bé là con út của Tôn Thất Thuyết. Nó được Pháp đưa về Huế, giao lại cho triều đình. Chi tiết này khá mới mẻ, chỉ thấy đề cập đến trong bài viết của Cadière, xin được trình bày lại trong bài viết này với tất cả sự dè dặt.
Một ngôi mộ cổ mới được tìm thấy, được tin là của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân - Nguồn báo Người Lao Động
Có thể nói cái chết của Tá sự (có tài liệu ghi là Tri phủ, sau là Thượng thư) Nguyễn Phạm Tuân là một tổn thất lớn trong phong trào Cần vương. Một điều thật oái oăm là tổn thất này đã mang lại cho Đại úy Mouteaux một tặng phẩm của triều đình Huế :”…Viên quan Pháp (không rõ tên) đóng ở đồn Minh Cầm (thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đánh dẹp và bắn giết được Nguyễn Phạm Tuân (nguyên Tri phủ, xưng Tán lý), thu được ấn của vua Hàm Nghi. Chuẩn tặng cho viên quan Pháp một cái khánh vàng hạng trung, lính Pháp và lính tập, đều thưởng bạc tiền có thứ bậc..” (Đại Nam thưc lục chính biên-tập XXXVII- NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1977 – trang 269).
Khi thành Hà Nội bị thất thủ vào tay quân Pháp năm 1882, Lãnh binh Lê Trực bị tước quan chức, trở về làng cũ sống bình dị với ruộng vườn. Khoảng năm 1885-1886, khi vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đến Quảng Bình xuống chiếu Cần vương, Lê Trực đứng lên chiêu mộ người yêu nước, thành lập đạo quân Cần vương ngày một lớn mạnh. Vào thời điểm này, ông được vua Hàm Nghi phong Đề đốc và thường được người dân trong vùng gọi bằng một cái tên thân thiết: Đề Lê. So với Nguyễn Phạm Tuân, có lẽ Đề đốc Lê Trực gây ra cho viên Đại úy Mouteaux nhiều nỗi lo hơn. Một trong những lý do để quyết đoán như vậy là khu vực đóng quân của Lê Trực cũng đồng thời là vùng quê của ông.
Ngoài uy tín cá nhân đối với cư dân trong vùng, ông còn rành rẽ đường đi nước bước trong thôn làng và các khu vực rừng núi. Đây là một thế mạnh buộc giặc Pháp không dám xem thường. Ngay sau khi đến đồn Quảng Khê, Mouteaux công bố ngay một bản tuyên cáo dài đề ngày 18.11.1886, kêu gọi nghĩa quân và dân chúng hai huyện Bố Trạch và Minh Hòa thuộc Phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) hãy đầu hàng và phục tùng mệnh lệnh quan Pháp. Trong tuyên cáo, y đề ra 8 điều khoản chi tiết phải được mọi người Việt chấp hành (L. Cadière - Quelques papiers du capitaine Mouteaux [Mấy trang tài liệu của Đại úy Mouteaux] - BAVH số 1 năm 1944, trang 54-56).
Léopold-michel-Cadière (1869-1955), tác giả bài viết về cái chết của Nguyễn Phạm Tuân.
Ngày 31.12.1886, Mouteaux gửi cho Đề đốc Lê Trực bức thư chiêu hàng với những lời lẽ như sau: ” Đại úy Mouteaux, chỉ huy trưởng các đồn binh tại Phủ Chợ Đồn và huyện Bố Trạch gửi Đề đốc Lê Trực. …Tôi lấy làm tiếc khi phải nói với ông rằng những điều kiện ông đưa ra không thể chấp nhận được. Cuộc chiến ở Quảng Bình bắt đầu với việc tàn sát giáo dân Thiên chúa. Bổn phận của chúng tôi là bảo vệ họ, không phải vì họ là người Thiên Chúa giáo, mà vì do chúng tôi, họ mới bị sát hại. …Tôi cũng lấy làm tiếc báo cho ông biết rằng nếu sau 8 ngày mà ông không qui hàng, chúng tôi sẽ tấn công trở lại.
Đến Quảng Khê, ông và người của ông sẽ được đón tiếp trong tình thân hữu. Tôi đã bắt tay với người lãnh đạo khởi loạn ở Lèn-Bạc, và tôi có thể bảo đảm với ông rằng tôi quý trọng ông hơn ông ta rất nhiều. Xin ông hãy suy nghĩ kỹ. Không cần chờ ông phúc đáp, tôi trả về ông vô điều kiện ông Trần Đế (nghĩa quân bị bắt làm tù binh-LN) để ông thấy rằng tôi thành thật với ông.. Xin tạm biệt, mong gặp lại nhau, dù với tư cách bằng hữu hay kẻ thù. Tôi và người của tôi có những bàn chân khỏe, nếu ông không đến, tôi hi vọng sẽ tìm gặp ông. Thành thực chào ông với ước mong ông sẽ quyết định vì lợi ích của xứ sở ông.
Mouteaux” (L. Cadière – tlđd – trang 87-88) Bức thư của Mouteaux vừa mang những ngôn từ nhẹ nhàng, lịch sự, vừa ẩn chứa những lời đe dọa kín đáo. Qua các cuộc hành quân vào khu vực trú đóng của nghĩa quân và qua những thông tin do các giáo sĩ và giáo dân cung cấp, y biết được thực lực của họ khá hùng hậu, gồm khoảng 2.000 quân, trang bị chừng 50 khẩu súng, còn lại là giáo mác, cung tên và 8 khẩu đại bác nhỏ. Có lẽ do điều này mà Mouteaux đã chọn sách lược “vừa đánh vừa đàm”, dùng lời lẽ lịch sự để lung lạc tấm lòng trọng nghĩa của Đề đốc Lê Trực. Nhận được thư trên của viên Đại úy Pháp, ngày 8.1.1887, Lê Trực gửi cho Mouteaux một thư trả lời với những lời lẽ cũng vừa cứng rắn, vừa lịch sự không kém. ”
Vị trí đồn Minh Cầm của Đại úy Mouteaux trên sông Gianh, ngoài cùng, bên trái là ngôi nhà của vua Hàm Nghi.
Ngày 15 tháng chạp năm Hàm Nghi thứ hai, ….Ông Đại úy, ông đã nhiều lần dụ tôi ra hàng triều vua mới, nhưng ông đã không thấy rằng chính những giáo sĩ (Pháp) và thầy tu An Nam là nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa chúng ta. …Giờ đây, tôi kết hợp nhân dân lại, theo tiếng gọi của tôi, họ vũ trang để tự vệ và không có âm mưu sát hại những người theo đạo. Về phần tôi, do đau yếu, tôi cử các võ quan và binh sĩ đến gặp ông để nói cho ông rõ những ý định của tôi. Ông nghĩ rằng tôi không thích nhìn thấy những phòng tuyến do người theo đạo dựng lên, về điểm này, ông có lý. Ông Đại úy là người đại diện nước Pháp ở đây, tôi mong ông hiểu rằng tôi muốn quay về cảnh sống cô tịch, không làm tôi mọi bất cứ ai, trên một mảnh đất không thuộc về ai, chỉ có trời và đất.
Tôi sẽ làm gì đây và sẽ ra sao? Tôi không còn biết nữa. Tôi cầu chúc các ông được sống trong sự thịnh vượng lâu dài. Tôi chưa có lần bắt tay ông, nhưng chúng ta hiểu và tôn trọng nhau. Không nhất thiết phải ngồi chung một thuyền, ăn trên cùng một bàn, nằm trên cùng một chiếu, chúng ta mới hiểu nhau. Chuyện tôi có đầu hàng hay không, xin ông đừng bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Tôi gửi đến ông những món quà mọn (hai con gà, trứng và trái cây) và lá thư này tôi gửi theo em trai của người Tú tài mà ông đã trả về cho tôi (đã đề cập trong thư ngày 31.12.1886 của Mouteaux - LN), nhờ anh ta thay mặt tôi gửi lời chào ông.”
Nguồn: Lê Nguyễn