Một ngày đầu năm, ông Út Oanh (Lê Văn Oanh, 60 tuổi) lấm tấm mồ hôi sau buổi phụ hồ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông tạt vào chợ mua nén nhang, rồi rẽ về hướng Nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hơn 1.000 hài cốt trong tổng số 3.000 người dân bị Pol Pot sát hại trong 12 ngày đêm, hơn 40 năm trước. Đốt nén nhang, ông đưa mắt nhìn quanh bốn bức tường, nơi những chiếc sọ người được đánh số, phân loại theo độ tuổi, hốc mắt trống rỗng, như tìm kiếm một niềm an ủi, rằng trong đó có mẹ mình. Người đàn ông da ngăm đen đứng mãi một hồi lâu, đưa tay dụi mắt, ký ức đau thương ùa về như chỉ mới hôm qua.
Chạy lên núi trốn Pol Pot cùng 200 người dân Ba Chúc, Út Oanh may mắn sống sót, nhưng hình ảnh người mẹ bị sát hại đến giờ vẫn khiến ông đau nhói. "Trưa hôm đó, Pol Pot tràn qua xã Ba Chúc, chúng đốt nhà, sát hại tất cả ai nhìn thấy dọc đường", ông Oanh mở đầu dòng hồi ức ngày 18/4/1978 bằng khung cảnh hỗn loạn, nháo nhác. 11 người trong gia đình ông không chạy kịp, trốn vào hầm bí mật dưới nền nhà. Hôm sau, thấy cả nhà mệt lả vì đói khát, Út Oanh đánh liều kéo nắp hầm, "mở đường máu" cho cả nhà chạy thoát. Chàng trai 20 tuổi cầm dao, rựa tử thủ, thoát sau cùng, bị quân Khmer Đỏ phát hiện, bắn suýt chết.
Chạy được chừng trăm mét, nam thanh niên ngoái nhìn căn nhà bị thiêu rụi, rồi tiếp tục men theo đường núi, đến chùa Long Châu, nơi có hơn 200 người dân đang tá túc để tìm gia đình nhưng không thấy ai. "Lát sau, Pol Pot tiếp tục tràn vào bắn chết nhiều người, tôi cùng những người còn lại chạy trối chết lên núi Tượng trú ẩn", ông kể, giọng gấp gáp. Cuộc truy đuổi của quân Pol Pot chưa dừng lại. Rạng sáng hôm sau, những người chạy trốn đói lả, Út Oanh cùng 20 người khác mò xuống núi, đến ruộng khoai mì tìm thức ăn. Đang cặm cụi đào mì thì nghe tiếng bước chân rầm rập, Út Oanh chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh "Miên tới", nhưng đã quá muộn.
Ông Út Oanh kể lại hành trình 8 ngày đêm trốn chạy khỏi Pol Pot. Ảnh: Phước Tuấn.
Nhóm năm tên Pol Pot da ngăm đen, phần lớn là thiếu niên độ 15,16 tuổi với ánh nhìn man dại, chĩa súng vào người dân. 20 người, trong đó có cả những đứa trẻ bụng lép kẹp, đói khát bị chúng sát hại trong chốc lát, bằng súng và cả dao, gậy gộc, riêng Út Oanh chạy thoát. "Đêm đến, khi quân Pol Pot rút đi, tôi bò lại rẫy mì, dùng tay bới được hơn chục củ, ăn sống ngấu nghiến cho đỡ đói, rồi cột số còn lại vào cạp quần, bò lại hang núi tiếp tục lẩn trốn", ông nhớ lại. Trên hang núi, ông cùng những người còn sống lựa những hốc đá nơi gần các tử thi bị sát hại trú ẩn, nhờ mùi hôi thối mà Pol Pot bỏ qua không phát hiện.
Đến ngày 20/4, ông tình cờ gặp lại mẹ trên núi, mừng mừng tủi tủi. Mẹ con họ hỏi tung tích những người thân còn lại trong gia đình, trong lòng đầy lo lắng. Đoàn tụ chưa được bao lâu, họ thấy một toán quân Pol Pot từ xa đi tới. Biết mình khó thoát, người mẹ rưng rưng xoa đầu con: "Tao già rồi chạy không nổi nữa, mày còn trẻ nên ráng sống cho đàng hoàng, nghe con", rồi đẩy ông vào lùm tre. Nhóm lính xuất hiện, xả đạn vào bà. Chiều hôm đó, ông cố lần theo vết máu và hỏi thăm những người gặp dọc đường tung tích mẹ nhưng không được. Ngày tiếp theo, Pol Pot tiếp tục càn lên núi, chúng xua chó đánh hơi khắp các hang động.
Nhiều gia đình trốn trong hang đang giữa bữa ăn, bị chúng phát hiện ném lựu đạn, không ai sống sót. "Có gia đình đang lẩn trốn trong hang thì trẻ con khóc thét, sợ bại lộ liên lụy nhiều người khác, họ phải đau đớn bịt mũi con đến khi chúng bất động", ông Oanh mắt rơm rớm nhớ lại như in từng chi tiết dù đã 40 năm trôi qua. Nhóm người đợi đêm đến mò trở lại xóm ấp tìm gạo, cơm khô, sau đó múc nước mưa ở các hốc đá nấu cháo cho trẻ con ăn. Buổi sáng, họ tiếp tục di chuyển từ hang này sang hang khác. Út Oanh dùng cây nhọn đâm vào thân chuối tìm thấy dọc đường lấy nước cho đoàn người uống, rồi đào củ rừng ăn cầm cự qua ngày.
Quân Khmer Đỏ năm 1978.
Nhờ có kinh nghiệm theo bộ đội tải đạn từ trước, khá rành mọi ngóc ngách trên núi, ông dẫn nhóm người đi bằng những con đường ít ai biết. Ông cũng dặn mọi người cởi hết đồ màu trắng, thay đồ đen để khó bị phát hiện từ xa. Bốn ngày sau cuộc trốn chạy, quân Pol Pot đốt cây cỏ xung quanh núi để xua đuổi người dân. Út Oanh cùng nhóm người đang tháo chạy thì gặp một toán lính, chúng lạnh lùng xả súng vào đoàn người. Nhiều người gục ngã, ông hoảng loạn, nấp vào một hốc đá, sau đó chạy theo quán tính, băng đường rừng, rẽ xuống một cánh đồng trống. Tiếng súng vẫn còn vang vọng từ xa, Út Oanh vẫn chạy theo bản năng dù sức lực đã gần như cạn kiệt.
Trời chập choạng tối, chân ông bị vấp phải sợi dây kẽm của một chốt địch bỏ lại, ngã xuống va vào một mỏm đá bất tỉnh. Đêm đó, ông thức dậy giữa rẫy mì vắng hoe, đầu đau như búa bổ, hai đầu gối ê ẩm, bê bết máu. Quanh ông, tiếng dế kêu râm ran, những người bị Pol Pot sát hại những ngày trước đó nằm vắt lên nhau, bắt đầu trương lên. Mùi tử thi xộc vào mũi. Nằm thêm một lúc, Út Oanh sờ khắp người lần nữa xem có bị thương chỗ nào không, rồi ông cố trườn qua các tử thi, hướng về phía bờ sông cách đó gần một cây số. Cổ họng khát cháy, ông đưa tay định vốc nước uống thì phát hiện có mùi lạ. Sau phút định thần, ông rụng rời phát hiện quanh đó xác người trôi dập dềnh cả một đoạn sông.
Cách đó vài trăm mét, những cái bóng đen từ phía bên này cánh đồng đang lom khom, cố băng qua phía bên kia sông. Nhưng đường đạn sáng lòa xé toạc màn đêm, kèm theo tiếng súng đì đùng từ một chốt địch đã ngăn cản họ. Những bóng đen từ từ gục xuống, phía sau họ, những cái bóng đen còn lại im bặt, bởi chỉ cần một tiếng gào khóc của ai đó vào lúc này cũng có thể khiến cả nhóm bị giết. Út Oanh ứa nước mắt, cắn răng, mười đầu ngón tay bấu chặt vào doi đất cặp bờ sông. Ông nhận ra những người mặc áo đen đó là dân Ba Chúc đã cùng mình trốn chạy suốt bốn ngày đêm trước lúc ông bất tỉnh.
Út Oanh định lao về phía họ, nhưng kịp dằn lòng, chờ đến lúc đạn ngớt. Nằm giữa "cánh đồng thi thể người", Út Oanh không còn sợ chết nữa, nhưng ông tự dặn mình phải cố sống để tìm lại gia đình đang thất lạc. Những ngày sau đó, ông và những người còn sống chạy gần 30 cây số, khi đến địa phận Kiên Giang, lớp bị giết, lớp giẫm phải mìn chỉ còn lại hơn 20 người. Suốt tám ngày trốn chạy, ông gần như không tắm, trên người chỉ mặc đúng một cái quần ngắn, người đen đúa như lính Pol Pot, da mọc đầy ghẻ lở, cổ họng lở loét, giọng lơ lớ vì nhiều ngày uống nước từ thân cây chuối. "Khi thấy bộ đội từ xa, tôi lấy hết sức lực la lớn, con ở Ba Chúc, là người Việt Nam!
Hôm đó nếu la chậm xíu có khi họ tưởng mình Pol Pot thì bị ăn đạn xong đời rồi", ông Út tươi cười nói. Được bộ đội cho đi nhờ xe, ông trở về lại Ba Chúc, gặp lại chín người còn lại trong gia đình, vẫn bình yên vô sự sau cuộc trốn chạy. Ông kể lại lúc gặp mẹ, cả nhà chia nhau đi tìm thi thể bà nhưng không thấy. Nhưng như vậy đã là may mắn so với những gia đình khác. Đưa tay sờ vết sẹo khá to ở một bên đùi do trúng pháo của Pol Pot, ông Nguyễn Văn Nghiệp (59 tuổi) bảo rằng, trong buổi sáng định mệnh ấy, nhờ vết sẹo này mà ông cùng người em trai thoát chết. Một sáng giữa tháng 4/1978, một trái pháo của Pol Pot rơi trúng chùa Tam Bảo (Ba Chúc), nơi gia đình ông Nghiệp cùng nhiều người dân khác đang trú ẩn. 80 người chết, riêng ông cùng đứa em trai bị thương ở chân, tay, được đưa đến Tri Tôn, sau đó chuyển về Long Xuyên.
Nằm bệnh viện đúng một tuần, người anh thứ ba đang chăm sóc ông tại bệnh viện trở lại nhà lấy tiền, và đó là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau. "Qua hôm sau, người quen báo tin người anh thứ ba bị kẹt lại với cha mẹ, anh em, gia đình tôi tổng cộng 11 người đều bị Pol Pot sát hại, lúc nghe xong, tôi bị sốc nặng đến mức không khóc nổi", ông Nghiệp nhớ lại. Điều trị gần một năm, hai anh em ông Nghiệp về quê, phải sống chung với người bác vì nhà cửa đã bị Pol Pot đốt sạch. Một người quen sau đó đưa tấm thẻ căn cước của cha ông mà họ nhặt được trong lúc thu dọn các thi thể để đưa vào nhà mồ Ba Chúc.
Nhà mồ Ba Chúc.
"Không tìm được thi thể người thân, nhưng tôi cũng an ủi phần nào vì tin chắc họ có trong hơn 1.000 hài cốt hiện ở nhà mồ Ba Chúc", ông Nghiệp xúc động. Ông tự an ủi rằng mình còn may mắn vì không tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng, để phải sống nốt phần đời còn lại với nổi ám ảnh ấy. Cách nhà mồ Ba Chúc khoảng 100 mét, hơn một năm nay, bà Hà Thị Nga (80 tuổi), người cuối cùng trong dòng họ gần 100 người bị sát hại còn sống sót trở bệnh nặng bởi di chứng của những vết thương cũ. "Sau năm 1978, chị tôi nhận dọn dẹp, hương khói tại nhà mồ Ba Chúc để được ở bên chồng con cho nguôi ngoai nỗi buồn.
Mấy năm gần đây, vết thương ở đầu tái phát, chị trở bệnh, giờ đã gần như quên hết mọi thứ", em gái bà Nga nói. Sáng tháng Tư 41 năm trước, bà Nga cùng chồng và 6 đứa con đang cùng người dân trên đường chạy trốn thì bị Pol Pot bắt giữ. Chúng đưa gia đình bà cùng gần 80 người họ hàng ra cánh đồng vắng, rồi lần lượt xử tử. Từng người thân bà bị sát hại dã man. Bà Nga sau đó bị chúng bắn, viên đạn xuyên qua cổ trúng phần mềm. Chúng tiếp tục dùng gậy bồi thêm nhiều nhát vào đầu bà. Tưởng bà chết nên chúng bỏ đi. Chập choạng tối, bà Nga tỉnh dậy giữa "cánh đồng xác người", hóa điên dại vì thi thể chồng cùng sáu đứa con và 80 thi thể họ hàng nằm bên cạnh.
Bà nén đau, cố lê khỏi nơi chết chóc, sau đó trầm mình dưới một con kênh vì phát hiện quân Pol Pot phía xa. Suốt 12 ngày sau đó, thân mang thương tích và liên tục trốn chạy, nhưng người phụ nữ đã tận mắt chứng kiến thảm cảnh có một sức mạnh phi thường, vẫn cố sống sót cho đến khi gặp bộ đội giải phóng. Chiều buông ở cánh đồng Ba Chúc, ông Nghiệp đứng trầm ngâm bên bờ đê phía sau nhà, phóng tầm mắt về phía "cánh đồng xác người" năm xưa, giờ đã là đồng lúa, mướp, khổ qua xanh mướt. Cách đó vài cây số, ông Út Oanh vượt qua dốc núi Tượng về nhà sau một ngày phụ hồ mệt nhoài.
Ngọn núi năm xưa 200 người lẩn trốn giờ xanh màu xoài, mít. Mấy năm qua, vợ ông lên các hốc đá núi, cưa thân cây mít về đẽo thành những cái mõ tròn, bán cho du khách kiếm chút tiền nuôi thằng cháu nội. Bà bảo gỗ cây mít ở núi Tượng đẽo mõ tiếng thanh, trong ít nơi nào sánh được. "Tôi vẫn luôn nói với bà nhà, rằng mình còn sống là đã may mắn hơn hàng nghìn người khác, nên giờ đôi khi có vất vả chút, nhưng cũng ráng sống cho đàng hoàng tử tế", ông Út Oanh nói.
Nguồn: VnExpress