Đa nhân cách hay còn gọi là rối loạn đa nhân cách, có tên tiếng anh là Multiple Personality Disorder – MPD, thuộc vào tổ hợp những hội chứng có mối liên quan đến chấn thương tâm lý, hậu chấn thương tâm lý, rối loạn căng thẳng cấp tính,… Sau các cuộc chấn thương tâm lý nặng nề xảy ra thì các nhân cách mới bắt đầu hình thành và chiếm lấy một phần của cơ thể. Mỗi nhân cách xuất hiện nhằm mục đích giải quyết và ứng phó với các tình huống khó khăn.
Những người mắc phải chứng rối loạn tâm thần này sẽ tồn tại ít nhất hai nhân cách tách rời trong cùng một cơ thể. Các nhân cách này tuy sống cùng một thể xác nhưng lại có nhiều xu hướng đối đầu nhau. Chúng sẽ xuất hiện vào các thời điểm khác nhau, hoàn toàn không có ký ức hoặc biết được sự tồn tại của nhau. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, chứng rối loạn đa nhân cách chính là tình trạng một cá nhân thường xuyên quên đi một số dữ liệu, thông tin, sự kiện quan trọng của bản thân. Từ đó, gây nên những lỗ hổng trong ký ức, họ không thể ghi nhớ được những việc mà bản thân đã làm khi nhân cách khác tồn tại.
Từng trải qua những tổn thương sâu sắc ở thời thơ ấu như bị ngược đãi, đánh đập, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, không được chăm sóc, quan tâm, các đối tượng từng bị lạm dụng tình dục, c.ưỡng h.iếp… Nguyên nhân bị đa nhân cách có thể do có vấn đề về thần kinh, não bộ: Chấn thương não, não thiếu chất serotonin… Cũng có một số quan điểm cho rằng: Con người từ khi sinh ra đã mang trong mình rất nhiều những nhân cách khác nhau. Nếu như được nuôi dạy trong môi trường có đạo đức và lối sống chuẩn mực thì nhân cách tốt sẽ phát triển và vùi lấp các nhân cách xấu khác. Tuy nhiên, chúng chỉ bị vùi lấp chứ không bị mất đi. Khi gặp một tác nhân nào đó, nhân cách kia sẽ trỗi dậy, bệnh đa nhân cách được hình thành.
Người bệnh tồn tại nhiều nhân cách khác nhau. Mỗi bệnh nhân sẽ có ít nhất hai nhân cách riêng biệt thay phiên và liên tục kiểm soát hành vi của người bệnh. Có các khoảng trống trong ký ức: Đối với những người bị rối loạn đa nhân cách sẽ không thể ghi nhớ được trọn vẹn các lời nói, hành động mà bản thân đã làm khi ở nhân cách khác. Trong ký ức của họ luôn có một khoảng đen và họ nghĩ rằng bản thân đã ngủ trong thời gian đó. Những người xung quanh có thể thấy sự đối lập trong nhân cách của người bệnh.
Người bệnh thường sẽ có tính cách chính là nhút nhát, rụt rè, yếu đuối, dễ bắt nạt. Các nhân cách mới sẽ khác biệt so với nhân cách thật của chủ thể, ví dụ như chống đối, cá tính, nham hiểm,… Khi các nhân cách mới xuất hiện sẽ chi phối và kiểm soát toàn bộ các suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của người bệnh. Sau khi trở về với nhân cách thật, chủ thể sẽ không thể nhớ được những gì bản thân đã làm. Người bệnh rối loạn đa nhân cách cũng có thể quên đi những thông tin, sự kiện quan trọng có liên quan đến bản thân, chẳng hạn như các cuộc hẹn, nơi sinh sống, nơi làm việc, sở thích, bạn bè,…
Bệnh nhân còn có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu bia, muốn tự sát, bị cưỡng chế, thay đổi cảm xúc đột ngột,… Một số trường hợp nếu các nhân cách chung sống hòa bình với nhau thì người bệnh cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, quan hệ xã hội. Các nhân cách mới của người bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi họ trải qua các sự kiện gây chấn thương.
Nguồn: Tạp chí Tâm lý học