Đánh giá Bloodborne

Bloodborne – Những tháng đầu năm 2015 được coi là “thời” của PS4, khi Sony lên lịch ra mắt hàng loạt tựa game độc quyền như The Order: 1886, Bloodborne, Until Dawn. Thế nhưng The Order: 1886 lại mở màn ảm đạm khi chỉ là một quả “bom xịt”, khiến những người hâm mộ thất vọng và tỏ vẻ nghi ngại cho các sản phẩm tiếp theo của hãng.

Nếu đã từng kinh qua bất cứ tựa game nào trong dòng game Souls, hẳn nhiên người chơi nào cũng biết bài học vỡ lòng đầu tiên mà chúng mang lại chính là… cái chết. Độ khó trong Bloodborne cũng tương tự như những phần trước, rất khó và đầy thử thách, và chính điều đó tạo nên một sự cuốn hút khó tả trong cuộc hành trình. Như thường lệ, Bloodborne đặt người chơi vào một thế giới rộng lớn với bối cảnh giả tưởng, nơi mà họ sẽ phải phải dấn thân vào một cuộc hành trình vô định, tự tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra và cách thức để sinh tồn, bởi game hoàn toàn không có bất kỳ lời gợi ý hay chỉ dẫn nào.

Đây chính là thứ mang lại sự phấn khích đầu tiên cho người chơi, và cũng chính là điều dễ làm nản lòng những người “chân ướt chân ráo” đến với dòng game này. Bloodborne cũng giữ nguyên những gì tinh túy và cơ bản nhất hình thành nên dòng game Souls. Chẳng hạn, game vẫn giữ nguyên một đơn vị “tiền tệ” duy nhất mang tên Blood Echoes. Người chơi chỉ có thể dùng Blood Echoes để mua sắm trang bị, vật phẩm, hay nâng cấp chỉ số nhân vật, nâng cấp vũ khí, hoặc những thứ gì cần có “tiền”. Bên cạnh đó, các điểm “lửa trại” (Bonfire) quen thuộc, nơi để dịch chuyển tức thời hoặc hồi phục sức mạnh của mình (và cả… kẻ thù) giờ đã được thế bằng những ngọn đèn (Lamp).

Ngoài chức năng trên, các ngọn đèn này có thể đưa người chơi trở về Hunter’s Dream – địa điểm duy nhất được coi là an toàn trong Bloodborne. Tại nơi đây, bạn có thể “tiêu xài” Blood Echoes cho những thứ cần thiết để hành trình sắp tới đỡ “vất vả” hơn. Tất nhiên, nếu chỉ có vậy thì Bloodborne sẽ có nguy cơ lặp lại thất bại như trong Dark Souls II – tựa game làm những người hâm mộ thất vọng nhất trong bộ ba Souls, bởi nó thiếu đi cái linh hồn tạo nên thành công: độ khó. Quả thật, Dark Souls II là một bước lùi khá lớn về độ khó, bởi các trận đấu trùm ít thử thách và thiếu điểm nhấn, kẻ thù thì chỉ được “số” chứ không “chất”, thế giới liên kết không chặt chẽ…

Thật may vì Bloodborne đã không mắc phải những sai lầm như thế! Sở dĩ có được điều này là do Bloodborne mạnh dạn thay đổi lối chơi bị động với “gươm và khiên” sang một phong cách chủ động hơn rất nhiều, kể cả khi phép thuật không còn tồn tại. Thay thế cho các loại khiên “thần thánh” chính là những khẩu súng tấn công tầm xa. Với việc loại bỏ khiên, chiến thuật tiếp cận các trận đánh trong Bloodborne sẽ khác xa rất nhiều so với các tựa game Souls, khi bạn phải tính toán sao cho một đòn tấn công tung ra phải đạt hiệu quả tối đa trên toàn bộ kẻ thù đang bao vây mình. Và để “khuyến khích” người chơi chủ động hơn, nếu như bị dính đòn từ kẻ thù thì mỗi đòn tấn công của bạn sau đó sẽ có khả năng hồi lại một phần lượng máu đã mất.

Như vậy, chiến thuật giờ đây chỉ tập trung vào tấn công và né đòn, khiến sự tập trung luôn là thứ cần thiết. Bởi độ khó trong Bloodborne thật sự chả kém “đàn anh” là bao, dù ở cấp độ cao thì chỉ cần vài nhát chém đơn giản đã khiến bạn “quy tiên”. Với sự trở lại của “cha đẻ” Hidetaka Miyazaki – người đã không tham gia dự án Dark Souls II – trong vai trò đạo diễn, ông đã thể hiện được cái “thần” của mình qua việc tạo nên một thế giới Yharnam – mang ảnh hưởng thiết kế của thời kỳ Victoria – đầy u tối và ám ảnh. Dù không hề có lời dẫn truyện hay giới thiệu nào, nhưng trên cuộc hành trình tưởng như vô định của mình, người chơi sẽ nhận thấy sự tuyệt vọng tràn ngập đối với những con người đang sống nơi dịch bệnh bí ẩn hoành hành, và những bi kịch thay phiên nhau tiếp diễn.

Dưới bàn tay “nhào nặn” của Miyazaki, Bloodborne đã xuất hiện trở lại hai yếu tố chính đã bị mai một trong Dark Souls II, nhưng lại là những thứ tạo nên tên tuổi cho Demon’s Souls hay Dark Souls. Đầu tiên, đó chính là việc thế giới Yharnam được thiết kế một cách vô cùng chi tiết và kỹ càng, khiến cho bạn không cảm thấy bất cứ điều gì là dư thừa. Từng nhân vật, từng kẻ thù cho đến những con trùm đều xuất hiện với mục đích rõ ràng. Khâu thiết kế càng trở nên nổi bật hơn khi càng dấn sâu vào Yharnam, bạn càng nhận thấy các khu vực tại nơi này đều có một sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Do đó, cuộc hành trình trong Bloodborne sẽ kích thích sự tò mò, thích khám phá trong bản thân người chơi để khiến họ tự nguyện dấn thân vào “nguy hiểm”, chứ đó không còn là sự ép buộc. Người chơi sẽ dễ dàng gặp lại cảm giác “cô độc trong màn đêm” dù với một ngọn lửa nhỏ nhoi, họ vẫn tiếp tục bước đi trong thế giới đầy rẫy hiểm nguy này. Tiếp đến, các trận đánh trùm (Boss) chính là thứ thể hiện tài năng sáng tạo của Miyazaki. Và cũng chính là thứ còn lại mà Dark Souls II đánh mất, khi các con trùm xuất hiện vô tội vạ (đến tận… 31 con), chẳng để lại nhiều ấn tượng như những bản game trước đó.

Trong Bloodborne, mỗi khi gặp trùm đều là những thử thách thật sự bởi chúng đều có những điểm mạnh-yếu khác nhau, và hầu hết đều để lại ấn tượng sâu sắc với người chơi qua vẻ ngoài ám ảnh. Tổng cộng trong game, số lượng trùm xuất hiện chỉ ở mức 17 (trong đó có 9 con trùm phụ), một con số vừa đủ để thách thức người chơi trổ tài. Thật sự mà nói, cảm giác hạ được một con trùm trong Bloodborne luôn khiến bạn phải “run người” vì phấn khích, nhất là khi lượng máu của nhân vật chỉ còn một nấc ít ỏi, được phụ họa bằng những bản nhạc nền hào hùng khiến cảm giác này thật sự rất khó đạt được trong bất kỳ tựa game nào khác.

Ngoài ra, hình-âm cũng là những yếu tố khác khiến thế giới trong Bloodborne có được ấn tượng sâu sắc. Những tiếng động, tiếng hét hay than khóc phối cùng tiếng gió đôi khi sẽ khiến người chơi cảm thấy như đang chơi một game kinh dị vậy. Bên cạnh đó, do là tựa game độc quyền cho PS4 nên chất lượng hình ảnh trong Bloodborne được thể hiện ở một mức độ chi tiết và rất đẹp, với phong cách thiết kế đúng chất “gothic” thời Victoria. Nhìn chung, hai yếu tố này đã thể hiện tròn vai, góp phần tạo nên thành công cho mặt thẩm mỹ của Bloodborne. Tương tự như các “đàn anh”, người chơi sẽ vẫn có thể trải nghiệm Bloodborne một cách hoàn hảo ngay khi chỉ chơi một mình.

Nhưng cảm giác đó ít nhiều sẽ thay đổi khi tham gia vào các chế độ chơi trực tuyến. Khi đã kết nối với mạng và đạt được những điều kiện nhất định, bạn sẽ có thể tham gia đối kháng PvP hoặc phối hợp Co-op bằng việc “xâm nhập” vào thế giới khác, hay “triệu hồi” người chơi khác đến thế giới của mình (tổng cộng có 3 nhân vật xuất hiện trong một thế giới). Với việc xen kẽ hai dạng chơi như thế, việc “xâm nhập” hay “triệu hồi” giống như con dao hai lưỡi, khi mà bạn không thể biết mình sẽ đối đầu với ai hay người được triệu hồi là bạn hay thù. Ngoài ra, cũng với những điều kiện nhất định, người chơi có thể lập nên những hầm ngục bí ẩn “Chalice Dungeon” – được tạo một cách ngẫu nhiên từ những dữ liệu trên máy chủ.

Đây chính là những thứ để người chơi tiếp tục những hành trình khám phá mới bên cạnh thế giới chính. Thậm chí ngay tại các hầm ngục, bạn sẽ có cơ hội đối đầu với những con trùm chỉ dành riêng cho phần chơi này. Các Chalice Dungeon được người dùng tạo nên có thể chia sẻ cùng người chơi khác, và tất nhiên, bạn cũng có thể khám phá các hầm ngục mới. Cuộc phiêu lưu trong Bloodborne về cơ bản, giờ đây dường như không có khái niệm “kết thúc” nữa. Còn nếu chỉ tập trung vào thế giới chính trong game và hoàn thành nó, thì chế độ New Game Plus (NG+) sẽ xuất hiện. Hành trình của bạn sẽ trở nên khó khăn gấp bội do kẻ thù trở nên “trâu bò” hơn, nhất là những con trùm “khôn” hơn và các đòn tấn công của chúng biến hóa hơn rất nhiều.

Tất nhiên, đúng với bản chất dòng game Souls, sau khi hoàn thành NG+, Bloodborne còn có NG++, NG+++ … đủ khiến người chơi phải đắm mình vào Yharnam trong một thời gian rất dài. Dù được coi là hoàn hảo về mọi mặt, thế nhưng Bloodborne lại gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật, ít nhiều gây khó chịu đối với người chơi. Điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất chính là thời gian nạp game (load) khi chuyển cảnh quá lâu, thường từ 30 đến 40 giây. Người chơi rất dễ gặp phải các phân đoạn này khi chết, hoặc dịch chuyển qua lại từ Hunter’s Dream đến các nơi khác và ngược lại. Cùng với đó là những lỗi kỹ thuật khác xảy ra trong quá trình chơi Bloodborne, như kẻ thù bị mắc kẹt, hay không nhặt được vật phẩm nhiệm vụ… Dù vậy, những hạn chế này gần như sẽ được khắc phục nhanh chóng qua những bản cập nhật tiếp theo.

Nguồn: S.T - vietgame.asia

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay