Đánh giá Luna The Shadow Dust

Với sự trỗi dậy của indie game, người chơi bây giờ đã có quá nhiều sự lựa chọn khác ngoài việc cố gắng bám víu lấy ánh hào quang xưa cũ của dòng “point n click” mà huyền thoại Machinarium đã gây dựng nên.

Ấn tượng đầu tiên của người viết về LUNA The Shadow Dust là sự ấm áp và dễ chịu mà tựa game mang đến. Và điều đó được thể hiện một cách mạnh mẽ qua hoạt hoạ của game và cách mà nó phô diễn trước mắt người chơi. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là LUNA The Shadow Dust mang đến cho bạn một sự bùng nổ thị giác hay khiến bạn oà lên vì sự tráng lệ của game, mà nó quyến rũ theo một cách rất riêng và đặc biệt. Chính xác thì tựa game khiến bạn say đắm trong cái thánh địa nằm giữa trẻ con và người lớn.

Vừa thể hiện một gương mặt thân thiện như một quyển sách tranh cổ tích, vừa cho thấy một sự nghiêm túc trong từng chi tiết vụn vặt. Sự nghiêm túc của game, tất nhiên là không chỉ dừng ở phần “nhìn”, cách mà tựa game thể hiện câu chuyện của mình cũng rất khác biệt. Một phần của niềm vui trong trò chơi cũng chính là tìm ra câu đố của màn chơi đó là gì, hãy cố gắng làm tất cả mọi thứ mà bạn tương tác được qua môi trường và kết nối chúng lại với nhau.

Trong LUNA The Shadow Dust không hề có một câu đối thoại, lời dẫn hay một màn hình be bé có một anh chàng ngồi thuyết minh lại game dùm bạn. Mọi thứ diễn ra trong LUNA The Shadow Dust đều do chính người chơi tự xâu chuỗi qua thời gian và 20 phút phim cắt cảnh. Khởi đầu của game cũng đi theo một mô típ khá điển hình, chúng ta có một cậu bé rơi từ trên trời rơi xuống, mất ký ức và được một thực thể kỳ lạ dẫn đường vào một chuyến phiêu lưu cũng kỳ lạ không kém vào trong một toà tháp chọc trời.

Và những gì bạn cần làm trong toà tháp cũng khá dễ hiểu, mỗi phòng trong tháp sẽ có một câu đố. Khi bạn giải được một câu đố, cánh cửa phòng tiếp theo sẽ mở khóa, cho phép bạn tiến lên tầng cao hơn. Cốt truyện của game cũng dần hé mở khi cậu bé của chúng ta tìm được một người bạn đồng hành là một sinh vật lai giữa kỳ đà và mèo (chúng ta sẽ tạm gọi là con “kỳ mèo”). Lối chơi của game cũng sẽ xoay quanh 2 nhân vật chính này, cậu bé thì có thể làm những việc cần sức mạnh vật lý (đẩy đá, nhấn nút, xoay thứ này, kéo thứ kia…).

Trong khi kỳ mèo có thể chui vào các nơi chật hẹp, biến thành bóng và tương tác với môi trường. Các câu đố trong game cũng là điểm nhấn, nó không quá khó để bạn phải đau đầu ức chế, nhưng cũng không quá dễ để khiến bạn thấy nhàm chán. Mọi câu đố đều logic đến ngạc nhiên, như đốt cây xong đó dập nước nó để cây thành than và thổi gió để cây đổ. Nếu bạn thấy bí một câu đố nào đó, hãy cố gắng quan sát thật kỹ, gợi ý sẽ nằm đâu đó xung quanh bạn.

LUNA The Shadow Dust cũng không ngần ngại phô diễn những thế mạnh của mình cho người chơi chiêm ngưỡng. Một trong số đó là phần âm nhạc của game. Không thiếu những câu đố liên quan đến âm nhạc hay các hiệu ứng âm thanh diễn ra trong game và nó cũng không hề khiến người chơi cảm thấy khó chịu vì đơn giản là phần âm của game… hay thật. Âm nhạc của LUNA The Shadow Dust không phá hỏng mạch game hay khiến người chơi quên mất đây là một tựa game giải đố “point n click” mà trái lại.

Nó tương tác một cách dịu dàng với thế giới mà game đang xây dựng và là một bổ sung sáng giá cho việc game từ bỏ những màn đối thoại. Nghệ thuật thì không phải lúc nào cũng dành cho số đông. Câu nói đó lại đặc biệt đúng cho LUNA The Shadow Dust. Cho dù được dán nhãn là hướng tới mọi đối tượng (điều đã được thể hiện rõ ràng từ cách hoạt họa cho tới cách tạo hình nhân vật) thì LUNA The Shadow Dust vẫn thể hiện mình là một kẻ “cứng đầu” trong việc diễn giải những sự kiện mà game tạo ra.

Hầu như khi bắt đầu game, bạn đừng nên xấu hổ khi thú nhận rằng thực sự bạn chẳng hiểu: “mình đang làm cái quái gì ấy nhỉ?”. Mọi thứ diễn ra trong game đều mơ hồ, kể cả những đoạn cắt cảnh, thứ đáng lý ra phải là những đoạn rõ ràng nhất. Và từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc, LUNA The Shadow Dust đều đem tới cho người viết một cảm giác bối rối kiểu: “liệu mọi thứ có thực sự đơn giản thế không?” và để mặc cho người chơi tự đi mà tìm hiểu có thể cũng là cách mà nhà sản xuất thể hiện quan điểm của mình.

Ngoài ra, thời lượng của game cũng khá ngắn, chỉ khoảng dưới 10 tiếng đồng hồ và đấy là đã “tính dư” ra cho việc bạn nhởn nhơ, chụp màn hình lia lịa và nghe nhạc thay vì đi giải đố. Game cũng không có tính năng tạm dừng các cắt đoạn (hoặc do người viết không biết tính năng đó được cất dấu một cách kỹ càng ở chỗ nào). Game cũng không cho phép bạn quay lại các căn phòng đã đi qua và thiếu hẳn đi tính năng lưu thủ công (một tính năng cần thiết với một người luôn cảm thấy bất an với việc tự động lưu như người viết).

Nguồn: vietgame.asia

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay