Dưới bàn tay “nhào nặn” của Shinji Mikami, The Evil Within truyền đạt một cách hoàn hảo bầu không khí kinh dị cực kỳ căng thẳng đến với người chơi. Quả không hổ danh là một trong những người khai sinh ra thể loại game hành động mang phong cách kinh dị! The Evil Within không quá chú trọng vào các màn hù dọa bất ngờ hay làm người chơi giật mình đôi chút và hầu như chẳng để lại ấn tượng gì như cái cách mà Resident Evil 6 thể hiện, mà thay vào đó, đội ngũ phát triển tập trung vào việc hiện thực hóa nỗi kinh dị ở xung quanh nhân vật chính. Dấn thân vào một thế giới mà thực – ảo còn lẫn lộn.
Xung quanh người chơi là đầy rẫy những loài quái vật với hình thù kì dị, các cạm bẫy chết người, và hơn hết là số lượng đạn dược lại vô cùng khan hiếm. Hơn nữa, dù số lượng vũ khí khá đa dạng, nhưng để kiếm đủ “tiền” (các bình Green Gel) để nâng cấp chúng lại là việc vô cùng khó khan, khiến cho người chơi luôn phải cân nhắc kỹ càng trước khi tối ưu sức mạnh. Tất cả vô hình chung tạo nên một “áp lực”, đè nặng lên tâm trí người chơi khiến họ luôn phải tập trung cao độ để có thể vượt qua các tình huống hiểm nghèo! Lối chơi trong The Evil Within cũng thiên về hướng khuyến khích người chơi lựa chọn lối chơi lén lút, ẩn nắp hay tận dụng bẫy để tiêu diệt kẻ thù.
Môi trường cũng được thiết kế rất tốt để khiến phong cách chơi thêm thú vị nhưng không kém phần hồi hộp, bởi lũ thây ma hoàn toàn có khả năng khiến cho người chơi “giật bắn mình”! Đem đến nhiều nỗi sợ như vậy, nhưng đội ngũ phát triển The Evil Within còn không “buông tha” cho người chơi tại ngay nơi mà họ tưởng như an toàn nhất từ xưa đến nay: điểm lưu game (save). Không như những bản Resident Evil cổ điển, nơi đặt một chiếc “máy đánh chữ” cho nhu cầu lưu game, The Evil Within dành hẳn cả một khu vực riêng chỉ để thực hiện điều đó. Bằng cách “dịch chuyển” thông qua những chiếc gương, người chơi sẽ được đến khu vực trên.
Thế nhưng nơi đây lại mang một một bầu không khí ảm đạm, dần dần trở nên u ám với các bức tường nứt nẻ, các bài báo kể lể chuyện người mất tích, hay thậm chí còn bị cả “trùm cuối” hù dọa không ít lần! Vậy mới thấy trong The Evil Within, thật sự không có nơi nào gọi là “yên bình” cả. Trong The Evil Within, các loại kẻ thù mà người chơi gặp đa số là thây ma hoặc các chủng loại quái vật khác nhau, nhưng chúng đều mang dáng vẻ rất đặc trưng và thể hiện được cái chất ghê rợn ngay từ “cái nhìn đầu tiên”, tất nhiên cảm giác đó không thể nào là “yêu” được! Có thể nói, những loại quỷ quái trong The Evil Within mang lại một cảm giác “ám ảnh” khó tả!
Chẳng hạn như một thây ma có miệng được… rạch tới mang tai, giống như đang cười (kiểu nhân vật Joker trong Batman), gương mặt già nua, đôi mắt u uất đủ khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải hoảng sợ! Bên cạnh đó, còn nhiều tạo hình khác cũng tạo ra một cảm giác “tởm” như lũ đeo mặt nạ cười có máu rỉ ra từ hốc mắt và miệng, hay lũ quái giống trẻ sơ sinh bò lúc nhúc mà người còn đỏ hỏn, nhìn thấy… mắc ói! Những loại “lính quèn” kể trên tạo hình tuy rất “chuẩn” nhưng vẫn còn thua xa phong cách của những “con trùm” trong game. Điển hình nhất chính là Laura – ma nữ tóc dài nhiều tay, đã từng xuất hiện trong nhiều đoạn trailer: người trần truồng, da ửng đỏ do bị phỏng, tóc tai xõa sợi, nhiều tay, móng vuốt dài, di chuyển bằng tất cả các chi, còn giọng la thì “đinh tai nhức óc”.
Đây cũng chính là thứ khiến người chơi phải… bỏ chạy nhiều nhất, bởi không thể hạ cô ả một cách trực tiếp được! Có thể nói, tạo hình kẻ thù “ghê rợn” chính là thứ The Evil Within đem lại nỗi sợ trực tiếp và hiện hữu đến với người chơi, thay vì những thứ “vô hình” khác đã nhắc đến trước đó. Ngoài lối chơi “hù dọa” cơ bản, mức độ kinh dị của The Evil Within còn được nâng lên tầm cao mới, với sự hỗ trợ đắc lực của phần âm thanh. Xuyên suốt game, nhạc nền và tiếng động từ môi trường luôn tạo cho người chơi một cảm giác bất an, căng thẳng với hạt nhân chính là âm thanh từ các loại quái vật.
Mỗi loại quái vật có những tiếng rên rỉ đặc trưng riêng thể hiện “cá tính” của mình. Ví dụ như Laura có tiếng thét đau đớn lanh lảnh khi bị lửa đốt, khiến người viết cũng cảm thấy đau thấu cả tâm can (và màng nhĩ nữa), hay gã đồ tể ác dâm (Sadist) rất ư là “lãng mạn” khi vừa “làm thịt”, vừa dịu dàng thưởng thức bài nhạc giao hưởng “Air on the G String” của G.Bash. Chắc hẳn những “kẻ thù” đầy cá tính này sẽ tạo ra nỗi ám ảnh dài dài ngay cả khi người chơi đã hoàn thành game… Đặc biệt, đạo diễn Shinji còn thể hiện chất “nghệ sĩ” của mình qua việc sử dụng một bài nhạc giao hưởng khác là “Clair de Lune” (Ánh Trăng) của Claude Debussy.
Làm nhạc nền trong một số trường đoạn, và nó đã phát huy được tác dụng rất “mãnh liệt”: tạo nên sự cô đơn, lạc lõng cho người chơi cũng như chính nhân vật phản diện thể hiện bài nhạc này trong game: Ruvik. Có thể nhiều người không biết rằng hai bản nhạc trên từng xuất hiện ở nhiều tựa game khác, như bài “Air on the G String” từng được sử dụng trong BioShock Infinite và thậm chí là ở đoạn phim teaser của chính The Evil Within, còn “Clair de Lune” chính là nhạc nền chủ đạo trong Rain – tác phẩm diễn tả sự cô độc của cậu bé vô hình trên hệ máy PS3. Trong The Evil Within, hai bản nhạc này được thể hiện ở tông cao hơn, tạo nên âm điệu não nề rất phù hợp với bối cảnh tăm tối và “bệnh hoạn” khó tả!
Về mặt âm thanh, có thể nói The Evil Within đã thể hiện quá xuất sắc chỉ trừ một điểm: giọng lồng tiếng cho các nhân vật vẫn chưa biểu cảm lắm. Và người chơi nên sử dụng headphone để “thấm” từ trong ra ngoài nỗi sợ hãi mà mảng âm thanh game mang tới. Đúng như những gì Shinji Mikaki đã phát biểu trước đây: ông sẽ đem lại vài khung cảnh quen thuộc từ Resident Evil 1. Trong The Evil Within, ngay cảnh đầu tiên cũng là một nhóm điều tra viên gồm ba người (hai nam, một nữ) giống như bộ ba Chris, Jill và Wesker, tiến vào điều tra một nơi đầy rẫy sự chết chóc. Tiếp theo đó, cảnh gặp thây ma đầu tiên trong The Evil Within cũng gần như y chang cảnh tượng như trong phần đầu của Resident Evil 1.
Bên cạnh đó, còn nhiều trường đoạn khác cũng gợi lại cảm giác xưa cũ như cách thiết kế các tòa dinh thự, cách xây dựng tình huống. Nhưng những điều trên càng làm người chơi “xót xa” khi nhớ về cốt truyện đầy hấp dẫn và kịch tính của Resident Evil trước đây, bởi The Evil Within sở hữu một câu chuyện rất nhạt nhòa và đầy những điểm vô lý. Hơn thế nữa, kết thúc của game không những không giải đáp bất kỳ thắc mắc nào cho người chơi, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi hơn về sự kiện đang diễn ra. Hy vọng rằng, trong phần DLC cốt truyện sắp tới của nhân vật Kidman sẽ khắc phục được điều này, còn bằng không, The Evil Within phải ra phần tiếp theo thì mọi thứ mới có thể được sáng tỏ!
Thêm vào đó, dàn nhân vật trong The Evil Within dường như xuất hiện chỉ để phục vụ cho một kịch bản dễ đoán trước, khiến game trở nên không có điểm nhấn, cũng như không có những câu thoại hay hành động gì đáng để ghi nhớ. Vì thế, khi so với dàn nhân vật xuất hiện trong phần đầu tiên của Resident Evil thì The Evil Within lại trở nên thua kém và hụt hơi hơn rất nhiều. Trước khi ra mắt không lâu, The Evil Within đã hứng chịu khá nhiều chỉ trích khi trình diễn một nền đồ họa nghèo nàn, không có gì đặc sắc thông qua những đoạn phim giới thiệu, hay do yêu cầu một cỗ máy PC cực “khủng” mới có thể chạy trơn tru tựa game này trên PC.
Đến khi ra mắt, tình hình vẫn không có gì khả quan hơn. Người viết đã có cơ hội trải nghiệm The Evil Within trên ba hệ máy là PS3, PS4 và PC (chủ yếu chơi và hoàn thành trên PS3) và nhận thấy một sự thật hiển nhiên: đồ họa trên PS4 cùng PC đẹp nhất, với vân bề mặt chi tiết hơn, đổ bóng và hiệu ứng ánh sáng thực hơn khi so với bản PS3. Nhưng lợi thế này hóa ra lại tạo nên một “điểm trừ” khi người chơi phải chứng kiến nền đồ họa quá đỗi tầm thường khi môi trường và mô hình nhân vật khá thô và cứng. Điều đáng nói là với chất lượng đồ họa thế này lại yêu cầu một cấu hình PC “khủng” nhưng lại chạy không ổn định, và các hệ máy console cũng chung số phận.
Ngoài ra, điểm khiến người chơi khó chịu chính là hai thanh đen ở phía trên và dưới màn hình, được tạo ra với mục đích giúp cho việc “chơi game giống như xem phim” (theo lời hãng phát triển). Nhưng trên thực tế, việc che bớt đó khiến cho các cỗ máy console đỡ phải “vất vả” hơn trong khi xử lý hình ảnh, bởi The Evil Within đang sử dụng id Tech 5, một engine nặng nề mà cho đến nay mới chỉ xuất hiện trong hai tựa game khác: RAGE và Wolfenstein: The New Order. Do điều đó mà gần đây, hãng phát triển đã tung ra bản cập nhật loại bỏ hai thanh đen trên, cùng việc “mở khóa” khung hình lên 60FPS, nhưng chỉ cho PC – bởi ở đây có những cỗ máy mạnh mẽ, chứ không dành cho PS4 hay PS3.
Thế nhưng theo người viết, và đa số người chơi khác, The Evil Within có lẽ sẽ là một trải nghiệm thú vị hơn khi chơi trên PS3, khi hình ảnh “mờ mờ, ảo ảo”, thể hiện tông màu ấm tốt hơn và qua đó, bổ sung thêm chất kinh dị cho tựa game.
Nguồn: S.T - vietgame.asia