Phạt roi là dạng trừng phạt thân thể dành cho người đã bị kết tội của Singapore, du nhập từ Anh vào thế kỷ XXI. Đánh phạt bằng roi mây gần như không bao giờ là hình phạt duy nhất trong bản án mà phải đi kèm án phạt tù. Hơn 40 tội danh ở Singapore bắt buộc đi kèm phạt roi, bao gồm: phá hoại của công (vẽ bậy), hiếp dâm, kinh doanh dịch vụ cho vay tiền không có giấy phép, trộm cắp tài sản có chuẩn bị trước, cướp tài sản, tàng trữ vũ khí nguy hiểm, bán ma túy, buôn bán nhập khẩu pháo hoa... Nam giới nhập cư trái phép vào Singapore hoặc ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày cũng bị phạt ít nhất ba roi.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong năm 2012, Singapore đã tuyên án 2.203 trường hợp bị đòn roi, trong đó có 1.070 người nước ngoài vi phạm các tội về di trú. Với một số tội danh, phạt roi là hình phạt bổ sung và do tòa quyết định và chỉ dành cho những nam giới từ 18 đến 50 tuổi, được cán bộ y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị phạt roi nhưng chỉ tòa cấp cao mới có thẩm quyền này. Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải chịu tối đa 24 roi trong một lần đánh. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt.
Với nam giới dưới 18 tuổi, số roi tối đa là 10. Ngoài ra, bản án phạt roi phải được thực hiện liên tục trong một lượt, không bị gián đoạn. Nếu bị cáo bị tuyên phạt roi nhưng sau đó không đủ sức khỏe để chịu phạt, tòa án sẽ kéo dài án tù thêm tối đa 12 tháng. Một số trường hợp phải ngừng phạt giữa chừng, số roi chưa đánh sẽ do tòa án chuyển đổi thành thời gian ngồi tù tương đương. Loại roi dùng để xử phạt được làm từ cây mây, quy cách của roi phạt được pháp luật quy định rõ. Đối với nam giới trưởng thành, cây roi dài 1,2 m, tiết diện 1,3 cm. Đối với người dưới 16 tuổi, người ta dùng loại roi mây nhỏ hơn và nhẹ hơn.
Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm qua đêm trong nước để tăng độ dẻo, tránh bị rạn nứt trong quá trình sử dụng và không để lại dằm trên da, được bôi thuốc sát khuẩn để không làm vết thương nhiễm trùng. Người đánh roi phải là người khỏe mạnh, được đào tạo chuyên biệt để cú đánh gây đau đớn nhất có thể mà không để lại thương tật vĩnh viễn. Cú quất roi có thể đạt tới tốc độ 160 km/h và tác động một lực mạnh ít nhất 90 kg. Theo điều 330 Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế có mặt tại hiện trường để kiểm tra trạng thái sức khỏe trước, trong và sau khi phạt.
Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu người bị phạt không đủ khỏe mạnh. Khi tiến hành phạt roi, tù nhân phải cởi hết quần áo, nằm cúi người trên chiếc giá chuyên dụng, để lộ phần mông. Chân và tay được cột chặt bằng dây da vì người chịu phạt thường rung lắc dữ dội sau mỗi roi. Phần cơ thể quanh hông được bọc tấm đệm hoặc gối để bảo vệ thận trong trường hợp cây roi đánh sai vùng. Sau đó, cán bộ quất roi vào tư thế, cách giá đỡ khoảng 1,5 m, không được quá xa cũng không quá gần để đảm bảo ngọn roi rơi đúng điểm, giúp tác động toàn phần lực đánh. Mỗi roi được thực hiện cách nhau khoảng 30 giây, đôi khi sẽ có hai cán bộ thay phiên nhau để đảm bảo mỗi roi được đánh ra với lực đánh tối đa.
Thông thường, phần mông sẽ bật máu chỉ sau ba roi đầu. Tù nhân chịu phạt thường phải trải qua căng thẳng tâm lý trước và trong khi bị đánh roi. Họ thường cảm thấy bất an vì không được thông báo thời điểm chịu phạt mà chỉ được cho biết vào ngày phạt. Phạt roi được tiến hành trong không gian kín và không công khai trước công chúng, nhưng các tù nhân thường xếp hàng chờ tới lượt bị quất. Những người phía sau vẫn có thể nhìn thấy phản ứng của người trước mình. Nhiều tù nhân miêu tả sự đau đớn do đòn roi với những cụm từ như "không thể chịu đựng", "khôn xiết", hoặc "như bị xe tải đâm".
Bên cạnh nỗi đau thể xác, tù nhân cũng lo lắng mình không kiềm chế được mà bật khóc và mất thể diện với các bạn tù. Dù vết thương có lành, người chịu roi cũng mang trên da những vết sẹo có thể trở thành nỗi xấu hổ suốt đời, từ đó làm gương cho người khác. Mục đích của hình phạt roi nhằm khiến người dân thấy xấu hổ hoặc sợ sự xấu hổ mà từ bỏ ý định phạm tội. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng phát biểu vào năm 1966 với đại ý rằng nếu biết sẽ bị đánh roi đau đớn, người phạm tội sẽ nhụt chí vì không lấy gì làm tự hào khi phải trải qua chuyện đáng xấu hổ như vậy. Hình phạt tiền không có tác dụng vì một số người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí vào tù, sau khi phạm tội.
Từ 2007 tới 2016, số lượng bản án đi kèm phạt roi có xu hướng giảm dần tại Singapore. Hình phạt này còn xuất hiện ở các nước như Malaysia, Indonesia, và Brunei. Năm 2015, tòa án ở Singapore đã tuyên phạt hai du khách trẻ người Đức 9 tháng tù giam và ba roi mỗi người vì đã xịt sơn vẽ bậy lên tàu điện của đảo quốc này. Hai du khách trẻ này là Andreas Von Knorre (22 tuổi) và Elton Hinz (21 tuổi). Họ đã đột nhập vào ga bảo dưỡng tàu điện ở Singapore hồi tháng 11-2014 và xịt sơn lên các toa tàu. Họ kịp thoát sang nước Malaysia láng giềng nhưng rồi vẫn bị bắt ngay tại sân bay Kuala Lumpur và bị dẫn độ về lại Singapore.
Von Knorre đau đớn thừa nhận trước tòa: “Đây là khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, trong khi Hinz hứa với tòa sẽ không tái phạm. Mặc dù hai du khách trẻ đã nhận tội nhưng thẩm phán vẫn chấp nhận đề nghị của cơ quan công tố về mức phạt kể trên. Tại một nơi đề cao sự sạch sẽ, kỷ luật và trật tự như Singapore, xịt sơn vẽ bậy là một tội rất nghiêm trọng và bị coi là phá hoại. Theo luật, tội phá hoại có thể bị phạt tới 2.000 SGD (khoảng 1.450 USD), tù giam tới 3 năm và bị đánh từ 3-8 roi. Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin nói chính phủ nước này tôn trọng Singapore nhưng vẫn “lên tiếng phản đối nhục hình như một hình phạt”.
Báo The Local của Đức dẫn lời luật sư Christopher Bridges nói ông đã xin cho hai thân chủ trẻ của mình được giảm hình phạt xuống còn 5 tháng tù và ba roi cho mỗi người nhưng không được. Ông Bridges dẫn chứng cả hai thân chủ của mình đã ăn năn hối cải và gia đình họ đã quyên góp tiền gửi bồi thường chi phí sửa chữa hư hại (dù bị công ty điều hành tàu điện SMRT trả lại). Trước việc hai du khách trẻ người Đức bị tuyên án đánh roi, Tổ chức Theo dõi nhân quyền của Mỹ (HRW) đã chỉ trích kịch liệt Singapore, gọi việc đánh roi là hình thức tra tấn. Tuy nhiên, hôm 9-3 chính quyền Singapore đã lên tiếng bảo vệ bản án của tòa và bác bỏ những chỉ trích của HRW.
AFP trích lời người phát ngôn cơ quan công tố Singapore: Luật chống phá hoại của Singapore không phải lạ lẫm. Luật này áp dụng đối với bất kỳ ai vi phạm. Ở Singapore nó được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được bác sĩ theo dõi mọi lúc. Đây không phải lần đầu tiên người nước ngoài bị đánh đòn ở Singapore và cũng không phải lần đầu tiên vụ việc kiểu này gây tranh cãi. Năm 2010, công dân Thụy Sĩ Oliver Fricker đã bị phạt 7 tháng tù giam và ba roi sau khi đột nhập vào ga bảo dưỡng tàu điện và xịt sơn lên toa tàu. Nhưng vụ đầu tiên và đình đám nhất có lẽ là vụ cậu thiếu niên người Mỹ Michael Fay bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994.
Fay bị tuyên phạt tới sáu roi. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã nỗ lực tác động để Fay không bị đánh. Chính quyền Singapore “nể tình” giảm xuống bốn roi nhưng vẫn nhất quyết thi hành bản án. Singapore cũng phạt roi chính công dân của mình. Binh sĩ 20 tuổi Dave Teo Ming hồi năm 2008 đã bị đánh 18 roi vì ăn cắp súng trong khi đang làm nhiệm vụ.
Nguồn: Hoàng Ây Ci/ Group Maybe You Missed This F*cking News