Hôm nọ có tình cờ đọc được một bài báo giải thích khá kĩ càng rằng thực ra phải là "đều như vắt tranh" chứ không phải là " đều như vắt chanh" và cho rằng rất nhiều người đang dùng sai câu thành ngữ này. Thực ra tôi cho rằng bài báo chỉ nắm được phần ngọn chứ không hiểu về phần gốc của các thành ngữ Việt Nam. Với tôi thì " Đều như vắt chanh" mới là chuẩn vì sao lại như vậy ?
Thành ngữ là một dạng hot trend của các cụ ngày xưa, thường là để diễn tả những khái niệm, tính chất một cách vần vè, dễ hiểu. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thành ngữ đó là luôn bám sát vào thực tiễn của xã hội, tức là xã hội đang phổ biến những sự kiện, sự vật gì thì sẽ có những thành ngữ tương ứng. Đôi khi thành ngữ không nhất thiết phải chuẩn chỉ như từ điển mà phải quen thuộc dễ nhớ đối với người dân ở đó. Ví dụ câu " ướt như chuột lột" rõ ràng rằng trên thế gian không hề có con chuột lột nhưng vẫn có thành ngữ chỉ sự ướt từ đầu đến chân giống như con " chuột lột". Tìm hiểu thì mới biết chuột lột thực ra là cách đọc lái đi của chuột lội, hoặc cũng có thể cách đây mấy trăm năm thì người dân gọi lội nước là lột nước. Nhưng sau một thời gian thì người dùng thành ngữ cứ quen mồm gọi là " ướt như chuột lột" mà không có thắc mắc gì.
Giờ ta quay lại câu " đều như vắt chanh" rõ ràng rằng ngày nay nhiều người quen với hành động " vắt chanh" hơn là " vắt tranh". Bởi cỏ tranh để lợp mái nhà thì từ lâu đã không còn được sử dụng nữa, trẻ con sinh ra giờ không hiểu cỏ tranh là cái gì. Thế thì câu " đều như vắt tranh" bỗng trở nên khó hiểu. Khi dùng lại phải mất thời gian giải thích vì sao lại là " tranh" và như vậy vô hình chung nó đã phản lại quy tắc của Thành ngữ là dễ nhớ dễ hiểu và thuận mồm thuận tai.
Trong khi ngày nay thì quả chanh là quả rất phổ biến, nó có mặt ở khắp mọi nơi, từ chợ cóc đến siêu thị, và cũng có vô số các sản phẩn đồ ăn đồ uống, mỹ phẩm làm từ chanh. Có lẽ cũng vì sự phổ biến đó mà một đứa trẻ lên 5 cũng hiểu thế nào là " Vắt chanh" và câu " đều như vắt chanh" quen thuộc và dễ hiểu hơn, không cần một học giả uyên bác nào giải thích cho câu thành ngữ ấy cả.
Ngày nay không chỉ người nói dùng "đều như vắt chanh" mà ngay cả các báo điện tử cũng thường đăng các title có từ này. Bởi nó đã là một câu thành ngữ thông dụng dễ hiểu.
Cá nhân tôi nếu dùng thì vẫn dùng đều như vắt chanh bởi nó phù hợp với tính chất của thành ngữ dân gian hơn.
Phạm Sơn Tùng