Chiếc đồng hồ này được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1410, được coi là chiếc đồng hồ thiên văn lâu đời thứ ba trên thế giới và là chiếc đồng hồ lâu đời nhất vẫn còn hoạt động.
Thiết kế phức tạp và cơ chế ấn tượng của chiếc đồng hồ đã thu hút du khách trong nhiều thế kỷ, khiến nó trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai đến thăm Prague. Nó không chỉ báo giờ mà còn theo dõi chuyển động của mặt trời, mặt trăng và nhiều hiện tượng thiên văn khác, khiến nó trở thành biểu tượng quan trọng của thành phố Prague và lịch sử phong phú cùng di sản văn hóa của thành phố.
Chiếc đồng hồ thực sự là một kiệt tác của kỹ thuật thời trung cổ và là điểm tham quan hấp dẫn tiếp tục truyền cảm hứng và làm say mê du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Chiếc đồng hồ rất to được treo cao ở bức tường phía Nam của Tòa Thị chính. Đây là một trong ba chiếc đồng hồ cổ nhất và là đồng hồ cơ duy nhất còn hoạt động.
Bên trên của hai mặt đồng hồ là một tượng bán thân thiên thần bằng đá, hai bên là hai ô cửa, trên cùng là một ô chữ nhật có chóp nhọn. Vành ngoài của đồng hồ màu đen, được khắc chữ số Gô-tích mạ vàng theo hệ thống Czech ngày xưa, phân chia một ngày thành 24 giờ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Cứ mỗi vòng quay của chiếc vành này, giờ thứ 24 luôn luôn trùng với lúc mặt trời lặn, bất luận mùa nào.
Chữ số La Mã ngay bên trong vành ngoài chia ngày thành hai khoảng thời gian, mỗi khoảng 12 giờ, với giữa trưa ở bên trên và nửa đêm ở dưới. Các ngón của một bàn tay mạ vàng chỉ giờ. Ngoài ra, trên mặt đồng hồ thiên văn, chuyển động của một chiếc đĩa lớn mạ vàng cho thấy quỹ đạo của mặt trời, trong khi một quả cầu nhỏ cho thấy các tuần trăng. Chuyển động biểu kiến của bầu trời đầy sao xung quanh trái đất được biểu diễn bằng một vành lệch tâm, vành này nhỏ hơn và có ghi ký hiệu của các chòm sao.
Nằm cố định ở giữa mặt đồng hồ là trái đất, có cả các đường kinh tuyến, vĩ tuyến và các cực của nó. Trên mặt đồng hồ cũng có ba vòng tròn tượng trưng đường xích đạo, Bắc chí tuyến và Nam chí tuyến. Qua đó, mặt đồng hồ cho thấy vị trí tương đối của trái đất, mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao trong suốt cả năm. Phía bên dưới mặt đồng hồ thiên văn là lịch hình đĩa, trên đó có những tranh phong cảnh đồng quê tượng trưng mỗi tháng trong năm. Cái lịch hình đĩa cho biết ngày tháng, cứ mỗi ngày vào nửa đêm nó lại xoay thêm một nấc trong số 365 nấc, ngoại trừ một đêm trong năm nhuận.
Ở hai bên mặt đồng hồ là các biểu tượng được thể hiện bằng các bức tượng. Từ trái sang đầu tiên là bức tượng người đàn ông luôn nhìn vào tấm gương soi, biểu tượng cho sự phù phiếm của con người. Tiếp theo là người một chống gậy, tay cầm một túi vàng tượng trưng cho sự tham lam ích kỷ. Bên kia là bộ xương đại diện cho thần chết, trên tay bộ xương là một chiếc đồng hồ cát như một biểu tượng đo lường tuổi thọ con người, tay kia rung chuông như nhắc nhở rằng số phận của mỗi người đều không thể tránh khỏi. Cuối cùng là bức tượng một người Thổ Nhĩ Kỳ ôm đàn, đại diện cho dục vọng và thú vui trần thế. Người ta đặt tượng người Thổ vì bấy giờ, người Thổ là mối đe dọa cho cả châu Âu. Phía dưới là các hình tượng của những chứng nhân như: nhà triết học, thiên thần, nhà thiên văn và nhà chép sử.
Trong suốt 600 năm lịch sử, đồng hồ thiên văn trải qua nhiều lần hư hỏng và trùng tu, để ngày hôm nay, công trình trở thành một tuyệt tác của Praha; một địa điểm mà mỗi ngày thu hút không biết bao nhiêu là du khách.