Sơn Đoòng bắt đầu được biết đến từ năm 1990. Một người dân Quảng Bình chuyên đi rừng, là ông Hồ Khanh - người mà tên tuổi sau này gắn chặt với Sơn Đoòng trong một chuyến tìm trầm có qua khu vực hang Én và tình cờ phát hiện một cái hang. Đứng trước cửa hang, ông cảm nhận có một luồng gió mát lạnh thổi thốc từ trong hang ra, tiếng gió rít qua vách đá đến lạnh người. Năm 2008, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh sang làm việc tại Việt Nam.
Hồ Khanh gặp Howard Limbert, một chuyên gia hang động của Hiệp hội. Anh đã kể cho vị này nghe về cửa hang mà mình phát hiện ra từ hồi đó. Qua miêu tả ban đầu, đoàn thám hiểm nhận định đây có thể là một hang động rất lớn và động viên Hồ Khanh cố đi tìm lại cửa hang. Không có thông tin gì, cũng chẳng ai hay biết, cuối cùng một mình Hồ Khanh đã vào rừng và mò mẫm kiếm tìm trong suốt hai ngày mới phát hiện ra cửa trước hang. Khi đó, anh đã liều mình tụt xuống độ sâu khoảng 80 m, nhận thấy bên trong có suối lớn, nước chảy xiết và lòng hang có vẻ rất sâu.
Anh đã nhận định rằng có thể đây là một hang rất lớn, nhưng không thể tưởng tượng được đây lại chính là hang động lớn nhất thế giới. Năm 2009, ông Howard Limbert đã cùng với Hồ Khanh tụt xuống cửa hang, cả hai đã chính thức phát hiện và thám hiểm toàn bộ hang Sơn Đoòng, sau này được tạp chí National Geographic công bố là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2010. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy.
Điểm “check-in” nổi tiếng trong hang Sơn Đoòng.
Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ. Trong hang có dòng sông ngầm dài 2,5km và có những cột nhũ đá lên tới 70m. Theo số liệu chính xác do Công ty TNHH An Thi Việt Nam (đơn vị đã thực hiện scan 3D toàn bộ lòng hang vào năm 2014) cung cấp thì chiều dài nhánh chính của hang Sơn Đoòng là 4,45km.
Khoảng cách tính từ nền lên tới trần hang bên trong, nơi cao nhất là 203m. Từ đỉnh cao nhất của hố sụt (doline) xuống đến nền hang, khoảng cách lên tới 304m. Nơi lòng hang rộng nhất, theo kích thước đo đạc là 147m. Và thể tích của toàn bộ hang Sơn Đoòng đạt tới 12,5 triệu mét khối. Để chuyển tải được vẻ kỳ vĩ cùng không gian gây choáng ngợp của Sơn Đoòng, những bức ảnh – khuôn hình đều phải dùng con người làm đối trọng. Với kích cỡ con người chỉ bé xíu bằng một chú kiến khi đặt trong ma trận nhũ đá cùng vòm hang khổng lồ, sẽ thấy khả năng tạo tác thần kỳ của bà mẹ thiên nhiên là không giới hạn!
Sơn Đoòng không chỉ là hang động lớn nhất thế giới, mà còn ẩn chứa rất nhiều điều kỳ lạ. Muốn đến được Sơn Đoòng phải đi qua Hang Én – “hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới” (chỉ xếp sau Sơn Đoong và hang Deer của Indonesia). Điểm xuất phát của cái tên này là vì chim én sống ở đây quanh năm chứ không di cư. Mỗi năm vào khoảng giữa tháng 5 âm lịch, chim én lại ra ràng đồng loạt. Hang dài 1,6km, gần 200m, cao khoảng 80m, có chỗ hơn 100m.
Bờ nhũ viền tuyệt đẹp.
Hang Én cũng là cái túi nước khổng lồ, nơi thu nước từ nhiều chỗ. Mùa mưa, nước dâng lên trong hang rất nhanh. Trong Hang Én cũng có những khối đá vôi bị hòa tan, rửa lũa tạo thành những hình dạng độc đáo. Qua Hang Én, tụt xuống cửa sau, đi thêm khoảng hơn 3 km nữa là tới cửa hang Sơn Đoòng. Nền hang tụt sâu xuống bên dưới khoảng 80m. Muốn xuống phải vượt qua một vách đá thẳng đứng, phải dùng dây và bộ đai leo núi chuyên dụng để trèo xuống.
Điểm đặc biệt của Sơn Đoòng là có hai hố sụt (Doline 1 và Doline 2). Đây chính là phần vòm trần hang do những tác động khác nhau bị sập đổ, tạo nên các “giếng trời”. Ánh sáng tự nhiên từ các giếng trời này rọi xuống, tạo nên một thảm thực vật dày đặc, một khu rừng nhiệt đới đặc biệt không nơi nào có được. Thảm thực vật trong hố sụt thứ nhất chủ yếu là cây thân thảo và dương xỉ, số lượng cũng không nhiều, thường được gọi là Hố sụt Khủng long.
Thảm thực vật trong hố sụt thứ hai phong phú hơn nhiều, đây chính là khu rừng nhiệt đới có tên gọi là Vườn Edam. Có những cây cao tới 20-30m, đường kính gốc lên tới 40cm. Rừng có cả cây cao, tán hẹp, cây ưa bóng râm chen dày, thực vật biểu sinh như tầm gửi, phong lan… Trong hang, có những cột nhũ đá cao tới 70m, những tảng đá có nguồn gốc sập đổ, cuốn trôi, có đường kính lên đến hàng mét. Sơn Đoòng còn là thế giới của ngọc động, là những viên đá hình cầu, cầu dẹt hoặc hình trứng, thường hình thành trong những ngăn “ruộng bậc thang” do canxi cấu thành.
Vượt sông ngầm chảy xiết trong hang Sơn Đoòng.
“Ngọc động” được hình thành do nước bão hòa cacbonat canxi axit chảy qua, kết tủa chung quanh một nhân kết tinh nào đó, chẳng hạn hạt cát. Lâu dần các lớp tinh thể canxi bám vào ngày càng nhiều khiến viên đá lớn dần, và được lăn do dòng nước, cho nên được vo tròn lại thành hình cầu hoặc gần giống hình cầu. Chuyên gia hang động Howard Limbert cho biết, “ngọc động” ở Sơn Đoòng lớn nhất và nhiều nhất trong các hang động trên thế giới.
Có viên nặng tới 1kg. Sơn Đoòng còn là nơi chứa đựng nhiều loại hóa thạch của cả động vật và thực vật, từ hóa thạch huệ biển khoảng 300 triệu năm, hóa thạch san hô… cho đến hóa thạch của một con thú ăn thuộc bộ móng guốc nằm ở phía cửa sau của hang… Điểm đặc biệt cuối cùng mà Sơn Đoòng dành tặng du khách trước khi chia tay là Bức tường Việt Nam. “Bức tường” thạch nhũ khổng lồ cao xấp xỉ 100m, chắn hết chiều rộng phía cuối hang và nối với hang chính bằng một hồ nước dài cỡ 500m.
Đây chính là một phần núi đá đứt gãy được hình thành trong quá trình biến đổi của vỏ Trái đất để tạo nên hang Sơn Đoòng. Để vượt qua được Bức tường, phải sử dụng dụng cụ leo núi chuyên dụng và có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chuyên gia. Phía sau Bức tường là cửa hang, có lối đi ra ngoài.
Nguồn: nhandan.com.vn