Bộ Quốc Triều Hình Luật thời Lê Thánh tông cùng với bộ Hoàng Việt Luật Lệ thời Gia Long được xem là hai bộ luật tiêu biểu của thời kỳ quân chủ phong kiến. Bộ sau ra đời cách bộ trước khoảng 350 năm, đều dựa ít nhiều vào các bộ luật có trước của các triều đình Trung Hoa. Song theo nhận định của nhiều nhà luật học, bộ luật Gia Long ra đời sau lại có những mô phỏng khá đậm nét của bộ luật nhà Thanh, đến nổi có người cho rằng bộ luật này giống một người Việt mặc chiếc áo của nhà Mãn Thanh! Gần 10 năm sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long cử Tiền quân Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài để soạn thảo bộ Hoàng Việt Luật Lệ, người đời sau thường gọi là Luật Gia Long.
Tháng giêng năm 1811, nhà vua “lấy Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài. Dụ rằng: “Các bực đế vương trị nước, hình pháp đặt ra đã lâu. Hình pháp không đúng thì dân không chỗ mà nắm. Nay luật lệ chưa định, pháp ty không theo vào đâu được, thực không phải ý “Khâm tuất minh doãn” của trẫm. Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh điển lệ của triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ tự sửa chữa cho đúng để ban hành”. Tháng 7 âm lịch năm 1812, bộ luật hoàn tất gồm 22 quyển, tổng cộng 398 điều. Điểm đặc biệt trong bộ luật này là sự phân chia các điều luật tương ứng với lục bộ trong triều.
Theo đó, hình danh và phàm lệ (tổng quát) gồm 45 điều; luật Lại 27 điều; luật Hộ 66 điều; luật Lễ 26 điều; luật Binh 58 điều; luật Hình 166 điều; và luật Công 10 điều. Đây là khác biệt lớn về mặt hình thức khi so chiếu giữa Quốc Triều Hình Luật và Hoàng Việt Luật Lệ. Trong tác phẩm Indo-Chine Française Contemporaine (Đông Pháp Ngày Nay) (Paris 1885), các tác giả Pháp A. Bouinais & A. Paulus khen bộ luật Gia Long “nhân bản hơn” qua việc thay thế ngũ hình thời Lê bằng những hình phạt ít tàn độc hơn. Tuy nhiên, sự đánh giá của nhà luật học Vũ Văn Mẫu, Thạc sĩ Luật khoa, khá nghiêm khắc khi ông viết:
Một vị quan đang xử án.
“…Tuy trong bài tựa, vua Gia Long có nói ra lệnh cho triều thần nghiên cứu cả những luật cũ, và nhất là luật Hồng Đức và luật Đại Thanh để soạn thành bộ luật mới của triều Nguyễn, song sự thực, lệnh đó không được thi hành đúng như vậy… … các quan được vua Gia Long giao cho trách nhiệm soạn bộ luật mới, nhất thiết chỉ biết có giá trị độc nhất của bộ luật nhà Thanh. Sự tôn sùng nền pháp chế của nhà Thanh đã đưa họ đi đến chỗ mất hết cả tinh thần tự chủ và óc phê bình, nhắm mắt chép gần đúng nguyên văn bộ luật của Tàu. Đây là một sự suy đồi bất ngờ trong lịch trình tiến hóa của nền pháp luật Việt Nam…”
Theo giáo sư Mẫu, ngay cả tên gọi bộ “Hoàng Việt Luật Lệ” cũng mô phỏng cách gọi của bộ “Đại Thanh Luật Lệ”, mà không gọi là Hình Thư như trước. Ở một đoạn khác, nhà luật học còn nghiêm khắc hơn nữa: “…Bộ luật Gia Long mất hết cá tính một nền pháp chế Việt Nam … Qua những điều khoản của bộ luật này, hình ảnh yêu dấu của dân tộc Việt Nam đã nhường chỗ cho hình ảnh xa lạ của dân tộc Mãn Thanh. Sau trận Đống Đa, nếu quân Thanh đã bị vua Quang Trung quét sạch, kinh hồn táng đởm chạy về Tàu, trái lại, vài chục năm sau, vua Gia Long và triều thần đã mù quáng đem du nhập vào đất nước một nền pháp luật hoàn toàn ngoại lai, tự mình thực hiện một công cuộc nô lệ hóa về phương diện tinh thần mà trước đây người Tàu đã cam chịu bỏ dở sau khi để lại đầy đường xác chết của binh sĩ xâm lăng …”.
Đến các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có một số thay đổi không đáng kể trong bộ Hoàng Việt Luật Lệ, như chỉ dụ về tài sản của người vô tự (không con) năm 1844 hoặc chỉ dụ về khế ước điểm mại (bán đợ) và khế ước đoạn mại (bán đứt) vào năm 1839, nhưng nói chung, bộ Hoàng Việt Luật Lệ ban hành năm 1812 không vì thế mà mất đi đặc điểm lệ thuộc vào luật nhà Thanh của nó. Sau sự cải tổ bộ máy quan chức tại triều đình Huế và các địa phương vào đầu thập niên 1830, việc xét xử tại trung ương do các cơ quan thuộc bộ Hình thụ lý. Ở cấp tỉnh, Án sát sứ là giới chức chịu trách nhiệm về việc thi hành luật pháp của cả tỉnh.
Tra khảo tội nhân trước công đường.
Còn các Tri phủ, Tri huyện, Tri châu là những cấp chỉ huy hành chánh kiêm cả viên chức ngành tư pháp, có nhiệm vụ xét xử những vụ kiện tụng tại địa phương họ trấn nhậm. Ngoài những điều luật được ban hành và áp dụng rộng rãi trong công chúng, triều đình phong kiến còn đặt ra lệ “tam ban triều điển” nhằm tạo điều kiện cho giới vua quan thanh toán lẫn nhau trong nội bộ triều đình. Người bị áp dụng lệ tam ban triều điển phải chọn một trong ba món được sắp sẵn trước mặt mình: một thanh đoản kiếm, một chén thuốc độc (thường là á phiện hòa với giấm thanh), và một vuông lụa. Trong những năm đầu thập niên 1880, vì không muốn ngồi làm vì trước âm mưu thâu tóm quyền hành của hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết mà vua Hiệp Hòa đã cử người tiếp xúc riêng với đại diện Pháp tại Huế.
Và điều này đủ để cho hai vị Phụ chánh khép ông vào tội “tư thông với giặc”. Hậu quả là vào chiều ngày 29.11.1883, khi mới từ cung điện bước ra đến cửa Hiển Nhơn, nhà vua đã gặp ngay viên quan Ông Ích Khiêm đứng chờ sẵn, tay bưng cái khay trên đặt một thanh đoản kiếm, một chén thuốc độc và một vuông lụa. Sau một thoáng ngần ngừ, vua Hiệp Hòa bưng chén thuốc độc uống cạn (có tài liệu chép khác, cho rằng nhà vua kháng cự, bị đè xuống, đổ thuốc độc vào miệng) Với dân thường, trong thời gian chờ xét xử hay thi hành án, tội nhân bị nhốt trong những nhà ngục đóng kín, hai chân tra vào một chiếc cùm dài làm bằng gỗ cứng, đục những lỗ tròn cách đều nhau.
Khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, họ phải mang một chiếc gông làm bằng hai thanh tre hay gỗ dài khoảng 60 đến 70 cm được nối lại bằng những thanh ngang chặn phía trước và phía sau cổ. Trong trường hợp tội nhân là tử tù hay thuộc thành phần nguy hiểm thì 5-7 người chung nhau một chiếc gông dài, nhất cử, nhất động đều phải nhịp nhàng, đồng loạt. Án tử trong thời kỳ này được thi hành dưới ba hình thức: xử giảo (treo cổ), xử lăng trì (lóc thịt, chặt tay chân cho chết dần mòn) và xử trảm (chém đầu). Án giảo và án trảm thường được tạm treo, và trong đa số trường hợp, nhà vua ân giảm thành án lưu đày, hay xiềng xích, gông cùm nhiều năm.
Các tội nhân phải mang gông ở cổ.
Riêng án lăng trì hay còn gọi là bá đao thường được áp dụng trong những trường hợp phản loạn, chống lại triều đình. Hình phạt này được thi hành nhiều nhất dưới các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, chủ yếu chống lại các giáo sĩ truyền bá đạo Cơ Đốc. Trong một bức thư đề ngày 21.2.1836, linh mục Marette đã kể lại vụ xử lăng trì giáo sĩ Marchand, tức Cố Du, người đã ủng hộ và hợp tác với Phó Vệ úy Lê Văn Khôi trong cuộc nổi dậy tại Phiên An thành vào những năm 1833-1835. Theo quan niệm Đông phương, án trảm là án nặng nhất, vì tội nhân chết không toàn thây. Thông thường chiếc đầu được bỏ vào một cái giỏ, treo ở nơi nhiều người qua lại để làm gương, còn thân xác được thân nhân mang về mai táng.
Có lúc việc thi hành án trảm còn được giới văn chương nâng lên hàng … nghệ thuật. Trong tác phẩm Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân có kể câu chuyện về đao phủ thủ Bát Lê (bát phẩm họ Lê) có thể chém tử tội khéo đến nổi đầu chỉ dính vào cổ bằng một làn da mỏng. Chẳng biết nhà văn có đưa trí tưởng tượng của mình đi quá xa không? Trong những năm đầu tiên của thời kỳ Pháp thuộc, do còn bận rộn với những vấn đề quân sự và chính trị, thực dân Pháp chưa có điều kiện nghĩ đến việc cải tổ pháp luật. Họ vẫn giữ nguyên guồng máy hành chánh và các quan lại cũ của triều đình Huế không chống lại họ.
Song chức danh Bố chánh tỉnh Gia Định (gồm cả Sài Gòn) lúc ấy được giao cho một viên chức hành chánh Pháp trông coi các Phủ, Huyện, Tổng, Xã nằm trong địa hạt tỉnh Gia Định và thành phố Sài Gòn. Tuy là người Pháp, viên chức này vẫn hành xử về mặt pháp luật dựa vào luật Gia Long. Đến giữa thập niên 1860, khi việc cai trị đã tương đối ổn định, thực dân Pháp bắt đầu củng cố tổ chức tư pháp, trước tiên ở Sài Gòn, đầu não của bộ máy xâm lược, qua việc thành lập các Tòa Sơ thẩm, Tòa Thượng thẩm, Tòa Thương mại … Đặc biệt với sắc lệnh ngày 7.3.1868, Hoàng đế Pháp Napoléon III thành lập một tòa án Đế chính (Cour Impérial) tại Sài Gòn.
Một tử tội bị dẫn giải ra pháp trường.
Với cơ cấu này, viên Chưởng lý đặt cạnh Tòa án Đế chính kiêm luôn chức vụ Chánh Sở Tư pháp. Ngày 3.2.1869, Đề đốc G. Ohier, quyền Thống đốc Nam kỳ, ký quyết định số 19 thành lập một ủy ban có nhiệm vụ “nghiên cứu bộ Hình luật của Pháp để thay thế cho bộ luật An Nam”. Trong thành phần ủy ban này, có ba người bản xứ là Phủ Tôn Thọ Tường, Huyện Đỗ Hữu Phương, và thông ngôn Joannès Liễu. Năm 1877, sắc lệnh ngày 24.3.1877 của Tổng thống Pháp chuyển đổi một số hình phạt do triều Nguyễn đặt ra sang các hình thức khác, cụ thể như sau:
| Đọc thêm: Tìm hiểu về cực hình lăng trì
Đến thập niên 1880, nền tư pháp ở Nam Kỳ được Pháp cải tổ sâu rộng hơn nữa, dựa trên tinh thần luật pháp chính quốc. Lần đầu tiên, hai vấn đề hộ tịch quan trọng là thủ tục khai sinh và giá thú được quy định rõ ràng, nhằm hệ thống hóa việc ghi chép và kiểm tra tình hình dân số trong nước.
Nguồn: Lê Nguyễn