Khi đề cập đến thời kỳ vua Gia Long còn trị vì, các nhà viết về lịch sử thường nhắc đến hai bà hoàng hậu, đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu, mẹ ruột cố hoàng thái tử Cảnh và Thuận Thiên Cao hoàng hậu, mẹ ruột hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng. Trên thực tế, về mặt chính danh, khi còn sống, vua Gia Long chỉ có một bà hoàng hậu là Thừa Thiên Cao hoàng hậu họ Tống, được ông tấn phong hoàng hậu vào tháng 7 âm lịch năm 1806. Phải 6 năm sau khi mất (1820), bà mới được người con nuôi là vua Minh Mạng dâng tôn thụy là Thừa Thiên Tá Thánh, Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng hậu, các nhà chép sử về sau gọi tắt là Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Đại Nam liệt truyện).
Bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu không được vua Gia Long tấn phong hoàng hậu khi ông còn sống, phải sau cái chết của nhà vua, bà mới được con trai là vua Minh Mạng tấn phong hoàng thái hậu, và sau khi mất vào năm 1846, bà mới được cháu nội là vua Thiệu Trị dâng tôn thụy là Thuận Thiên Hưng Thánh Quan Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao hoàng hậu, các nhà chép sử về sau gọi tắt là Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Sự kiện bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu được vua Gia Long tấn phong làm hoàng hậu ngay khi ông còn sống (và sau này, bà Nguyễn Hữu Thị Lan được vua Bảo Đại tấn phong làm Nam Phương hoàng hậu) đã gián tiếp đính chánh một sai lầm trong cái gọi là “lệ tam, tứ bất khả” dưới triều Nguyễn (bất khả trạng nguyên, bất khả hoàng hậu, bất khả tể tướng, bất khả vương tước…).
Trong hai bà hoàng kể trên của thời vua Gia Long, bài này chỉ nhắc đến riêng Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Trong một bài trước, chúng ta biết rằng nhờ sự mai mối của vua Gia Long, J.B. Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) đã cưới bà Benoite Hồ Thị Huề, một giáo dân Công giáo ở phường Thợ Đúc. Một năm sau, ngày 25.6.1803, họ cho ra đời cậu con trai đầu tiên, đặt tên là Michel Đức Chaigneau (từ đây xin gọi tắt là Michel Đức, hay Đức). Thuở nhỏ, Đức sống trong ngôi nhà ở Phủ Cam cùng với cha và mẹ. Lớn lên, ông học với một ông thầy dạy (đồng thời là thư ký của Chaigneau) gọi là “thầy Bửu”, mà về sau, khi lớn lên, ông coi như một người bạn vong niên.
Tranh minh họa Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Ông học cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, năm 16 tuổi, theo lời kể của một du khách người Anh tên H.P.., Đức đã là một thanh niên tuấn tú, tuy sinh trưởng ở Việt Nam, nhưng có dáng dấp cao lớn như bố. Cuối năm 1819, Đức cùng các em theo cha về Pháp, học bổ sung tiếng Pháp trong 7 tháng, sau đó lại cùng Chaigneau trở lại Việt Nam. Lần lưu trú thứ hai (1821-1824) không được ông nhắc đến nhiều trong tập hồi ký Souvenirs de Hue (Hồi ức về Huế) xuất bản tại Paris năm 1867. Sau khi trở về Pháp năm 1825, Đức làm việc ở sở Thuế gián thu, leo lên ngạch tham tá (commis) năm 1830 và đến năm 1852, được điều về cơ quan tài chánh trung ương.
Tuy sống trên đất Pháp, nhưng ông vẫn không nguôi nỗi nhớ về quê mẹ. Ngày 23.11.1858, ông đăng trên tờ Constitutionel một bài viết dài nhan đề: ”Le Royaume de Cochinchine” (Vương quốc Việt Nam), như phần mào đầu cho tác phẩm Souvenirs de Hue sau này. Ngày 19.12.1858, ông lại cho in trên tờ Moniteur de la Flotte bài viết “Etat des femmes en Cochinchine” (Hiện trạng phụ nữ ở Việt Nam). Khi sứ bộ Việt Nam do cụ Phan Thanh Giản cầm đầu qua Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Michel Đức đã ở tuổi 60. Được tin này, ông vội vả lên Paris tìm sứ bộ. Cuộc gặp gỡ giữa ông và sứ bộ đã được Phó sứ Phạm Phú Thứ ghi lại trong tập Tây hành nhật ký như sau:
” Ngày 12.8 Quí Hợi (24.9.1863), giờ Tị, có Nguyễn Văn Đức là con giai của Nguyễn Văn Thắng, ngày trước làm quản chiếc Long thuyền (tàu Long phi – LN) (Thắng có tên Tây là Sa-nho) tới sứ quán xin vào yết kiến….Năm nay y đã 58 tuổi (chi tiết này Phạm Phú Thứ ghi sai – LN). Trong lòng vẫn nhớ nước Nam; chỉ vì tuổi già sức yếu không đi xa được, ngày nay nghe nói có Đại sứ sang, muốn đến ngay hầu chuyện cho hả tấm lòng quyến luyến bấy lâu…..” (tạp chí Văn Đàn-Sài Gòn- 1960-trang 25). Nhân cuộc gặp gỡ này, người ta còn giữ được một bức ảnh chụp Đức mặc quốc phục An Nam ngồi cạnh chiếc bàn, trên có để bằng cấp mà cha ông đã nhận trong thời gian làm quan ở Việt Nam.
Michel Đức Chaigneau (1803-1894). Ảnh chụp năm 1863.
Ngày 1.1.1867, Michel Đức về hưu và trong năm này, ông cho xuất bản quyển hồi ức kể trên. Sáu năm sau (1873), ông dạy tiếng Việt tại trường ngôn ngữ Đông Phương, và trên cương vị này, ông lưu ý chính phủ Pháp về nhu cầu thành lập tại Sài Gòn một trường trung học dạy tiếng An Nam (chữ quốc ngữ). Cũng trong thời gian này, Michel Đức xuất bản hai tập sách mỏng nhan đề “Thơ Nam kỳ” và “Thơ tiếp theo Thơ Nam kỳ”, viết về những chuyển biến trong chiến tranh Pháp-Việt (tập trước) và hành động của thanh niên Việt Nam sau chiến tranh (tập sau). Trong những năm tháng cuối đời, ông sống tại Paris và mất năm 1894, thọ 91 tuổi.
Tác phẩm Hồi ức về Huế của Michel Đức Chaigneau dày 239 trang, là một tài liệu quí giúp cho người đời sau hiểu được nhiều điều về đời sống xã hội, nhất là đời sống cung đình dưới thời vua Gia Long (1802-1820), vốn là lĩnh vực ít được nói đến trong chính sử. Trong tác phẩm, ông có dịp ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong hơn 20 năm sống giữa kinh thành Huế, mối quan hệ giữa ông với những quan lại và cả vua Gia Long cùng Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Khi Đức chào đời (1803) thì vua Gia Long mới yên vị tại Huế được hơn một năm. Phải chờ đến năm 8 tuổi (1811), ông mới có dịp được diện kiến nhà vua cùng Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và những gì diễn ra dưới đây là theo lời kể lại của Michel Đức trong tác phẩm Souvenirs de Hue.
Chiều hôm đó, Chaigneau báo cho Đức biết về việc hôm sau sẽ diện kiến vua Gia Long cùng Hoàng hậu và dạy cho cậu bé biết cách thưa gửi chốn cung đình, chẳng hạn nói với vua thì dùng chữ “dám tâu”, với các quan đại thần thì gọi là “dám gởi”, với các quan lại thường thì gọi là “dám nói”; với người ngang hàng thì “tôi nói” hay “mình nói”, với người nhỏ hơn thì “tau nói”….Theo ý của nhà vua, cuộc gặp sẽ diễn ra ở điện Cao Minh. Vào khoảng 6 hay 7 giờ chiều ngày hôm sau, Đức theo cha vào cung điện. Khi cả hai vào đến một căn phòng rộng đã thấy vua Gia Long ngồi trên một chiếc bục thếp vàng, trên trải chiếu hoa viền lụa vàng, các gia nhân đứng hầu hai bên.
Đức nhìn thấy nhà vua có một vóc dáng trên mức trung bình, một thể chất mạnh mẽ, đầu cân đối với thân mình, gương mặt đầy vẻ biểu cảm và nhân hậu. Nước da của ông sáng, đôi mắt tinh nhanh, hàm râu trắng xóa một màu (năm 1811, vua Gia Long chưa đầy 50 tuổi). Về sau, khi lớn lên, Đức được biết ngoài những cuộc thảo luận nghiêm túc với người dưới, nhà vua thường tỏ ra là một người vui tính. Khi Chaigneau tiến đến gần, vua Gia Long còn cầm trên tay một quản bút. Ông vụt reo lên khi trông thấy họ:”Ha, ha! Các bằng hữu của ta, hãy đến đây, lại gần đây, lại gần hơn nữa, này con, để ta xem con có giống người cha khả kính của con không”. Còn tiếp...
Nguồn: Lê Nguyễn