Đây là một trong những vụ án bí ẩn nhất nhân loại, vụ giết người được gây ra bởi tên “thợ xẻ Jack” được ví như một câu đố đầy hóc búa thách thức mọi chuyên gia về tội phạm học và nỗi sợ bao trùm nước Anh thòi bấy giờ. Thậm chí hơn một thế kỷ qua, vụ án này đã trở thành đề tài thú vị được khai thác trong những cuốn sách, những bộ phim và đồng thời cũng sản sinh ra vô số giả thuyết từ vô căn cứ đến đầy tính khoa học.
Nguồn: Internet
Nhưng giờ đây, nhờ sự phát triển của khoa học pháp y hiện đại, những bí ẩn về tên “thợ xẻ” khét tiếng, gây ra ít nhất năm vụ giết người rùng rợn ở Whitechapel (Đông London) mùa thu năm 1888, đã dần được tiết lộ.
Những bằng chứng ADN được công bố đã dấy lên những mối nghi ngờ tất yếu đối với sáu nghi phạm cùng thời với Jack trước khi gã “thợ xẻ” bị kết tội. Phát hiện này thu được sau khi một doanh nhân tên Russell Edwards (48 tuổi) mua một chiếc khăn choàng từ một buổi đấu giá và sự giúp đỡ của Tiến sĩ Jari Louhelainen, chuyên gia phân tích bằng chứng về gen thu được từ hiện trường của những vụ án trong lịch sử.
Nguồn: Internet
Sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, Tiến sĩ Louhelainen đã có thể tách ADN trên chiếc khăn choàng của vụ án cách đây 126 năm và tìm ra thủ phạm. Tiết lộ này đã chính thức đặt dấu chấm hết cho những lời đồn thổi về danh tính của gã “thợ xẻ”, kẻ đã hoành hành khắp những đường phố nghèo khó và nguy hiểm nhất London lúc bấy giờ. Trong suốt hơn một thế kỷ qua, vụ án gã “thợ xẻ Jack” đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mạnh, kéo theo hơn 100 nhân vật có “máu mặt” khác vào vòng xoáy tình nghi đầy bí ẩn, bao gồm cháu trai của Nữ hoàng Victoria – Hoàng tử Albert Victor, Công tước xứ Clarence – họa sĩ trường phái hậu Ấn tượng Walter Sickert và cựu Thủ tướng Đảng Tự Do – William Gladstone.
Thám tử Russell Edwards ( Nguồn: baomoi.com )
Tháng 3/2007, trong một buổi đấu giá tổ chức tại Bury St Edmunds, tôi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc khăn choàng đẫm máu. Mặc dù có những vết ố, song đó là một vật chứng tuyệt hơn bất cứ thứ gì có kết nối đến vụ án “thợ xẻ Jack” mà người ta có thể mong đợi. Màu chủ đạo của chiếc khăn là xanh da trời và nâu sậm, điểm xuyết những mẫu hoa cúc Michaelmas tinh tế với màu đỏ, vàng nâu và vàng ở hai đầu. Nó được cho là tìm thấy trong tình trạng đẫm máu, cạnh xác một nạn nhân của Jack – Catherine Eddowes. Không hề có bằng chứng để khẳng định nguồn gốc chiếc khăn, nhưng sau phiên đấu giá ấy, tôi nhận được một bức thư từ người chủ trước rằng tổ tiên ông ta là một sĩ quan cảnh sát, người đã có mặt tại hiện trường vụ án 126 năm trước và đã lấy nó từ đó. Tuy nhiên, bản thân tôi rất muốn sở hữu chiếc khăn nên đã chuẩn bị một số tiền lớn. Tôi hi vọng bằng cách nào đó có thể chứng minh nguồn gốc chiếc khăn, tôi không hề ngờ rằng một phần chiếc khăn mỏng manh, ố màu ấy lại có thể là chìa khoá đưa danh tính tên tội phạm nguy hiểm nhất mọi thời đại – gã “thợ xẻ Jack” bí ẩn đó ra ánh sáng.
Một trong những bức thư Jack gửi đến cảnh sát (nguồn: dailymail)
Khi đó, tôi chỉ là một thám tử nghiệp dư, hứng thú với việc thực hiện những nghiên cứu sâu rộng của riêng mình sau khi xem bộ phim “Từ địa ngục” của Jonny Depp năm 2001. Bộ phim khơi gọi sự tò mò của tôi về các vụ giết người năm 1888, khi mà hơn 5 cô gái mại dâm bị giết ở East End (London). Bất chấp mọi nỗ lực của cảnh sát, dường như không có dấu vết gì về tên sát nhân, sự bí ẩn kỳ lạ này đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho vô số những bộ phim, những cuốn sách, chương trình truyền hình và thậm chí biến Whitechapel thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Các giả thuyết về danh tính “thợ xẻ Jack” nhiều vô kể, từ Hoàng tử Albert Victor, Công tước xứ Clarence, đến Lewis Carroll đều được liệt vào dạng tình nghi. Dần dần, người ta nhắc đến cụm từ “thợ xẻ Jack” để ám chỉ đến những kẻ tội phạm đội lốt quỷ, tội ác của Jack được dùng làm tiêu chuẩn để phán xét những vụ giết người khủng khiếp khác.
Tôi tham gia vào nhóm những người bị cuốn hút bởi vụ án bí ẩn “thợ xẻ Jack” và nghiên cứu về vụ án đó trở thành đam mê của chúng tôi. Tôi đã đến Cục Lưu trữ Quốc gia để xem xét toàn bộ giấy tờ gốc còn tồn tại, ghi chú lại hàng trăm đầu sách và tác giả nói về vụ án này. Tôi luôn tự thuyết phục mình rằng nhất định mình đã bỏ lỡ điều gì đó, hay nơi nào đó trong hành trình làm sáng tỏ vụ án của mình.
Đến năm 2007, tôi cảm thấy mình dường như kiệt sức với hành trình không điểm dừng này cho đến khi tôi đọc được một bài báo về việc bán đấu giá chiếc khăn choàng có liên quan đến vụ án “thợ xẻ Jack”. Chủ sở hữu chiếc khăn, David Melville-Hayes, tin rằng vật này thuộc sở hữu của gia đình ông ta từ thời vụ án Catherine Eddowes, khi tổ tiên ông ta, trung sĩ Amos Simpson, hỏi cấp trên của mình liệu rằng ông ta có thể mang nó về tặng cho vợ (một thợ may) được không. Thật đáng kinh ngạc khi chiếc khăn đó đã không được giặt sạch mà gấp gọn gàng và lưu truyền từ bà cố của David, Mary Simpson, đến bà ngoại Eliza Smith và sau đó là mẹ ông, Eliza Mills, và đến ông.
Thanh tra cảnh sát Abberline bị nghi là “Jack thợ xẻ" (Nguồn: vtc.vn)
Năm 1991, David đã giao nó cho Bảo tàng tội phạm Scotland Yard, nơi chiếc khăn được lưu giữ trong kho thay vì trưng bày vì thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Năm 2001, David nhận lại chiếc khăn và đem trưng bày tại hội nghị “Jack Ripper” hàng năm. Năm 2006, người ta thực hiện xét nghiệm pháp y chiếc khăn trong một bộ phim tài liệu Channel 5: sử dụng một chiếc tăm bông và một phần (được chọn ngẫu nhiên) trên chiếc khăn, song kết quả thu được không thuyết phục.
Hầu hết các chuyên gia về “Jack Ripper” đều phủ nhận vai trò của chiếc khăn khi nó được đem đấu giá, nhưng tôi tin rằng mình là người duy nhất nhận thấy mối liên hệ giữa chiếc khăn và gã “thợ xẻ”. Chiếc khăn được tạo mẫu hoa cúc Michaelmas. Ngày nay, Lễ Giáng sinh của Michaelmas được xem là sự kiện cổ xưa, nhưng trong thời Nữ hoàng Victoria, nó được xem là ngày kì hạn, khi giá thuế và những khoản nợ đã đến hạn. Tôi phát hiện có hai ngày cho dịp này: một là vào ngày 29/9 tại nhà thờ Kitô giáo Tây và một là vào ngày 8/11 tại nhà thờ Chính thống giáo Đông. Tôi choáng váng hơn khi nhận ra hai ngày đó trùng hợp chính xác với đêm xảy ra hai vụ giết người cuối cùng. Đêm 29/9, Elizabeth Stride và Catherine Eddowes bị giết, và đêm 8/11, vụ giết người cuối cùng cũng là vụ án khủng khiếp nhất xảy ra với cái chết của Mary Jane Kelly. Tôi lập luận rằng, việc Eddowes sở hữu chiếc khăn đắt tiền ấy là vô lý bởi cô ta là một phụ nữ nghèo đến mức phải đem cầm đôi giày của mình vào đúng ngày bị giết hại. Nhưng có thể nào gã “thợ xẻ” đã mang theo chiếc khăn và bỏ lại nó như một manh mối mơ hồ khi hắn ta lên kế hoạch cho vụ giết người kế tiếp không? Đó chỉ là linh cảm của tôi, hoàn toàn không có bằng chứng nhưng lại bắt đầu một hành trình mới cho tôi.
Trước khi mua chiếc khăn, tôi đã nói với Alan McCormack, nhân viên phụ trách Bảo tàng Tội phạm, còn được gọi là Bảo tàng Đen. Ông ấy nói với tôi rằng cảnh sát luôn tin rằng họ biết danh tính của gã “thợ xẻ”. Chánh Thanh tra Donald Swanson, nhân viên phụ trách điều tra, đã đặt tên cho gã trong ghi chép của mình: Aaron Kosminski, một người Do Thái Ba Lan đã chạy trốn tới London cùng gia đình, để thoát khỏi cuộc tàn sát của Nga, vào đầu thập niên 1880. Kosminski luôn là một trong ba nghi phạm đáng ngờ nhất. Hắn ta thường được miêu tả là một thợ cắt tóc ở Whitechapel, nghề nghiệp được ghi trên giấy nhập học khi hắn đến trại cải tạo năm 1890. Điều chắc chắn là hắn mắc bệnh tâm thần trầm trọng, có thể là tâm thần phân liệt, ảo giác thính giác và bài xích phụ nữ đến mức tự “thỏa mãn”.
McCormack cho biết cảnh sát không có đủ bằng chứng buộc tội Kosminski, mặc dù họ có cả nhân chứng, nhưng họ bắt tạm giam hắn để theo dõi 24 giờ cho đến khi hắn chuyển đến trại tâm thần và sống ở đó đến hết đời. Tôi bỗng nhiên bị thuyết phục rằng Kosminski chính là gã “thợ xẻ” và vô cùng phấn khích trước viễn cảnh của việc chứng minh điều đó. Tôi chắc rằng khoa học hiện đại sẽ tìm ra được bằng chứng thực sự từ những vết ố trên chiếc khăn. Sau những khởi đầu sai lầm ấy, tôi tìm đến một nhà khoa học để xin giúp đỡ.
Tiến sĩ Jari Louhelainen, chuyên gia hàng đầu về bằng chứng di truyền thu được từ những vụ án trong lịch sử, đã chấp nhận tiến hành những xét nghiệm chiếc khăn. Các cuộc xét nghiệm bắt đầu vào năm 2011, khi Jari sử dụng công nghệ phân tích ảnh đặc biệt để xác nhận những vết ố đó là gì. Sử dụng máy ảnh hồng ngoại, ông cho biết những vết ố sẫm màu không phải chỉ là máu, mà chính xác là máu từ động mạch phun ra do bị chém – một cái chết nghiệt ngã đau đớn mà Eddowes phải chịu đựng.
Nhưng tiết lộ tiếp đó làm tim tôi ngừng đập. Dưới tác động của tia cực tím, một tập hợp những vết ố huỳnh quang xuất hiện và Jari cho rằng chúng có những đặc điểm của tinh dịch. Tôi chưa từng mong đợi sẽ tìm được bằng chứng về cá nhân gã “thợ xẻ”, vì vậy kết luận này thực sự làm tôi sốc, mặc dù Jari cảnh báo rằng chúng tôi cần phải làm nhiều xét nghiệm hơn nữa mới biết chính xác được.
Jari cũng tìm thấy bằng chứng của những bộ phận cơ thể bị cắt rời từ những cuộc tấn công điên cuồng. Một trong hai quả thận của Eddowes bị hung thủ cắt bỏ và sau đó, trong nghiên cứu của mình, Jari đã cố gắng xác định sự xuất hiện của thứ ông cho là một tế bào thận.
Không thể tách ADN từ những vết ố trên chiếc khăn nếu sử dụng những phương pháp thông thường. Thay vào đó, Jari sử dụng phương pháp “hút bụi”, với một ống hút chứa chất lỏng “đệm” đặc biệt, thứ mà có thể loại bỏ vật chất di truyền trên vải mà không làm hỏng nó. Jari nói rằng không thể sử dụng ADN thuộc hệ gen, phương pháp thường dùng trong những vụ án gần đây và bao gồm toàn bộ dữ liệu gen, bởi nếu quá thời gian một chút nó sẽ bị phân mảnh. Thay vào đó có thể dùng ADN ty thể. Nó được di truyền độc quyền chỉ qua cơ thể phụ nữ và phong phú đa dạng hơn, đồng thời cũng sống sót tốt hơn ADN gen. Điều này có nghĩa là để xét nghiệm lại, tôi phải tìm được con cháu dòng nữ của Catherine Eddowes. Thật may mắn, một người phụ nữ tên Karen Miller, chắt gái ba đời của Eddowes, đã đồng ý cung cấp một mẫu ADN của mình. Jari đã thu được sáu mẫu ADN hoàn chỉnh từ khăn choàng, và sau khi đối chiếu với mẫu ADN của Karen, họ thấy chúng hoàn toàn trùng khớp.
Đó thực sự là một bước đột phá tuyệt vời. Giờ đây, chúng tôi đã biết nguồn gốc của chiếc khăn, và chắc chắn rằng nó đã ở hiện trường vụ án tháng 9/1888, đẫm máu nạn nhân. Chiếc khăn đã trở thành vật phẩm quan trọng trong lịch sử “thợ xẻ”: vật duy nhất liên kết giữa khoa học và tội phạm. Những nghiên cứu, bao gồm phân tích các loại thuốc nhuộm được dùng, đã chứng minh chiếc khăn được sản xuất tại Đông Âu vào đầu thế kỷ 19. Giờ đây, chúng tôi cần nỗ lực để chứng minh, trên chiếc khăn có ADN của kẻ giết người.
Jari sử dụng cùng một phương pháp tách trên những dấu tinh dịch ở khăn choàng, điều này cảnh báo rằng xác suất tinh trùng còn lại là không cao. Nhờ sự giúp đỡ của Tiến sĩ David Miller, một chuyên gia về lĩnh vực này, vào năm 2012, họ đã thực hiện một bước đột phá khó tin khác khi tìm ra những tế bào còn sống sót. Đó là những biểu mô, một loại mô bao bên ngoài các cơ quan. Trong trường hợp này, chúng có thể đến từ niệu đạo trong quá trình xuất tinh.
Kosminski đang ở tuổi 23 khi mà vụ án diễn ra, và sống cùng 2 anh trai và một chị gái ở đường Greenfield, chỉ cách hiện trường nạn nhân thứ 3, Elizabeth Stride, gần 200m. Chúng tôi tìm được một người phụ nữ trẻ, hiện đang được giữ kín danh tính, là con cháu của chị gái Kosminski, Matilda. Cô đồng ý cung cấp ADN ty thể và những miếng gạc bên trong miệng.
Chúng tôi mất vài tháng tiến hành khuếch đại và sắp xếp trình tự ADN từ các tế bào được tìm thấy trên khăn choàng. Những sợi ADN đầu tiên cho thấy 99,2% trùng khớp, khi phương pháp phân tích không thể xác định trình tự của 0,8% phân mảnh ADN còn thiếu. Trên thử nghiệm sợi ADN thứ hai, chúng tôi xác nhận hai mẫu ADN hoàn toàn trùng khớp. Bảy năm sau khi mua chiếc khăn, cuối cùng chúng tôi đã “nắm thóp” Aaron Kosminski.
Sau đó, tôi ghé thăm East End, dạo trên những con phố nơi Kosminski sống, làm việc và thực hiện những tội ác kinh tởm của mình, để tận hưởng cảm giác hưng phấn vẫn còn chút không tin được là chính mình đã lột mặt nạ tên “thợ xẻ” lừng danh.
Kosminski không phải là thành viên của một gia đình hoàng gia, hay một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng hay một chính trị gia. Hắn là một sinh vật đáng thương, một kẻ mất trí tìm kiếm sự thỏa mãn tình dục bằng cách chém những người phụ nữ đến chết theo cách tàn bạo nhất. Hắn ta chết trong trại tâm thần Leavesden ở tuổi 53 bởi hoại tử, cân nặng chỉ còn khoảng 45kg
Nguồn :Diệu Linh (cstc.cand.com.vn)