Amabiko là một cái tên không có nghĩa, ngoài ra, yêu quái này còn được gọi là Amabiko nyūdō. Tên gọi của nó còn thay đổi từ nơi này sang nơi khác tùy thuộc vào những chữ Hán được sử dụng. Amabiko là yêu quái bí ẩn xuất hiện từ dưới biển để đưa ra những lời tiên tri. Nó trông giống khỉ, với cái miệng nhô ra, đôi mắt to tròn và đôi tai to.
Cơ thể của nó được bao phủ trong lớp lông dày và dài. Chúng thường được cho là có ba chân, mặc dù có một số trường hợp nhìn thấy Amabiko bốn chân đã được báo cáo. Có rất ít thông tin về Amabiko vì nó chỉ xuất hiện một vài lần trong lịch sử và chỉ trong một thời gian ngắn. Nó sống ở những vùng biển quanh Nhật Bản và đã được phát hiện ở Kyūshū cũng như dọc theo bờ biển Nhật Bản.
Tất cả các trường hợp nhìn thấy Amabiko đều theo cùng một kiểu: Amabiko nổi lên từ mặt biển và đưa ra một lời tiên tri. Nó báo trước một thời kỳ thu hoạch bội thu, tiếp theo là thời kỳ thảm họa và bệnh tật. Nó hướng dẫn mọi người sao chép hình ảnh của nó để sử dụng như là vật bảo vệ chống lại bệnh tật.
Rồi sau đó nó biến mất. Trong nửa cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã trải qua một số dịch bệnh nghiêm trọng. Người ta tin rằng linh hồn ma quỷ là thứ chịu trách nhiệm lây truyền bệnh tật, và một cách hiệu quả để tránh xa chúng là giữ bên mình hình ảnh của những linh hồn tốt đẹp mạnh mẽ. Trong thời kỳ này, có một số lượng lớn câu chuyện kể về việc nhìn thấy các yêu quái tiên tri, tất cả đều rơi vào khuôn mẫu giống như Amabiko.
Những yêu quái này xuất hiện trong một thời gian ngắn, tiết lộ một lời tiên tri, và sau đó biến mất. Báo chí sẽ đồn thổi những câu chuyện về chúng, cùng với hình minh họa của yêu quái, để mọi người treo trong nhà của họ như những lá bùa bảo vệ. Các yêu quái nổi tiếng khác bao gồm Amabie, Hakutaku, Hōnengame, Jinja hime và Kudan.
Trong số này, câu chuyện và mô tả của Amabie rất giống với câu chuyện của Amabiko đến nỗi người ta cho rằng chúng thực ra có thể là cùng một yêu quái. Cái tên Amabiko đã được viết bằng một số cách kết hợp kanji khác nhau, vì vậy, tạo ra ý nghĩa khác nhau từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, Amabiko thường được viết theo ngữ âm chứ không phải bằng chữ Hán, vì vậy ý nghĩa của tên của nó vẫn còn mơ hồ.
Nguồn: Tạ Ngọc Dương