Khoảng 30% người trưởng thành bị mất ngủ và không thể làm tốt công việc hôm sau. Thời lượng ngủ không nói lên tình trạng mất ngủ, mà quan trọng là cảm giác thế nào vào hôm sau. Nếu lúc tỉnh dậy mà cơ thể vẫn choáng váng và gà gật thì chắc chắn bạn thiếu ngủ. Những biểu hiện của mất ngủ đó là:
Mất ngủ có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến mọi sinh hoạt trong ngày như: Buồn ngủ cả ngày; suy nghĩ phán đoán kém và chậm chạp; không thể tập trung vào chi tiết; không nhớ sự việc ngay cả khi vừa mới xảy ra; dễ bị kích động vì những chuyện nhỏ nhặt. Mất ngủ tạm thời hay ngắn hạn: Từ vài ngày đến vài tuần, thường do những yếu tố tác động tức thì như: mất việc, mất người thân... Mất ngủ kéo dài: Hơn 1 tháng, thường kèm với các bệnh lý về thể chất hay tâm thần… với những nguyên nhân thường gặp như nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, phòng ngủ không thoáng khí, thay đổi môi trường sống; rối loạn về tâm - thần kinh như stress kéo dài, tức giận hay lo buồn, quá lo lắng về chứng mất ngủ, ngủ quá nhiều vào ban ngày và các bệnh lý khác.
Lập thời gian biểu: Đi ngủ đúng giờ vào mỗi đêm và thức dậy đúng giờ mỗi sáng. Không nên ngủ muộn vào ngày cuối tuần vì sẽ phá hỏng chu kỳ ngủ mà cơ thể đã quen. Không ngủ quá nhiều ban ngày hay quá 7-8 giờ/ngày.
Thư giãn trước khi ngủ: tắm nước ấm, đọc sách báo, xem tivi (thể loại giải trí nhẹ nhàng), nghe nhạc hay tập thể dục nhẹ nhàng (15-30 phút buổi chiều). Ngoài ra có thể tập yoga hay tập thiền để giúp cân bằng lại tinh thần. Giữ nhiệt độ phòng ngủ thích hợp, sẽ giúp dễ ngủ và không thức giấc giữa đêm.
Hạn chế tối đa những thực phẩm có chất Cafe, nicotine vào buổi tối. Dùng quá nhiều cafe sẽ bị mất ngủ, tuy nhiên liều lượng tùy thuộc vào thể chất, thói quen của mỗi người. Người hút thuốc lá thường chỉ ngủ chập chờn và sẽ bị thức giấc vì một tiếng động nhỏ, đôi khi không thể ngủ lại được. Hạn chế uống rượu: uống một ly rượu cocktail trước khi đi ngủ là một trong những phương cách cổ điển giúp dễ ngủ. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi uống vừa phải, vì nếu say xỉn sẽ làm hôn mê bất tỉnh, giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.
Ăn trước khi ngủ: Một bữa ăn thịnh soạn trước khi đi ngủ có thể làm đầy bụng, khó tiêu, gây khó chịu khi nằm và dẫn đến khó ngủ. Tuy nhiên, nếu ăn ít quá sẽ bị thức giấc ban đêm vì đói bụng (hạ đường huyết). Vì vậy bữa chiều cần ăn đủ no (trước lúc đi ngủ 2-3 giờ và tránh những món ăn khó tiêu). Thay đổi chế độ ăn: Nhiều nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm có thể giúp dễ ngủ vì có nhiều chất tryptophan như thịt gà tây, sữa, bơ, phô mai, một số loại đậu, ngũ cốc.
Thuốc bổ sung các vitamin và chất khoáng: Viên thuốc bổ sung các vitamin nhóm B và C có thể giúp giảm stress và lo lắng. Một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy phụ nữ tiền mãn kinh có chế độ ăn ít chất đồng (<1mg/ngày) thì thường bị khó ngủ và ít sảng khoái vào buổi sáng. Ngoài ra, những phụ nữ chỉ dùng 5-6mg sắt mỗi ngày sẽ dễ bị thức giấc vào ban đêm và ngủ kém hơn những người dùng đủ 10-15mg. Tuy nhiên khi cả nồng độ sắt và đồng trong máu đều thấp thì sẽ làm bệnh nhân ngủ nhiều hơn và điều này không phải là tốt.
Thực phẩm có nhiều đồng là tôm hùm, hàu, các loại hạt, hột, nấm và đậu phơi khô. Dùng nhiều thuốc có nhôm gây khó ngủ: nghiên cứu cho thấy những người dùng trên 1000mg nhôm/ngày thì sẽ bị ngủ kém. Con người hấp thu nhôm từ không khí, nước và cũng như từ các dụng cụ nhà bếp (xoong, chảo, muỗng, nhôm…), nhưng với liều này thường không gây vấn đề gì. Nhưng nếu dùng thuốc kháng acid (đau dạ dày) mỗi ngày, nhất là thuốc dạng dịch lỏng, thì cần lưu ý mỗi muỗng cà phê thuốc có chứa đến 200-250mg nhôm.
Nếu bị thức giấc giữa đêm khi dùng những thuốc này thì nên ngưng thuốc trong vài tuần để xem giấc ngủ có được cải thiện hay không. - Tham vấn bác sĩ: Cần điều trị những bệnh lý nội khoa khác gây khó chịu về thể chất và ngăn cản giấc ngủ. Nếu bị mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng mà không rõ nguyên nhân thì cần phải đi khám bác sĩ tâm - thần kinh, không nên tự ý hay lạm dụng thuốc ngủ.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống