Lễ cống nạp “tượng vàng thế thân” của các vua Đại Việt dân cho triều đình Trung Quốc

Trước đây, Lê Lợi và Đăng Dung dâng người vàng thế thân, đều trói tay gông cổ. Duy Đàm cho là mình khôi phục danh chính, chỉ làm tượng đứng,

Bài viết đi tìm hiểu tục lệ tiến cống “người vàng thế thân” trong lịch sử bang giao Việt Nam - Trung Quốc thời trung đại. Trong bài viết này, từ việc phân tích các sử liệu chính thống, quan phương (còn gọi là “chính sử”) ghi chép về việc cống “người vàng thế thân” từ cả hai phía (Trung - Việt).

Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí có viết rằng: “Xét: Thời Lê sơ thông hiếu với Trung Quốc, có người vàng thay mình để đền mạng Liễu Thăng, nhà Minh định làm cống phẩm.”

Đây có thể là nói là sai lầm rất lớn, bởi ngay từ hai chữ “đại thân” đã nói rõ người vàng là thay thế, đại diện cho mình, tức vua nước ta, chứ không phải thay thế cho mạng của viên tướng bị chết nào đó. Vua ta không sang triều kiến triều đình Trung Quốc cho nên mới đem cống người vàng để thay thế cho mình.

LỄ CỐNG NẠP ”TƯỢNG VÀNG THẾ THÂN”

Ảnh Lĩnh Nam Chích Quái

Nguồn gốc của việc cùng "người vàng thế thân"

Việc đúc người vàng, người bạc đem cống đã có từ trước thời Lê Lợi rất nhiều chứ không liên quan đến việc Liễu Thăng hay Lương Minh. Cương mục - Chính biên chép về đế Quý Khoách rằng:

“Đến nay lại sai Hành khiển Hồ Nghiện Thần sung chức chính sứ cầu phong, Thẩm hình Bùi Nột Ngôn làm phó, sang nhà Minh, đem dâng tờ biểu và phẩm vật địa phương cùng người vàng, người bạc thế mạng, mỗi thứ một người.”

LỄ CỐNG NẠP ”TƯỢNG VÀNG THẾ THÂN”

Ảnh minh họa (Ảnh: unsplash)

Tục này vốn xuất phát từ đòi hỏi của nhà Nguyên bên Trung Quốc. Nguyên sử chép tháng Ba, năm thứ 16 [1279], Nguyên triều sai bọn Sài Xuân sang dụ vua nước ta qua chầu, “nếu như không thể đích thân sang triều kiến, thì phải đúc người vàng thay cho bản thân mình, dùng hai viên châu để thay hai mắt, cùng với các hạng hiền sĩ, phương kỹ, con trai con gái, thợ thuyền, mỗi hạng hai người, để thay cho toàn dân trong nước.”

Do đó, nhà Trần cũng sai sứ đem cống người vàng. Nguyên sử chép: “Ít lâu sau, thì Nhật Huyên sai sứ sang tạ tội, tiến người vàng thế tội cho mình.”

Minh sử chép về tục cống người vàng này ở cả ba triều Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng nước ta: “Lợi lại nói là họ Trần không còn dòng dõi sót lại, xin chờ lệnh khác. Nhân cống phương vật cùng người vàng thế thân cho mình.”

“Trước đây, Lê Lợi và Đăng Dung dâng người vàng thế thân, đều trói tay gông cổ. Duy Đàm cho là mình khôi phục danh chính, chỉ làm tượng đứng, vẻ mặt nghiêm trang. Hữu ty hiềm như vậy là ngông nghênh, lệnh cho làm lại, bèn làm thành hình tượng người phủ phục, trên lưng khắc chữ rằng: ‘Thần, Lê Duy Đàm, cháu dòng đích họ Lê ở An Nam, không thể đích thân bò lết trước cửa trời, cung tiến người vàng thế thân, hối tội mà xin gia ơn.’”

Lịch triều hiến chương loại chí chép là người vàng, có lẽ là nhầm hoặc giả người bằng bạc mà mạ vàng chăng?. Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí và dâng lên Vua Minh Mạng năm 1821 khi ông bắt đầu làm quan ở viện Hàn Lâm. Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến.

Theo sử liệu Trung Hoa, việc cống “người vàng thế thân” trong quan hệ bang giao Việt - Trung bắt đầu xuất hiện từ thời Nguyên. Khởi nguồn, để lấy cớ chèn ép và nô thuộc An Nam (tức Đại Việt 大 越), nhà Nguyên [Chí Nguyên 至 元 năm thứ 4 - 1267] đã đưa ra yêu sách “6 việc”, đó là: “

  • 1) Vua nước ấy phải sang chầu.
  • 2) Cho con em vua sang làm con tin.
  • 3) Biên nộp hộ khẩu trong nước.
  • 4) Góp quân lính.
  • 5) Đóng sưu thuế.
  • 6) Đặt chức Đạt lỗ hoa xích để cai trị”.

Ảnh KHOAVANHOC

Vua Trần là Trần Quang Bính (tức vua Trần Thánh Tông 陳 聖 宗) lần lữa không tuân theo. Năm 1278, nhà Nguyên lại sai sứ thần Sài Thung sang An Nam đòi Trần Nhật Huyên (tức Trần Nhân Tông 陳 仁 宗) “nhập cận” (lấy cớ Nhật Huyên “tự lập” không xin phép và vua Nguyên mới đổi tên nước là “Đại Nguyên” 大 元, đòi ông sang chúc mừng). Vua Trần lấy cớ sức khoẻ yếu, không quen thuỷ thổ để từ chối. Sứ Nguyên về nước, vua Trần sai sứ là Trịnh Quốc Toản, Đỗ Quốc Kế sang sứ để biện bạch. Nhà Nguyên không chấp thuận. Năm 1279, Sài Thung lại sang An Nam cật vấn vua Trần tự tiện lên ngôi và không sang chầu. Vua Trần tiếp tục tìm nhiều cách từ chối, sứ giả hai nước qua lại rất nhiều để thương thảo nhưng không có kết quả. Cuối cùng nhà Nguyên đưa ra một cách thức được họ cho là nhượng bộ, thoả hiệp đó là dùng “người vàng thế thân”.

Chiếu dụ của vua Nguyên yêu cầu và đe doạ: “Nếu quả không thể tự mình sang chầu, thì hãy gom vàng [đúc tượng] thay cho thân mình, dùng 2 hòn ngọc để thay cho mắt mình, lại phụ thêm hiền sĩ, phương kĩ, con gái, thợ thuyền mỗi hạng hai người, để thay cho dân trong nước. Nếu không theo thì hãy sửa sang thành trì mà đợi sự phán xử của ta”.

LỄ CỐNG NẠP ”TƯỢNG VÀNG THẾ THÂN”

Ảnh: Trithucvn

Vua Trần vẫn không chấp nhận nhưng có nhượng bộ bằng cách đưa chú là Trần Di Ái sang thay chầu. Sự việc sau đó, như chúng ta đều rõ: 2 lần (1285, 1288) nhà Nguyên cất quân chinh phạt An Nam và đều thất bại thảm hại. Mặc dù vậy, năm 1288, nhà Nguyên vẫn sai sứ Lí Tư Diễn, Vạn Nô sang An Nam đòi vua Trần vào chầu và đe doạ tiếp tục đem quân sang đánh để rửa hận. Trước áp lực to lớn đó, vua Trần buộc phải nhượng bộ bằng cách: “lại sai sứ sang tạ, dâng người vàng để tạ, gánh thay tội cho bản thân”.

Ảnh: Internet

Nhà Nguyên vẫn tiếp tục hạch sách đòi vua Trần vào chầu thêm vài lần nữa, nhưng chấm dứt hẳn việc động binh. Như vậy, theo sử Trung Hoa, đây là lần đầu tiên An Nam cống “người vàng thế thân”

Những diễn biến và tính chất của lễ cống người vàng

Tục cống người vàng này, một mặt vua nước ta tiến cống cho triều đình Trung Quốc, một mặt lại bắt các Thủ lĩnh địa phương trong nước cống nộp. Toàn thư - Bản kỷ chép: “Quý Tỵ [1593]... viên thổ quan ở Đại Đồng là Hoà Thắng hầu Vũ Đức Cung đem hơn 3.000 quân bản bộ về Kinh thú tội, quy phục triều đình, dâng 10 mâm vàng bạc châu báu, một pho tượng bằng bạc thay mình (nguyên văn 代身銀人 - đại thân ngân nhân), 2 bình hoa bạc, 1 lư hương bạc, 1 đôi hạc bằng bạc, 30 con ngựa tốt, đến cửa dinh lạy chào.”

LỄ CỐNG NẠP ”TƯỢNG VÀNG THẾ THÂN”

Ảnh: Trithucvn

Việc nhà Nguyên đòi cống “người vàng thế thân” hẳn là có thật (được sử liệu hai bên thừa nhận ở những mức độ khác nhau), thể hiện thái độ rất kẻ cả, ngạo mạn của chúng. Việc vua Trần kháng cự cũng là có thật, được chính sử nhà Nguyên ghi lại, thể hiện ý chí cứng cỏi, độc lập của nhà Trần. Nhưng, năm 1288 nhà Trần có cống người vàng hay không thì hai bên có quan điểm khác nhau. Có 2 giả thiết được đặt ra. 

Một là, việc này là có thật, sử nhà Nguyên ghi chép chân thực với một sự tự mãn vốn có (nhưng có phần gượng gạo) đối với Đại Việt. Điều đó, nếu có, thực ra cũng không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi dù chiến thắng quân Nguyên, nhưng trước áp lực của một nước lớn mạnh hơn nhiều lần, vua Trần phải chọn biện pháp cầu hoà. Nếu một lễ cống người vàng có thể tránh được can qua, chết chóc thì có lẽ ông cũng nên làm. Đó là một sự thoả hiệp, nhượng bộ (trên thế thắng) để đổi lấy hoà bình. Việc này sau đó nhiều vị vua khác của Đại Việt cũng làm theo. 

Hai là, có thể sử thần nhà Nguyên đã “chế tác” ra sự kiện này để tô vẽ, lấy lại thể diện cho vua quan nhà Nguyên sau 2 lần thất bại cay đắng. Hiện tượng đó không phải không thường xảy ra (khi sử Trung Hoa thường viết thế nào để giảm nhẹ thất bại của họ ở Đại Việt). Nếu đúng như vậy thì sử Việt đã phản ánh sự thực, và họ ngầm bác bỏ sử Trung Hoa. 

Về việc tiến cống người vàng của triều Lê Trung hưng, sử Việt ghi chép rất cẩn thận và khá chi tiết. Lúc bấy giờ (1595-1597), nhà Lê Trung hưng cơ bản đã đánh đuổi được Mạc khỏi Thăng Long, đề nghị sang Minh cầu phong (dâng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc và sản vật), tuy nhiên nhà Minh dây dưa không thuận và đòi cống người vàng. Hai bên trải qua một số lần chuẩn bị, thương thảo căng thẳng, giằng co kéo dài khoảng 2 năm. Mãi đến năm 1597, việc hội khám mới được tiến hành và chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan đã kết thúc câu chuyện cống người vàng.

LỄ CỐNG NẠP ”TƯỢNG VÀNG THẾ THÂN”

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613). Ảnh: internet

Qua ghi chép của Toàn thư, Cương mục,… có thể thấy rõ sự sách nhiễu, hách dịch, ngang ngược của nhà Minh và sự đấu tranh của triều Lê Trung hưng. Việc sử Việt ghi chép chi tiết như vậy (so với các lần trước), ngoài nguyên nhân thuận lợi về thông tin tiếp cận, dường như còn có ý tố cáo sự “quá đáng” của “thiên triều” chứ không đơn giản chỉ là tường thuật sự việc. 

Qua các sự kiện trên cho ta thấy được sự bất phục của triều đình Đại Viêt với nước lớn mạnh. Và quan điểm chính trị mềm dẻo của Đại Việt để không gây xung đột với các nước lớn. Và cái họa Trung Hoa luôn kéo dài qua các triều đại phong kiến khiến cho nhân dân lầm than, các lễ vật bị vơ vét. Và cuối cùng Đại Việt cũng cho nước lớn thấy mình không dễ bắt nạt và cũng tuyên bổ chủ quyền độc lập.

Tham Khảo: Nhu To(fb) + Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 8-9 năm 2012, tr.146-181.URL: http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/view/8730/0

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay