Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Hoa Kỳ thường được coi là siêu cường duy nhất của thế giới trong khi Trung Quốc vẫn thường được gọi là một siêu cường mới nổi.
Một số nhà phân tích cho rằng người khổng lồ châu Á sẽ vượt qua Mỹ như một cường quốc toàn cầu trong những thập kỷ tới, trong khi những người khác duy trì quan điểm cho rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì vị trí lãnh đạo thế giới trong nhiều năm tới.
Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 ở Osaka ngày 29 tháng 6 năm 2019
Vào ngày 18 tháng 12 năm 2018, Trung Quốc đã hoàn thành 40 năm kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1978. Trung Quốc đã đi một chặng đường dài kể từ thời điểm đó và hiện là nền kinh tế số hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Bài viết này sẽ so sánh các con số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc với con số của Hoa Kỳ trong giai đoạn 40 năm. Do năm 2020 chưa kết thúc nên dữ liệu từ 2018 đến 2020 là dự báo của các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong năm 1980, GDP của Trung Quốc là 305 tỷ USD trong khi GDP của Mỹ là 2.800 tỷ. GDP Trung Quốc đạt 1.000 tỷ đô la vào năm 1998. Vào thời điểm đó, GDP của Mỹ đạt 9.100 tỷ USD. Khoảng cách giữa GDP của Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng cho đến khi đạt đến mức tối đa năm 2006. Từ đó trở đi, khoảng cách đã giảm dần vì Trung Quốc mỗi năm có GDP gia tăng nhanh hơn so với Mỹ.
Cuối năm 2006, GDP của Trung Quốc là 2.800 tỷ USD và GDP của Mỹ là 13.800 tỷ. Trong suốt 26 năm (giai đoạn 1980-2006), GDP của Trung Quốc gia tăng 2.500 tỷ USD trong khi GDP của Mỹ gia tăng 11.000 tỷ. Vì vậy, Mỹ có GDP gấp 4 lần so với Trung Quốc.
Đến cuối năm 2020, IMF dự báo GDP của Trung Quốc sẽ đạt 15.500 tỷ USD, trong khi GDP của Mỹ sẽ đạt 22.300 tỷ USD. Điều này cho thấy trong suốt 14 năm từ 2006 đến 2020 GDP Trung Quốc tăng thêm 12.700 tỷ USD và Hoa Kỳ tăng thêm 8.500 tỷ.
Trung Quốc có tổng dân số 987 triệu người trong năm 1980. Dân số Hoa Kỳ trong năm 1980 là 228 triệu người. Trung Quốc có dân số gấp 4 lần so với Hoa Kỳ vào năm 1980. IMF dự báo dân số Trung Quốc sẽ đạt 1,4 tỷ vào năm 2020, trong khi dân số Hoa Kỳ sẽ đạt tới 332 triệu người. Điều này ngụ ý sự gia tăng dân số Trung Quốc là 422 triệu và Hoa Kỳ là 104 triệu trong giai đoạn 40 năm, từ 1980 đến 2020.
Tăng trưởng thu nhập trung bình đầu người của Hoa Kỳ giai đoạn 1980 - 2020
Tăng trưởng thu nhập trung bình đầu người của Trung Quốc giai đoạn 1980 - 2020
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trong năm 1980 là 309 USD so với GDP bình quân đầu người của Mỹ là 12.553 USD. Vì vậy, GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp 41 lần so với Trung Quốc. IMF dự báo GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 10.971 USD vào năm 2020. Con số này vẫn thấp hơn GDP bình quân đầu người của Mỹ năm 1980 là 12.553 USD. GDP bình quân đầu người của Mỹ dự kiến sẽ đạt 67.082 USD vào năm 2020
Nếu chúng ta so sánh GDP trên cơ sở ngang giá sức mua tương đương (PPP), Trung Quốc có nền kinh tế lớn hơn Mỹ. PPP của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ ngay trong năm 2014. PPP của Trung Quốc đạt 18.300 tỷ USD trong năm 2014, trong khi thời điểm đó PPP của Mỹ là 17.500 tỷ. IMF dự báo PPP của Trung Quốc sẽ đạt 29.700 tỷ USD vào năm 2020.
Trong năm 2018, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP bình quân đầu người) là 18.110 USD. IMF ước tính PPP bình quân đầu người của Trung Quốc là 19.520 USD trong năm 2019 và 21.082 USD trong năm 2020.
IMF dự báo rằng PPP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 21.084 USD vào năm 2020. Do PPP lấy đơn vị là sức mua của đồng USD tại Mỹ nên thu nhập trung bình theo PPP của một người Mỹ cũng chính là thu nhập trung bình theo GDP của người đó. Mặc dù Trung Quốc vượt Hoa Kỳ về PPP nhưng PPP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn mới chỉ bằng một phần ba so với mức 67.082 USD của một công dân Hoa Kỳ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ giai đoạn 1980 - 2020
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giai đoạn 1980 - 2020
Như vậy trong giai đoạn 40 năm từ 1980 - 2020 GDP của Trung Quốc tăng trưởng gấp 51 lần và thu nhập đầu người tăng 36 lần. Ở phía bên kia, GDP của Mỹ tăng trưởng gấp 8 lần và thu nhập đầu người tăng 5 lần.
Vậy đã đủ để Trung Quốc thách thức vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ trong thập niên tới? Nhà khoa học chính trị Michael Beckley và là tác giả của cuốn sách 'Unrivalled: Why America will Remain the World's Sole Superpower' không nghĩ như vậy. Tiến sĩ Beckley lưu ý rằng "Hoa Kỳ là vùng đất giàu có và an toàn nhất trên hành tinh...và có một hệ thống chính trị - dù không hoàn hảo - vẫn tốt hơn so với các chế độ tham nhũng ở Trung Quốc hoặc Nga", ông nói.
Thật đắt khi trở thành một siêu cường. Chi phí duy trì một đạo quân khổng lồ, dẫn dắt các chính sách ngoại giao ở phạm vi toàn cầu và cung cấp viện trợ cho nước ngoài để mở rộng tầm ảnh hưởng sẽ càng ngày càng tăng thêm. Trung Quốc càng mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu, phí tổn sẽ ngày càng nặng nề mà Liên Xô là tấm gương trước mắt khi phải è cổ ra viện trợ nuôi ăn những cục nợ kinh tế như Cuba hay Việt Nam...
Chắc chắn, Trung Quốc muốn thống trị ở châu Á, sân sau của nó nhưng trở thành một cường quốc trong khu vực không giống như một siêu cường toàn cầu, một khái niệm lần đầu tiên được sử dụng để mô tả Đế quốc Anh trong thế kỷ XIX, Liên Xô và Hoa Kỳ trong thế kỷ XX.
Một siêu cường đòi hỏi phải xuất sắc trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, quân sự và cả sức mạnh mềm (ảnh hưởng chính trị và văn hóa). Trung Quốc tuy đã là một siêu cường kinh tế và GDP có thể vượt Mỹ trong tương lai gần nhưng những yếu tố còn lại thì thua kém rất xa và khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Chưa kể mạng lưới đồng minh của Mỹ trải rộng trên toàn cầu, các căn cứ quân sự án ngữ các vị trí chiến lược bao vây Trung Quốc là những ưu thế mà hiện nay và thậm chí trong vài thập kỷ tới Trung Quốc không thể xây dựng được để trở thành một đối thủ cạnh tranh đúng nghĩa với Mỹ.