Lược sử tư tưởng hồi giáo phần 4

Sự sùng bái thần tượng dẫn đến nhu cầu tin tức chi tiết về thần tượng của mình. Cũng giống như chúng ta ngày nay thu thập tin tức về những người nổi tiếng, kể cả những tin cực nhảm như người mẫu X ngủ dậy thấy thâm gối rát họng, nam thần Y chỉ đứng không ngồi được.

Cuộc chiến tư tưởng quanh thời kỳ các caliph Abbasid (750-1258)

Sự sùng bái thần tượng dẫn đến nhu cầu tin tức chi tiết về thần tượng của mình. Cũng giống như chúng ta ngày nay thu thập tin tức về những người nổi tiếng, kể cả những tin cực nhảm như người mẫu X ngủ dậy thấy thâm gối rát họng, nam thần Y chỉ đứng không ngồi được. Các tín đồ Hồi giáo khi xưa cũng thu thập những thông tin về đời sống của Nhà tiên tri Muhammad mà chắc không ngờ đên một ngày chúng trở nên rất quan trọng. Những thông tin này (lời nói, hành động...) của Nhà tiên tri Muhammad được gọi là sunnah;truyền đạt, báo cáo về sunnah gọi là hadith. Nói đại khái thì các hadith là tập hợp văn học truyền đạt lại truyền thống về lời ăn tiếng nói, cách hành xử của Nhà tiên tri Muhammad.

Trong cộng đồng Hồi giáo, luật lệ Hồi giáo được gọi là shariah, do sự phát triển phức tạp và nhiều mâu thuẫn của cộng đồng Hồi giáo sau khi Muhammad qua đời, chỉ nội dung Kinh Qur’an đã không còn đủ để hình thành những điều luật mới đáp ứng cho sự phát triển, ví dụ như Kinh Qur’an có thể nói con người nên làm việc tốt hay việc xấu, nhưng không hề có chỉ thị cụ thể liệu làm việc xấu có bị ném đá cho chết hay không? Do đó cần thêm nguồn tư liệu tham khảo để soạn thảo luật, một trong những nguồn cơ bản nhất sau Kinh Qur’an rõ ràng là các hadith. Nhưng các hadith chỉ xoay quanh Muhammad trong một môi trường hạn chế, không thể áp dụng cứng nhắc “luật sa mạc” cho những lãnh thổ rộng lớn mới với điều kiện môi trường và xã hội đa dạng hơn. Một nhóm người ủng hộ việc cần phải dựa vào những “lý luận ngoại suy” và “luật pháp ưu tiên vì lợi ích chung” như là tiêu chí cho một nguồn thứ 2 để soạn thảo luật, những người này gọi là ahl al-ray - người của lý lẽ. Trong khi đó, một nhóm đối lập cho rằng sau Kinh Qur’an thì luôn cần phải tuân theo các hadith, nhóm gọi là ahl al-hadith - người của truyền thống. Giờ chúng ta có thể thấy một số luật lễ dã man của Hồi giáo từ đâu mà có.

Những người của lý lẽ

Người tiên phong của trường phái pháp lý duy lý là Abu Hanifa. Tại Iraq, có một nhóm các nhà thần học muốn chứng tỏ sự tương thích của đức tin Hồi giáo và lý trí gọi là các Mutazilite. Hầu hết các Mutazilite đi theo quan điểm của Abu Hanifa về luật học. Họ cũng theo quan điểm của các Qadari về tự do ý chí. Theo họ, vì Chúa công bằng nên ngài không bao giờ thưởng phạt mà không có lý do, do đó con người là kẻ tự tạo ra những hành động của mình.

Tuy nhiên, phe đối lập với các Mutazilite lại phản biện rằng thật sai lầm khi tự định nghĩa công bằng rồi lại bắt Chúa phải theo định nghĩa đó. Theo họ thì bất cứ điều gì Chúa làm đều là công bằng, kể là nếu ngài tống hết mọi người xuống địa ngục không cần lý do. Không có định nghĩa công bằng nào nằm ngoài bất cứ hành động của Chúa.

Abu Hanifa là một nhà thần học Hồi giáo Sunni thế kỷ thứ 8 và là nhà tư pháp gốc Ba Tư

Chủ nghĩa duy lý của các Mutazilite dẫn họ đến một kết luận rằng Chúa và vũ trụ của ngài vận hành theo những quy luật hợp lý. Đây là một tiền đề kêu gọi những tìm tòi mang tính khoa học, từ đó mà có sự bùng nổ về khoa học của thế giới Hồi giáo trung cổ.

Về vấn đề mặc khải, các Mutazilite cho rằng Kinh Qur’an được tạo ra, tức là Chúa nói trong 1 thời điểm nhất định của lịch sử, và do đó có thể được diễn giải; họ phát triển 1 phương pháp diễn giải Kinh Qur’an gọi là ta’wil. Trong khi phe đối lập thì cho rằng Kinh Qur’an không hề được tạo ra mà nó luôn tồn tại cùng Chúa từ đời đời kiếp kiếp, và do đó cũng không được diễn giải mà chỉ có thể áp dụng.

Các Mutazilite cho rằng thế giới là nơi tự do cho con người lựa chọn, rằng việc chấp nhận đức tin phải đến từ trái tim, do đó họ có cái nhìn cởi mở với những người ngoại đạo. Tư tưởng tự do này mở đường cho những ý tưởng chính trị đáng chú ý. Al-Farabi, một triết gia Hồi giáo đã đề cập trong cuốn sách The Book of Civil Politics của mình rằng những luật lệ cần được thiết lập với lý do con người. Một chính phủ lý tưởng phải cho những cư dân sự tự do hoàn toàn, khiến người ngoài muốn gia nhập và do đó dẫn đến một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa, là đảm bảo cho sự dồi dào về nhân tài.

Những người của truyền thống

Rất tiếc là những tư tưởng tự do cởi mở và khoa học duy lý này gặp phải một đối thủ đáng gờm, Ahmad ibn Hanbal. Ahmad ibn Hanbal cho rằng các Murjiite, Qadari, Mutazilite, những người theo Abu Hanifa cần phải bị cấm và sách của họ phải bị đốt sạch. Ông thậm chí không coi họ là người Hồi giáo và phải bị xử. Bất cứ ai nói rằng Kinh Qur’an “được tạo ra” cần phải sám hối. nếu không sẽ phải bị giết. Nền tảng cho những quan điểm luật học của Hanbal là “truyền thống” của Nhà tiên tri Muhammad.

Ahmad Hanbal nổi tiếng vì không bao giờ ăn dưa hấu, do ông không tìm thấy việc ăn dưa hấu trong truyền thống của Muhammad. Ông cũng yêu cầu vợ không đi một số loại giầy vì chúng không tồn tại ở thời Muhammad. Trong thế giới của Ahmad Hanbal, chỉ những gì được chứng minh trong sunnah mới được cho phép.

Thầy của Hanbal, al-Shafi, phát triển 1 lý thuyết với ý tưởng cốt lõi là nâng tầm Muhammad lên thành một người ra luật, và do đó những lời nói và hành động của ông có thẩm quyền như Kinh Qur’an. Nhưng làm sao để biết được chính xác lời nói và hành động của Muhammad tại thời điểm này, gần 200 năm sau khi ông đã chết? Câu trả lời là các hadith. Vấn đề là không như Kinh Qur’an được viết lại, các hadith được truyền miệng và chúng ta đều biết sự tam sao thất bản của việc truyền miệng, nhất là truyền miệng trong gần 200 năm. Việc những người của truyền thống nâng tầm quyền lực của các hadith càng khiến chúng dễ bị thêm thắt chỉnh sửa vì lợi ích riêng. Và thế là hadith mọc lên như nấm sau mưa, “Tôi thấy Nhà tiên tri thế này…,” “Tôi thấy Nhà tiên tri thế kia…” Thậm chí có cả hadith “Ăn bánh quy làm người ta khỏe hơn.” đến từ một người bán bánh quy.

Dù sao thì hình như từ thời Muhammad cũng có một số ít người viết lại các hadith rồi truyền lại cho các thế hệ đồ đệ. Nhưng Aloys Sprenger trong cuốn sách The Life of Mohammadcủa mình cho rằng những hadith viết từ trước thời điểm giữa thế kỷ thứ 8 này đã hoàn toàn biến mất.

Đứng trước tình hình “hadith” vô tội vạ này, Ahmad Hanbal và các học giải tiến hành truy dấu và al-Bukhari đã chọn ra 2,602 hadith từ hơn 300,000 hadith. Điều này trấn an những người của truyền thống, thậm chí một số còn cho rằng chỉ hadith là đủ và có thể bỏ Kinh Qur’an.

Sự ảnh hưởng đến luật Hồi giáo (shariah)

Từ những chiến dịch vận động của Ahmad Hanbal, sự trỗi dậy của những người của truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến luật học. Shariah khắt khe hơn, hình thành những sự trừng phạt như ném đá dâm phụ, giết kẻ bỏ đạo, những hạn chế xã hội đối với phụ nữ, cấm nghệ thuật và âm nhạc, trừng phạt việc uống rượu,...Tất cả đều không có trong Kinh Qur’an mà đến từ các hadith. Phụ nữ cũng được mô tả trong các hadith là gian xảo, quỷ quyệt và là những sinh vật không có đạo đức.

Học thuyết về đấu tranh (jihad) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi al-Shafi. Ông chia thế giới thành Nơi của Hồi giáo và Nơi của Chiến Tranh, và hình dung những cuộc chiến không ngừng giữa hai nơi. Những nhà lý luận chính trị sau đó đã dùng khái niệm này để xác nhận 1 nhiệm vụ của caliph là “phát động chiến tranh mỗi năm 1 lần.” Trong khi hầu hết các Hanafi (những người theo Abu Hanifa) tranh luận rằng chỉ chiến đấu với những kẻ ngoại đạo nếu họ viện đến đấu tranh vũ trang.

Mai Dạ Phúc Ca

Bài viết liên quan

Cùng danh mục

 
Tư vấn ngay